Năm ngoái, các bác sĩ tại một bệnh viện ở Canberra đã sốc tới lặng người khi gắp một con giun sống ra khỏi não một phụ nữ. Trước đó, nữ bệnh nhân này phải vào bệnh viện với các triệu chứng như bị đau dạ dày, ho khan, đổ mồ hôi đêm trong hàng tháng trời, sau đó thì bà bị trầm cảm và hay quên. Bệnh nhân đã được chỉ định đi scan não.
Trong một trường hợp để nghiên cứu (case study) được công bố trên tạp chí Emerging Infectious Diseases, các bác sĩ mô tả lại quá trình loại bỏ một con giun tròn (thuộc ngành nematode), dài 8 cm và còn sống, ra khỏi não của nữ bệnh nhân 64 tuổi bị ức chế miễn dịch. Con giun được xác định là loài O. robertsi (Ophidascaris robertsi). Đây là loài giun thân tròn, sống ký sinh trên loài trăn thảm phổ biến ở khắp nước Úc. Bệnh nhân nhiều khả năng bị nhiễm giun sau khi hái rau Warrigal ở ven hồ gần nhà về ăn. Khu vực này cũng là nơi loài trăn thảm sinh sống.
Cần lưu ý rằng đây là một trường hợp hi hữu hiếm gặp. Nhưng vẫn còn nhiều loại ký sinh trùng phổ biến hơn có thể dễ dàng lây nhiễm vào cơ thể và não của chúng ta. Và có một số cách để giảm thiểu rủi ro bị nhiễm ký sinh trùng.
Các loại ký sinh trùng phổ biến và cách chúng xâm nhập vào cơ thể
Nhiễm ký sinh trùng là chuyện rất đỗi bình thường. Loại phổ biến nhất là giun kim (pinworm hay threadworm, tên khoa học là Enterobius vermicularis), với khoảng một tỷ người trên toàn thế giới bị nhiễm, đặc biệt là trẻ em. Giun kim có thể dài tới khoảng 1cm và là loài ký sinh điển hình trên vật chủ là con người. Chúng gây ngứa ngáy vùng mông dữ dội và lây từ người này sang người khác. Việc bị lây giun kim từ vật nuôi chỉ là lời đồn bậy!
Giardia (Giardia duodenalis) cũng rất phổ biến. Đây là ký sinh trùng lây truyền qua nước, thường là do tình trạng vệ sinh kém (ở dơ), và gây ra các triệu chứng dạ dày như tiêu chảy, chuột rút, đầy hơi, buồn nôn và mệt mỏi. Bào nang Giardia (Giardia cysts – nang nhỏ chứa ký sinh trùng chưa trưởng thành) lây bệnh, được thải ra ngoài qua phân, và có thể tồn tại trong nhiều tháng trước khi ký sinh vào người khác. Giardia cũng định vị trong các loại thực phẩm (chẳng hạn như thịt cừu) còn sống hoặc nấu chưa chín.
Hai loại giun móc (hookworm) – Necator americanis và Ancylostoma duadonale – thì trú ngụ trong đất. Riêng Ancylostoma duadonale rất phổ biến ở Úc và thường được tìm thấy ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa.
Khi một người bị nhiễm giun móc (thường là do đi chân trần hoặc xỏ chân vào giày, dép đã bị ấu trùng giun bám vào), chúng sẽ xâm nhập vào máu và sau đó tấn công vào phổi. Từ phế quản ở phần trên của phổi, chúng theo dịch tiết đi vào. Khi vào tới ruột và ruột non, chúng có thể hấp thụ chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt, gây ra chứng thiếu máu (thiếu sắt). Chúng cũng giải phóng một chất chống đông máu có tác dụng ngăn chặn quá trình đông máu của vật chủ, làm thiếu hụt một lượng máu nhỏ.
May mắn thay, những loại ký sinh trùng phổ biến này không lây nhiễm lên não.
Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 30 – 50% số người bị bệnh Toxoplasma. Hầu hết sẽ không có triệu chứng bị bệnh, nhưng nhiều người có dấu hiệu bị nhiễm giun.
Ký sinh trùng có thể tồn tại trong cơ thể trong nhiều năm dưới dạng các mô bào nang nhỏ. Những bào nang (cysts) này có thể được tìm thấy ở não, tim và cơ. Trẻ sơ sinh có thể bị tổn thương mắt hoặc não nghiêm trọng nếu người mẹ bị nhiễm trong thai kỳ. Những người bị suy giảm khả năng miễn dịch – chẳng hạn như do bệnh AIDS hoặc đang điều trị ung thư – cũng có nguy cơ bị nhiễm Toxoplasma từ mèo cưng hoặc ăn thịt sống.
Tiếp theo là sán dây và amip
Sán dây (tapeworms) có thể lây nhiễm sang nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả não. Đây được gọi là bệnh neurocysticercosis và là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh động kinh trên toàn thế giới. Bệnh neurocysticercosis không phổ biến ở các nước phương Tây. Nguyên nhân bị nhiễm thường là do ăn thịt heo nấu chưa chín hoặc do người bị nhiễm sán dây heo (Taenia solium) chế biến.
Ấu trùng sán dây có thể lây nhiễm vào cơ và mô mềm. Mô não có thể là nơi ở cho ấu trùng vì nó mềm và dễ dàng xâm nhập qua các mạch máu. Nhiễm sán dây ở não có thể gây đau đầu, chóng mặt, co giật, suy giảm nhận thức và thậm chí mất trí nhớ do tăng áp lực dịch não tủy.
Naegleria fowleri là một loại amip sống ở sông, suối, ao, hồ và những vùng có khí hậu ấm áp, kể cả ở Úc. Những người bơi trong vùng nước bị nhiễm amip Naegleria fowleri có thể bị ký sinh trùng này xâm nhập vào cơ thể thông qua mũi. Sau đó nó di chuyển đến não và phá hủy mô não. Tình trạng này hầu như luôn dẫn đến tử vong.
Và đây là 4 cách tránh bị nhiễm ký sinh trùng
Để giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng, quý vị có thể:
1. Tránh ăn thịt heo sống hoặc tái. Đông lạnh thịt trước khi nấu có thể giảm thiểu rủi ro, và thịt đông lạnh phải được nấu trong nhiệt độ cao. Hãy tránh ăn thịt heo nếu quý vị đi du lịch ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém.
1. Tránh ăn thịt heo sống hoặc tái. Đông lạnh thịt trước khi nấu có thể giảm thiểu rủi ro, và thịt đông lạnh phải được nấu trong nhiệt độ cao. Hãy tránh ăn thịt heo nếu quý vị đi du lịch ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém.
2. Tránh lội hoặc lặn trong ở ao, hồ, sông…những vùng nước ấm, đặc biệt nếu biết nơi đó có nguy cơ chứa Naegleria fowleri. Mặc dù chỉ có một số ít trường hợp được báo cáo mỗi năm nhưng quý vị nên nghĩ rằng nó vẫn có đó!
3. Giữ vệ sinh cho đôi tay. Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, kỹ lưỡng và sử dụng xà phòng, chà xát trong ít nhất 20 giây, rửa sạch rồi lau khô. Quý vị cũng nên cắt và làm sạch kẽ móng tay thường xuyên.
4. Để tránh các loại ký sinh trùng từ đất, hãy mang giày dép khi ra ngoài, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa. Thường xuyên giặt giày và không mang giày dép vào trong nhà.
Nguồn: “Finding a live brain worm is rare. 4 ways to protect yourself from more common parasites” của Vincent Ho, được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn