
PALM BEACH, FLORIDA - NGÀY 11 THÁNG 6: Những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump tập trung gần dinh thự ở Mar-A-Lago của ông sau khi ông bị truy tố về một loạt cáo buộc mới liên quan đến việc xử lý sai các tài liệu mật vào ngày 11 tháng 6 năm 2023 tại Palm Beach, Florida . Trump dự kiến sẽ hầu tòa tại Miami vào thứ Ba. (Ảnh của Scott Olson/Getty Images)
Sau sáu tháng điều tra, Cựu Tổng thống Donald Trump cuối cùng đã bị một đại bồi thẩm đoàn liên bang truy tố về vụ các tài liệu mật, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một cựu tổng thống và cũng là một ứng cử viên tổng thống bị truy tố về tội hình sự.
Trump đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và tuyên bố ông hoàn toàn vô tội và kêu rằng Ông bị truy bức chính trị. Tại Hội nghị Georgia Cộng Hòa ở Columbus, Trump nhấn thêm một nấc tuyên bố rằng Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông ta là "những kẻ phát xít" tham nhũng, và lặp lại những tuyên bố sai sự thật rằng Trump thua cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 vì gian lận cử tri, cùng những lời nói dối khác.
Những người bênh vực Trump đã giận dữ tố cáo rằng đây là một đòn phép của Biden nhằm đàn áp và hạ gục đối thủ, ứng cử viên hàng đầu sáng giá nhất của Đảng Cộng Hòa.
Nhiều đảng viên Cộng hòa, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã tố cáo Bộ Tư Pháp đối xử bất công với tổng thống thứ 45, và phân biệt đối xử vì khi các đảng viên Dân chủ bị điều tra về lưu giữ tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc gia đã không ai bị truy tố.
Vấn đề những người bênh vực Trump đặt ra là vì sao các vị tổng thống tiền nhiệm khác, khi rời Bạch Ốc đều đóng thùng mang tài liệu theo nhưng không ai bị “sờ gáy”, nhưng với Trump thì mọi chuyện đều khác.
Phân tích bản cáo trạng của Trump giúp giải thích mấu chốt khác biệt giữa vụ án của ông ta và các cuộc điều tra nổi tiếng khác, như vụ của Hillary Clinton, Tổng thống Biden và cựu phó tổng thống Mike Pence – vì tội danh không nằm ở chỗ lưu giữ thông tin quốc phòng, mà ở chỗ cố ý lưu giữ, đưa ra lời khai sai trái và âm mưu cản trở công lý.
Theo bản cáo trạng, Trump hiện phải đối mặt với 31 tội danh cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng, mỗi tội danh được quy định trong Đạo Luật Gián Điệp có mức án tù tối đa là 10 năm. Mỗi tội danh đại diện cho một tài liệu nhạy cảm cao khác nhau mà Trump được cho là đã lưu giữ tại tư dinh Mar-a-Lago, nơi cư trú và được sử dụng như một câu lạc bộ tư nhân ở Florida của ông.
21 trong số những tài liệu đó, bao gồm cả tài liệu liên quan đến bí mật hạt nhân, đã được tìm thấy bởi các đặc vụ FBI khi họ lục soát khu tư dinh của Trump ở Florida vào tháng 8 vừa qua - thu được tổng cộng 102 tài liệu mật, cũng theo bản cáo trạng. 10 cáo buộc cố ý lưu giữ khác xuất phát từ một loạt 38 tài liệu mật được chuyển cho FBI vào tháng 6 năm ngoái để đáp lại trát đòi hầu tòa của đại bồi thẩm đoàn.
Cuộc điều tra lịch sử về cựu tổng thống Trump lẽ ra đã được kết thúc từ nhiều tháng trước đó, vào tháng 1 năm 2022, khi cựu tổng thống trao lại 15 hộp giấy tờ cho Cục Quản lý Hồ sơ và Cơ Quan Lưu trữ Quốc gia khi cơ quan này tìm cất giữ các hồ sơ tổng thống kể từ khi ông Trump rời nhiệm sở. Bên trong 15 hộp này, các nhà lưu trữ đã tìm thấy 197 tài liệu được phân loại, một số tài liệu cực kỳ nhạy cảm, theo cáo buộc của chính phủ trong hồ sơ tòa án. Nhưng điều căn bản đáng chú ý ở đây là bản cáo trạng không buộc tội Trump về việc lưu giữ bất hợp pháp bất kỳ tài liệu nào trong số 197 tài liệu mà ông đã trả lại này.
Tất cả các tài liệu bị truy tố, là những tài liệu thuộc những thùng hồ sơ mà Trump đã cố ý giữ lại. Theo Robert Mintz, cựu công tố viên liên bang, thì điều đó cho thấy rằng nếu Trump chỉ đơn giản là trả lại tất cả các tài liệu mật mà ông đã cất giữ, thì có lẽ ông sẽ không bao giờ bị buộc tội bất kỳ tội danh nào. Mintz cho biết: “Đây không phải là vụ việc về những tài liệu nào đã bị lấy đi, mà là về những gì cựu tổng thống Trump đã làm sau khi chính phủ tìm cách lấy lại những tài liệu đó”. Mintz cũng nhấn mạnh rằng các trường hợp cố ý lưu giữ thường xoay quanh số lượng bằng chứng mà các công tố viên có thể tìm thấy rằng một người cố tình giấu tài liệu hoặc từ chối trả lại.
Bản cáo trạng đưa ra cáo buộc rằng cựu tổng thống đã tìm cách che giấu và cố ý giữ lại một số tài liệu mật, đến mức Trump và phụ tá riêng của Ông là Walt Nauta bị buộc tội âm mưu cản trở cuộc điều tra và âm mưu che giấu sự thật không chỉ với chính phủ, mà ngay cả với luật sư riêng của Trump.
Những cáo buộc dựa trên các bằng chứng cho thấy Trump đã: di chuyển các hộp ra khỏi phòng lưu trữ; bảo luật sư lục soát căn phòng đó để tìm tài liệu mật mà không nói rằng hàng chục chiếc hộp đang được cất giữ ở nơi khác; đề nghị luật sư cất giấu hoặc tiêu hủy các tài liệu đã được triệu tập; và làm cho người khác đưa ra tuyên bố sai về việc liệu tất cả các tài liệu mật đã được trả lại hết hay chưa.
“Đó không phải là loại bằng chứng thường được tìm thấy trong trường hợp như thế này, và nó chắc chắn không phải là loại bằng chứng cho đến nay được đưa ra từ cuộc điều tra của Biden hoặc vụ máy chủ email của Clinton,” Mintz giải thích.
Cũng theo cáo trạng, Trump đã nhắc đến vụ e-mail của Clinton vào tháng 5 năm 2022, khi ông thảo luận về cách phản ứng với trát đòi hầu tòa mà ông vừa nhận được.
Với tư cách là ứng cử viên tổng thống tranh cử với Clinton vào năm 2016, ông đã phản đối việc bà sử dụng máy chủ email cá nhân để tiến hành công việc của chính phủ khi đang giữ chức vụ ngoại trưởng - dẫn đến việc thông tin mật được chia sẻ trên một máy phi chính phủ, không được phân loại.
Nhưng khi thảo luận về trường hợp xử lý sai có thể xảy ra của chính mình vào năm ngoái, Trump đã khai triển một khía cạnh khác của cuộc điều tra Clinton: rằng các luật sư của Clinton đã xem xét hơn 60,000 email và chuyển khoảng 30,000 email cho các quan chức chính phủ vì chúng được cho là có liên quan đến nhiệm vụ chính thức của bà. Các luật sư của bà Clinton đã xóa phần còn lại, khoảng 30,000 email, sau khi cho rằng chúng mang tính cá nhân và không liên quan đến công việc của bà. Từ lâu, thông lệ tiêu chuẩn trong chính phủ liên bang là các quan chức xem xét thư từ của chính họ để đáp ứng các yêu cầu của Đạo luật Tự Do Thông Tin và quyết định email nào của họ là email cá nhân và do đó không được chuyển. Trong trường hợp của Clinton, luật sư của bà ấy đã làm điều đó cho bà.
Với tư cách là một ứng cử viên và tổng thống, Trump đã lên án mạnh mẽ quyết định xóa các email này. Vào tháng 7 năm 2016, tại một cuộc họp báo, ông đã giễu rằng: “Nga: nếu các bạn đang lắng nghe, tôi hy vọng các bạn có thể tìm thấy 30,000 email bị thất lạc. Tôi nghĩ bạn có thể sẽ được báo chí của chúng tôi khen thưởng rất nhiều.”
Tuy nhiên, khi trát đòi hầu tòa của đại bồi thẩm đoàn về tài liệu mật đến trước cửa nhà ông, Trump đã bày tỏ quan điểm rất khác với luật sư của mình, theo ghi chú trong bản cáo trạng, Ông đã khen ngợi luật sư của Clinton vì đã xóa 30,000 email.
Trump được cho là đã nói vào ngày 23 tháng 5 năm 2022 với các luật sư của Ông rằng, “Luật sư của Clinton, là người đã xóa tất cả email của bà ấy, 30,000 email, vì về cơ bản những email này chỉ liên quan đến lịch trình của bà ấy, việc bà ấy đi tập thể dục và việc bà ấy có các cuộc hẹn làm đẹp. Ông ta thật là tuyệt vời (ý nói luật sư của Clinton). Nhờ ông ta mà bà ấy không gặp rắc rối gì vì ông ta nói rằng ông ta là người đã xóa chúng.”
"Trump nhắc lại việc này hơn một lần vào ngày hôm đó,” bản cáo trạng ghi nhận.
Robert Kelner, một luật sư kỳ cựu của DC, cho biết: “Tôi thực sự không nghĩ rằng có bất kỳ sự so sánh hợp lý nào giữa vụ Trump và vụ Hillary Clinton. “Điểm khác biệt chính là trong vụ Hillary Clinton, như chúng tôi biết được từ báo cáo của tổng thanh tra Bộ Tư Pháp, không có bằng chứng nào cho thấy Hillary Clinton tìm cách cản trở công lý. Trọng tâm của bản cáo trạng của Trump là nỗ lực khá rõ ràng của ông ta nhằm cản trở công lý. Đó là sự khác biệt cơ bản.”
Tuy nhiên, Kelner cảnh báo rằng ông hy vọng các luật sư của Trump sẽ đấu tranh quyết liệt, và sẽ có khả năng cố gắng thuyết phục ít nhất một bồi thẩm viên rằng một cựu tổng thống không nên vào tù vì vụ tài liệu. Ông nói rằng “rất có khả năng nhóm của Trump có thể thành công bãi án, bất kể bằng chứng thuyết phục đến đâu.”
So sánh bản cáo trạng của Trump với cuộc điều tra đang diễn ra về Biden thì khó hơn, một phần vì có ít dữ kiện hơn về việc tổng thống đương nhiệm sở hữu các tài liệu mật khi ông mãn nhiệm trước đây.
Bộ Tư pháp bắt đầu điều tra vấn đề vào cuối năm ngoái, khi khoảng một chục tài liệu mật được tìm thấy tại một văn phòng ở Washington mà Biden đã sử dụng trước khi trở thành tổng thống - cho thấy các tài liệu này có thể có từ thời ông còn là phó tổng thống.
Nhiều tuần sau khám phá đó, một số lượng nhỏ tài liệu mật cũng được tìm thấy tại nhà của Biden ở Wilmington, Del. Tổng chưởng lý Merrick Garland đã chỉ định một cố vấn đặc biệt, Robert Hur, để điều tra xem có bất kỳ tội ác nào đã được thực hiện hay không. Các luật sư của Biden cho biết họ đã hợp tác trong mọi bước của cuộc điều tra và sẵn sàng trả lại tất cả các tài liệu mật được tìm thấy trong văn phòng và nhà Wilmington. Một cuộc khám xét của FBI đối với ngôi nhà bên bờ biển của Biden sau đó không tìm thấy tài liệu mật nào.
Trường hợp của Pence cũng chỉ ra điểm khác biệt chính trong các cuộc điều tra an ninh quốc gia liên quan đến tổng thống, cựu quan chức hàng đầu hoặc ứng cử viên tổng thống - đó không phải là những gì bị lấy đi mà là những gì được giữ lại. Chỉ một tuần trước bản cáo trạng của Trump, Bộ Tư pháp đã thông báo cho Pence rằng họ đã đóng hồ sơ điều tra về việc liệu Ông xử lý sai thông tin mật hay không.
Các đặc vụ FBI đã tiến hành một cuộc khám xét có sự đồng thuận tại nhà của Pence ở Indiana vào tháng Hai, sau khi một luật sư của Pence tìm thấy “một số lượng nhỏ” tài liệu mật hoặc có khả năng nhạy cảm ở đó vào cuối tháng Giêng. Theo một cố vấn, cuộc tìm kiếm của FBI đã phát hiện thêm một tài liệu mật.
Luật sư của Pence cho biết tất cả các tài liệu đã nhanh chóng được chuyển giao hết cho các cơ quan chính phủ.
Vài ngày sau khi Bộ Tư Pháp đóng hồ sơ điều tra, Pence chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024, tham gia một danh sách ứng cử viên tổng thống đông đảo của Đảng Cộng hòa, trong đó Trump là người dẫn đầu.
Trở lại với hồ sơ Trump, bản cáo trạng của ông Trump được gỡ niêm phong vào hôm thứ Sáu vừa qua cho thấy phần ghi chú của ông Corcoran - được xác định là “Luật sư 1 của Trump” - có phạm vi rộng hơn và gây tổn hại hơn nhiều so với những gì đã biết trước đây.
"Điều gì xảy ra nếu chúng ta không trả lời [Sở Lưu trữ Quốc gia] gì cả hoặc không giúp gì cho Sở đó?" Ông Corcoran trích lời ông Trump nói tại một thời điểm, ám chỉ các quan chức chính phủ đang tìm cách thực thi trát đòi hầu tòa yêu cầu trả lại các tài liệu.
Tại một thời điểm khác, theo các ghi chú, ông Trump bày tỏ lo ngại về việc ông Corcoran phân loại các tài liệu trong các hộp mà ông đã lấy từ Bạch Ốc, mặc dù ông đã đặc biệt cử ông Corcoran đến để xử lý các nỗ lực của Bộ Tư Pháp nhằm thu hồi tất cả tài liệu mà ông Trump có thể vẫn còn cất giữ.
“Tôi không muốn bất kỳ ai nhìn qua những chiếc hộp của mình, tôi thực sự không muốn,” các ghi chú trích lời ông Trump. "Tôi không muốn bạn nhìn vào thùng của tôi."
Luật sư Corcoran mô tả cách ông Trump thực hiện một “plucking motion” (bứt nó ra) sau khi ông lấy ra và đặt 40 tài liệu mật vào một tập hồ sơ và đã thúc giục luật sư của mình cất tập tài liệu đã được phân loại mật vào két an toàn của khách sạn của Trump và gợi ý rằng luật sư này nên xóa thông tin gây tổn hại bằng cách làm một động tác bứt nó ra (plucking motion).
Những bằng chứng hay nhân chứng đã trình bày đầy đủ để bồi thẩm đoàn trong tuần qua quyết định truy tố, nhưng những người ủng hộ Trump vẫn phẫn nộ và cho là Trump bị đối xử bất công và khác thường so với Biden, Pence hay Clinton. Các nhà chức trách đang báo động và cảnh giác về các cuộc biểu tình hỗn loạn có thể xảy ra.
Kari Lake, người được Trump hỗ trợ và đã thua trong nỗ lực trở thành thống đốc bang Arizona vào năm 2022 cho biết bà có kế hoạch tập hợp ủng hộ Trump ở Nam Florida và ám chỉ bạo lực khi bà nói với một nhóm GOP hôm thứ Sáu: “Nếu bạn muốn đụng đến Tổng thống Trump, bạn sẽ phải đi qua tôi và bạn sẽ phải đi qua 75 triệu người Mỹ giống như tôi.” Đề cập đến Hiệp Hội Súng, nhóm ủng hộ súng, bà nói thêm: “Hầu hết chúng tôi đều là thành viên có thẻ của NRA. Và điều này không phải là một đe dọa, mà là một thông báo công cộng.”
Bất công hay không, chuyện dài còn nhiều tập, còn phải chờ tòa án xét xử. Khác thường thì không có gì lạ, vì sau cùng, những người ủng hộ ông đều cho rằng ông là người phi thường, trong khi những người chống ông lại cho rằng ông là kẻ bất thường.
Nguyên Hòa
Tham khảo: https://www.washingtonpost.com/national-security/2023/06/11/clinton-biden-classified-documents-trump-indictment/