Quan điểm
Việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” (ĐTCLTD) giữa hai cựu thù, một bên đã từng thề “uống máu” bên kia hay “tiêu diệt đến tên đế quốc xâm lược cuối cùng” từ 50 năm trước, đây quả là một bước tiến lớn, tuy hơi chậm nhưng còn hơn không và cho thấy Việt Nam đã “tương đối tin tưởng Mỹ”, hai nước “ngày càng sát cánh chiến lược với nhau”.
Việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” (ĐTCLTD) giữa hai cựu thù, một bên đã từng thề “uống máu” bên kia hay “tiêu diệt đến tên đế quốc xâm lược cuối cùng” từ 50 năm trước, đây quả là một bước tiến lớn, tuy hơi chậm nhưng còn hơn không và cho thấy Việt Nam đã “tương đối tin tưởng Mỹ”, hai nước “ngày càng sát cánh chiến lược với nhau”.
Nhìn chung đây là một sự khởi đầu tích cực nhưng còn cần nhiều trắc nghiệm để đánh giá sự nâng cấp đó thể hiện trong thực tế như thế nào, nhưng trước tiên cần xác định bối cảnh tổng quát đưa đến việc nâng cấp ĐTCLTD.
Về phía Mỹ
Vì nhu cầu cạnh tranh địa chiến lược trong vùng Á châu-Thái Bình Dương và bao vây Trung Quốc đang bành trướng ở Biển Đông và thế giới xuyên qua “Kế hoạch Vành đai-Con đường” gọi là BRI/ Belt and Road initiative.
Cần có chuỗi cung ứng an toàn sau khi dần dần rút khỏi TQ, nhu cầu cho công nghệ chất bán dẫn, nguyên liệu quí hiếm, lao động rẻ, xâm nhập thị trường Việt Nam, giành ảnh hưởng, thị phần…
Phía Việt Nam
Kinh tế trở nên tồi tệ hơn dự đoán sau dịch Covid, nhiều hãng xưởng đóng cửa do nhu cầu kinh tế toàn cầu chậm lại, thất nghiệp cao, gây nên căng thẳng xã hội, đe dọa an ninh chế độ.
Với TQ: quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có cội rễ lâu đời vừa là láng giềng lúc thịnh khi suy, vừa có quan hệ XHCN anh em hợp tác để cùng tồn tại khi đang có xung đột gay gắt về địa kinh tế chiến lược với Hoa Kỳ, nhưng TQ vẫn không ngại ra tay dạy cho VN bài học, ngang nhiên lấn đất lấn biển, quan hệ mậu dịch mang tính lấn áp, trên cơ hơn là công bằng thậm chí còn bắt chẹt, chơi xấu nhau đặc biệt nhứt là đứng trước bế tắc về kinh tế xã hội, VN không hi vọng nhận được sự trợ giúp lớn lao gì từ TQ vì kinh tế TQ cũng đang kiệt quệ.
Với Nga: đối tác chiến lược toàn diện mang di sản từ thời kỳ chiến tranh lạnh qua cuộc đối đầu giữa hai khối CS và Tự Do, sang đến thời kỳ LB Xô viết sụp đổ, sau đó chuyển sang giai đoạn “phát xít Putin”, VN đã nghiêng về phe Nga, quan hệ đó đa phần đặt nặng vào địa chiến lược, cung cấp võ khí, khai thác dầu khí hơn là phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho đến khi xe tăng Nga vượt biên giới xâm lăng Ukraina thì đối tác truyền thống đó biến dạng, trớ trêu đang trở thành hoài niệm chua chát vì nó làm cho Hà nội bị ám ảnh bởi tiềm năng xung đột kiểu “Nga-Ukraine” mới tại Á châu giữa “Hoa và Việt”.
Với Mỹ, sự kiện nâng cấp mang tính nhảy vọt mà cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, từng là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho đây là một “thắng lợi” và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper gọi việc nâng cấp 2 bậc này là “phi thường và chưa từng có tiền lệ”, một ‘sự kiện lịch sử win-win’ cho cả hai bên qua việc đánh đổi quyền lợi kinh tế, chiến lược của Mỹ với cam kết không đe dọa thể chế chính trị của Việt Nam.
Nhưng trên trường đời khi có kẻ thắng ắt phải có người thua
Vấn đề nâng cấp quan hệ lên cao nhứt với ai, được gì, có hay không ý định tôn trọng hệ thống chính trị hoặc đe dọa thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam, nhưng cái đơn giản nhứt, lớn nhứt chung qui lại vẫn là nhân dân VN được lợi gì trong quan hệ mới vì tất cả đều liên quan đến con người, vì con người, cho những con người VN bằng xương bằng thịt.
Người ta sẽ tự hỏi rằng việc nâng cấp quan hệ đó được thực hiện như thế nào mới đem lại lợi ích thực sự cho hai nhân dân Việt-Mỹ, đặc biệt là cho người dân VN là chủ nhân ông thực sự của đất nước nầy.
Quan hệ cao nhứt với TQ và Nga đã mang lại lợi ích cụ thể nào hầu hết ai cũng biết, nó có thực sự phản ánh đúng với nguyện vọng của nhân dân VN không và nay VN lại mở thêm quan hệ mới với Mỹ sẽ đưa tới những khả hữu nào?
Điểm đặc thù trong quan hệ đối tác với Mỹ, đối tác mới có tiêu chuẩn giá trị về con người rất tương phản với các đối tác đã có từ lâu với VN như Nga, Hoa, do đó khi nâng tầm quan hệ lên cao nhứt với Mỹ có thực sự nâng cao các giá trị về nhân quyền bẩm sinh, các quyền tự do tự nhiên mà là người ai cũng có cho người Dân Việt hay không?
Nếu để các mục tiêu cốt lõi đó bị lượt lọc, bóp méo hay định hướng bởi đảng CSVN, hiện thời được Mỹ coi là đối tác trong quan hệ mới, lại không được Dân bầu lên qua cuộc bầu cử tự do công bằng thì hệ lụy của đối tác đó dù cao cách mấy, toàn diện đến đâu đã bị điều kiện hóa [pre-conditioned] bị chi phối [preoccupied] bởi đảng CSVN mà Mỹ không có nhiều phương tiện để ảnh hưởng.
Một đối tác có thực sự là đối tác không thể chỉ được tác động từ một bên hay một chiều mà phải cả hai và chính điều đó mới xác định chuyện nâng cấp quan hệ là mong muốn thực sự của hai dân tộc và thực tế sẽ chứng minh cho thấy đó là đối tác thực dụng có thực chất hay chỉ mang hình thức phô trương, trình diễn.
Cho nên nâng cấp quan hệ cần phải thực hiện song song với nhiều nỗ lực thúc đẩy cởi mở nhân quyền, cải tổ hệ thống kinh tế cho thông thoáng, mở rộng thêm không gian chính trị, nâng cao giáo dục theo thời đại, hưng thịnh tôn giáo cổ truyền của dân tộc và nhứt là một xã hội nhân bản hơn để cho tất cả người dân có cuộc sống thoải mái, mọi doanh nghiệp tư, nhỏ, vừa có cơ hội vươn lên với các ưu điểm của mình, từng bước cải cách hệ thống tạo điều kiện dễ dàng hơn để hội nhập toàn cầu, tiếp nhận nhiều hơn đầu tư lớn nhỏ từ bên ngoài.
Trong khi nâng quan hệ mới với Mỹ ngang với Nga, Hoa, nếu chỉ để đưa hình ảnh của đảng CSVN nổi hơn trên trường quốc tế, chỉ lo cân bằng mối quan hệ bị lấn áp với bắc phương, muốn được bảo đảm an ninh chế độ mà đời sống căn bản của người Dân Việt vẫn không khá hơn, không phát triển được tiềm năng và nâng cao sức mạnh của dân tộc, không tạo được mối quan hệ hữu cơ vững chắc giữa sinh tồn cá nhân và sinh tồn quốc gia, dân tộc thì chuyện nâng cấp với Mỹ hay thêm cả hai thành viên còn lại trong HĐBA-LHQ [Anh, Pháp] cũng chỉ mang tính chắp vá, nửa vời, phiến diện.
– Lê Văn
Gửi ý kiến của bạn