Truyện
Gió rét len lỏi lùa vào nhà. Gió thổi qua những ống tre đầu hồi ngoài hàng hiên tạo nên những tiếng vo vo như tiếng sáo diều lẫn trong tiếng rít từng chập của những cơn gió mạnh. Đâu đâu cũng gió, gió bao trùm khắp cả không gian. Những tấm cửa lùa bằng gỗ không ngăn cản nổi cái giá rét căm căm của mùa đông miền Bắc.
Tôi ngồi một mình trong phòng học, lặng lẽ nhìn ra ngoài qua cửa sổ kính. Trên trời, những giải mây xám vẫn vần vũ bay. Ngoài ngõ, vài chị gánh hàng ra chợ sớm trao nhau vài câu chuyện đứt quãng, lao xao rồi tắt hẳn. Xa xa, tiếng chuông nhà thờ làng đổ hồi đang ngân vọng về như để dục dã con chiên kịp đi lễ sớm. Và, mọi người trong nhà tôi như cố nằm thêm trong giường để được hưởng thêm cái ấm áp của những chiếc chăn bông dầy cộm.
Vài cuộn khói trắng đục tỏa lên từ mái bếp tranh, nặng trĩu, là là trên mái như không cất mình nổi lên cao. Gặp cơn gió mạnh, khói vụt bốc lên cao, xoáy tròn hay chúi xuống, lảo đảo rồi tan nhanh.
Những con lợn đã bắt đầu ủn ỉn đòi ăn.
Tôi biết chị Thìn đã dậy. Tôi khoác vội chiếo áo dạ, thu hết can đảm phóng xuống bếp để tìm hơi ấm của bếp rơm. Con Mực (1) nằm trong ổ rơm giật mình ngửng đầu nhìn tôi rồi lại cúi xuống, đặt đầu lên hai chân trước duỗi dài tiếp tục lim dim ngủ.
Tôi ngồi thu mình trong ổ rơm với con Mực, nhìn chị Thìn đang nấu nồi cám lợn. Tuy gọi là nồi nhưng miệng của nó lại rộng ra như cái chảo. Ánh lửa bập bùng. Thỉnh thoảng ngọn lửa bùng lên to, chị phải dùng cây que "cời rơm" khơi bớt rơm ra. Khi ngọn lửa tàn dần chị lại dùng cây que "cời rơm" đưa thêm rơm vào. Cứ như thế, chị luôn tay giữ cho ngọn lửa cháy đều. Nồi cám lợn đã bắt đầu bốc khói, sủi tăm trên mặt, thỉnh thoảng nổi lên những bong bóng lớn rồi vỡ ra với tiếng sôi ùng ục, quánh đặc.
Chị cứ lẳng lặng làm việc như chẳng để ý đến tôi. Rồi chị cũng ngừng tay lẳng lặng rót cho tôi một bát chè tươi (chè xanh) uống cho ấm bụng. Lúc này chị mới mỉm cười với tôi, cái mỉm cười rất hiền từ nhân hậu.
– Sao em dậy sớm thế?
Tôi nhìn chị chưa kịp trả lời, chị hỏi tiếp:
– Hôm nào em trở lại Hà Nội?
– Cũng it ngày nữa chị ạ.
– Hà Nội có vui không?
– Dạ cũng vui, nhưng nhớ nhà lắm!
– Thế… Tết này, em về nhà ăn Tết chứ hả? Chị rót thêm nước chè vào bát cho tôi.
– Có chứ ạ! Thế nào em cũng về.
Chị nhắc nồi cám lợn ra khỏi bếp rồi ngửng đầu hỏi tôi:
– Hôm này Thi nó cũng trở lại Hà Nội cùng với em chứ?
Tôi giật mình vì tại sao chị lại nhắc tới Thi. Tôi hơi ngượng ngùng trả lời:
– Vâng… Thi cùng ra với em.
– Con bé chóng nhớn thật, mới ngày nào…
Chị bỏ lửng câu nói ở đấy rồi tất tả bưng nồi cám ra chuồng lợn. Chị Thìn tuổi tròn hai nhăm. Trông chị khoẻ mạnh và nhanh nhẹn. Chị đến làm con nuôi bố mẹ tôi vào năm đói kém. Tôi coi chị như người chị ruột thân thiết trong gia đình. Tính chị nhu mì và chăm chỉ. Bố mẹ tôi rất yêu thương chị và tôi cũng thế. Trong làng có vài đám dạm hỏi nhưng chị chưa ưng ai.
Chị Thìn nhắc đến Thi làm tôi liên tưởng đến nàng. Giờ này chắc Thi còn ngủ. Tôi thấy Thi như đang ngủ yên bình. Tôi ngồi nhâm nhi bát nước chè xanh bốc khói, hai bàn tay ôm khít thành bát để tìm hơi ấm. Tôi nhìn ra bầu trời xám và nhớ đến Hà Nội, nhớ đến nhà trọ, nơi tôi và Thi đã trải gần tròn một năm sống bên nhau.
Hà Nội với những hôm mưa gió như thế này, đi học thật vất vả. Lại thêm vào đó, có những khi mưa bão kéo dài đến cả tuần lễ. Đường xá Hà Nội tuy không lầy lội như ở nhà quê nhưng đôi chỗ cũng đủ làm cho người bộ hành cảm thấy khó chịu hay vất vả bởi những vũng nước đọng ngập đến mắt cá chân, có khi cao đến bắp chân. Thỉnh thoảng, mỗi khi có chiếc ô tô cũ kỹ chạy qua những vũng nước ấy làm tóe văng nước lên. Nước văng xa làm ướt những bộ hành gần đó và đôi khi những tiếng chửi vội vã của dăm ba bà gồng gánh cũng hối hả đuổi theo xe.
Vài cô nữ sinh gò mình đạp xe trong chiếc áo mưa, vất vả cố đạp cho qua chỗ nước ngập sâu trên đường. Có những đứa trẻ con, đứa mang trên lưng cái bao tải đựng đầy bánh tây nóng hổi; đứa một tay cầm ấm nước chè vối, một tay cầm chiếc điếu cầy; đứa trên đầu còn đội thúng xôi, phủ kín phía trên bằng một chiếc áo tơi. Chúng quên cả bán hàng, nô đùa trong vũng nước mưa, lấy chân đá nước vào nhau.
Bác kéo xe tay cố rướn mình ra phía trước kéo chiếc xe phía sau che kín mít một cách nặng nề. Mọi người như vội vã, chỉ riêng chị "đổ thùng" gầy gò, chậm chạp gò mình kéo chiếc xe bò cọc cạch, trên xe chở đầy những thùng phân đậy kín mà chị đã lấy lúc sáng sớm tinh mơ từ những căn nhà trong khu phố.
Trong những ngày giông tố, chúng tôi không dùng xe đạp mà đi tàu điện đến trường. Để có thể ra đến trạm tầu điện, hai chúng tôi phải cùng chia nhau một chiếc ô. Tôi cầm ô, Thi đi rón rén bên tôi, một tay ôm chiếc cặp da che ngực, một tay xắn ống quần cao tới gối. Đôi khi Thi phải nép sát vào tôi để tránh những cơn gió tạt.
Vào buổi sáng Hà Nội, sinh hoạt nhộn nhịp và tất bật lắm dù mưa hay nắng. Có nhiều hàng quà bán rong, họ bán những món ăn nóng hổi, nào bánh tây đựng trong bao tải lớn được vác trên vai, nào những thúng xôi đội trên đầu được rao bán khắp các nẻo đường, nào những gánh bánh chưng rán trên vỉa hè, mùi thơm phức với những tiếng xèo xèo của mỡ.
Hôm nào "giầu có", hai anh em chúng tôi mỗi người một cái bánh chưng rán nhỏ chỉ to bằng nửa bàn tay, vừa ăn vừa thổi, vừa xuýt xoa vì nóng. Những hôm "nghèo", hai anh em chỉ chia nhau một cái bánh tây bằng nắm tay hay một gói xôi lạc. Biết bao nhiêu kỷ niệm bên nhau, trong sáng như ánh sao trời cứ nối theo nhau thành những chuỗi ngày dài êm đềm, hạnh phúc.
Cuộc sống chúng tôi cứ như thế bình thản trôi đi. Thi ở bên tôi nhưng tôi vẫn thấy tình cảm của Thi đối với tôi như ẩn như hiện, gần mà lại xa, có mà lại như không, tất cả như trong cõi mông lung, mơ hồ. Thi như:
Xưa kia em ở bên trời
Ngây thơ chưa rõ cuộc đời là chi.
(Tác giả?)
Tôi mỉm cười khi chợt nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính:
Lòng anh như biển sóng cồn,
Chứa muôn con nước ngàn con sông dài.
Lòng em như chiếc lá khoai,
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.
Quay trở lại bếp, chị Thìn nhìn tôi mỉm cười hóm hỉnh như chị đã biết rõ những điều thầm kín của tôi. Tôi hơi cúi xuống tránh ánh mắt nhìn của chị. Có thể chị chỉ nhìn tôi với cái nhìn thương yêu của người chị đối với đứa em. Ấy thế mà mặt tôi tự nhiên thấy nóng. Tôi không biết nóng vì thẹn hay nóng vì hơi nóng còn đang âm ỉ trong bếp tro.
Gió vẫn rít từng cơn bên ngoài.
Tôi mỉm cười một mình khi nghĩ đến một kỉ niệm với Thi. Hôm đó tôi và Thi đi chơi dọc theo phố Huế trong một ngày giá lạnh. Nàng mua một gói lạc rang còn nóng được gói trong giấy báo nhật trình hình tháp nhỏ. Muốn giữ cho lạc nóng lâu, nàng gửi gói lạc ấy vào túi áo dạ khoác ngoài của tôi, thỉnh thoảng lại thò tay vào túi áo dạ bốc lạc vừa đi vừa ăn. Tôi ăn ké lạc của Thi. Chúng tôi chia nhau hột lạc cuối cùng, mỗi người một nửa. Nhưng hỡi ôi, cả hai nhăn mặt vì đó là hột lạc “thối”.
Hai anh em lại tiếp tục đi bên nhau nói chuyện bâng quơ. Khi tới chợ Hôm, người đi lại có phần đông đúc hơn. Tôi định rủ Thi vào chợ ăn bát xôi lúa (xôi bắp) nhưng lại thôi vì muốn để dành bụng cho bữa cơm chính ở nhà.
Chợ Hôm là chợ họp ngay trên phố Huế, gần rạp xi–nê Đại Nam. Khu chợ được xây tường bao bọc chung quanh. Chợ Hôm không có cái bề thế của chợ Đồng Xuân, nhưng nó cũng là một ngôi chợ vào bực khang trang so với những chợ khác như chợ Dừa, chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Cửa Nam hay chợ Hàng Da …
Chúng tôi thỉnh thoảng ghé lại chợ Hôm ăn xôi lúa, rất ngon. Bát xôi lúa với những hột ngô trắng ngà, thơm và dẻo. Bát xôi được phủ lên trên những lát mỏng đậu xanh mầu vàng óng ả, thêm vào đó là những thìa mỡ hành rang khô béo ngậy thơm phức cùng với thìa đường thẻ mầu nâu tán nhỏ. Trời lành lạnh, ngồi ăn bát xôi lúa thì thật thú vị là bao. Bà hàng xôi quen mặt chúng tôi nên mỗi khi đến ăn hay mua mang về, bà không quên cho thêm ít đậu xanh và xúc thêm cho ít mỡ hành như một chút tình cảm bà dành cho những khách quen. Bà có cô con gái rất xinh giúp bà. Nhiều cậu đến ăn xôi chỉ vì muốn được nhìn cô con gái ấy. Bà hàng biết thế và cô bé cũng biết thế nên cô thường làm dáng với những cậu trai đồng lứa tuổi với cô.
Vào sâu thêm trong chợ, rẽ vào khu hàng ăn bình dân, ta sẽ gặp một loạt hàng ăn với những nồi nước dùng nóng hổi bốc khói. Hấp dẫn nhất đối với chúng tôi vẫn là gian hàng bún với hai nồi bún ốc và bún riêu. Nồi bún ốc với những lớp váng mầu đỏ đậm mỡ màng. Nồi bún riêu với lớp gạch cua đồng mầu hồng nhạt nổi lềnh bềnh trên mặt. Ăn bún ốc thì phải ăn cay, cay đến ngứa da đầu và thưởng thức những con ốc nhồi to bằng ngón tay cái với cái dai sừn sựt của đầu, beo béo của thân ốc mầu vàng ngậy. Còn ăn bún riêu thì phải ăn với rau muống chẻ thành sợi ngâm vào nước cho quăn lại hay ăn với bắp chuối non cộng thêm với rau thơm, thoảng qua chút mắm tôm (mắm ruốc) mới thấy hết được cái hương vị đồng quê của nó.
Người Hà Nội đặc biệt có món bún thang hay bún mọc thường dành cho giới trung lưu hay giàu có vì nó được nấu với những vật liệu đắt tiền như giò luạ sống, trứng, thịt gà, lại phải có thêm hương vị cà cuống, mắm tôm và phải được trình bày một cách cầu kỳ nên thông thường chúng không được kể như những món ăn bình dân và cũng thường không được bán ở trong chợ hay ở vỉa hè. Tôi thích bún ốc và bún riêu vì hương vị của nó đậm đà hơn.
Thi không ăn được cay nhiều nên mỗi khi ăn bún ốc, thỉnh thoảng nàng phải lấy tay quạt quạt mồm cho mát hay “chiêu” một ngụm nước chè. Có lần tôi đùa bà hàng bún ốc:
– Bà hàng ơi, bà cho cô ấy thêm chút nước dùng!
Bà hàng thật thà thêm ít nước dùng vào bát bún cho Thi.
– Bà ơi cho cô ấy thêm tí bún và ốc!
Lần này bà hàng biết tôi đùa nên chỉ mỉm cười, lặng lẽ cầm cái quạt nan (quạt đan bằng tre) đuổi mấy con ruồi đậu trên bát ốc đã “nhể” sẵn.
Thi ngừng ăn trợn mắt, cười cười nhìn tôi:
– Cái anh này...!
Tôi nhớ lại những kỷ niệm ấy như những kỷ niệm vui.
Trong các món ăn với bún của người Hà Nội thì phải đặc biệt kể đến “bún chả Đồng Xuân”. Ôi, cái mùi thịt “ba rọi” được thái thành từng miếng nhỏ, to và dài bằng độ hai ngón tay giữa, chúng được ướp sẵn và kẹp vào giữa hai thanh nan tre. Những “xâu” thịt này được nướng trên bếp “than củi”, mỡ của thịt chảy xuống than hồng tạo nên những tiếng xèo xèo và tỏa khói. Để thịt nướng khỏi cháy, người ta phải quạt bếp than liên tục để ngọn lửa không bốc lên cao làm cháy thịt. Mùi thơm thịt nướng cuốn theo gió bay đi xa làm “điếc mũi” những người đói bụng.
Những món ăn ta thường thấy trong chợ phải kể thêm đến hàng bánh cuốn nhân thịt hay bánh cuốn tráng mỏng không có nhân thường được gọi là bánh cuốn “Thanh Trì” vì loại bánh cuốn này được sản xuất ở làng Thanh Trì, ngoại ô Hà Nội, một đặc sản nổi tiếng của làng này được truyền lại từ bao đời nay.
Những món ăn chơi bình dân và phổ thông của Hà Nội đã được đi vào văn học phải kể đến món phở Bắc, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Cổ Ngư, bánh cuốn “Thanh Trì”, bún chả Đồng Xuân, thịt chó Yên Phụ, cốm Vòng, rồi với những món bánh đúc chấm tương ăn với đậu rán, tiết canh, cháo lòng... Đứng về mặt văn hóa ẩm thực của Hà Nội, thì quả thực, nó phong phú và đa dạng lắm.
Gió vẫn còn thổi mạnh.
Cái lạnh giá hắt nhanh vào da mặt khi tôi vừa bước ra khỏi nhà bếp. Tôi chạy vội trở về phòng học ở nhà trên. Gọi là phòng học chứ thật ra là phòng vừa để học vừa để ngủ, một căn phòng ấm cúng và đơn giản. Trong phòng, ngoài bàn học nhỏ kê ngay cửa sổ, một nhánh lan rừng treo lủng lẳng trên thanh ngang của cửa sổ ấy. Trên tường treo bức tranh "Tố nữ" và một tấm ảnh đen trắng của tôi chụp cách đây hai năm về trước. Một tủ sách nhỏ nằm khiêm nhường im lìm ngay đầu giường ngủ. Chị Thìn thường chăm sóc, dọn dẹp căn phòng này khi tôi đi học xa nhà.
Gió rít mạnh từng cơn. Đám mây xám ùn ùn kéo đến như báo hiệu một cơn mưa to nữa sắp sửa ập tới. Những tầu lá chuối đang phần phật bay như múa ngoài vườn, tơi tả. Cơn gió vẫn hung hăng rung mạnh cành cây. Một con chim lẻ loi đang lảo đảo trong bầu trời xám tìm đường về tổ hay đi kiếm ăn.
Ngồi nhìn qua cửa sổ kính. Không gian vẫn chìm trong mầu xám đục. Tôi lại nhớ tới Hà Nội và nhớ tới Thi. Tôi biết giờ này Thi còn đương ngủ, giấc ngủ thật an bình, an bình như hình ảnh:
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi
(Huy Cận)
Thi đã có trái sầu chưa nhỉ, dù rất còn non? Tôi mỉm cười với ý nghĩ của mình. Em hãy ngủ yên bình. Lúc tỉnh dậy em sẽ thấy một bình minh rạng ngời ánh ban mai khi em vừa chợt nhớ tới anh. Anh đang nhớ tới em cũng như đang nhớ về Hà Nội của chúng ta.
– Nguyễn Giụ Hùng
Gửi ý kiến của bạn