WASHINGTON Một viên chức Hoa Kỳ cho biết, các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và Bắc Hàn đang tiến triển tích cực, đồng thời cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong Un rằng đất nước của ông sẽ phải trả giá nếu cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, theo Reuters.
Tại Tòa Bạch Ốc, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng việc cung cấp vũ khí cho Nga “sẽ không mang lại trái ngọt cho Bắc Hàn và họ sẽ phải trả giá trước cộng đồng quốc tế.”
Trước đó, Điện Kremlin cho biết họ “không có gì để nói” về tuyên bố của các viên chức Hoa Kỳ rằng ông Kim dự định tới Nga trong tháng này để gặp Tổng thống Vladimir Putin và thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Moscow.
Theo ông Sullivan, Kim muốn tiếp tục thảo luận về vũ khí, kể cả ở cấp lãnh đạo và “thậm chí có thể là gặp mặt trực tiếp.” Hoa Kỳ đã và đang siết chặt cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, nên Moscow hiện đang “dòm ngó bất kỳ nguồn nào họ có thể tìm thấy” đối với các loại hàng hóa như đạn dược.
Ông Sullivan nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Bắc Hàn tuân thủ các cam kết công khai không cung cấp vũ khí cho Nga sử dụng để tàn sát người Ukraine.”
Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (U.S. National Security Council) Adrienne Watson cho biết Kim và Putin có thể đang lên kế hoạch gặp nhau. Tờ New York Times cũng dẫn nguồn tin các viên chức Hoa Kỳ và đồng minh loan báo rằng ông Kim có kế hoạch tới Nga ngay trong tuần tới để gặp Putin.
Khi được hỏi liệu có thể xác nhận thông tin về cuộc đàm phán hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Không, tôi không thể. Không có gì để nói cả.”
Tháng 11 năm ngoái, một viên chức Bộ Quốc Phòng Bắc Hàn cho biết Bình Nhưỡng “chưa bao giờ có ‘thỏa thuận vũ khí’ với Nga” và “cũng không có kế hoạch cho điều đó trong tương lai.”
Moscow và Bình Nhưỡng đã hứa hẹn sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Hai (4/9) cho biết hai nước đang thảo luận về khả năng tập trận chung.
Chuyên gia Keir Giles tại Chatham House nói: “Cũng giống như việc chúng ta có thể đánh giá một người thông qua bạn bè của họ, chúng ta có thể đánh giá một quốc gia thông qua quốc gia đang là bằng hữu của họ. Trong trường hợp của Nga, những bằng hữu đó hiện nay đa phần là các quốc gia bất hảo.”
Nếu chuyến đi này xảy ra, thì đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Kim Jong Un sau hơn 4 năm và là chuyến đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19.
Mặc dù Kim Jong Un thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài hơn thân phụ của mình, nhưng những chuyến công du của ông thường được giữ bí mật và an ninh nghiêm ngặt. Nhiều nguồn tin cho rằng lần này ông Kim có thể sẽ đi tàu bọc thép qua biên giới Bắc Hàn và Nga.
Andrei Lankov, một chuyên gia về Bắc Hàn tại Kookmin University ở Seoul, cho biết, ông Kim có thể muốn nâng cao cảm giác được Nga hậu thuẫn và có thể sẽ ký kết các thỏa thuận bán vũ khí, viện trợ và đưa lao động sang Nga.
Hồi tháng 8, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba thực thể bị cáo buộc có liên quan đến các thỏa thuận vũ khí giữa Bình Nhưỡng và Moscow.
Bắc Hàn đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 và đã thử nhiều loại hỏa tiễn khác nhau trong những năm gần đây. Nga và Trung Quốc đã phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Bắc Hàn. Lần đầu tiên có sự công khai chia rẽ trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kể từ khi bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2006.