
Mỹ đã đứng ra bảo đảm an toàn ở Đông Á trong nhiều thập niên gần đây, nhưng Trung quốc ngày càng có nhiều dấu hiệu thách thức, tạo nên sự căng thẳng giữa quan hệ Mỹ - Trung.
Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc về kinh tế cộng với tham vọng bành trướng là điều không thể chối cãi. Chừng nào chế độ độc tài Trung cộng còn khăng khăng đòi quyền nuốt chửng Đài Loan bằng bất kỳ phương tiện nào, cộng thêm tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông bất chấp các nước láng giềng nghĩ gì, thì sự căng thẳng đó còn tiếp tục.
Chẳng phải chỉ một mình Hoa Kỳ lo ngại mà Trung Quốc cũng gieo rắc sự sợ hãi cho các quốc gia láng giềng ở Đông Á. Nhưng bên cạnh đó Trung quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của một số nước, khiến quan hệ đó trở thành một trò chơi phức tạp, trong đó nhiều bánh răng cần ăn khớp với nhau nhưng máy móc đôi khi lại kêu lách cách.
Kể từ Thế chiến thứ II, Hoa Kỳ đã chống lưng cho Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng hai nước được bảo trợ đã có những tranh cãi gay gắt về lịch sử. Sự hiện diện của Trung Quốc (và cuộc chiến của Nga ở Ukraine) đã khiến Tokyo khởi động một kế hoạch quân sự mà trước đây không thể thực hiện được về mặt chính trị. Đồng thời, chính quyền Biden đã thúc đẩy hợp tác quốc phòng ba bên.
Cho đến đầu thập niên 90, Philippines đã có các căn cứ quân sự lớn của Mỹ cho đến khi chúng bị đóng cửa sau sự sụp đổ của nhà độc tài Ferdinand Marcos. Tân tổng thống – con trai của Marcos – lo ngại sự quấy rối của Trung Quốc nên đã nhanh chóng xích lại gần Mỹ. Ngũ Giác Đài một lần nữa đã có một số căn cứ tại khu vực này, trong số đó một vài căn cứ chỉ cách Đài Loan 40 dặm.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến châu Âu giật mình tỉnh giấc trước những lợi ích của quốc phòng. Đây đó, người ta cũng bắt đầu nhìn thấy những nguy cơ khi phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Nhưng Tổng thống Pháp Macron muốn đứng ngoài vấn đề Đài Loan và thậm chí còn phản đối việc NATO thành lập một văn phòng nhỏ ở Tokyo.
Về phần mình, Mỹ đang cố gắng kết nối không chỉ các đồng minh mà còn cả châu Á và châu Âu. Mỹ cho đến nay vẫn là quốc gia cung cấp nhiều viện trợ quân sự cho Ukraine nhất, nhưng vẫn đang nỗ lực lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia. Đồng thời, nhấn mạnh rằng các thành viên châu Âu của NATO có quyền lợi nhất định trong việc bảo vệ các nền dân chủ châu Á.
Hiệp ước an ninh Aukus, trong đó Mỹ, Úc và cả Vương quốc Anh, là một phần quan trọng, nhiều máy bay chiến đấu và những thứ khác cũng sẽ được gửi đến Úc. Ngoài ra, Mỹ đã ký kết các thỏa thuận với các quốc đảo nhỏ như Palau, với mục đích mở rộng sức mạnh quân sự ở châu Á.
Điều đáng tiếc là chiến lược của Hoa Kỳ vẫn còn thiếu phần kinh tế. Trong nhiệm kỳ Tổng Thống của mình, tổng thống Barack Obama đã thúc đẩy hiệp định thương mại TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement), trong đó ngụ ý là cùng với các nước châu Á viết ra các quy tắc mà Trung Quốc không thể bỏ qua, cũng như đẩy mạnh giao thương kinh tế của Hoa Kỳ và các nước trong vùng. Năm 2016, Donald Trump, một người theo chủ nghĩa bảo hộ suốt đời, trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, nhắm trọng tâm vào việc chỉ trích các hiệp định thương mại trước đó. Ông tuyên bố các nhà lãnh đạo quốc gia đã bán đứng công nhân Mỹ và các thỏa thuận mà họ đã đàm phán mang lại lợi thế không công bằng cho các chính phủ nước ngoài. Kết quả là Donald Trump đã hủy bỏ hiệp định TPP quan trọng này.
Nhưng ngay cả Biden cũng bị rơi vào chủ nghĩa bảo hộ này. Sự lung lay về đường hướng đang diễn ra bất chấp thành tích lâu dài của Biden về việc ủng hộ thương mại tự do khi phục vụ tại Thượng viện, các thành tích này bao gồm các phiếu bầu của ông ủng hộ NAFTA vào năm 1993, việc gia nhập của Hoa Kỳ vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1994 và cho phép Trung Quốc tham gia hệ thống thương mại toàn cầu với tư cách là thành viên tham gia toàn diện vào năm 2000.
Cuộc chiến tranh Ukraine đã mở mắt làm thay đổi tầm nhìn về thế giới của các nước tiến bộ, đặc biệt là các nước liên Âu. Hơn bao giờ hết, các nền dân chủ trên thế giới không thể nhắm mắt làm ngơ trước mối đe dọa trong việc tái vũ trang ồ ạt của Trung Quốc đang được tiến hành. Liên minh cần được củng cố, và kết nối Á Châu và Âu Châu là điều cần thiết.