Ngày 8 tháng 9 năm 2023, một trận động đất mạnh xảy ra gần thành phố Marrakech của Maroc, không chỉ khiến hàng ngàn người chết và bị thương mà còn đe dọa các tòa nhà và di tích lịch sử quan trọng, trong số đó có tòa tháp nhà thờ Hồi giáo Kutubiyya (hay Koutoubia). Đây là một công trình kiến trúc từ thế kỷ 12 và là biểu tượng của thành phố Marrakech.
Giờ đây, Medina ở Marrakech tràn ngập những đống đổ nát. Medina là tên gọi của những khu phố cổ có tường thành bao quanh. Medina luôn là những điểm đến du lịch hàng đầu khi đến thăm Morocco. Ý nghĩa văn hóa của Medina vượt xa những lợi nhuận khổng lồ của ngành du lịch. Nơi đây tập trung nhiều xưởng thủ công sản xuất gạch men, các tác phẩm chạm khắc thạch cao và đồ gỗ tinh xảo để trang trí cho khắp thành phố. Nhiều xưởng vẫn còn duy trì các phương pháp truyền thống trong nhiều thế kỷ, truyền nghề nối tiếp qua nhiều thế hệ.
Một phần trong nỗ lực của Maroc để Marrakech được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể” dựa vào những ngành nghề thủ công truyền thống này. Di sản văn hóa phi vật thể được Liên Hiệp Quốc mô tả là kiến thức hoặc kỹ năng được truyền miệng và truyền từ đời cha đến đời con chứ không dưới dạng văn bản.
Abbey Stockstill đã làm việc ở Marrakech từ năm 2014, thỉnh thoảng sống ở đó khi làm nghiên cứu để viết một cuốn sách về sự phát triển của Marrakech. Mặc dù công việc của bà chủ yếu tập trung vào thế kỷ 12, nhưng càng tìm hiểu về thành phố, bà càng nhận ra rằng hầu hết các công trình kiến trúc và kết cấu đô thị những nơi bà từng đến nghiên cứu đều dựa vào nỗ lực bảo tồn của các xưởng thủ công tại địa phương.
Việc được UNESCO công nhận là sự thừa nhận mang tính lịch sử đối với các cộng đồng nông thôn và dân nghèo, vốn thường nằm ngoài lề khi nói tới các chủ đề về lịch sử nghệ thuật. Chính những cộng đồng này đã duy trì di sản kiến trúc của Marrakech qua nhiều thế hệ. Nhưng rồi trận động đất nghiệt ngã đã phá hủy hàng loạt các xưởng và nhà cửa ở Medina. Vào lúc cần tới những kỹ năng của họ nhất để giúp tái xây dựng lại thành phố sau thảm họa, thì họ cũng đang là những người dễ bị tổn thương nhất.
Marrakech được thành lập vào năm 1070 bởi triều đại Almoravid, bắt nguồn từ một bộ tộc là một phần của liên minh các dân tộc phi Ả Rập lớn hơn mà ngày nay được gọi là Berbers.
Đây là một trong những thành phố lớn đầu tiên ở phía tây Hồi giáo, được gọi là Maghrib – ngày nay là khu vực bao gồm Maroc, Algeria và một phần của Tunisia – được thành lập bởi một nhóm người bản địa trong khu vực.
Phần lớn cộng đồng này nói một phương ngữ của Tamazight, một ngôn ngữ Phi-Á khác hoàn toàn với tiếng Ả Rập. Đây chủ yếu là ngôn ngữ nói, có nghĩa là kiến thức và chữ nghĩa thường được truyền lại qua những câu chuyện thơ hơn là văn bản chữ viết.
Một số nguồn dữ liệu tiếng Ả Rập mô tả người Almoravid là “chất phát” và “mù chữ,” nhưng các bằng chứng về di sản kiến trúc và nghệ thuật của họ lại cho thấy điều ngược lại. Ở Marrakech, họ đã xây dựng một mái vòm cân đối một cách trang nhã, được gọi là Qubba al-Barudiyyin và bố trí một bục giảng bằng gỗ được chế tạo vô cùng công phu, hiện vẫn còn nằm trong Bảo tàng Cung điện Badi’ (hay El Badi).
Nối tiếp là triều đại Almohad, một nhóm dân bản địa khác, cũng phải đối mặt với những lời chê bai tương tự trong các tài liệu lịch sử mặc dù chính họ đã xây dựng nên tháp Kutubiyya, tượng đài đặc trưng của Marrakech.
Nơi diễn ra các phong trào độc lập
Thành phố từng là thủ đô Berber; điều này đã góp phần biến Marrakech trở thành tâm điểm của bản sắc dân tộc Maroc đương đại, bắt nguồn từ nền độc lập và niềm tự hào suốt hàng thế kỷ. Trong khi các thành phố Bắc Phi khác có nguồn gốc từ truyền thống Ả Rập hoặc La Mã, Marrakech có thể tự tin khẳng định mình mang đậm chất ‘Ma Rốc.’
Trước sự bành trướng của Ottoman vào thế kỷ 16, vương quốc Maroc là khu vực duy nhất của những nước nói tiếng Ả Rập có thể duy trì quyền tự trị trước sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ.
Và dù Pháp và Tây Ban Nha từng tranh giành quyền cai trị đất nước, phần lớn các phong trào độc lập của Maroc trong thế kỷ 20 vẫn diễn ra ngay tại Marrakech. Những cuộc nổi loạn xảy ra như cơm bữa ở thành phố này đã khiến chính quyền Pháp phải dời thủ đô của Maroc đi xa hơn về phía bắc, tới Rabat.
Ngay cả bản thân từ Maroc (Morocco) cũng là một cách chuyển đổi từ ngữ của “Marrakech.”
Chưa hết, việc khôi phục lại quá khứ đầy ý nghĩa của thành phố cũng mang ngụ ý sâu sắc.
Những truyền thống truyền miệng từ thuở ban sơ hiếm khi được ghi chép lại một cách trung thực. Các nguồn văn bản chữ viết thường nằm rải rác và chưa được công bố, còn những nguồn đang tồn tại thường được viết bởi người ngoài hoặc du khách.
Người Ottoman rất xuất sắc trong việc lưu trữ tài liệu, cho phép các học giả có thể khám phá các kho lưu trữ tập trung rộng khắp mọi nơi ở các nước Ả Rập – ngoại trừ Maroc, các kho lưu trữ nơi đây vẫn còn phân tán và thiếu thốn tài trợ. Nhiều sử gia đã phải gián tiếp dựa vào các nghiên cứu khảo cổ học và nhân chủng học để khám phá thêm chi tiết cụ thể, bổ sung cho các truyền thống truyền miệng.
Gắn kết chặt chẽ cùng với những nỗ lực này là vai trò của các ngành nghề thủ công truyền thống bên trong và xung quanh Marrakech. Ngành nghề thủ công là điểm mấu chốt trong nỗ lực của Maroc ở Marrakech; họ đã thành lập “các trường thủ công mỹ nghệ” ở Medina để ghi chép và bảo tồn các phương pháp truyền thống. Cách làm này đã tạo ra một kiểu ‘hoài niệm sống’ ở Medina, kết hợp những người dân sống ở đó với quá khứ thời trung cổ của thành phố.
Điều này cũng đã tạo ra một sự phân chia về kinh tế và xã hội, thợ thủ công và gia đình họ bị dồn vào các khu phố cổ, còn dân tứ xứ và khách du lịch giàu có hơn chiếm giữ những khu phố hiện đại Ville Nouvelle bên ngoài Medina.
Bảo tồn quá khứ thông qua thủ công
Những ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng là yếu tố giúp bảo tồn và khôi phục nhiều địa điểm trong và xung quanh Marrakech, hiện đang thu hút hàng ngàn khách du lịch mỗi năm.
Nhà thờ Hồi giáo Qasba là nhà thờ Hồi giáo lớn thứ hai của thành phố sau Kutubiyya, được xây dựng ban đầu từ năm 1185 đến năm 1189. Qasba đã trải qua nhiều đợt trùng tu liên tiếp trong cả thế kỷ 17 và 21, sau khi tình trạng bất ổn chính trị khiến cho chúng bị phá hoại. Trong cả hai đợt trùng tu đó, đông đảo nghệ nhân địa phương đều được thuê đến để tân trang các bức tường trát vữa của nhà thờ và công trình lát gạch khảm, được gọi là zellij.
Phải cần tới cả một nhóm thợ thủ công Maroc đông đảo mới có thể khôi phục thành công các hoa văn phức tạp của bục giảng Almoravid thế kỷ 11.
Các nghệ nhân cũng là đại sứ quan trọng cho vị trí của Maroc trong quy chuẩn lớn hơn của nghệ thuật Hồi giáo, góp phần trong quá trình cải trang các phòng trưng bày Hồi giáo của Metropolitan Museum of Art năm 2011 với những kỹ thuật và vật liệu của thế kỷ 14.
Với việc Medina của Marrakech bị phá hủy phần nào, nhiều nghệ nhân và xưởng thủ công sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về tương lai của họ. Quá trình đô thị hóa trong thập niên qua đã khiến nhiều người phải xa quê đi tứ xứ, và nhiều xưởng hoạt động cầm chừng với tỷ suất lợi nhuận ít ỏi – không đủ để vừa bù đắp thiệt hại vừa giữ quyền kiểm soát tài sản.
Tái thiết di sản phi vật thể
Trận động đất khiến cho một phần tường thành bị nứt, và làm sụp tòa tháp được xây từ thế kỷ 18 ở quảng trường chính của nhà thờ Hồi giáo. Di tích lịch sử Tinmal có từ thế kỷ 12, cách Marrakech không xa và nép mình trong dãy núi Atlas, cũng đã sụp đổ do động đất.
Số người chết trong trận động đất vẫn đang được thống kê; thiệt hại vật chất sẽ là rất lớn. Không gì có thể bù đắp được cho những mất mát về sinh mạng. Nhưng lịch sử và khả năng phục hồi của một nơi là công cụ quan trọng cho bất kỳ sự phục hồi nào.
Vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết lại di sản phi vật thể Marrakech sau thảm họa đặt trong tay các nghệ sĩ và nghệ nhân. Giữa những câu chuyện kể về các vị giáo chủ và quân vương, triết gia và nhà thơ, người ta sẽ dễ quên mất những người đã xây dựng nên các địa điểm này, vốn thường chẳng được nêu tên trong các tài liệu lịch sử.
Những nghệ nhân này sẽ cần được hỗ trợ để có thể duy trì lịch sử của Marrakech, bảo tồn quá khứ để các sử gia trong tương lai khám phá.
Nguồn: “Marrakech artisans – who have helped rebuild the Moroccan city before – are among those hit hard in the earthquake’s devastation” của Abbey Stockstill, được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn