
Đức Giáo Hoàng, Pope Francis đã phải trải qua một ca phẫu thuật để loại bỏ một khối thoát vị vết mổ (incisional hernias) ở vùng bụng. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
Trong tuần này, Đức Giáo Hoàng, Pope Francis đã trải qua một ca phẫu thuật để loại bỏ một khối thoát vị ở vùng bụng khiến ngài đau đớn không thôi. Nó là một khối thoát vị từ vết mổ của các ca phẫu thuật trước đó, được gọi là thoát vị vết mổ (incisional hernia).
Thoát vị (Hernia) khá phổ biến và có nhiều loại khác nhau. Không phải tất cả các loại thoát vị đều phải làm phẫu thuật. Vậy thoát vị thực sự là gì? Và nếu cần phải làm phẫu thuật thì thế nào?
Thoát vị là gì? Ai có nguy cơ bị thoát vị?
Thoát vị là tình trạng các tạng trong ổ phúc mạc đi ra ngoài giới hạn bình thường của ổ bụng, ra dưới da, qua các điểm yếu tự nhiên của thành bụng nhưng vẫn còn được bao phủ bởi túi phúc mạc. Phần bụng của chúng ta có một số lớp cơ giúp bảo vệ và quấn quanh các cơ quan nội tạng. Thoát vị xảy ra khi trên các lớp cơ (thành cơ) có điểm yếu (bị mỏng), khiến cho các mô hoặc cơ quan phình ra ở chỗ đó.
Một người có thể bị thoát vị từ khi mới sinh, nhưng cũng có thể sau này mới bị, khi vùng bụng phải chịu nhiều áp lực.
Thai phụ rất dễ bị thoát vị. Ngoài ra còn có những người béo phì, những người thường phải nâng vác nặng (do công việc hoặc do nâng tạ khi tập thể dục), và những người mắc các loại bệnh mãn tính làm tăng áp lực ổ bụng, chẳng hạn như táo bón.
Các loại thoát vị
Có nhiều loại thoát vị khác nhau.
1. Thoát vị bẹn (Inguinal hernias)
Thoát vị bẹn xảy ra khi mô mỡ hoặc một đoạn ruột non nhô ra hoặc chui qua một vùng thành bụng yếu hoặc khuyết tật bẩm sinh ở thành bụng dưới (thành bụng ngay trên dây chằng bẹn). Chúng có khuynh hướng phát triển ở một bên bẹn.
Thoát vị bẹn là loại thoát vị phổ biến nhất và chiếm gần 3/4 các trường hợp thoát vị thành bụng. Khoảng 27% nam giới và 3% nữ giới sẽ bị thoát vị bẹn một lần trong đời. Nguy cơ tăng dần theo độ tuổi.
2. Thoát vị đùi (Femoral hernias)
Mô mỡ hoặc một phần ruột non cũng có thể chui qua hai đoạn sâu hơn ở bẹn, được gọi là ống đùi (femoral canals). Nên khối thoát vị chui qua những chỗ này được gọi là thoát vị đùi. Chúng ít phổ biến hơn nhiều so với thoát vị bẹn. Nữ giới dễ bị thoát vị đùi hơn nam giới.
3. Thoát vị cuống rốn (Umbilical hernias)
Thoát vị cuống rốn xảy ra khi mô mỡ hoặc một phần ruột non phình ra qua lỗ hở của cơ bụng ở gần rốn. Dạng này phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới sáu tháng tuổi, đặc biệt dễ xảy ra ở những trẻ không được băng rốn đúng cách sau khi sinh. Ở trẻ sơ sinh, thoát vị rốn có thể xảy ra rõ ràng hơn khi trẻ khóc, khiến khối thoát vị nhô ra.
Phần lớn các chứng thoát vị này không gây ra bất kỳ vấn đề gì và sẽ tự khỏi khi trẻ được 5 tuổi.
Người trưởng thành cũng có thể bị thoát vị rốn. Các yếu tố rủi ro bao gồm béo phì và mắc bệnh mãn tính làm tăng áp lực ổ bụng, chẳng hạn như chứng bệnh ho mãn tính, hoặc trong ổ bụng có dịch (còn gọi là cổ trướng, ascites) thường là do bệnh gan.
4. Thoát vị khe hoành (Hiatus hernias)
Thoát vị khe hoành xảy ra khi phần trên của dạ dày phình ra ở chỗ cơ lớn ngăn cách bụng và ngực (cơ hoành). Có thể hiểu nôm na là tình trạng một phần dạ dày chui lên lồng ngực. Những người cao niên hoặc bị béo phì dễ có nguy cơ bị thoát bị khe hoành.
Một số người có thể bị thoát bị khe hoành nhưng chỗ thoát vị quá nhỏ nên sẽ không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, ở một số người, các khối thoát vị lớn có thể gây ra các triệu chứng trào ngược (reflux), chẳng hạn như chứng ợ nóng (heartburn) và trào ngược (regurgitation).
5. Thoát vị vết mổ (Incisional hernias)
Loại thoát vị này có thể xảy ra sau khi phẫu thuật, đó cũng là điều đã xảy ra với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Các khối thoát vị phát sinh khi có một điểm yếu trong thành bụng nằm ở vị trí vết cắt trong cuộc phẫu thuật trước đó. Đức Thánh Cha Phanxicô phải làm phẫu thuật khối thoát vị vết mổ bởi vì các vòng ruột non trong chỗ thoát vị bị tắc nghẽn một phần và gây đau đớn.
6. Các loại thoát vị khác
Có một số loại thoát vị khác, chẳng hạn như thoát vị cơ (muscle hernias) khiến cho một phần của cơ có thể nhô ra các mô xung quanh. Thoát vị cơ đặc biệt phổ biến sau khi bị chấn thương cơ bắp chân.
Bị thoát vị thì cần phải làm gì?
Dấu hiệu đầu tiên của thoát vị bẹn hoặc thoát vị đùi có thể là chỗ phồng lên gây đau đớn hoặc dễ nhìn thấy ở bẹn. Chỗ phình này thường sẽ trở nên dễ nhận thấy hơn khi đứng lên, khi ho hoặc khi rặn lúc đi tiêu. Đối với thoát vị rốn hoặc thoát vị vết mổ, quý vị có thể sẽ thấy trên bụng có một chỗ phình ra.
Quý vị nên tìm chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bị thoát vị và bị đau bụng dữ dội, buồn nôn và ói mửa, trung tiện (đánh rắm) khó khăn, hoặc nếu khối thoát vị trở thành một chỗ lồi vừa cứng vừa đau. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy nguồn cung cấp máu cho đoạn ruột bên trong khối thoát vị bị chặn, hoặc ruột bị xoắn và bị tắc hoàn toàn.
May mắn thay, phần lớn thoát vị ở vùng bụng có thể được chữa trị bằng phẫu thuật.
Trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như với Đức Giáo Hoàng Francis, ca phẫu thuật được thực hiện với sự hỗ trợ của lưới phẫu thuật (mảnh vá y tế – surgical mesh). Nó là một thiết bị y tế giúp hỗ trợ các mô bị tổn thương xung quanh chỗ thoát vị khi nó lành lại. Mảnh vá cũng sẽ giúp giảm nguy cơ thoát vị tái phát.
Hầu hết mọi người có thể về nhà ngay trong ngày hoặc một ngày sau khi phẫu thuật, và hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tuần.
Việt Báo Biên dịch từ bài: “Pope Francis is recovering from hernia surgery. But what exactly is a hernia?” của Vincent Ho, được đăng trên trang TheConversation.
Gửi ý kiến của bạn