
Liên Minh Châu Âu đã công bố các kế hoạch mới nhằm đảm bảo cả sản xuất và xuất cảng các loại máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, vi mạch tiên tiến và các công nghệ lưỡng dụng (dual-use technologies) khác, được coi là quan trọng đối với an ninh kinh tế của khối, theo tin từ trang UPI.
Ủy Ban Châu Âu Cho biết, với Chiến Lược An Ninh Kinh Tế Châu Âu (European Economic Security Strategy), Brussels sẽ tham gia nhiều hơn vào hoạt động và địa điểm các công ty chọn để kinh doanh, tìm cách phát triển “những hiểu biết chung về an ninh kinh tế,” đồng thời tiến hành các chính sách thẩm định và quản lý rủi ro để bảo vệ an ninh kinh tế của khối.
Đề nghị của EC sẽ được thảo luận tại Hội Nghị Thượng Đỉnh vào tuần tới. Các quốc gia thành viên sẽ được yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát xuất cảng của EU đối với các công nghệ lưỡng dụng, và xem xét các rủi ro an ninh của các khoản đầu tư nước ngoài.
Kế hoạch cũng kêu gọi khởi động quá trình đánh giá rủi ro đối với EU, trong đó sẽ tổng hợp danh sách các công nghệ “quan trọng đối với an ninh kinh tế và đánh giá rủi ro của chúng, nhằm đưa ra các biện pháp kiểm soát thích hợp.”
Chiến lược không nêu đích danh bất kỳ quốc gia hay công ty nào, chỉ đề cập đến cuộc chiến Ukraine như một thí dụ của việc phụ thuộc quá mức vào một quốc gia duy nhất đối với các nguồn tài nguyên quan trọng đối với an ninh kinh tế đã gây ra rủi ro nghiêm trọng như thế nào. Tuy nhiên, có vẻ như nó nhắm vào Trung Quốc vì được xây dựng dựa trên các chủ đề từ cuộc họp G7 ở Hiroshima vào tháng 5 vừa qua. Trong cuộc họp này, vấn đề “loại bỏ những rủi ro” từ Trung Quốc đã được tranh luận sâu sắc.
Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Hội nhập toàn cầu và các nền kinh tế mở là động lực tốt cho các doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh và nền kinh tế Châu Âu. Và điều đó sẽ không thay đổi trong tương lai. Nhưng chúng ta cũng phải sáng suốt trong một thế giới ngày càng trở nên cạnh tranh và đậm chất địa lý chính trị. Đây là lý do tại sao chủ đề an ninh kinh tế đã trở thành ưu tiên của chúng tôi và các đối tác. Và hôm nay, Châu Âu trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên đề ra chiến lược về an ninh kinh tế. Nó sẽ đảm bảo chủ quyền, an ninh và thịnh vượng của Châu Âu trong những năm tới.”
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết các sự kiện gần đây đã cho thấy rõ “sự phụ thuộc đã được vũ khí hóa như thế nào.” Ông cho hay: “Với chiến lược mới, chúng tôi sẽ kết hợp các biện pháp chính sách an ninh kinh tế để giảm bớt sự phụ thuộc quá mức, trong khi vẫn duy trì hệ thống thương mại dựa trên quy tắc mở toàn cầu. Để làm được như vậy, chúng tôi phải có được nhiều đối tác nhất có thể.”
Borrell cam kết với tư cách là đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh, các nỗ lực thúc đẩy an ninh kinh tế sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của EU.