
Đại diện của mỗi quốc gia trong Nhóm Bảy Nước (G7) đã tập trung tại thành phố Nikko của Nhật Bản, cách Tokyo 70 dặm về phía bắc, vào cuối tuần qua để tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày về chủ đề bình đẳng giới tính và trao quyền cho phụ nữ, tại đây họ đã thảo luận mọi thứ từ bạo lực tình dục đến quyền của người đồng tính LGBT đối với sự mất cân bằng kinh tế—hướng đến mục tiêu giảm khoảng cách tiền lương và tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong các vị trí điều hành và quản lý.
Nhưng có một bức ảnh kỳ dị tại đại hội thượng đỉnh lần này, vì tuy là quốc gia nhà tổ chức G7 về chủ đề nữ quyền, đại diện được cử đến của Nhật Bản lại là một đấng mày râu, Masanobu Ogura—ông cũng là người đàn ông duy nhất trong cuộc họp này, chụp ảnh chung với 6 phụ nữ từ 6 quốc gia khác.
Khi được hỏi ông cảm thấy thế nào khi là đại diện duy nhất của nam giới, Ogura, một Bộ trưởng nội các của Nhật, nói rằng vẫn cần có các nhà lãnh đạo nam có nhiệt huyết mạnh mẽ đối với bình đẳng giới tính, tờ báo địa phương Shimotsuke Shimbun trích đăng. Nhưng bức ảnh này không có khả năng giúp Nhật Bản tránh khỏi những lời chỉ trích ngày càng gay gắt về những thiếu sót cải cách về bình đẳng giới tính, quyền của người phụ nữ cũng như của người LGBT so với các nước khác trong khối kinh tế phi chính thức của các nền dân chủ tiên tiến.
Hội nghị thượng đỉnh ở Nikko diễn ra chỉ vài ngày sau khi Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới công bố Chỉ Số Khoảng Cách Giới Tính Toàn cầu hàng năm mới nhất, đánh giá tình trạng bình đẳng giới tính qua bốn chỉ số chính: cơ hội và khả năng tham gia kinh tế, trình độ học vấn, sức khỏe và khả năng sống còn, và quyền hành chính trị. Nhật Bản, ở vị trí thứ 125 trong số 146 quốc gia trong chỉ số xếp hạng thấp nhất trong số các quốc gia G7, bao gồm Đức (thứ 6), Vương quốc Anh (thứ 15), Pháp (thứ 40), Hoa Kỳ (thứ 43) và Ý (thứ 79).
Nhật Bản đã được đánh dấu đặc biệt trong lãnh vực thiếu sót về quyền hành chính trị của người phụ nữ. Theo chỉ số của WEF, đây là một trong bảy quốc gia duy nhất thụt lùi về chỉ số này kể từ năm 2017. Trong khi Đảng Dân Chủ Tự Do cầm quyền đã đưa ra một số ứng cử viên nữ trong các cuộc bầu cử gần đây và một số đã được bầu làm nhà lập pháp, nam giới vẫn chiếm khoảng 90 % các chức vụ trong quốc hội và bộ trưởng, và—giống như Hoa Kỳ—chưa bao giờ có một nguyên thủ quốc gia nào là nữ.
Một sự chênh lệch đáng kể tương tự tồn tại trong các phòng họp của các công ty Nhật Bản, nơi chỉ có 11,4% giám đốc điều hành trong các công ty niêm yết công khai là phụ nữ.
Thủ tướng Fumio Kishida đã hứa vào tháng 4 là sẽ thúc đẩy tăng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030.