
Theo International Centre for Integrated Mountain Development (ICIMOD) có trụ sở tại Kathmandu, Nepal, các sông băng thuộc dãy Hindu Kush Himalaya có thể mất tới 80% thể tích băng, gây ra lũ lụt và khiến gần gần 2 tỷ người bị thiếu nguồn nước. (Nguồn: pixabay.com)
BENGALURU – Trên khắp dãy núi Hindu Kush Himalayan, các sông băng đang tan chảy với tốc độ chưa từng thấy, và có thể mất tới 80% băng trong thế kỷ này nếu lượng khí thải nhà kính không giảm thiểu đủ, theo tin APNews.
Báo cáo từ International Centre for Integrated Mountain Development (ICIMOD) có trụ sở tại Kathmandu cảnh báo rằng lũ quét và tuyết lở sẽ gia tăng trong những năm tới, và gần 2 tỷ người sống ở hạ lưu của 12 con sông bắt nguồn từ đó sẽ có nguy cơ bị thiếu nước (fresh water).
Băng và tuyết ở dãy Hindu Kush Himalayan là nguồn cung cấp nước quan trọng cho 12 con sông chảy qua 16 quốc gia ở Châu Á, cung cấp nước cho 240 triệu người ở vùng núi và 1.65 tỷ người ở hạ lưu.
Trước đó đã có nhiều báo cáo phát hiện ra rằng băng quyển (cryosphere) – các vùng có băng tuyết bao phủ quanh năm trên Trái Đất – nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thí dụ, một nghiên cứu gần đây cho thấy các sông băng trên đỉnh Everest đã mất đi lớp băng 2,000 năm chỉ trong 30 năm.
Trong báo cáo mới, các sông băng ở dãy Himalaya đã biến mất nhanh hơn 65% kể từ năm 2010 so với thập niên trước, và độ phủ băng tuyết bị giảm mạnh do sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến cho người dân sống ở hạ lưu có nguy cơ thiếu nguồn nước. Nghiên cứu cho thấy 200 hồ băng trên khắp những ngọn núi này đang ở trong tình trạng nguy hiểm, và khu vực này có thể đối mặt với nguy cơ lũ lụt gia tăng vào cuối thế kỷ này.
Các cộng đồng ở vùng núi đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu rất nhiều so với các nơi khác trên thế giới. Những thay đổi đối với sông băng, tuyết và băng vĩnh cửu của khu vực Hindu Kush Himalaya do sự nóng lên toàn cầu gây ra là “chưa từng có và phần lớn là không thể đảo ngược.”
Các cộng đồng ở Himalaya đã cảm nhận rõ ràng các tác động của biến đổi khí hậu. Đầu năm nay, thị trấn miền núi Joshimath của Ấn Độ bắt đầu bị chìm và cư dân phải di dời trong vòng vài ngày.
Pam Pearson, giám đốc International Cryosphere Climate Initiative, cho biết: “Một khi băng ở những khu vực này tan ra, rất khó để đóng băng chúng trở lại. Và khi băng bắt đầu tan chảy, rất khó để dừng lại. Vì vậy, với các sông băng, đặc biệt là các sông băng lớn ở dãy Himalaya, một khi chúng bắt đầu giảm khối lượng, thì sẽ giảm trong một thời gian rất dài trước khi có thể ổn định.”
Điều quan trọng để bảo vệ băng, tuyết, và băng vĩnh cửu trên Trái Đất là phải hạn chế được sự nóng lên ở mức 1.5 độ C, vốn đã được thống nhất tại Hội Nghị Khí Hậu Paris 2015.