QUẬN CAM (Thanh Huy/Phan Tấn Hải) --- Đại Lễ Vu Lan đã được tổ chức trang nghiêm tại Thiền Viện Sùng Nghiêm hôm Chủ Nhật 3/9/2023. Bên cạnh những bài pháp thoại đầy Thiền vị, còn có các phần văn nghệ đầy công phu và xúc động để ngợi ca tấm lòng bao la của tình mẹ thương con và tấm lòng người con hiếu hạnh với mẹ cha. Với sự điều hợp tài tình của hai MC Đỗ Phước và Minh Hồng. Truyền thống Thiền Viện Sùng Nghiêm là mỗi năm tổ chức 2 lễ hội: Phật Đản và Vu Lan. Đây cũng là hai ngày lễ lớn nhất trong truyền thống Phật Giáo Việt Nam.
Đại lễ Vu Lan năm nay dưới sự chủ trì của Ni trưởng Thanh Tịnh Liên Thích Nữ Chân Thiền, Ni sư Thích Nữ Chân Diệu, các vị khách Ni là Ni sư Bảo Khanh, Ni sư Xuân Liên. Đặc biệt có sự tham dự của Dân Biểu Tiểu bang Tạ Đức Trí, và Bác sĩ Võ Đình Hữu (Chủ tịch Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại VN). Giới văn nghệ sĩ tham dự có hai nhà thơ Nguyễn Tiến Quỳnh Giao, Nguyễn Thị Mắt Nâu, các huynh trưởng Tuệ Linh, Lê Đức Lợi, nhạc sĩ Nguyễn Phú Hùng và ca đoàn, các ca sĩ Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Diệu Hoàng, Diệu Mai, Kiều Loan, Mỹ Nga, nhóm vũ... các nhà báo Phan Tấn Hải, Thanh Huy, Hằng Nguyễn, Thanh Phong...
Khi bước vào hội trường, mỗi quan khách đều được gài lên ngực áo một bông hồng xanh, ý nghĩa là không phân biệt còn mẹ hay đã mất mẹ. Truyền thống nhiều chùa dùng 2 màu bông hồng: người còn mẹ được gài bông hồng đỏ, người đã mất mẹ được gài bông hồng trắng. Riêng Thiền Viện Sùng Nghiêm dùng bông hồng xanh, ý nghĩa là không phân biệt, vì phải mang ơn Tam Bảo và ba mẹ trong từng sát na, trong từng hơi thở, bất kể là ba mẹ đã đi xa hay còn hiện tiền, bởi vì Đạo Phật cũng là Đạo Hiếu, và tâm hiếu là lòng biết ơn lưu chảy không ngừng nghỉ.
Một điểm xúc động năm nay là mỗi người tham dự được phát các trang giấy, ghi một truyện thật về hiếu hạnh nhan đề “Đừng bao giờ” được ghi trong một email do Bác sĩ Võ Đình Hữu chuyển tới nhiều diễn đàn “nhân mùa Vu Lan.” Truyện do Trần Dzũng Minh Dân, kể về bác sĩ Hiếu, mới ngoài 30 tuổi, chuyên làm công quả trong các chùa để hồi hướng, cầu nguyện cho mẹ về nhàn cảnh, và cũng là người chữa bệnh cho đồng với với giá rất rẻ, có khi không lấy tiền. Bác sĩ này kể xuất thân từ gia đình nghèo, có mẹ đơn thân nuôi từ nhỏ vì thân phụ chết trong trại cải tạo. Mẹ gom góp tài sản, dẫn cậu Hiếu đi vượt biên, may qua được trại tỵ nạn Mã Lai. Vào Mỹ, mẹ của anh này vừa làm phụ bếp, khi về nhà lại nhận may thêm để nuôi con ăn học. Cậu Hiếu học xong trung học, vào đại học, tốt nghiệp bác sĩ, đi thực tập, quen cô bạn là Thy. Gia đình Thy khi còn ở VN, ba mẹ là bác sĩ, nên có phong cách trưởng giả. Rồi Hiếu kết hôn với Thy. Mẹ của Hiếu có sự quê kệch vì là phụ bếp, ở vài tháng với vợ chồng Hiếu và Thy thì bỏ nhà đi, vì không muốn con mình mắc cỡ. Vài tháng sau, cảnh sát báo tin cho Hiếu rằng mẹ Hiếu đã từ trần. Sau khi chôn cất mẹ xong, Hiếu và Thy ly dị, vì cứ thấy Thy là nhớ tới mẹ. Hiếu dọn đi tiểu bang khác, và rồi lòng ân hận không nguôi, nên làm từ thiện giúp người nghèo, và vào chùa làm công quả. Truyện kể rất dài, rất cảm động.
Mở đầu chương trình, ca sĩ Diệu Hoàng trình bày bản nhạc “Gánh Mẹ” của nhạc sĩ Quách Beem phổ thơ Lưu Minh Tuấn, đã lan truyền không khí bùi ngùi tưởng nhớ công ơn của mẹ. Giọng ca rất mực xuất sắc, lời nhạc lại rất mực cảm động:
Cho con gánh mẹ một lần,
Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con.
Cho con gánh mẹ đầu non,
Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời...
Buổi văn nghệ trong Lễ Vu Lan có phần kỹ thuật là nhờ nhạc sĩ Nguyễn Phú Hùng (Giám đốc chương trình phát thanh Hương Sen) đệm nhạc với đàn keyboard piano.
Tiếp theo, MC là cư sĩ Đỗ Phước, cũng là Trưởng Tràng Thiền Viện Sùng Nghiêm, đã điều hợp lễ chào cờ Hoa Kỳ, chào cờ VNCH, chào Phật Giáo Kỳ, và nhập từ bi quán.
Sau đó, MC Minh Hồng đọc Chương trình Buổi Lễ, giới thiệu quan khách tham dự, và mời Ni sư Chân Diệu lên có vài lời nhắc nhớ. Sau đó, MC Phước tuyên bố khai mạc Lễ Vu Lan, rồi mời Ni sư Chân Thiền chào quan khách và có đôi lời.
Ni sư Chân Thiền nói về chủ đề “Vu Lan: Báo Hiếu, Tri Ân.” Ni sư nói rằng Đạo Phật là Đạo Hiếu, và nói về chữ Hiếu là quá bao la, bát ngát, vì không những chúng ta tri ân, báo hiếu ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ, mà còn phải báo hiếu, tri ân toàn thể vũ trụ muôn loài, muôn vật nữa. Ni sư cảm ơn Bác sĩ Võ Đình Hữu đã phổ biến qua email truyện về người bác sĩ tên Hiếu trong lòng đau khổ vì lỡ xúc phạm mẹ khi bà cụ còn sinh tiền.
Ni sư Chân Thiền nói rằng Thiền Viện Sùng Nghiêm đã chứng kiến rất nhiều bậc Cha Mẹ bơ vơ đã tới Thiền Viện và than khóc vì bị con mắng nhiếc, ngược đãi, bỏ bê. Ni sư nói trong ngày Vu Lan Báo Hiếu Tri Ân, Ni sư xin nhắc nhở rằng:
“Không phải là hầu hết chúng ta đều bất hiếu! Nhưng nếu có những ai đã lỡ lầm dám xúc phạm, mắng cha, mắng mẹ… nhiếc mắng đến nỗi làm các Đấng Cha Mẹ sợ hãi nên đã run lên bần bật. Sự việc này chúng tôi đã từng chứng kiến tận mắt. Và hôm nay có một sự vi diệu nào đó đã khiến Bác sĩ Võ Đình Hữu, ông cũng đang có mặt trong Buổi Lễ hôm nay, Bác sĩ Hữu đã liên lạc với Ký giả Thanh Phong và Ký giả Thanh Phong đã đưa cho tôi một đề tài cũng trùng hợp với những gì mà tôi muốn nhắn nhủ trong ngày Đại Lễ Vu Lan này.
Thưa đề tài là… một câu chuyện của một bác sĩ đã phạm tội bất hiếu với mẹ. Bây giờ ông mới ăn năn, hối lỗi, thì mẹ đã qua đời. Còn một sự lạ trùng hợp nữa. Buổi lễ hôm nay tôi đã tính lấy đề tựa một bài hát là “Chữ Không” của một nhạc sĩ nào mà tôi đã quên tên, để hát vài câu nhắc nhở chúng ta:
‘Không, không bao giờ chửi mẹ, mắng cha.’ Không bao giờ nên phạm tội bất hiếu với các đấng sinh thành. Hãy coi chừng, vì Đạo Phật không những là Đạo Hiếu, mà còn là Đạo Nhân Quả trong từng giây, từng phút. Cho nên, nếu chúng ta chửi mẹ, mắng cha thì không sao tránh được nhân quả của Địa Ngục.”
Tiếp theo, MC Phước mời quan khách xem một màn nhạc cảnh Vu Lan.
Tiếp theo, hai chị Diệu Ngọc và Mỹ Nga đọc bài Mười Điểm Lễ Tạ Ơn. Cứ đọc xong một lâu, là đọc câu “Chúng con xin khấu đầu đảnh lễ để tạ ơn.”.Sau đây là tom tắt.
Lễ Tạ Ơn thứ nhất: Chúng con mang ơn Tam Bảo, Chử Phật Tổ, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng từ vô thỉ tới nay, đã chỉ dạy cho chúng con đường lối giải thoát khỏi sự vô minh dày đặt, cũng là giải thoát mọi phiền não, khổ đau, giải thoát sinh tử luân hồi.
Lễ Tạ Ơn thứ hai: Chúng con mang ơn quý Ân sư từ vô thỉ tới nay, đã giáo huấn, khai ngộ cho chúng con đi đúng đường lối chính pháp, để trở thành những thiện nhân đạo đức, biết tu hành theo chính pháp, hầu thoát phiền não và sinh tử.
Lễ Tạ Ơn thứ ba: Chúng con mang ơn Tổ Tiên, Cửu Huyền Thất Tổ, cũng nhưi cha mẹ từ vô thỉ tới nay. Quý ngài đã sinh thành, dưỡng dục, đã cho thân mạng này với đầy đủ sáu căn thật hữu dụng, vô cùng đẹp đẻ để học hỏi và thực hành đường lối giác ngộ, giài thoát của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.
Lễ Tạ Ơn thứ tư: Chúng con mang ơn các Thiện tri thức…
Lễ Tạ Ơn thứ năm: Chúng con mang ơn họ hàng nội ngoại xa gần…
Lễ Tạ Ơn thứ sáu: Chúng con mang ơn các vợ chồng, con cái…
Lễ Tạ Ơn thứ bảy: Chúng con mang ơn muôn loài, muôn vật, chúng sinh….
Lễ Tạ Ơn thứ tám: Chúng con mang ơn tất cả quốc gia, xã hội…
Lễ Tạ Ơn thứ chín: Chúng con mang ơn sự vi diệu của pháp giới dung thông…
Lễ Tạ Ơn thứ mười: Chúng con mang ơn chính thân mạng của chúng con, vì nhờ phúc báo của thân mạng đang hiệu hữu này, mà chúng con có muôn vàn cơ hội để sám hối, tu sửa, học hỏi về Đời, về Đạo mà tinh tấn, tiến hóa tới tận cùng là cứu cánh Chân, Thiện, Mỹ hầu giải thoát chính mình và giải thoát chúng sinh. Chúng con xin khấu đầu đảnh lễ để tạ ơn.
Dân biểu tiểu bang Tạ Đức Trí đã lên trao bằng tưởng lục cho Quý Ni sư, ca ngợi công sức của Thiền Viện Sùng Nghiêm đã đóng góp cho xã hội nhiều thập niên qua.
Bác sĩ Võ Đình Hữu đã được Ni sư Chân Thiền mời lên góp ý kiến. Bác sĩ Hữu kể về hai chuyện trong gia đình của bác sĩ, ca ngợi công ơn các bậc cha mẹ của chính bác sĩ Hữu và của phu nhân.
Tiếp theo, là lễ Dâng Hương, và rồi tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Điều chú ý, rằng tất cả các chùa khác đều có các nghi thức Nhật Tụng rất dài, có khi cuốn Kinh Nhật Tụng dày cả 200 trang. Riêng Thiền Viện Sùng Nghiêm chỉ phát ra mỗi người một trang giấy có in Bát Nhã Tâm Kinh để đọc. Bởi vì bài này là cốt tủy của Thiền Tông.
Điểm độc đáo của Đại Lễ Vu Lan tại Thiền Viện Sùng Nghiêm cũng là các nhạc cảnh và ca khúc Thiền. Tất cả đều là thơ của Ni sư Chân Thiền được phổ nhạc cho người nghe dễ nhớ.
Cũng nên nhắc rằng, Phật Tử có thể tới Thiền Viện Sùng Nghiêm hàng ngày hay hàng tuần để học thiền, ngồi thiền, độc tham và nghe thuyết giảng theo các thời khóa biểu ghi sẵn. Có lớp Thiền Trẻ Em cuối tuần, và các lớp thiền cho mọi trình độ. Thiền viện cũng có giờ phát thanh và phát hình hàng tuần. Câu hỏi, xin liên lạc về:
Thiền Viện Sùng Nghiêm, 11561 Magnolia St., Garden Grove, CA 92841. Tel: (714) 636-0118.
Email: sungnghiem@hotmail.com -Trang web: https://thienviensungnghiem.org/
VỀ THIỀN VIỆN SÙNG NGHIÊM
Thiền Viện Sùng Nghiêm tại Quận Cam là nơi tu học từ nhiều năm qua chuyên về Thiền Tông, với nhiều lớp Thiền - cũng như giúp tham học giáo lý Kinh, Luật, Luận, Thiền chữa bệnh, Yoga... -- được hướng dẫn cho mọi trình độ và lứa tuổi, từ em bé 5 tuổi cho tới các vị lão niên. Riêng thiếu niên có dạy cả Việt ngữ. Tuy nhiên, không phải là khép cửa tu học, Thiền Viện cũng là nơi từng tổ chức những cuộc triển lãm hội họa, nhiếp ảnh, những chuyến đi làm từ thiện...
Cũng nên nhắc về dòng truyền thừa của Thiền viện Sùng Nghiêm, rằng Cố Đại Lão Thiền Sư Philip Kapleau là người thầy truyền pháp môn Thiền Tông cho ba vị ni sư -- quý ni sư Chân Thiền, Chân Diệu, và Chân Như - để sau này 3 vị về Quận Cam sáng lập Thiền Viện Sùng Nghiêm. Trước đó, quý ni sư đã cầu học rất mực gian nan: Quý ni sư đã đi tới nhiều thiền lâm nổi tiếng, sang tận Trung Quốc, nhập nhiều khóa thiền thất, và rồi dự các khóa sesshin (tiếp tâm) ở nhiều tiểu bang, trước khi về học với Thiền Sư Philip Kapleau.
Ngài Kapleau sinh năm 1912, viên tịch 2004. Năm 1953, xin xuất gia tu học, được lão sư Soen tiếp nhận Kapleau cho tu tại chùa Phát tâm (Hosshinji). Ba năm sau, theo giới thiệu của lão sư Soen, Kapleau đến cầu pháp với thiền sư Bạch Vân (Yasutani), Nhật Bản. Trong khóa tu thứ 20 (mùa hè năm 1958) với thiền sư Bạch Vân, Kapleau đã đạt ngộ được thiền sư Bạch Vân ấn chứng và ban cho danh hiệu "Roshi" (Lão sư một danh hiệu khó đạt được, chỉ ban cho những ai đã đạt ngộ chân lý). Ngài Kapleau nổi tiếng trên tầm quốc tế sau khi biên soạn cuốn sách tựa đề là "Ba Trụ Thiền" (Three Pillards of Zen), in tại Nhật bản vào năm 1965; tác phẩm này đã giúp nhiều người vào cổng nhà Thiền.
Sau nhiều năm tu học tại Nhật, năm 1965, ngài Kapleau trở về Hoa Kỳ và bắt đầu sứ mệnh truyền pháp. Từ đó, dòng Thiền của Ngài Kapleau đã phát triển mạnh mẽ tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Và bây giờ, ngọn đèn pháp của Thiền Tông hiện đang được gìn giữ và trao truyền tại Thiền Viện Sùng Nghiêm, nơi đang tìm nhiều cách hoằng pháp lợi sanh với nhiều phương tiện, cho nhiều thành phần và nhiều lứa tuổi.
Hiện thời hàng trăm thiếu niên trong các lớp Thiền nhiều năm qua ở Thiền Viện Sùng Nghiêm bây giờ đã là các Bác sĩ, Luật sư, Giáo sư, cô giáo, công chức, cảnh sát, chiến binh... Họ đang vào đời với Chánh kiến, với tâm tỉnh thức và từ bi học từ các lớp Thiền nơi đây. Ngọn đèn pháp đang lưu truyền bất tận trên đất Hoa Kỳ.
Hãy tin rằng, học Phật là hạnh phúc tức thì, là an lạc tức khắc. Một ngày học Phật, là một ngày an lạc, và là nhân duyên để giải thoát. Chỉ nhìn khuôn mặt an lạc, rạng rỡ của quý ni sư và quý nam nữ cư sĩ trong Thiền viện này cũng thấy rằng họ đang sống với hạnh phúc tự tâm.
(Bản tin: Thanh Huy/Phan Tấn Hải)
Gửi ý kiến của bạn