Theo tờ Smithsonianmag, trong một cuộc phẫu thuật thử nghiệm đột phá, các khoa học gia đã điều trị cho bốn bệnh nhân bị thương nặng ở một mắt bằng cách cấy ghép tế bào gốc từ mắt còn lại.
Ula Jurkunas, bác sĩ nhãn khoa tại Massachusetts Eye and Ear và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu mới, cho biết: “Báo cáo từng trường hợp cụ thể về bốn bệnh nhân cho thấy một số thông số đã có sự cải thiện, đồng thời cơn đau cũng như các triệu chứng khó chịu đều có giảm bớt.”
Thí dụ, trước khi thực hiện thủ thuật, Phil Durst, một trong bốn bệnh nhân tham gia nghiên cứu, bị phỏng hóa chất và “bị mất thị lực cùng với những cơn đau đầu liên hồi trong ngày.” Tuy nhiên, hiện nay mắt của ông đã đủ sáng để lái xe.
Theo báo cáo được đăng trên tạp chí Science tuần trước, mặc dù nghiên cứu nhỏ sơ bộ này không nhằm mục đích định lượng mức độ hiệu quả của việc điều trị, nhưng nó đã chứng minh rằng quy trình này có thể thực hiện được mà không có bất kỳ mối nguy hiểm tức thời nào. Một thử nghiệm lớn hơn và dài hạn hơn hiện đang nghiên cứu tính hiệu quả của phương pháp điều trị này.
Jurkunas nói với Science Friday về nghiên cứu sơ bộ: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chứng minh rằng việc sử dụng tế bào gốc của chính cơ thể và phát triển chúng rồi đưa chúng trở lại cơ thể bệnh nhân là khả thi và an toàn. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu về hiệu quả để chứng minh điều đó.”
Phương pháp điều trị mới nhằm giúp những người bị thiếu tế bào gốc vùng rìa giác mạc (limbal stem cell), một tình trạng có thể dẫn đến đau, mù và mỏng giác mạc hoặc lớp mô trong suốt bên ngoài của mắt. Theo Columbia University, tình trạng này xảy ra khi các tế bào gốc vùng rìa giác mạc – một phần xung quanh giác mạc – không thể phục hồi hay không thể tái tạo lại bề mặt giác mạc sau khi bị chấn thương, chẳng hạn như do phỏng hóa chất, nhiễm phóng xạ hoặc nhiễm độc.
Các chấn thương mắt đôi khi có thể được điều trị bằng ghép giác mạc, nhưng nếu bệnh nhân bị thiếu tế bào gốc vùng rìa giác mạc, thì việc ghép giác mạc sẽ không có hiệu quả.
Hiện nay, các loại cấy ghép tế bào gốc vùng rìa giác mạc khác đều có nhược điểm – hoặc là phải thực hiện sinh thiết một phần lớn từ mắt khỏe mạnh của bệnh nhân, có thể gây nguy hiểm cho mắt đó, hoặc cần có tế bào hiến tặng và có thể không phù hợp.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã lấy một mẫu sinh thiết nhỏ từ rìa giác mạc của mắt khỏe mạnh, rồi tách tế bào gốc ra khỏi mô sinh thiết. Sau đó, họ nuôi tế bào gốc trong phòng thí nghiệm trong vài tuần trước khi cấy chúng vào mắt bị thương của bệnh nhân.
Thử nghiệm được thực hiện trên 5 bệnh nhân và có 4 người đã được cấy ghép. Một trường hợp còn lại, các tế bào được sinh thiết không phát triển thành công trong phòng thí nghiệm nên không thể cấy ghép. 4 người thực hiện cấy ghép được theo dõi trong 12 tháng. 2 người có thị lực được cải thiện, 2 người còn lại chuẩn bị cho giác mạc.
Julie Schallhorn, bác sĩ nhãn khoa tại University of California, San Francisco, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết nghiên cứu mới là một bằng chứng khái niệm “thực sự thú vị.” Bà nói: “Đó là một tình trạng rất khó điều trị. Hiện nay thực sự không có bất kỳ giải pháp tốt nào cho tình trạng này.”
Theo Jurkunas, mỗi năm có khoảng 1,000 người ở Hoa Kỳ bị tổn thương ở một mắt nhưng không thể ghép giác mạc. Dù vậy, vì phương pháp điều trị thử nghiệm liên quan đến việc lấy tế bào gốc từ mắt khỏe mạnh nên nó sẽ không có tác dụng đối với những người bị tổn thương ở cả hai mắt.
Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu sẽ có 15 bệnh nhân, theo dõi trong 18 tháng. Sezen Karakus, bác sĩ nhãn khoa tại Johns Hopkins University School of Medicine, cho biết phương pháp điều trị mới “rất hứa hẹn và hy vọng nếu thành công, nó sẽ là một lựa chọn tốt cho những trường hợp phức tạp.”
Gửi ý kiến của bạn