Trong một bài xã luận gần đây, báo WSJ đã phê phán đề xuất của ông Trump về mức thuế 10% dành cho các quốc gia cạnh tranh áp dụng cho tất tần tật mọi thứ được nhập cảng vào Hoa Kỳ (nếu ông tái đắc cử), và vị tự xưng là Tariff Man này đã gởi thư chỉ trích tờ báo. Đây là một cuộc tranh luận thú vị. Ông Trump mào đầu thư bằng cách khoe khoang rằng khi ông còn đương chức, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã giảm trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc thực sự có giảm bớt phần nào sau khi ông Trump phát động chiến dịch thuế quan toàn cầu vào năm 2018. Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Mexico và phần còn lại của thế giới lại tăng lên. Thặng dư hay thâm hụt thương mại không phải là một thước đo tốt cho sự thành công, nhưng vì ông Trump đã nghĩ như vậy, thì hãy cứ tạm dựa vào các dữ liệu này vậy. Tổng thống Biden đã không hề động gì đến các chính sách của ông Trump, cho nên các số liệu vẫn tiếp tục tiến triển cho đến hết năm ngoái.
Kể từ năm 2017, khi ông Trump lên cầm quyền, nhập cảng hàng hóa vào Hoa Kỳ tính theo danh nghĩa đồng USD đã tăng 174% từ Việt Nam, 116% từ Đài Loan, 96% từ Bangladesh, 89% từ Thái Lan, 76% từ Ấn Độ và 62% từ Hàn Quốc. Có lẽ ông Trump nên bắt đầu phân phát những chiếc nón thay vì MAGÀ đổi thành MAVÀ “Make Vietnam Great Again.”
Gác chuyện đùa này sang một bên, khi Bắc Kinh tăng nhiệt ở khu vực Thái Bình Dương, việc Hoa Kỳ có chuỗi cung ứng đa dạng là một điều tốt, và các chính sách thuế quan của ông Trump chắc chắn có một vai trò nào đó. Mặt khác, xét đến cách hành xử của Trung Quốc kể từ khi ông Trump nhậm chức, thì chuyển đổi là điều không thể tránh khỏi.
Có thể kể đến những quy định nhằm vào các công ty tư nhân thành công, vấn đề Hồng Kông, những tai tiếng ở Tân Cương, các nỗ lực mở rộng sự cai trị của Tập Cận Bình và vấn đề về nguồn gốc của virus Covid. Mới đây, Bộ trưởng Thương Mại Gina Raimondo cho biết các công ty Hoa Kỳ nói với bà rằng họ đánh giá Trung Quốc là thị trường “không thể đầu tư.”
Nếu mục tiêu của ông Trump là thúc đẩy các doanh nghiệp tìm đến những địa phương thân thiện hơn, thì một chính sách tốt hơn đối với Hoa Kỳ là tham gia Hiệp định thương mại TPP (Trans-Pacific Partnership trade agreement); hiệp định này không có mặt Trung Quốc. Nhưng ông Trump đã không ngó ngàng gì tới vụ này. Lẽ ra Hiệp định Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy thương mại giữa hàng chục quốc gia, trong đó có Việt Nam, đồng thời khuyến khích các công ty mở mang kinh doanh ở những nơi đó. Cách tiếp cận này sẽ tránh được tổn thất phụ từ các mức thuế đánh bậy đánh bạ của ông Trump; nhưng không, ông ta lại suy nghĩ khác với mọi người.
Ông ta nói rằng bài xã luận của báo WSJ đã trích dẫn “những luận điểm giả tạo từ những nghiên cứu do các doanh nghiệp tài trợ,” trong khi bằng chứng rành rành về kinh tế cho thấy các mức thuế đánh cho các quốc gia này được chuyển trực tiếp đến cho người tiêu dùng Hoa Kỳ gánh chịu, và chính sách thuế quan của ông Trump đã khiến người dân Hoa Kỳ thiệt hại hàng chục tỷ MK. Độc giả có thể tìm đọc thêm các phân tích và tự đưa ra nhận định.
Và đó chưa phải là tất cả: Sau khi các nước khác trả đũa, ông Trump đã giải cứu nông dân bằng hàng chục tỷ MK từ tiền thuế dân nộp. Nếu một doanh nghiệp Hoa Kỳ đột nhiên thấy mình mất khả năng cạnh tranh vì thuế quan đối với các bộ phận hoặc nguyên liệu nhập cảng tăng cao, thì doanh nghiệp đó phải xin Bộ Thương Mại được miễn trừ để có thể tồn tại.
Và để làm gì? Tính đến năm 2022, thâm hụt hàng hóa song phương với Trung Quốc gần như quay trở lại mức như năm 2017, ít nhất là theo danh nghĩa. Đây không hẳn là ‘một cuộc chia tay.’ Ông Trump có hứa rằng các mức thuế quan kim loại sẽ hồi sinh các xưởng đúc, nhưng ngành Thép Hoa Kỳ hầu như chẳng được cứu vớt gì, đồng thời, số lượng việc làm trong ngành này hầu như không tăng. Theo World Steel Association, tổng sản lượng thép thô của Hoa Kỳ trong năm ngoái thấp hơn một chút so với năm 2017.
Câu trả lời của ông Trump, như thường lệ, là sẽ giảm gấp 5 lần trong nhiệm kỳ thứ hai. Tax Foundation cho biết mức thuế 10% đối với các quốc gia cạnh tranh này sẽ “tăng thuế đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ lên hơn 300 tỷ MK mỗi năm – một mức tăng ngang ngửa với mức tăng thuế do Tổng thống Biden đề xuất.” Nếu tính luôn cả các biện pháp trả đũa trong dự kiến, nó sẽ “làm nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm 1.1% và đe dọa hơn 825,000 việc làm ở Mỹ.”
Áp thuế 10% đối với mọi sản phẩm do Việt Nam, Hàn Quốc và các đối tác khác của Hoa Kỳ sản xuất còn có thể đẩy họ về ‘vòng tay’ của Trung Quốc, đi ngược lại với các lợi ích chiến lược địa lý của Hoa Kỳ.
Sai lầm lớn nhất của ông Trump là ông tin rằng thương mại là một hoạt động có tổng bằng không. Nhưng các quốc gia và các công ty giao thương với nhau là vì họ nhìn thấy lợi ích chung. Khi người tiêu dùng Hoa Kỳ mua quần áo và rượu Scotch trên thị trường toàn cầu, hay khi các nhà sản xuất Hoa Kỳ bán đậu nành và máy bay phản lực Boeing, thì cả hai bên đều được hưởng lợi chứ không riêng gì bên nào.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Trump’s Real Trade Record,” được đăng trên trang WSJ.com.
Gửi ý kiến của bạn