Gần một năm nay, chính quyền Hà Nội đã cố gắng dẹp “Phố Đường Tàu” (Train Street), một trong những điểm tham quan không chính thức nổi tiếng nhất của Hà Nội. Nơi này còn được dân địa phương gọi là ‘Xóm đường tàu,’ vì có nhà cửa và một dãy các quán cà phê nằm sát đường rầy hỏa xa.
Dù vậy, “Phố Đường Tàu” vẫn nổi tiếng trên các trang mạng xã hội và thu hút khách du lịch kéo đến, bất chấp những lo ngại về an toàn khi có quá nhiều người tụ tập gần sát đường rầy.
Tuyến đường sắt có tuổi đời hàng thế kỷ này được xây dựng từ năm 1902 dưới thời Pháp thuộc, đi qua trung tâm các con phố nhộn nhịp ở Khu Phố Cổ Hà Nội. Trong 5 năm qua, những điều bình dị trong đời sống thường ngày của người dân khu này đã thu hút khách du lịch và trở thành một trong những điểm đặc trưng nhất của Hà Nội – cũng như trở thành nạn nhân mới nhất của tình trạng quá tải du lịch.
Hôm thứ Ba (15/8), các nhà chức trách cho biết họ đã ban hành văn bản yêu cầu các hình phạt nghiêm ngặt hơn đối với các cửa hàng hoạt động dọc theo Phố Đường Tàu. Đây là biện pháp mới nhất sau khi một loạt các biện pháp khác thất bại trong việc hạn chế số lượng khách du lịch đổ xô đến Phố Đường Tàu. Vào tháng 4, Sở Du Lịch Hà Nội yêu cầu các công ty du lịch không tổ chức các tour du lịch theo nhóm đến khu vực này.
Kieu Cong Anh, hướng dẫn viên du lịch địa phương và là giám đốc của Ha Noi Train Street Tour, cho biết ông ủng hộ việc hạn chế lượng khách du lịch đến Phố Tàu, sau khi chứng kiến nhiều trường hợp du khách lơ ngơ trước mối nguy hiểm và các chủ quán cà phê luôn phải để ý cảnh báo du khách.
Ông cho hay: “Không có ai coi chừng cho an nguy của du khách. Nhiều khi họ không biết giữ khoảng cách như thế nào mới là an toàn. Mấy chủ quán cà phê mà thấy du khách vô tư chụp ảnh ngay trên đường tàu là phải la làng để kêu họ tránh vô.”
Ở các khu vực khác trên khắp Châu Á, những con phố tương tự nằm ở những tuyến đường sắt đang hoạt động cũng thu hút đông đảo khách du lịch, thí dụ như ở Thái Lan và Đài Loan – nhưng khó có nơi nào thú vị như quận Hoàn Kiếm của Hà Nội. Mỗi ngày, có hàng trăm du khách háo hức xếp hàng trước các cửa hàng – những ngôi nhà cũ kỹ được chuyển đổi thành quán cà phê cổ kính – nằm kẹp sát 2 bên của đường rầy hỏa xa. Du khách chờ chụp hình các đoàn tàu chạy ngang qua, chỉ cách vài bước chân.
Những năm qua, khi lượng người đổ xô đến khu vực này ngày càng nhiều, các đoàn tàu đã phải trang bị thêm hệ thống thắng gấp, vì có nhiều du khách đứng quá gần hay thậm chí ngồi ngay giữa đường rầy để chụp hình.
Với lo ngại về các vụ tai nạn dọc đường rầy ngày càng tăng, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa Phố Đường Tàu vào năm 2019.
Alex Sheal, nhà sáng lập công ty lữ hành Vietnam in Focus, cho biết: “Cũng không quá ngạc nhiên khi chính quyền đóng cửa nó.” Sheal từng tổ chức các chuyến photo tour đến Phố Đường Tàu vào đầu những năm 2010, nhưng đến năm 2019 họ đã đổi sang chỗ khác sau khi có thông báo đóng cửa.
Sheal nói về việc kiểm soát đám đông trên Phố Đường Tàu: “Trong trường hợp này thì an toàn là trên hết, nhưng không phải ai cũng luôn chú ý giữ an toàn.”
Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch bị đình trệ, và khi Việt Nam mở cửa trở lại vào năm ngoái, du khách lại tấp nập đổ xô tới Phố Đường Tàu, làm dấy lên lo lắng về vấn đề an toàn.
Tháng 9 năm ngoái, chính quyền đã thu hồi giấy phép kinh doanh của tất cả các cửa hàng trên Phố Đường Tàu và dựng rào chắn để ngăn không cho khách du lịch vào. Viên chức địa phương Nguyen Anh Quan nói với các phóng viên: “Hiện nay có hơn 30 quán cà phê mở dọc con phố… Tất cả đều vi phạm quy định về an toàn đường sắt. Chúng tôi sẽ không đánh đổi sự an toàn của mọi người để lấy bất kỳ lợi lộc nào.”
Nhiều người dân ở Phố Đường Tàu, vốn sống phụ thuộc vào du lịch, đã cầu xin chính quyền cho phép họ tiếp tục kinh doanh. Trong khi đó, nhiều du khách phàn nàn về việc đóng cửa con phố này. Chính quyền quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ phát triển du lịch an toàn và hợp pháp ở Phố Đường Tàu, nhưng các cửa hàng sẽ phải tuân thủ các quy định an toàn.
Nguy cơ chết người đã trở thành hiện thực, một du khách Hàn Quốc bị hỏa xa tông trúng khi đang đứng chụp hình. Theo báo cáo, dù bị hỏa xa hất vào tường, người này chỉ bị thương nhẹ và rời khỏi hiện trường ngay lập tức. Tuy nhiên, vụ việc đã khiến cả một khu vực bị ùn tắc vì hỏa xa phải dừng lại.
Kể từ đó, bất chấp những cảnh báo và hạn chế, hàng quán ở Phố Đường Tàu vẫn hoạt động bình thường, và khách du lịch vẫn thường xuyên lui tới. Cửa hàng và du khách bắt đầu tụ tập ở khúc gần đó không có rào chắn. Nhiều chủ quán còn chỉ khách ‘luồn’ đường khác để vào, bất chấp lối vào chính đã bị dựng rào chắn chặn lại.
Có thể thấy, sức hấp dẫn của Phố Tàu đối với du khách vẫn lớn hơn các lệnh cấm hay những mối lo ngại về an toàn. Cả Anh và Sheal đều ủng hộ siết chặt các quy định an toàn hơn, và hy vọng rằng có thể tìm ra được giải pháp vẹn toàn để Việt Nam không bị mất đi một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất.
Sheal nói: “Phố Đường Tàu thậm chí có thể là biểu tượng của du lịch Hà Nội ngày nay. Đó là ‘việc nên làm’ và ‘nơi nên đến’ nếu có dịp viếng thăm Hà Nội, bởi vì nơi này mang lại cảm giác như một trải nghiệm thực tế và độc nhất vô nhị về cuộc sống của người dân Việt Nam nói chung, hay dân Hà Nội nói riêng, hơn bất kỳ ngôi chùa hay bảo tàng nào.” Đóng cửa thì dễ, kiểm soát song song với phát triển mới khó!
Nguồn: “Hanoi Wants Tourists to Stop Visiting One of the City’s Most Popular Tourist Attractions” của Koh Ewe, được đăng trên trang Time.com.