
Thạch tín (Arsenic/Asen) là nguyên tố tự nhiên phân bố trong lớp vỏ Trái Đất, có độc tính cao. Con người có thể tiếp xúc với nó thông qua thực phẩm, nước và không khí. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh ung thư. Ngoài ra, nếu tiếp xúc hoặc uống phải nước bị nhiễm Arsenic có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh khác như tăng sừng, thay đổi sắc tố, bệnh đái tháo đường, bệnh gan thận… (Nguồn: chụp lại từ YouTube)
Arsenic, hay thạch tín (gọi ngắn là chất asen) là một nguyên tố có trong tự nhiên, thường được tìm thấy trong lớp vỏ Trái Đất. Asen có màu đen và xám. Nó tồn tại và gây độc phổ biến nhất ở dạng các hợp chất asenat và asenua. Asen và các hợp chất của nó được sử dụng nhiều trong ngành nông nghiệp như là thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và trong một loạt các hợp kim.
Con người khi tiếp xúc với chất asen qua thức ăn và nước uống sẽ bị nhiễm độc, tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe, thậm chí có thể bị ung thư.
Nhiễm độc asen/thạch tín là một vấn đề sức khỏe cộng đồng của toàn cầu. Một nghiên cứu năm 2020 ước tính rằng thế giới có tới 200 triệu người sống chung với nguồn nước uống bị nhiễm asen vượt ngưỡng cho phép. Mức giới hạn cho phép do Cơ quan U.S. Environmental Protection Agency và World Health Organization đặt ra là 10 phần tỷ. Có hơn 70 quốc gia bị ảnh hưởng, trong đó có Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Mexico, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Canada, Chile, Bangladesh, Bolivia và Argentina.
Trước tình hình vẫn còn nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi hàm lượng asen cao như vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng nhiễm độc asen là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu, và cần phải có các hành động khẩn cấp. Thông qua sự hình thành các tế bào gốc ung thư, họ đang nghiên cứu để xác định mức độ gây ung thư của việc tiếp xúc với các kim loại độc hại như asen.
Đồ ăn và thức uống bị nhiễm chất asen
Cơ thể chúng ta có thể hấp thụ thạch tín/asen qua một số ngưỡng, chẳng hạn như qua không khí hít thở và tiếp xúc qua da. Tuy nhiên, nguồn nhiễm phổ biến nhất là qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm asen.
Hiển nhiên, những người sống ở những khu vực có hàm lượng asen cao tự nhiên trong đất và nước sẽ có nguy cơ bị nhiễm đặc biệt cao. Thí dụ, ở Hoa Kỳ có các vùng ở phía Tây Nam như Arizona, Nevada và New Mexico. Ngoài ra, các hoạt động của con người như khai thác mỏ và nông nghiệp cũng có thể làm tăng hàm lượng asen trong các nguồn thức ăn và nước.
Trong một số sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng có thể chứa hàm lượng asen cao, đặc biệt là gạo và các sản phẩm làm từ gạo như các loại bánh gạo và bánh quy giòn. Một cuộc điều tra của 2019 Consumer Reports còn phát hiện ra rằng một số nhãn hiệu nước đóng chai được bán ở Hoa Kỳ có chứa hàm lượng thạch tín/asen vượt ngưỡng cho phép. Đáng báo động, nhiều nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng một số nhãn hiệu thực phẩm dành cho trẻ em phổ biến có chứa thạch tín ở nồng độ cao hơn nhiều so với mức giới hạn cho phép.
Asen và tế bào gốc ung thư
Tiếp xúc với asen trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư.
Các cơ chế mà asen gây ra bệnh ung thư rất phức tạp, và vẫn chưa được nghiên cứu hết. Tuy nhiên, có nghiên cứu cho thấy asen có thể làm hư hại DNA, phá vỡ đường truyền tín hiệu của tế bào và làm suy giảm hệ thống miễn dịch, tất cả đều có thể góp phần phát triển bệnh ung thư.
Các khoa học gia cũng cho rằng việc tiếp xúc với asen trong thời gian dài có liên quan tới sự phát triển của các tế bào gốc ung thư. Đây là những tế bào trong các khối u, được cho là chịu trách nhiệm cho sự phát triển và lan rộng của bệnh ung thư. Giống như tế bào gốc bình thường trong cơ thể, tế bào gốc ung thư có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau. Hiện nay, người ta vẫn chưa xác định được ở giai đoạn nào của quá trình phát triển tế bào thì tế bào gốc sẽ phát triển đột biến gen để biến thành tế bào gốc ung thư.
Các nghiên cứu hiện nay hướng tới xác định loại tế bào mà asen nhắm mục tiêu để hình thành tế bào gốc ung thư, sử dụng các phương pháp nuôi cấy tế bào lấy từ cùng một cơ quan ở các giai đoạn phát triển khác nhau để kiểm tra nguồn gốc của tế bào có ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành tế bào gốc ung thư.
Ngăn ngừa việc tiếp xúc với asen trong thời gian dài sẽ góp phần rất quan trọng giúp giảm bớt các bệnh tật liên quan đến asen. Các khoa học gia cần nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu cách asen hình thành tế bào gốc ung thư, từ đó phát triển các chiến lược hiệu quả để ngăn chặn. Trong khi đó, các cơ quan kiểm soát cần phải tiếp tục giám sát và ban hành các quy định ngăn chặn các loại thực phẩm và nguồn nước bị nhiễm độc kim loại độc hại này, để giúp cải thiện sức khỏe của cộng đồng bị ảnh hưởng.
Việt Báo biên dịch
Nguồn: “Arsenic contamination of food and water is a global public health concern” của Cristina Andrade-Feraud và Diana Azzam, được đăng trên trang TheConversation.
Gửi ý kiến của bạn