Từ đầu năm 2023, hành khách của các hãng hàng không Hoa Kỳ phải đối mặt với tỷ lệ trễ máy bay cao nhất kể từ năm 2014. Tình hình bay trễ nghiêm trọng xảy ra ngay sau tháng 12 năm 2022, khi Southwest Airlines trải qua một cuộc khủng hoảng kinh hoàng, hủy 71% số chuyến bay.
Đáp lại, vào ngày 8 tháng 5 năm 2023, chính quyền Biden đã đề xuất các quy định mới, yêu cầu các hãng hàng không phải bồi thường cho những hành khách có chuyến bay bị hủy hoặc bị hoãn đáng kể vì các nguyên nhân không phải loại bất khả kháng (chẳng hạn như thời tiết xấu). Theo quy định mới, các hãng hàng không sẽ phải cung cấp chi phí ăn uống, chỗ ngủ nghỉ và cả phương tiện đưa đón hành khách.
Nếu được ban hành, những quy tắc mới sẽ tăng cường bảo vệ người tiêu dùng của Hoa Kỳ. Các chính sách, quy định kiểu này đã tồn tại ở Canada và Liên Minh Châu Âu. Và một nghiên cứu cho thấy, các quy định như vậy dẫn đến việc ít bị hoãn chuyến bay hơn ở EU.
Giáo sư lịch sử nghiên cứu về hàng không Hoa Kỳ Janet Bednarek cho biết những người ủng hộ quyền lợi của người tiêu dùng đã thúc đẩy luật pháp bảo vệ quyền lợi của hành khách đi máy bay ở Hoa Kỳ, ít nhất là từ đầu những năm 1970. Thời điểm đó, Ralph Nader đã đệ đơn kiện một hãng hàng không vì đã lôi ông ra khỏi máy bay, do hãng bán nhiều vé hơn số ghế của chuyến bay đó (tình trạng overbooking). Đặc biệt là kể từ Đạo luật Airline Deregulation Act năm 1978, phần lớn những nỗ lực kiện tụng tương tự đã thất bại, và các hãng hàng không được quyền thiết lập và thực thi các chính sách của riêng mình.
Giới hạn của Luật 240
Vụ kiện của Ralph Nader không thành công trong việc tìm cách chấm dứt tình trạng overbooking, nhưng cho thấy đã có các quy định liên quan đến việc hành khách bị đẩy ra khỏi chuyến bay vì tình trạng “overbooking”. Dù vậy, những quy định đó không áp dụng cho những hành khách có chuyến bay bị hoãn hoặc hủy.
Tuy nhiên, có một thứ được gọi là Luật 240. Là một phần trong sự giám sát của Cơ Quan Hàng Không Dân Sự đối với các hãng hàng không Hoa Kỳ, các hãng hàng không phải nộp lại thông tin về tất cả các khía cạnh hoạt động của họ, bao gồm cả chính sách hoãn và hủy chuyến bay. Theo Luật 240, các hãng hàng không phải ghi rõ kế hoạch chính sách hoãn và hủy chuyến bay của riêng mình. Nhưng họ không bị bắt buộc phải bồi thường cho hành khách theo cách cụ thể nào, chỉ cần nêu rõ chính sách của họ là gì.
Đầu những năm 1980, nhiều hãng hàng không đã đưa các điều khoản được đệ trình lên Ban Hàng Không Dân Sự trong hợp đồng vận chuyển của họ - điều khoản được thêm vào dưới dạng điều lệ “dòng chữ nhỏ” in trên vé máy bay. Nhiều hợp đồng vận chuyển quy định rằng trong trường hợp hoãn hoặc hủy chuyến, hãng hàng không sẽ chuyển hành khách sang chuyến bay tiếp theo của cùng hãng, hoặc chuyển sang hãng khác, nếu hãng thứ hai có thể đưa hành khách đến điểm đến nhanh hơn hãng hàng không ban đầu.
Các quy định chỉ tập trung vào việc ‘đặt lại vé’ cho hành khách. Một số hãng hàng không có chi trả chi phí ăn uống và chỗ ở khách sạn, nhưng chỉ khi vấn đề là do hãng chứ không phải do các trường hợp bất khả kháng như thời tiết xấu hay nhân viên đình công.
Đẩy mạnh dự luật về quyền của hành khách
Trong những thập niên gần đây, những người ủng hộ quyền lợi của người tiêu dùng, kể cả một số nhà lập pháp, đã tìm cách đưa các biện pháp bảo vệ hành khách đi máy bay vào luật liên bang.
Tháng 12 năm 2006, American Airlines đã giữ hành khách trên một chiếc máy bay ở Austin, Texas, trong tám tiếng đồng hồ mà không cung cấp đủ đồ ăn thức uống. Kate Hanni, một hành khách trên chuyến bay đó, đã kêu gọi Quốc Hội thông qua dự luật về quyền của hành khách. Đáp lại, Bộ Giao Thông Vận Tải đã công bố các quy định mới vào năm 2009, buộc các hãng hàng không không được trì hoãn các chuyến bay nội địa trên đường băng quá ba tiếng, và phải cung cấp đầy đủ nước uống cũng như vệ sinh trong thời gian bị trì hoãn.
Vào năm 2011, các quy tắc đó đã được mở rộng để hoàn trả, bồi thường cho cho hành khách bị thất lạc hành lý, tăng tiền bồi thường cho hành khách bị ảnh hưởng bởi tình trạng overbooking, và quy định không delay quá 4 tiếng đối với các chuyến bay quốc tế.
Tháng 11 năm 2021, TNS Richard Blumenthal của Connecticut đã giới thiệu Senate Bill 3222, một dự luật về quyền của hành khách đi máy bay. Tuy nhiên, nó không qua được ải của Ủy Ban Thương Mại, Khoa Học và Giao Thông.
Liên Âu EU mở đường
Những hành khách Hoa Kỳ có dịp trải nghiệm các chuyến bay trong Liên Minh Châu Âu sẽ thấy được quyền lợi của hành khách được bảo vệ bởi luật pháp thay vì để các hãng hàng không quyết định.
Luật pháp của EU quy định rằng các hãng hàng không phải trả cho hành khách một số chi phí nhất định nếu chuyến bay bị hủy hay hoãn, bao gồm đặt lại chuyến bay khác, ăn uống, chỗ ngủ nghỉ và trong một số trường hợp là bồi thường bằng tiền mặt – những khoản này thay đổi tùy thuộc vào thời gian trì hoãn và khoảng cách của chuyến bay. Luật này bảo vệ quyền lợi của tất cả khách du lịch đang bay trong EU, hoặc có chuyến bay đến EU trên một hãng hàng không của EU, hoặc khởi hành từ EU trên bất kỳ hãng hàng không nào.
Những biện pháp mà chính quyền Biden đưa ra sẽ bảo vệ hành khách của các hãng hàng không Hoa Kỳ tương tự như của Liên Minh Châu Âu. Những biện pháp bảo vệ này là bắt buộc chứ không phải do hãng hàng không tự quyết. Và dù sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh, điều này hẳn sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các hãng hàng không – từ lâu đã được tự do đặt ra các quy tắc của riêng mình.
Nguồn: “Passengers whose flights are canceled or delayed may soon get better treatment in the US – where airlines have long set their own rules” của Janet Bednarek, được đăng trên trang The Conversation.
Gửi ý kiến của bạn