Hôm nay,  

Truyện cổ tích xứ Thiên Đường

14/09/202316:33:00(Xem: 3258)
Truyện

hammer-sickle

Chuyện ngày xưa, 1300 năm trước, xứ Hoa Hạ, tại một làng chuyên nghề chài lưới sống dọc hai bên bờ con sông Li, huyện Gullin, tỉnh Guangxi. Buổi chiều dần xuống êm đềm, mây mờ len lỏi giăng phủ ven lưng chừng núi, soi bóng xuống mặt sông tạo nên một bức tranh thủy mặc đẹp tuyệt vời pha chút nét sương khói mông lung; lão ngư phủ họ Tống phải chuẩn bị ít đồ ăn thức uống, và cả một ít thuốc hút cho chuyến đi săn cá đêm của mình.
    Căn nhà của lão Tống là một chiếc thuyền gỗ khá lớn có mái che và vách lá chằm phủ kín hai bên, con thuyền neo đậu dưới bóng mát một hang động ăn sâu vào vách núi. Hai vợ chồng lão sống lênh đênh trên con sông này đã lâu lắm rồi, lão không còn nhớ là đã bao năm, chỉ nhớ là khi lão vừa lấy vợ xong, được cha mẹ cho một chiếc thuyền, một tay lưới, cộng với mấy chục lưỡi câu để ra riêng làm kế sinh nhai. Lão và vợ sống bồng bềnh trên con sông quê từ đó đến nay.
Trong khi lão bà đang chuẩn bị bữa ăn chiều, ông lão rút một cây sào tre dài và cái dầm bơi, gác chúng lên cái cột chèo của chiếc bè tre được buộc cặp sát bên hông chiếc thuyền nhà. Cái bè tre này được làm bằng 5 ống tre Lồ-ô lớn buộc chặt lại với nhau, hai phía mũi và lái được uốn cong lên như mái đình chùa. Ở giữa là một cái thúng tre đáy sâu dùng để đựng cá. Ăn uống xong, ông với lấy cái tẩu và nhồi thuốc vào nõ, đốt lên, rít một hơi thật dài, khoan khoái nhả khói thuốc lên cao. Ông cởi dây và chống bè tre ra giữa dòng. Đi giờ này, ra đến nơi có cá, trời sẽ tối dần, là giờ bầy cá bắt đầu đi kiếm ăn.
    Chiếc bè tre rẽ nước, lướt đi nhẹ nhàng trong cơn gió se se lạnh, những con sóng lăn tăn hai bên mạn thuyền róc rách rượt đuổi nhau về phía sau lái, mờ dần trong làn sương khói tĩnh lặng trên giòng sông. Một ngọn đèn lù mù treo phía mũi ghe, đong đưa cái ánh sáng mờ nhạt nhảy múa theo nhịp lắc lư con thuyền. Đầu đội cái nón tre rộng vành, lão Tống khoác trên mình chiếc áo tơi bắt đầu nhẹ ướt sương đêm, miệng ngậm tẩu thuốc phì phà nhả những làn khói nhẹ lên cao hòa vào bóng đêm vừa buông xuống. Bạn đồng hành với lão là 6 con chim Cốc đang đứng im lìm theo hình chữ nhất, 3 con phía trước, 3 con phía sau, đầu nghiêng về một bên còn đang ngủ gà ngủ gật.
    Lão Tống đã sáng tạo ra một cách bắt cá rất lạ lùng so với truyền thống bao đời cha ông để lại là dùng lưỡi câu hoặc lưới. Ông ta sử dụng những con chim Cốc đã được huấn luyện thành thục chuyên đi bắt cá thay mình. Trước khi rời khỏi nhà, lão thắt một nút giây bằng sợi cỏ quanh cổ các chú chim Cốc vừa chặt để chúng vẫn có thể bắt và ngậm cá vào bên trong mỏ nhưng không thể nuốt trôi xuống dạ dày những con cá lớn. Đến nơi, lão giậm châm nhún nhảy, miệng phát ra khẩu lệnh, những con chim này lao mình xuống nước, chúng có thể lặn rất sâu, và nín thở đến vài phút; khi ngoi lên khỏi mặt nước, trong mỏ chúng là những con cá thật to. Lúc này lão chỉ việc ra hiệu lệnh bằng cách đập cái dầm bơi xuống mặt mước, các chú chim Cốc đua nhau bơi trở về, lão chỉ việc đưa cây sào cho các chú chim đậu lên, rồi bóp hầu, nặn cổ chú chim, moi ra những con cá không may mắn đó ra khỏi miệng của các chú chim Cốc. Lão ném những con cá to vô cái sọt tre và thưởng cho chúng những con cá nhỏ xíu bù lại cái công sức cực nhọc, lặn hụp, lao khổ cật lực thâu đêm để kiếm miếng ăn. Các chú chim Cốc đứng lặng im thưởng thức bữa ăn nhỏ nhoi của mình với một dáng vẻ nhẫn nhục, không buồn mà cũng không vui, chúng đứng đó, chờ đợi ông chủ ra lệnh thì lại tiếp tục lao xuống dòng sông.
 
***
 
Chuyện ngày nay, 1300 năm sau, tại xứ Đại Ngu, nằm dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, phía Đông Lèo, một gã hàn nho, tự là Thành Đại (1), hiệu là Minh Hồ, học hành dang dở, biết dăm ba tiếng Tây bồi, sống bất đắc chí, cà lơ phất phơ, nhưng nuôi mộng lớn làm bá chủ thiên hạ. Gã muốn có tiền của mà không cần phải làm động đến móng tay. Bụt nhà không thiêng, hận quê nhà không biết trọng dụng tài năng mình nên gã lên đường nhắm hướng Nam, tìm đường cứu … đói cho bản thân, vì nghe nói xứ này đồng ruộng cò bay thẳng cánh, làm ăn dễ dàng, dân tình hào phóng.
    Mới nửa đường, gã dừng chân một nơi phồn hoa đô hội, ánh đèn rực rỡ, ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Hỏi ra mới biết đây là Sài Côn. Nơi đây, gã trốn được xuống một chiếc tàu viễn dương của nước Phú Lãng Sa đậu ở bến cảng khi gã đang hành nghề cửu vạn để sống qua ngày; gã tính đi làm thuê ở xứ Xích Quỷ xa tít bên kia quả địa cầu vì nghe đồn bên đó cuộc sống giàu có, bơ thừa sữa dư. Con tàu lướt sóng ra khơi mang theo cả ước mơ hoang tưởng của gã thày đồ nghèo.
    Những ngày đầu lê la hè phố xứ người, gã nhặt được một cuốn sách cũ người ta vất lăn lóc trên đường, mừng quá, hắn nhặt lên bỏ vào túi vải bên hông và tự nhủ ở quê nhà mà có thứ này thì khỏi phải xài lá chuối hay cùi bắp, chùi vừa không sạch vừa đau rát. Tối đó, thân thể rã rời vì công việc phụ bếp ở một nhà hàng, gã lê những bước nặng nề về căn phòng trọ, gieo mình xuống chiếc giường cáu bẩn, chợt nhớ đến cuốn sách, gã với tay lấy cái túi vải màu cháo lòng, moi ra một cuốn sách vàng ố, cũ kỹ, bị rách mất mấy trang.
    Ngoài bìa, cái tựa đề đập ngay vào mắt là “Bí kíp không làm mà vẫn có ăn”, bản dịch từ gốc tiếng Nga, trang kế bên trong có thêm giòng chữ trích từ “Đại Đồng Tả Phái”. Chương đầu là hình vẽ một đám đông dân nghèo rách rưới tay giương cao búa liềm đi dưới lá cờ đỏ màu máu, khuôn mặt ai nấy đều giận dữ, kèm theo những lời kích động sắt máu. Trang kế là hình vẽ một thiên đường trần thế, người người rạng rỡ, hạnh phúc, nắm tay ca múa trên đồng lúa chín vàng. Gã thấy sao mà nó giống với cái ước mơ mà gã hằng ấp ủ bao lâu nay là phải chiêu mộ được một số đông người để cướp lấy của cải nhà giàu làm của mình.
    Ngày còn đứng hầu trà cụ đồ già trong làng, gã thường say sưa nghe ông kể chuyện hai chàng thư sinh họ Lưu-Nguyễn đi lạc vào chốn thiên thai, sống một cuộc đời xa hoa, phú quý, ngày đêm tiệc rượu vui vầy hương lửa với các nàng tiên nữ đến quên cả đường về cõi trần. Gã đã mơ hồ thấy chính mình là một trong hai chàng Lưu Nguyễn đó, gã nằm cạnh bàn dạ yến, rượu tràn môi, thưởng thức điệu múa Nghê Thường của bầy tiên nữ, rượu ngon thịt béo, tuôn tràn như suối bên các nàng tiên nga, đêm ngày cùng chung hưởng hạnh phúc ái ân mặn nồng.
    Những ngày gian khổ xứ người, ngày phụ bếp, lau chùi tiệm ăn, chiều đi chụp hình mướn, đêm ngủ chỉ sưởi ấm bằng cục gạch nung, gã vẫn ngày đêm miệt mài vừa đọc vừa phải đoán mò vì lời giải thích rất là mơ hồ, phảng phất một vài điều huyền bí, làm gã càng tò mò muốn đọc nhiều hơn. Trong sách có dạy phải dùng độc kế gì để xây dựng một thiên đường trần gian, không cần làm vẫn có ăn; sách cũng dạy rất nhiều mưu mô chước quỷ rất thần sầu, độc ác, và bất nhân để đạt được mục đích, bắt người đọc phải nhập tâm, quên đi lòng nhân ái với loài người với châm ngôn mục đích biện minh cho phương tiện. Sự ham muốn danh lợi khiến gã háo hức cố đọc cho xong cuốn bí kíp làm thế nào để đạt được mục đích một cách nhanh nhất dù phải đổ máu người dân nghèo.
    Một ngày kia, khi đọc được phân nửa cuốn sách, gã chợt vỗ đùi nghe cái đét, bắt chước nhà vật lý học Archimedes la to lên ba lần “Eureka, ta đã tìm ra”. Ở cái xứ Tây Dương văn minh này, dân tình kiến thức sâu rộng, họ khôn lắm, chắc chẳng làm ăn gì được; nếu trở về quê hương Đại Ngu của mình, đem sở học áp dụng lên đám dân đen nếu không làm vua thì cũng giàu có như cự phú Thạch Sùng. Khi đó, gã sẽ đổi tên nước thành xứ Thiên Đường, sẽ nghiễm nhiên trở thành “cha già dân tộc”, sẽ rót vào tai dân đen với những lời đường mật của công thức “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc” mà gã vừa học được trong sách.
    Chao ôi! Khi đã là ông vua con xứ Thiên Đường, với quyền lực vô biên, gã sẽ tha hồ cỡi cổ đè đầu, bóp hầu mấy chục triệu bá tánh, nhất là cướp lấy tài sản của đám quan lại, nhà giàu ngày xưa đã coi thường gã, cho bõ những năm tháng sống mòn ở quê nghèo nắng cháy miền Trung, cho quên đi kiếp tha hương nghèo đói nơi xứ người, và hơn nữa, gã sẽ tuyển vô cung điện của mình bao nhiêu cung tần mỹ nữ cũng được. 
    Gã vội bán tống bán tháo ba cái đồ lạc xoong, khăn gói lên đường qua nước Nga La Tư băng giá, quê hương của xứ Đệ Nhất Thiên Đường. Sau bao gian khổ, nhọc nhằn, không quản tuyết sương, lạnh giá, bao ngày tháng chầu chực ở cổng thành Cẩm Linh, gã tìm cách diện kiến Nga hoàng, ngài Xít Ta Linh, gã biết ông này cũng đã học cùng 1 bí kíp, nhưng với bản gốc đầy đủ hơn bản sao chép mà hắn có trong tay. Gã muốn học bí kíp chân truyền từ chính truyền nhân đời thứ hai của môn phái.
    Gã bị bọn quần thần của hoàng đế này ngăn không cho gặp, đôi khi hành hạ đến thất điên bát đảo bằng cách trấn lột, bợp tai, đá đít, nhục nhã tưởng như sắp sửa bỏ cuộc thì gã được một hảo hán đồng chí đàn anh quê ở xứ Đệ Nhị Thiên Đường, xưa gọi là xứ Hoa Hạ, phía Bắc nước Đại Ngu. Tên này, với kinh nghiệm danh trấn giang hồ võ lâm Trung Nguyên, lại quen biết lớn, thảo một lá thư tay, giới thiệu gã đến gặp đại vương Nga La Tư và cũng là chưởng môn nhân đời thứ hai của môn phái.  
    Hắn được cho phép vào diện kiến đức vua nhưng ông này đang bận tranh dành, đấu đá, và thanh trừng các đồng chí huynh đệ của mình để củng cố ngai vàng và chức chưởng môn nên không mấy để ý đến gã. Một cận thần cầm lá thư tay vào tấu trình, thì thầm gì đó vào tai đức vua. Ông nhăn mặt hỏi Đại Ngu là cái nước quái nào, hình như là một xứ man di mọi rợ nào đó ở tận Á La Tư phải không?
    Nhưng rồi, dù đang phải diệt các thế lực phản động trong môn phái và vương quốc, dù rất bận rộn tiễn chân một số huynh đệ lên tàu hỏa một đi không trở về lên vùng băng giá quanh năm Tây Bá Lợi Á, ông ta vẫn phải viết một giấy giới thiệu cho gã được tiếp kiến phó vương để nhận chỉ thị quốc tế điều lệ đảng và được huấn luyện thêm về chiến thuật phô trương thanh thế môn phái và truyền bá cuốn sách Đại Hồng Thư Pháp trong một lớp chuyên tu, còn gọi là khóa huấn luyện tại chức mà sau này bá tánh trong nước thường rỉ tai nhau là “dốt như đứa chuyên tu, ngu như thằng tại chức”.
    Rồi khóa học cũng kết thúc với nhiều tay anh chị giang hồ tứ chiến từ khắp nơi trên thế giới về bái lậy suy tôn Nga hoàng là Đại Sư phụ. Các đệ tử mới nhập môn này đều dáng vẻ bặm trợn, du côn, không có kỷ luật, chưa quán triệt các nguyên lý và chủ trương của môn phái, nhưng bắt buộc phải tin tưởng tuyệt đối vào đường lối của đảng, không cần thắc mắc vì mục đích sẽ biện minh cho phương tiện. Tất cả đều được cấp cho mảnh bằng đỏ chói, với chức danh “Phó Tấn Sĩ lý luận đảng”, thêm một vài đạo bùa bí mật và một ít lương khô đi đường, với lời dặn dò kỹ càng “sống chết phải giữ cho bằng được và chỉ khi về nước mới được mở ra coi”.
    Gã vui như tết vì ở quê hương, dù đã cố gắng đi thi cái bằng “Đít Lôm” hòng xin một chức thông ngôn cũng bị rớt lên rớt xuống, nay cả nước Đại Ngu, duy nhất chỉ một mình gã có bằng Phó Tấn Sĩ, dù cái chức danh nghe hơi kỳ cục, nhưng nhờ nó mà con đường lên làm vua chắc cũng không xa. Nghĩ tới đây, lòng gã đã phấn khởi, hồ hởi reo vui như Nga hoàng vừa mới ban cho gã một mùa xuân.
    Lòng sướng rên vì viễn ảnh một tương lai huy hoàng vừa mới mở ra cho gã một chân trời mới, với bao ngất ngây say đắm của một đỉnh cao chói lọi. Chân bước lâng lâng ra khỏi cổng thành, đến giữa Hồng Trường, gã vội quỳ xuống, quay về hướng điện Cẩm Linh, sụp lạy như tế sao 100 lần cho đến khi trán sưng vù và vải đầu gối cái quần Tây được tậu ở Phú Lãng Sa mòn rách bươm, gã mới lóp ngóp bò dậy, khăn gói quả mướp, chuẩn bị hạ sơn, tìm cách về nước để thực hiện hoài bão, đem bí kíp võ công học được hầu biến bản thân mình từ một tên cùng đinh thuộc địa nghèo đói trở thành ông vua của xứ Thiên Đường.
    Trên đường về nước, gã phải đi tàu lửa ngang qua xứ Đệ Nhị Thiên Đường đang được cai trị bởi Mao Vương, một trong mấy đại đệ tử của môn phái Đại Đồng “Không Làm Mà Vẫn Có Ăn”, và cũng là sư đệ của hoàng đế Nga La Tư. Mao Hoàng đã được mật báo từ sư huynh nên đón tiếp gã khá nồng hậu, bày tiệc rượu huynh đệ kết nghĩa vườn xoài và nhận gã làm sư đệ, cho người đưa đón về đến biên giới, kèm thêm ít bạc vụn để tiêu dùng, lại còn hứa sẽ cung cấp thêm bùa phép, lương thực, và vũ khí để cướp chính quyền với một yêu cầu khi thành công mỗi năm phải sang triều cống, coi như là thần tử của thiên triều, nhất nhất phải thi hành sứ mệnh trị an dân và gìn giữ quan hệ “Thập Lục Kim Tự” tức 16 chữ vàng.
    Ở đây gã được học bổ túc thêm về cách làm thế nào biến học thuyết cộng sản cho phù hợp với văn hóa phương đông xứ Đại Ngu, nhưng vẫn giữ được cốt lõi của chuyên chính vô sản và bạo lực cách mạng. Một lần nữa, gã lại thấy sở học này quả là ảo diệu khôn lường. Được hai hoàng đế của hai cường quốc ủng hộ và giúp sức thì không lo gì mà không “đại thành” công, dầu có phải đền đáp bằng vài trăm cây số vuông đất nhỏ xíu ở biên giới hay một vài cái đảo hoang ngoài khơi. Ta chưa xài tới thì để đồng môn, sư huynh đồng chí xài, khi nào cần thì họ trả, có sao đâu. Mục đích là ta sẽ lên làm vua, còn phương tiện là chuyện con sâu cái kiến.
    Trong lúc được đi thăm thú các nơi trên xứ Đệ Nhị Thiên Đường rộng lớn bao la này. Gã để ý thấy tượng của Mao Vương được dựng lên khắp nơi với tư thế đứng thẳng vẫy tay chào nhân dân, ôi sao mà oai phong đường bệ đến dường ấy. Được biết các bức tượng khổng lồ vô cùng tốn kém này được xây dựng từ mồ hôi và xương máu nhân dân, chính Mao Vương vốn tính khiêm tốn và bình dân vô địch vô song, cũng không lấy làm vui vẻ gì lắm khi khắp nơi bá tánh đang bữa đói bữa no; dù vậy cả triều thần thần đều đồng lòng cho xây dựng vì nó xuất phát từ lòng kính yêu lãnh tụ vô bờ bến của thần dân.
    Gã tự nhủ mai này lên ngôi, lúc sống, ta sẽ cho dựng tượng ta khắp mọi nơi để nhân dân khi yêu mến lãnh tụ, ao ước chiêm ngưỡng long nhan thì không cần phải vào Thăng Long Thành. Tượng ta sẽ đứng sừng sững hiên ngang, không những ngoài đường phố, công viên, mà cả lúc chết, nói văn hoa là dù khi ta đã “về với người hiền”, đã đi đoàn tụ với sư tổ Mác-Lê, ta sẽ di chúc cho bá tánh dựng tượng ta ở trong nhà và chùa chiền, tượng phải ngồi cao hơn tượng Phật Tổ và tượng Quan Âm Bồ Tát. Tượng ta chắc chắn sẽ có tác dụng an gia trạch, thịnh sinh kế, đuổi tà ma. Có ta hiện diện nơi nào, nơi đó sẽ bình yên, không thằng tiểu yêu, côn đồ hay côn an nào dám quấy phá.
    Nghĩ tới đây, gã đã hình dung ra một cung điện lộng lẫy uy nghi chẳng kém chi Tử Cấm Thành và cung điện Cẩm Linh. Gã cười lên ha hả và giật mình thức giấc, thấy mình đang nằm trên cái chõng tre, bên trong một hang động, nắng chiều hiu hắt còn sót lại bên ngoài hắt vào trong hang những tia sáng yếu ớt. Gã dụi mắt, lê tấm thân gầy gò, bước hẳn ra ngoài cửa hang.
Chợt nhớ chiều nay gã có giờ dạy võ công cho đám lục lâm mà gã đã chiêu dụ được từ khắp nơi ngày vừa về nước. Bọn này đa số là những kẻ chuyên nghề thảo khấu, trộm cướp, đang bị truy nã hết đất sống; có vài tên làm nghề thợ thuyền như hoạn lợn, bẻ ghi, hay thợ máy, chỉ có 1 tên tương đối là có chút chữ nghĩa làm nghề thày giáo môn lịch sử chữ quốc ngữ. Không sao, “vạn sử khởi đầu nan”, chẳng là sư phụ và các sư huynh ta cũng từ thành phần bần cố nông mà trở thành vương tướng hết đó sao!
    Gã còn nhớ như in một đoạn đã được học trong khóa huấn luyện, ngoài việc sử dụng bạo lực “kách mệnh”, công tác chính trị là cứ nhồi sọ, lặp đi lặp lại một câu nói láo, lâu ngày người nghe sẽ tin đó là sự thật. Vả lại, đám đông là một lũ ngu đần nhưng có lợi cho mục đích của ta. Nghĩ tới đó, gã liếc nhìn về mấy tên đàn em đang ngồi tụm lại với nhau rít thuốc lào bằng cái điếu cày đẽo từ cây tre, rồi gã ngẩng cao đầu rống lên một tràng cười để tỏ rõ cái phong độ của bậc đế vương. Gã khều một tên đệ tử lấy cho mình một gói thuốc thơm có cán, gã chậm rãi rít một hơi thật dài và nhả khói lên bầu trời.
 
– Nguyễn Văn Tới
 
CHÚ THÍCH:
 
Đại Thành Theo phép chiết tự, chữ Đại 大 phân tích ra sẽ thành hai chữ nhất nhân 一人 (một người). Và chữ Thành 成 kia sẽ thành Vạn qua 万戈, nghĩa là 10 ngàn lưỡi mác.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ba chục năm trước, Bê đã bắt đầu sự nghiệp thể thao của Bê. Số là, Ba vừa học xong lớp chuyển nghiệp. Thời gian chuẩn bị thi cử, Ba dạy kèm cho một người bạn cùng lớp. Thi đậu, người bạn tạ ơn Ba một cặp vé Musik Konzert. Lúc đó, Bê ở trong bụng Mẹ đã hơn sáu tháng. Mẹ kể, Mẹ đang năm đầu ở đại học. Trời mùa đông, Mẹ đi học, mặc áo khoác dày cui. Bởi vậy, bạn học không ai biết Mẹ sắp sửa có em bé, chỉ ngỡ Mẹ hơi lên cân, zugenommen. Bác bạn của Ba có lẽ không dè vợ của bạn là bà bầu nên mới mời đi Rock Pop Konzert của ca sĩ Jennifer Rush.
Năm đó, 1999, miền Trung Việt Nam nhất là ở Huế đang chịu trận thiên tai bão lụt lịch sử lớn nhât từ trước cho đến thời điểm bấy giò. Trong hội chợ tết, người Việt ở đây San Jose vui Xuân nhưng không quên đồng bào ở quê nhà. Từng đoàn Hướng Đạo Sinh Việt Nam được phân phối nhiệm vụ cầm những thùng lạc quyên để quyên tiền cứu trợ. Đang lang thang trong hội chợ, hai em bé trong đồng phục Hướng Đạo chận tôi lại. Một trai một gái. Bé gái cao hơn bé trai non nữa cái đầu, chửng chạc nói “Chú ơi, ủng hộ đồng bào bảo lụt đi chú”. Trọn một câu tiếng Việt, tuy phát âm không trọn vẹn, nhưng khá rõ ràng. Tôi nhìn hai em, nhất là bé gái đang thắt cái nơ trên đầu cái nơ mầu đỏ! Tôi bỗng thấy lòng bâng khuâng man mác.
Qua sự giới thiệu của phụ huynh học sinh, chiều nay tôi có thêm học trò mới. Tuy tin tưởng vào người giới thiệu, nhưng tôi cũng có sự dè dặt thường lệ. Đây không phải là lớp dạy thêm bình thường, mà là lớp dạy kèm “Anh văn chui” tại nhà. Nếu bị bắt “tại trận”, tôi có thể bị đuổi việc (nhẹ) hoặc cả vào trại tù "miệt thứ" dài hạn như chơi. Tuy rất nguy hiểm, nhưng được sự “bảo mật” của học trò lẫn phụ huynh và nhất là khoản tiền thù lao rất hậu. Lương giáo viên cấp 3 lúc đó (1978-1979) mỗi tháng $70 đồng cộng nhu yếu phẩm, thì mỗi học sinh "dạy thêm" tôi nhận được $80/ tháng. Chỉ cần ba học trò là mỗi tháng tôi có thêm đến $240 đồng. Đối với giáo viên lúc đó không phải nhỏ! Cà phê cà pháo, cơm hàng cháo chợ cuối tháng vẫn dư tiền bỏ ống. Phần nữa, học trò lớp “Anh văn chui” của tôi thông thường chỉ vài ba tháng là “ra đi”, nên cũng thường xuyên thay đổi.
Vừa đi vừa ngắm lá vàng vừa suy nghĩ chuyện cũ mà đến nhà Sarah hồi nào hổng hay. Sarah mở cửa với nụ cười thật tươi, Lệ thấy ngay phòng khách những giỏ táo đầy ắp, Sarah giải thích: - Hễ cuối hè đầu thu là nhà tớ hái toàn bộ các trái táo ngoài vườn sau, một phần để sên mứt, phần sấy khô, và phần làm bánh táo nướng.
Nhà thơ Trần Mộng Tú gửi tới tôi bài “Mùa Hạ Đom Đóm và Dế Mèng” khi tôi muốn cùng các ông bạn đồng lứa tuổi trở về những ngày xưa thật xưa. Chị Tú hình như cũng cùng tâm trạng với các bạn không còn trẻ của tôi: “Tháng sáu, tôi đến chơi với anh tôi ở Virginia. Cái nóng rịn mồ hôi trên thái dương, và khó ngủ lắm, buổi tối, tôi với anh ra ngồi ở bực thềm, nói chuyện. Tôi bỗng thấy thỉnh thoảng có những chớp nho nhỏ như lân tinh sáng lóe lên rồi lại biến mất trong bụi cây thấp trước mặt, hỏi anh tôi, cái gì thế? “Đom Đóm” Tôi lặng người đi một lúc như nghe thấy ai nhắc tên một người bạn thân cũ, nó làm tôi xúc động. Xúc động một cách rất mơ hồ, chẳng có nguyên nhân gì cả, chỉ là cái tên của một loại côn trùng bé tí được gọi lên. Cái tên nhắc nhở một quê hương xa lắc, một dĩ vãng nằm dưới tấm chăn phủ dầy lớp bụi thời gian. Trong bóng tối, tôi ngắm những cái chấm lửa nhỏ nhoi, lóe lên rồi tắt ngóm với trái tim nôn nao trong ngực. Có đến cả hơn bốn mươi năm tôi không được nhìn thấy những đố
Tọa lạc trong vùng ngoại ô Saint Maur, kề bên là bờ sông Marne hàng hiên ngang cửa nhà chú, chú đổ đầy đất đen đất vụn phải đi mua từng bao ở siêu thị bán cây trồng đất mua chú đổ vào lưng một cái bac ciment rộng lớn chạy ngang hàng hiên nhà. Trong bac chú trồng đầy hoa vàng, hoa nở thì lớn bằng đồng 50 xu, có năm cánh y hệt mai vàng ở Việt Nam, lá xanh non to bằng bàn tay con nít 5, 3 tuổi. Lá cũng rất thưa, hoa rất đẹp, vàng trong như mai ngày tết. Khi nắng gắt, mầu vàng có đậm thêm tí chút, sáng hé nở, trưa ấm nở rộ. Chiều chiều hoa cúp lại ngủ, ngày mai sáng sớm lại mãn khai, thân cây hoa chỉ cao lắm là đến đầu em bé 5, 6 tuổi. Nên hoa và cây không che vướng tầm nhìn từ trong nhà ra ngoài trời. Chú Phương yêu quý những cây hoa đó lắm. Vun tưới thường xuyên. Hỏi tên hoa đó là hoa gì? Chú trả lời ngon ơ: Đó là hoa vông vang của Đỗ Tốn, Chúng tôi không nhớ và cũng không biết ông Đỗ Tốn là ai
Trong sự bồi hồi xúc động, tay bắt mặt mừng, họ được gặp lại để trò chuyện với những người họ hàng thân yêu, những bạn bè xa gần thân thiết, nhìn thấy tận mắt những làng xưa chốn cũ, nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp từ thuở thơ ấu cho đến ngày tạm thời phải rời bỏ những nơi này ra đi, ôi biết bao nhiêu nỗi xúc động trộn lẫn niềm sung sướng vô biên, nói làm sao cho hết được.
Những yếu tố lôi cuốn du khách đi du lịch đến một đất nước bao gồm cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, thành phố lớn với những lối kiến trúc độc đáo, cuộc sống sôi động, ẩm thực, hoạt động phiêu lưu, kỳ thú ngoài trời, những buổi hòa nhạc, thể thao, nghệ thuật, hay lễ hội, địa điểm hành hương tôn giáo, phương tiện giao thông, vấn đề an ninh và bình yên; trong văn hóa, yếu tố con người chiếm một phần rất lớn khiến du khách khi rời xa, vẫn lưu luyến muốn trở lại lần nữa.
Nếu quý vị độc giả nào đã đọc câu chuyện tình cảm éo le, oan trái tràn đầy nước mắt: "Thằng Cu Tí và Thằng Cu Tèo" và nếu quy vị nào chưa đọc, thì xin hãy mở Google.com sẽ thấy đế tài này thuật lại 2 vị cao niên về thăm VN để hưởng tuần lễ trăng thanh gió mát quê nhà, sau nhiều năm phải rời bỏ quê hương để sống tha hương ngàn trùng xa cách nơi đất khách quê người đi tìm sự tự do. Nay mới có dịp được quay trở về thăm quê cha đất tổ, đồng thời còn được thưởng thức những món ăn đặc sản quê hương
Tôi lắng nghe, ngạc nhiên nhiều hơn thương cảm. Một người như Tầm mà bị lường gạt về lãnh vực 'xương máu' của mình. Tôi có thể hiểu và cảm thông an ủi trong mọi hoàn cảnh đau buồn, thất vọng của người thân chung quanh. Nhưng tôi lại rất vụng về khi phải đề cập đến mọi giao cảm đối với những con số. Tôi không có duyên phận và chung đường với nó. Nên tôi chỉ biết yên lặng, chờ đợi.
Lúc xưa thật xưa, người Việt Nam ta có tục lệ bầy cỗ Trung Thu vào dịp tết trăng tròn tháng 8 âm lịch. Cỗ này thường để dành cho trẻ con, vừa vui Trung Thu, vừa ăn bánh vừa ngắm trăng tròn, sáng tỏ. Thường cỗ này gồm phần lớn là bánh Trung Thu, bánh dẻo bánh nướng và rất nhiều thứ trái cây, trái cây chánh là bưởi, bưởi hồng đào ngọt và tròn xoay như một vầng trăng. Ăn bưởi xong, có thể sâu hột trái bưởi, phơi khô đi sem sém, và có thể đốt hạt bưởi từng sâu như đốt nến, đèn cầy.
Tường Vi sinh ra lớn lên từ miền “quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu cơm”. Trước 1975, ba Vi có chức vụ lớn trong quân đội, làm việc tại Đà Nẵng cuối tuần mới ra Huế. Gia đình Vi ở bên kia bờ Sông Hương nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà vườn rộng mênh mông có bến sông sau, trước ngõ trồng hàng loạt hoa Tường Vi. Mẹ rất thích loại hoa này, nên đặt tên Vi giống loài hoa. Vi có bốn chị em gồm hai em trai (Vinh, Lộc) và gái út (Tường Như), Vi là chị đầu đàng. Năm 13 tuổi vì thi rớt nên phải học trường tư thục Bồ Đề đến năm lớp tám, ba Vi từ Đà Nẵng dẫn theo người thanh niên về Huế giới thiệu tên Sơn, ra Huế học đại học luật khoa, sẽ dạy kèm chị em, làm gia sư ăn ở trong nhà luôn. Vì tò mò hỏi mạ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.