Sau khi hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên Mặt trăng vào tháng trước, Ấn Độ tiếp tục phát động sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời, theo Smithsonian.
Tàu vũ trụ Aditya-L1 sẽ mất 110 ngày để di chuyển đến điểm Lagrange 1 (Lagrange point *) và từ vị trí này, vệ tinh sẽ quan sát bề mặt Mặt trời và bầu khí quyển phía trên nó cũng như thời tiết vũ trụ.
* Điểm Lagrange là một vị trí trong vùng quỹ đạo của hai thiên thể lớn chuyển động quanh nhau dưới tác dụng của lực hấp dẫn (chẳng hạn hệ Mặt Trời-Trái Đất, hệ Trái Đất-Mặt Trăng, hệ Mặt Trời-Sao Mộc...) mà ở đó một vật thể có khối lượng không đáng kể (thiên thạch, tiểu hành tinh loại nhỏ, vệ tinh nhân tạo...) có thể nhận được lực hấp dẫn từ hai thiên thể lớn vừa đủ để duy trì quỹ đạo ổn định so với hai thiên thể lớn. Hay nói cách khác, các điểm Lagrange là các vị trí trong không gian, nơi mà các lực cân bằng nhau để tạo ra quỹ đạo ổn định. Các con tàu vũ trụ có thể sử dụng chúng để giảm tiêu thụ nhiên liệu cần thiết để duy trì vị trí.
Aditya trong tiếng Phạn có nghĩa là Mặt trời. L1 là điểm Lagrange đầu tiên. Tàu vũ trụ Aditya-L1 được phóng lúc 11:50 sáng thứ Bảy (2/9) từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, một hòn đảo chắn (barrier island) ở Andhra Pradesh, Ấn Độ.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), Aditya-L1 sẽ quay quanh Trái đất trong 16 ngày và thực hiện 5 lần thao tác để tăng tốc cho hành trình tới L1 của mình. Hiện nay, có 4 tàu vũ trụ khác đang ở quỹ đạo điểm L1. Từ L1, Aditya-L1 sẽ có thể theo dõi và quan sát Mặt trời liên tục.
Sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời của Aditya-L1 sẽ tập trung vào 3 hiện tượng: quang quyển (photosphere – các lớp quang quyển có thể được nhìn thấy bằng mắt thường), sắc quyển (chromosphere – một lớp plasma mỏng phía trên quang quyển), và vành nhật hoa (corona – lớp ngoài cùng của Mặt trời ở độ cao khoảng 1,300 dặm phía trên quang quyển). Tàu vũ trụ sẽ thu thập dữ liệu về nguồn gốc và sự phát triển của các vụ phóng ra từ trường và plasma ở vành nhật hoa, sự nóng lên của lớp ngoài cùng của bầu khí quyển Mặt trời, hoặc lửa Mặt trời và các tia phóng xạ có thể gây ra hiện tượng mất sóng vô tuyến trên Trái đất.
Khi plasma nóng lên và thoát khỏi lực hấp dẫn của Mặt trời, nó thoát ra trong một dòng hạt tích điện gọi là gió Mặt trời, di chuyển trong không gian và tạo ra từ trường trải dài khắp Thái Dương Hệ. Aditya-L1 cũng sẽ nghiên cứu yếu tố thúc đẩy thời tiết vũ trụ (space weather) cũng như các hạt và từ trường xung quanh L1.
Sứ mệnh này được kỳ vọng có thể giúp bảo vệ công nghệ trên và xung quanh Trái đất.
Cựu khoa học gia của ISRO Mylswamy Annadurai nói với Geeta Pandey của BBC News: “Biết được các hoạt động của Mặt trời, chẳng hạn như gió Mặt trời hoặc vụ phun trào Mặt trời, trước vài ngày sẽ giúp chúng ta di chuyển các vệ tinh ra khỏi vùng nguy hiểm.”
Chu kỳ Mặt trời (Solar Cycle) có độ dài khoảng 11 năm – hoạt động của Mặt trời sẽ tăng, giảm theo chu kỳ. Vào đỉnh điểm của một chu kỳ (lúc Mặt trời hoạt động mạnh nhất), bề mặt Mặt trời sẽ có nhiều vết đen trên hơn, phát ra nhiều bức xạ hơn và phun trào nhiều lửa Mặt trời (solar flare) hơn. Hiện tại chúng ta đã bước sang Solar Cycle 25 được bốn năm. Và trong chu kỳ thứ 25 này, dự đoán rằng Mặt trời sẽ hoạt động tối đa vào năm 2025, phun trào nhiều hơn, có thể gây ra nhiều hiện tượng cực quang hơn với khu vực rộng hơn hoặc làm hư hỏng hệ thống điện và thông tin liên lạc.
Sứ mệnh Mặt trời của Ấn Độ diễn ra 10 ngày sau khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của quốc gia này hạ cánh thành công xuống cực nam Mặt trăng, giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh thành công trên Mặt trăng, và là quốc gia đầu tiên hạ cánh gần cực nam Mặt trăng.