(Ngày 19 tháng 9, Smithsonianmag) UNESCO thông báo bổ sung một số địa điểm mới ở Ukraine vào Danh Sách Di Sản Thế Giới Đang Gặp Nguy Hiểm.
Việc này là một phần trong nỗ lực lớn hơn cho thấy những thiệt hại về văn hóa mà cuộc chiến với Nga-Ukraine đang gây ra. Các địa điểm được bổ sung bao gồm hai địa điểm tôn giáo ở thành phố Kiyv là Thánh đường St. Sophia (St. Sophia’s Cathedral) và khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra, cũng như toàn bộ trung tâm lịch sử của Lviv.
Theo tuyên bố của UNESCO, những địa điểm di sản này “vẫn bị đe dọa liên tục” kể từ khi chiến tranh nổ ra. Unesco cho biết: “Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị tấn công trực tiếp, những địa điểm này cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các vụ đánh bom xảy ra ở hai thành phố.”
Các viên chức Nga nói với Liên Hiệp Quốc rằng quân đội của họ đang thực hiện “các biện pháp phòng ngừa cần thiết” để tránh tổn hại đến những địa điểm này. Phía Ukraine kịch liệt phản đối tuyên bố đó.
Quyết định của UNESCO là quyết định mới nhất trong một loạt nỗ lực nhằm hạn chế thiệt hại về văn hóa do cuộc chiến Ukraine gây ra. Ngay từ tháng 3 năm 2022, chỉ vài tuần sau khi chiến tranh bắt đầu, UNESCO đã bày tỏ sự lo ngại về các địa điểm tôn giáo ở Kyiv và trung tâm lịch sử của Lviv.
Tháng 1 năm nay, UNESCO đã bổ sung trung tâm lịch sử Odesa vào danh sách các địa điểm đang gặp nguy hiểm và tăng cường nỗ lực bảo tồn nơi này. Sau đó, vào tháng 7, một cuộc không kích của Nga đã tấn công Transfiguration Cathedral ở Odesa, biến một phần của Thánh đường thành đống đổ nát. Lực lượng Nga phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Kể từ đó, những lo ngại về sự an toàn của các địa điểm ở Kyiv và Lviv cũng ngày càng tăng.
Anastasia Bondar, Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Ukraine, nói rằng bà hoan nghênh quyết định của UNESCO. Bà cho biết: “Chúng tôi rất hân hạnh khi đất nước mình có một nền lịch sử và văn hóa rất phong phú… và chúng tôi cố gắng bảo tồn nó cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, việc cả cộng đồng thế giới cũng chung tay với chúng tôi là vô cùng quan trọng.”
Được xây dựng vào thế kỷ 11, Thánh đường St. Sophia có thiết kế sánh ngang với Hagia Sophia của Constantinople. Còn Kyiv-Pechersk Lavra là một “khu phức hợp tu viện” được xây dựng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19.
Trong những tháng đầu của cuộc chiến, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã có bài phát biểu từ Thánh đường St. Sophia. Gần đây hơn, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đến thăm Thánh đường này vào tháng 2 trong chuyến công du Ukraine.
Jacob Lassin, một học giả tại Melikian Center for Russian, Eurasian and East European Studies của Arizona State University, cho biết: “Thật đáng sợ khi nghĩ đến việc biểu tượng chính đã tồn tại trong thành phố của họ suốt 1,000 năm có thể gặp nguy hiểm hoặc có thể bị phá hủy.”
Trong khi đó, trung tâm lịch sử của Lviv có niên đại từ cuối thời Trung cổ và là “một trung tâm hành chánh, tôn giáo và thương mại phồn thịnh” trong hàng trăm năm. Mới sáng nay, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drones) ở thành phố này.