11:11 tối thứ Sáu, ngày 8 tháng 9 năm 2023, trong các ngôi làng nằm rải rác trên dãy núi High Atlas của Maroc, hàng ngàn người đang chuẩn bị đi ngủ hoặc đã say giấc. Cách đó 50 dặm, thành phố Marrakech nhộn nhịp cũng chuẩn bị chìm vào mộng đẹp.
Nhưng một trận động đất mạnh 6.8 độ richter đã bất ngờ ập tới trên dãy núi, gần thị trấn Oukaïmedene. Toàn bộ khu vực rung chuyển dữ dội – ở tận thành phố Lisbon của Bồ Đào Nha vẫn có thể cảm nhận được các dao động. Trên khắp Maroc, vô số nhà cửa và công trình thi nhau sụp đổ.
Bản đồ khu vực này có những gì?
Marrakech bị tàn phá đáng kể nhưng phần lớn thành phố vẫn còn trụ vững. Còn các ngôi làng vùng ngoại ô thì không được may mắn như thế, một số ngôi làng đã bị xóa sổ hoàn toàn. Số người chết trong trận động đất hiện nay là hơn 2,600 người, và con số vẫn sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Giờ đây, khu vực này vẫn còn đang phải chịu đựng các cơn dư chấn mạnh mẽ. Có thể nhiều người sẽ tự hỏi: Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra? Tại sao trận động đất này lại gieo rắc chết chóc nhiều như vậy?
Mọi người thường tập trung chú ý vào cường độ của trận động đất, thước đo kích thước và ở một mức độ nào đó là mức năng lượng được thoát ra trong quá trình bề mặt Trái Đất xảy ra đứt gãy. Khu vực này của Bắc Phi có hoạt động địa chấn nhưng hiếm khi nào xảy ra các trận động đất lớn. Judith Hubbard, khoa học gia về động đất tại Cornell University, cho biết: “Trận động đất này lớn hơn bất kỳ trận động đất nào từng được ghi nhận trong khu vực.”
Cường độ cao dĩ nhiên có góp phần gây ra mức độ tàn khốc của trận động đất. Nhưng cũng có nhiều yếu tố khác dẫn đến sự tàn phá, dễ kể đến nhất là sự việc xảy ra vào ban đêm, rất nhiều người không thể phản ứng kịp; và nhiều tòa nhà trong khu vực không được thiết kế để chịu được một trận động đất mạnh như vậy.
Wendy Bohon, nhà địa chất học chuyên nghiên cứu về động đất, cho biết: “Các công trình xây dựng không được sửa sang, bồi đắp. Các vật liệu như gạch và vữa rất dễ bị hư hỏng khi xảy ra động đất. Đây là một hồi chuông cảnh báo rằng bản thân trận động đất không giết người, mà người ta chết là bởi các tòa nhà.”
Các khoa học gia đã sử dụng những hiểu biết về địa chất của khu vực để tìm ra lời giải thích tại sao trận động đất lại xảy ra, và tại sao nó lại gây chết chóc đến vậy, hay còn những điều gì khác đằng sau thảm kịch này. Từ đó, người ta có thể chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với các trận động đất lớn tiếp theo, có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào.
Bắc Phi nằm trên mảng kiến tạo Nubian (Nubian plate), còn gọi là mảng kiến tạo Châu Phi (African plate), đang di chuyển chậm hơn so với mảng kiến tạo Á-Âu (Eurasian plate). Maroc ở gần nhưng không nằm trên ranh giới mảng kiến tạo này. Đất nước Maroc có một mạng lưới phức tạp gồm nhiều Đứt gãy (Faults, đứt gãy còn gọi là biến vị, đoạn tầng hoặc phay, là một hiện tượng địa chất liên quan tới các quá trình kiến tạo trong vỏ Trái Đất. Đứt gãy chia làm nhiều loại: Đứt gãy thuận, đứt gãy nghịch, đứt gãy ngang...) khác nhau, bao gồm nhiều Đứt gãy xuyên ngang qua dãy núi High Atlas. Các Đứt gãy này đều đang hoạt động.
Khu vực thường xảy ra các trận động đất nhỏ, và sự dịch chuyển dần dọc theo ranh giới mảng kiến tạo này có nghĩa là các trận động đất lớn tương đối hiếm nhưng có thể xảy ra và cũng đã từng xảy ra. Hai thí dụ đặc biệt nghiêm trọng: Năm 1755, trận động đất lớn ở Meknes đã khiến 15,000 người chết; và vào năm 1960, trận động đất Agadir mạnh 5.8 độ richter đã giết chết 12,000 người.
Các trận động đất lớn có thể xảy ra ở tất cả các loại mạng lưới Đứt gãy – chỉ cần đủ áp lực và thời gian. Thomas Lecocq, nhà địa chấn học tại Royal Observatory of Belgium, cho biết: “Có rất nhiều áp lực tích tụ ở lớp vỏ xung quanh dãy núi High Atlas. Và trận động đất có vẻ như đã khiến cho các áp lực đó được thoát ra.”
Mặc dù hiếm nhưng khu vực vẫn có khả năng xảy ra một trận động đất lớn. Tuy nhiên, vị trí xảy ra trận động đất hôm thứ Sáu có phần bất thường.
Jascha Polet, nhà địa chấn học và giáo sư danh dự tại California State Polytechnic University Pomona, cho biết: “Hầu hết các cơn địa chấn ở Maroc có liên quan đến sự chuyển động trên ranh giới giữa mảng kiến tạo Châu Phi và mảng kiến tạo Á-Âu, cho nên mức độ nguy hiểm địa chấn cao nhất vốn là ở phía bắc của đất nước.” Nhưng trận động đất vừa qua lại xảy ra xa hơn về phía nam, trong khu vực có mức độ rung chấn thấp.
Đứt gãy ở khu vực này là hỗn hợp của hai loại: đứt gãy chờm nghịch (reverse thrust fault), trong đó một khối chờm lên trên và đập vào khối còn lại, và đứt gãy trượt ngang (strike-slip fault), trong đó một khối trượt sang một bên so với khối còn lại. Paula Figueiredo, một khoa học gia về động đất tại North Carolina State University, cho biết: “Đứt gãy khu vực này chủ yếu là loại đứt gãy nghịch pha với một chút trượt ngang.”
Theo Cơ quan U.S. Geological Survey, độ sâu của trận động đất ở Maroc hôm thứ Sáu là 16 dặm. Tuy nhiên, khu vực này có mạng lưới Đứt gãy quá phức tạp mà lại chưa có nhiều khảo sát có độ phân giải cao, cho nên cũng khó nói rõ vấn đề xảy ra chính xác ở Đứt gãy nào.
Hubbard đã nghiên cứu dữ liệu mới từ vệ tinh và phát hiện ra vị trí và cách thức mà mặt đất trong khu vực biến dạng trong trận động đất. Dựa vào đó, bà và đồng nghiệp Kyle Bradley nghi ngờ Đứt gãy có nhiều khả năng xảy ra vấn đề nhất là Đứt gãy Tizi n'Test, một loại mà rất ít người cho là đang hoạt động. Nhưng vẫn cần thêm nhiều dữ liệu để đưa ra kết luận.
Không có thảm họa nào là tự nhiên
Trong những ngày tới, hàng loạt dữ liệu mới sẽ giúp các khoa học gia tìm ra nguyên nhân gây ra thảm họa tàn khốc ở Maroc. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng yếu tố con người đã góp phần làm tăng mức độ chết chóc của trận động đất.
Theo Cơ quan U.S. Geological Survey, trận động đất mạnh và nông này đã gây ra rung chuyển “nghiêm trọng” xung quanh tâm chấn và từ “mạnh” đến “rất mạnh” ở Marrakech, nhưng điều đó cũng không giải thích được tại sao lại có hàng ngàn người chết.
Robin Lacassin, khoa học gia về động đất tại Paris Institute of Earth Physics, cho biết: “Những yếu tố tạo ra một thảm họa, một bên là mối nguy hiểm (trận động đất) và một bên là những thứ thật dễ bị tổn thương (các tòa nhà và công trình dễ bị sập).”
Một số tòa nhà bê tông hiện đại ở Marrakech vẫn có thể trụ vững trong động đất, nhưng những khu vực của thành phố cổ lại mong manh hơn nhiều. Tuy nhiên, sức tàn phá khủng khiếp nhất là ở trong và xung quanh dãy núi High Atlas.
Các công trình ở những khu vực này chủ yếu là những ngôi nhà bằng gạch bùn (mudbrick) và những tòa nhà không có cốt thép. Hiển nhiên, chúng chẳng thể chịu nổi động đất. Một số khu định cư đã bị xóa sổ sạch sẽ.
Người dân ở đây có khuynh hướng sống trên các vùng đồng bằng đầy trầm tích ở phía bắc dãy núi hoặc trên sườn núi. Hai yếu tố này góp phần làm cho thiệt hại nặng nề hơn. Hubbard giải thích: “Trầm tích phù sa yếu hơn có thể làm tăng độ rung lắc, còn các ngọn núi dễ bị lở đất, trong đó bao gồm cả những con đường dẫn đến các ngôi làng miền núi.”
Thời điểm xảy ra thảm kịch
Một đặc điểm gây chết người khác của trận động đất hôm thứ Sáu là thời điểm – cả về thời khắc lúc nó xảy ra và tính trong khoảng thời gian dài hơn.
Polet nói: “Trận động đất xảy ra vào ban đêm, lúc đó hầu hết mọi người đang ngủ bên trong các tòa nhà.”
Và nó cũng xảy ra sau một thời gian dài yên bình, ít ai còn nhớ tới những trận động đất nghiêm trọng. Nhiều người có thể chưa biết cách bảo vệ bản thân tốt nhất khi có động đất xảy ra. Ở những khu vực thường xảy ra động đất, lời khuyên hữu ích nhất là nằm xuống sàn, tìm một cái bàn chắc chắn hoặc thứ gì đó tương tự và núp ở dưới nó cho đến khi hết rung lắc.
Thiết kế mê cung của các khu vực ở Marrakech cũng góp phần gây ra thảm họa. Hubbard giải thích: “Các hình ảnh cũng cho thấy mọi người chạy ra khỏi các tòa nhà, nhưng lại chạy đến những con đường hẹp giữa các tòa nhà đó. Họ có nguy cơ bị gạch đá rơi xuống chôn vùi. Có vẻ như mọi người rất khó tìm một nơi an toàn, cách xa các công trình kiến trúc.”
Thảm họa vẫn chưa kết thúc
Trận động đất rất dữ dội nhưng đã nhanh chóng kết thúc. Tuy nhiên, thảm họa mà nó gây ra sẽ kéo dài trong nhiều năm. Hubbard cho biết: “Chúng ta vẫn chưa thống kê hết số người tử nạn trong trận động đất, đặc biệt đối với những người sống ở vùng sâu vùng xa.” Khi các đội nhóm tìm kiếm cứu hộ có thể đến được nhiều ngôi làng hơn, số người chết sẽ tiếp tục tăng.
Những người sống sót thì cũng bị mất đi người thân, bạn bè, nhà cửa và sinh kế. Tổn thương họ phải gánh chịu rất lớn. Và rồi đất nước sẽ phải đối mặt với những mất mát nghiêm trọng về xã hội, kinh tế và văn hóa.
Một ngày nào đó các khoa học gia sẽ giải mã được các vấn đề về địa chấn và tìm ra cách dự báo trước khi một trận động đất lớn xảy ra. Nhưng hiện tại, tất cả những gì chúng ta có thể làm là giúp đỡ và hỗ trợ.
Nguồn: “What made the earthquake in Morocco so devastating” của Robin George Andrews, được đăng trên trang Nationalgeographic.com.