
Mối đe dọa hỏa tiễn ngày càng tăng từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, cùng với những hạn chế của hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện tại, đã thúc đẩy Nhật Bản đầu tư vào khả năng tấn công phủ đầu tầm xa để sẵn sàng ứng phó với những mối đe dọa trên biển. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
Nhật Bản đã tiết lộ kế hoạch chế tạo một hỏa tiễn chống hạm tầm xa mới với các đầu đạn có thể hoán đổi cho nhau, một bước phát triển mới nhất trong nỗ lực ngăn chặn các mối đe dọa trên biển từ Trung Quốc.
Trong tháng này, tờ The Warzone đã loan tin rằng Bộ Quốc Phòng Nhật Bản (MOD) đã trao hợp đồng trị giá 257 triệu MK cho Kawasaki Heavy Industries (KHI) để phát triển một hỏa tiễn chống hạm phòng thủ biển đảo có thiết kế chạy bằng động cơ phản lực có tầm bắn khoảng 2,000 km.
Báo cáo đề cập rằng hỏa tiễn sẽ có một “đầu đạn mô-đun” có khả năng tấn công mặt đất, tác chiến điện tử (EW) và trinh sát. Hỏa tiễn sẽ sử dụng nhiều hệ thống dẫn đường trong các giai đoạn khác nhau, chẳng hạn như hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và hệ thống điều hướng quán tính (INS) trong giai đoạn hành trình, đầu dò hồng ngoại (IR) hoặc tần số vô tuyến (RF) trong giai đoạn cuối hành trình, giúp tăng xác suất tiêu diệt và khả năng chọc thủng phòng thủ của đối phương.
Warzone lưu ý rằng hỏa tiễn sẽ có chiều dài từ 6 đến 10 mét và bay ở tốc độ cận âm Mach 0.8.
Vào tháng 1 năm 2023, tờ Asia Times từng đưa tin rằng việc phóng nhiều loại hỏa tiễn trong một lần tấn công có thể cải thiện đáng kể độ chính xác, với hỏa tiễn trinh sát có camera hiệu suất cao để phát hiện vị trí của kẻ thù, tiếp theo là hỏa tiễn tác chiến điện tử để vô hiệu hóa radar và các cảm biến khác của đối phương, sau đó mà một hỏa tiễn có đầu đạn nổ mạnh để giáng đòn tấn công chết người.
Mối đe dọa hỏa tiễn ngày càng tăng từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, cùng với những hạn chế của hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện tại, đã thúc đẩy Nhật Bản đầu tư vào khả năng tấn công phủ đầu tầm xa để sẵn sang ứng phó với những mối đe dọa trên biển.
Vào tháng 5 năm 2022, tờ Asia Times đã lưu ý rằng chỉ riêng Trung Quốc đã có 1,900 hỏa tiễn đạn đạo tầm trung (IRBM) phóng từ mặt đất, và 300 hỏa tiễn hành trình tầm trung nhắm vào Nhật Bản. Bắc Triều Tiên cũng có hàng trăm hỏa tiễn đạn đạo có thể tấn công tới Nhật Bản.
Những mối đe dọa đó đã thúc đẩy Tokyo mua hỏa tiễn tầm xa để có khả năng tấn công phủ đầu. Trong phạm vi tự vệ của Nhật Bản, họ có thể sẽ tấn công căn cứ hỏa tiễn dẫn đường nếu không có phương án phòng thủ nào khác.
Trung Quốc hiện có thể triển khai vũ khí siêu thanh trên các hàng không mẫu hạm của mình, và triển khai hỏa tiễn siêu thanh YJ-21 trên các tàu khu trục Type 055.
Hỏa tiễn hành trình chống hạm mới của Nhật Bản đánh dấu một bước quan trọng hướng tới hệ thống phòng thủ phủ đầu trên biển. Họ cũng đang cân nhắc việc sử dụng máy bay không người lái (drones) để đánh chặn các máy bay nước ngoài xâm phạm không phận của mình.
Năm nay, Nhật Bản sẽ bắt đầu thử nghiệm máy bay không người lái có khả năng đuổi theo tàu chiến để đánh giá hiệu suất và chức năng. Nếu thành công, họ sẽ thử nghiệm tiếp loại máy bay không người lái có khả năng chống lại máy bay. Những chiếc drones còn có thể cung cấp thông tin tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) cần thiết và thu thập mục tiêu cho hỏa tiễn chống hạm mới sắp ra mắt của Nhật Bản.
Ngoài hỏa tiễn chống hạm phòng thủ đảo, Nhật Bản cũng đang phát triển các loại hỏa tiễn khác để tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Nhật Bản đã ký bốn hợp đồng với Mitsubishi Heavy Industries để thiết kế và sản xuất các hỏa tiễn dự phòng khác nhau. Các hợp đồng này bao gồm 1.29 tỷ MK để nâng cấp sản xuất hỏa tiễn Type 12 SSM, 200 triệu MK để phát triển các biến thể phóng từ mặt đất/không quân/tàu SSM Type 12, 891.8 triệu MK cho sản xuất hàng loạt Đạn siêu thanh (Hyper Velocity Gliding Projectile – HVGP) và 436 triệu MK để phát triển hỏa tiễn dẫn đường phóng từ tàu ngầm.
Bản nâng cấp Type 12 SSM sẽ được bắt đầu sản xuất trong năm nay, và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026, với các cải tiến giúp tăng tầm hoạt động của nó lên 200, 900 và cuối cùng là 1,500 km.
Nhật Bản cũng có hai thiết kế vũ khí siêu thanh: HVGP Block 1 được cho là sẽ sản xuất trong năm nay, với tầm bắn ước tính từ 500 đến 900 km, được bắn từ bệ phóng hai vòng trên xe tải. Block 2A và 2B, có tầm hoạt động từ 2,000 đến 3,000 km và dự kiến sẽ được phát triển lần lượt từ năm 2023-2027 và 2023-2030.
Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch phát triển Type 12 SSM phóng từ tàu ngầm tầm xa trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2027, cùng với một lớp tàu ngầm mới được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng để bắn các hỏa tiễn lớn hơn.
Các hỏa tiễn siêu thanh phóng từ tàu như YJ-21 có thể bay dọc theo bầu khí quyển phía trên để có tầm bắn lớn hơn, hoạt động ở độ cao quá cao hoặc quá thấp đối với hệ thống phòng thủ hỏa tiễn truyền thống như Aegis và Patriot, đồng thời cơ động trên các đường bay khó đoán để tăng độ khó của đánh chặn. Do đó, lựa chọn phòng thủ tốt nhất có thể là hạ gục các tàu vũ trang siêu thanh trong đợt tấn công phủ đầu trước khi chúng có thể phóng hỏa tiễn.
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Japan making missiles to sink China’s hypersonic threat” của Gabriel Honrada, được đăng trên trang AsiaTimes.com.