Như đã được dự đoán từ nhiều tháng qua, hôm nay, tòa tối cao pháp viện đã phán quyết loại bỏ việc sử dụng chủng tộc như một yếu tố trong quá trình tuyển sinh đại học, phá bỏ tiền lệ hàng thập kỷ trong đời sống người Mỹ và giáng một đòn quyết tử vào cuộc tranh đấu dành sự đa dạng cho sinh viên trong các trường đại học.
Các thẩm phán bảo thủ kết luận rằng các chính sách tuyển sinh tại Đại học Harvard và Đại học Bắc Carolina đã vi phạm điều khoản bảo vệ bình đẳng của hiến pháp Hoa Kỳ. Phán quyết này nghiêm cấm việc sử dụng chính sách Đặc Quyền Hỗ Trợ Thiểu Số (Affirmative Action) ở Hoa Kỳ, từng đóng vai trò quan trọng hằng thập kỷ nhằm mục đích tăng số lượng sinh viên Da đen, gốc Tây Ban Nha và các nhóm thiểu số khác tại các trường cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ, từng giúp ích cho rất nhiều sinh viên Việt Nam vào những năm cộng đồng người Việt chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ.
Sáu thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ tại tối cao pháp viện là thành phần mạnh mẽ đã thắng thế so với ba thẩm phán theo khuynh hướng tự do, với thành viên mới nhất và là phụ nữ Da đen đầu tiên tại tòa án, Ketanji Brown Jackson, đưa ra quan điểm bất đồng rõ ràng rằng phán quyết này có nghĩa là sẽ “mất nhiều thời gian hơn nữa cho công cuộc tranh đấu xóa bỏ phân biệt chủng tộc”.
Joe Biden cho biết ông đang xem xét về sử dụng quyền tổng thống và sẽ yêu cầu Bộ Giáo Dục xem xét các cách để duy trì sự đa dạng trong cơ chế sinh viên đại học. Biden cho rằng: “Đây không phải là một tòa án bình thường”, số thẩm phán vốn đã nghiêng hẳn về phía cánh hữu với việc bổ nhiệm ba thẩm phán cánh hữu trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, tạo ra cán cân chênh lệch với đa số bảo thủ ở tỷ lệ 6-3.
Quyết định của tòa án hôm nay phá vỡ kết cấu của các khuôn viên trường đại học, đi ngược lại tiền lệ hàng chục năm được tòa án cao nhất trong nước nhất quán duy trì. Vào những năm 1960, sau khi John F Kennedy lần đầu tiên ra lệnh cho các nhà thầu của chính phủ “thực hiện chính sách hỗ trợ thiểu số” để chống lại sự phân biệt chủng tộc, các trường cao đẳng và đại học đã áp dụng và phát triển chính sách này nhằm đa dạng hóa các đối tượng ghi danh.
Bên cạnh việc bác bỏ chính sách Hỗ Trợ Thiểu Số trong tuyển sinh đại học, tòa án tối cao hôm nay cũng củng cố quyền sử dụng tôn giáo, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền tôn giáo tại nơi làm việc.
Phán quyết của tòa hôm nay đứng về phía lợi ích của một nhân viên bưu điện người Cơ Đốc Giáo đã nghỉ việc và kiện Bưu điện Hoa Kỳ, theo quan điểm của anh ta, đã không làm hết sức để đáp ứng yêu cầu không làm việc vào Chủ nhật vì lý do tôn giáo của anh ta.
Vụ kiện, được gọi là Groff v. DeJoy, đề cập đến nghĩa vụ của chủ lao động phải đáp ứng các yêu cầu của nhân viên tôn giáo theo luật liên bang.
Theo phán quyết này, do Thẩm phán Samuel A. Alito soạn thảo, các thẩm phán đã từ chối loại bỏ tiền lệ trong quá khứ, thay vào đó nêu rõ rằng người chủ lao động phải đáp ứng một tiêu chuẩn cao hơn khi từ chối yêu cầu của người lao động liên quan đến việc tuân thủ tôn giáo.
Trong khi tổng thống Biden phản đối gay gắt quyết định loại bỏ chính sách nâng đỡ thiểu số của tối cao pháp viện, cựu phó tổng thống Mike Penn, ứng cử viên tổng thống 2024 và là một người theo đạo Tin Lành đã hoan nghênh quyết định về tôn giáo: “Hiến pháp đảm bảo quyền tự do tôn giáo và luật pháp của chúng ta bảo vệ quyền tự do thực hiện tôn giáo tại nơi làm việc.” Ông không bỏ lỡ cơ hội nói thêm “Với tư cách là Tổng thống, tôi sẽ đấu tranh để đảm bảo quyền tự do tôn giáo ở nơi làm việc và trong trường học của chúng ta, vốn đã bị mai một quá lâu trong nền văn hóa của chúng ta.”
Trong phương diện rộng, đa số các thẩm phán ngày càng bảo vệ quyền tự do tôn giáo, trao một số thắng lợi cho những người bảo thủ tôn giáo. Nhiệm kỳ trước, tòa án đã đứng về phía một cựu huấn luyện viên bóng đá trường trung học công lập, người đã bị kỷ luật vì cầu nguyện sau trận đấu ở khu vực giữa sân và phán quyết rằng thành phố Boston đã sai khi từ chối yêu cầu treo cờ của một nhóm Cơ Đốc Giáo tại tòa thị chính khi họ không từ chối các tổ chức khác.