
Sáng thứ bảy, 3 tháng 6, thành phố Santa Ana còn trong tinh sương, các thiện nguyện viên trẻ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA đã lăng xăng bận rộn chuẩn bị cho chương trình hội luận khai mạc VietBookFest, Hội Chợ Sách đầu tiên giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt, và đây cũng là hội chợ sách Việt có tầm vóc đầu tiên tại Hoa Kỳ, một ngày "festive" với nhiều sinh hoạt chữ nghĩa từ sáng đến chiều, bao gồm hội luận buổi sáng, chợ sách buổi trưa, và chương trình đọc thơ và trình diễn nhạc buổi chiều.
Đến gần thư viện Santa Ana Public Library, mùi cà phê và xôi gấc đã bốc lên thơm phức, trong một góc vườn, gần 100 người, gồm các sinh viên, học sinh, độc giả, tác giả, học giả, thính giả… tất cả ngồi quây lại dưới tán cây bàng khổng lồ, gặp gỡ, trò chuyện, sẵn sàng cho buổi hội luận với các nhà văn gốc Việt Lưu Trường Khôi, Isabelle Thuy Pelaud và Lan Dương, điều hợp bởi nhà văn đoạt giải Putlizer Nguyễn Thanh Việt.
“Các nhà văn”, phải, bạn đọc không nghe lộn, “các nhà văn”, không phải các bác sĩ, các nhà văn, đến từ khắp nơi, họ là những cây bút gốc Việt, thế hệ một rưỡi, những cây bút đầu tiên viết tiếng Anh kể câu chuyện Việt, gióng lên tiếng nói đại diện cho cộng đồng văn chương gốc Việt hải ngoại trong dòng chính, tạo ra những dấu ấn khẳng định sự hiện diện chính quy của một “giống loài” chưa từng có mặt ở xứ này trước khi họ thành hình.
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt mở đầu: “I am sure we all know that we all supposed to be lawyers, doctors, engineers…” (Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều biết lẽ ra chúng ta ai cũng phải là luật sư, bác sĩ, kỹ sư….), anh bị ngắt lời bởi tiếng cười dòn của mọi người, “nhưng hãy tưởng tượng, tưởng tượng một thế giới không có nghệ sĩ, không có nhà văn, nhà thơ, không có những người kể lại câu chuyện của chúng ta. Hãy tưởng tượng….”
May mắn thay, cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng Việt, một thế hệ nghệ sĩ gốc Việt đã hình thành vững mạnh, vượt trội hơn ở lãnh vực văn chương và phim ảnh. Trong tinh thần phấn khởi này, chủ đề đối thoại xoay quanh quá trình hình thành và phát triển văn chương gốc Việt đồng thời nhắc lại và giới thiệu phiên bản kỷ niệm 25 năm của tuyển tập “Watermark”, một tuyển tập gồm các truyện ngắn, thơ và đoản văn bằng tiếng Anh do các nhà văn và nhà thơ gốc Việt xuất bản từ thời phôi thai năm 1998. Tuyển tập quy tụ nhiều cây viết mà sau này trở thành các nhà văn nổi tiếng như Lan Cao, Đinh Linh, Monique Trương, lê thị diễm thúy, Thanhha lai, Andrew Lâm…
Giới thiệu tuyển tập tái bản này, nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói rằng dù tên gọi là “Watermark”, nhưng đây là một “Landmark”, một sự kiện, một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển và hình thành văn chương gốc Việt ở Hoa Kỳ.
Isabelle Thuy Pelaud, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức Diasporic Vietnamese Artists Network kể lại những ngày đầu khi cô mới bước vào môi trường học đường tìm hiểu về văn chương Việt, và nhận ra sự “vắng mặt” của văn chương gốc Việt ở Hoa Kỳ. Nhà văn Lan Dương đã nhắc lại những ngày đầu loay hoay tìm một con đường kể câu chuyện của mình, của gia đình mình, đến từ quê hương mình. Nhà văn Lưu Trường Khôi, một trong những chủ biên khởi đầu của Watermark cho rằng văn chương gốc Việt đã phát triển và đạt được những dấu ấn quan trọng, nhờ vào những nỗ lực của nhiều tác giả, nhiều tổ chức, những ý chí sáng tạo vượt qua mọi hủ lệ. Anh kể có tác giả phải chờ nhân vật trong truyện qua đời rồi mới có thể xuất bản tác phẩm của mình.
Cuộc đối thoại còn xoay quanh các vấn đề về giới tính, chủng tộc, văn hóa trong các trang sách, cũng như những khó khăn tạo ra bản sắc, tiếng nói riêng và quan trọng nhất là hình thành một “hiện diện” mới trong dòng chính gọi là nền văn chương gốc Việt. Các nhà văn đã nhiều lần nhấn mạnh sự quan trọng của những tổ chức, công việc tổ chức và sức mạnh cùng nhau tổ chức, xây dựng. Và có lẽ, đây chính là điểm son của thế giới văn chương gốc Việt, mỗi người một góc, mỗi người một công việc, mỗi câu chuyện, cùng hợp lại với nhau, họ đã tạo được một thế đứng vững mạnh đáng nể phục
Buổi hội luận kéo dài qua khỏi giờ ăn trưa, nhưng không thấy ai than đói. Hình như đầu óc mọi người vẫn tập trung 100% vào cuộc đối thoại. Có lẽ đây là một trong những chương trình sinh hoạt trong cộng đồng Việt giữ im lặng tốt nhất, dù âm thanh thư viện có lúc to lúc nhỏ. Cả khuôn viên sáng ngời hình ảnh những khuôn mặt chăm chú, để tâm vào câu chuyện, lắng nghe các diễn giả, mới thấy rằng chương trình ngoài việc lôi cuốn, còn là một nhu cầu cần thiết cho một cộng đồng đang phát triển vượt ra khỏi đời sống gạo tiền, bước lên một thang bậc mới về văn hóa và bản sắc.
Trong suốt chương trình, “món quà” lý thú nhất theo tôi là phần đọc thơ của nhà văn-nhà thơ Lan Dương, những bài trong tập thơ mới nhất của cô, “Nothing Follows”, do DVAN xuất bản. Với lối đọc tự nhiên, diễn cảm, cô chậm rãi kể về cha, về mẹ, những người phụ nữ, những nhân vật, những mẩu chuyện rất “Việt”, và khi bắt gặp nét mặt sáng lên từ thính giả, cô nói: “Đây là lý do mình thích đọc thơ cho thính giả Việt. Các bạn hiểu rõ hơn ai hết.”
“Chúng tôi đi tị nạn chiến tranh
chúng tôi mới đến đây từ nơi đó và cuộc chiến
chỉ là một bắt đầu.
Cha tôi mang theo cuộc chiến
trong lòng bàn tay,
xăm mối căm phẫn của ông vào da thịt con cái
từng đứa, từng đứa, từng đứa một.”
(“In this house”, trang 9)
Tựa đề tập thơ là “Nothing Follows”, tạm dịch là Không Có Gì Tiếp Theo, một cụm từ trích dẫn từ một lá thơ gia đình tác giả nhận được từ chính quyền vào những ngày mới sang Mỹ khi người cha tìm cách đưa người Mẹ sang đoàn tụ với gia đình. Nhà thơ Lan Dương vừa đọc xong bài thơ thứ nhất, người nghe đã hiểu ra Không Có Gì là tất cả mọi thứ, những vết thẹo, gánh nặng, sự hiện hữu, mọi sự đổ nát, sự tiếp nối mà một người tị nạn cưu mang và sống chết cả đời với nó khi chạy trốn khỏi quê hương với hai bàn tay trắng.
Buổi hội luận còn có phần hỏi đáp, với một số câu hỏi được giải đáp phần nào thích đáng, ngược lại, cũng có những câu hỏi còn vương lại trong lòng diễn giả và người nghe những lấn cấn. Chẳng hạn như câu hỏi từ nhà văn Lan Cao, làm thế nào và liệu các nhà văn gốc Việt có quan tâm đủ để nhắc đến một vấn đề đang lan rộng trong cộng đồng Việt: tệ trạng kỳ thị chủng tộc, nhất là sự kỳ thị ra mặt gần đây của một số người Việt đối với người da màu.
Chương trình kéo dài sôi nổi cho đến khi Thúy Võ từ VAALA phải ra dấu hết giờ, và cuộc hội luận kết thúc trong khi mọi người vẫn nán lại truyện trò, xin chữ ký của các tác giả. Tôi may mắn bốc thăm được trúng cả hai cuốn “Nothing Follows” và “Watermark” nên không phải sắp hàng mua sách tại Chợ Sách sau đó. Nhưng nhìn hàng dài mọi người đứng mua sách và chờ ký tên, thấy lòng dấy lên hy vọng.
Sách vở báo chí trong cộng đồng này từ lâu đã trở nên bọt bèo. Little Sài Gòn tuy phát triển lớn mạnh, nhưng từ ba nhà sách giờ co lại chỉ còn mỗi một nhà sách èo uột, và để sống còn nhà sách này phải bán đủ loại tạp hóa để nuôi một số kệ sách ngày càng thu hẹp. Hội Chợ Sách VietBookFest lần đầu tiên được tổ chức ở Little Saigon đã thành công thu hút giới văn sĩ, độc giả đọc sách tiếng Anh, và khuấy lên một phong trào đầy khích lệ. Hy vọng rằng chương trình BookFest này sẽ được vào danh sách sự kiện hàng năm của VAALA, và mở rộng ra thêm nhiều thể loại, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, tạo dựng các mối liên kết giữa các thế hệ văn hóa trong cộng đồng, để những câu chuyện, không chỉ là một sự bắt đầu, mà là một tiếp nối, một sự nối dài của một nền văn hóa tinh hoa được nuôi dưỡng, âm ỉ từ bao thế hệ.
Nhắc đến âm ỉ, nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói về những nỗ lực âm ỉ từ bao nhiêu năm, những làn sóng giúp hình thành và nâng cao nhận thức về văn chương gốc Việt, những tổ chức hoạt động không ngưng nghỉ như DVAN, như Vaala… Ông đưa ra một ẩn dụ về sóng ngầm, rằng những cơn sóng, luôn âm ỉ, luôn chuyển động bên dưới, không ai thấy được, cho đến khi có ngọn sóng tung trào, trồi lên: “Boooom: Ocean Vương!”
Nghe Việt nhắc đến nhà thơ Ocean Vương, cả thính phòng cùng gật gù, thích thú. Nhìn sang bên phải, tôi bắt gặp nụ cười và ánh mắt cảm động của Ysa Lê, người đứng sau thúc đẩy, tổ chức và thực hiện VietBookFest cũng như mọi sinh hoạt của Hội Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA; nhìn xa hơn, các em thiện nguyện viên ngồi nghiêm trang chăm chú lắng nghe, tôi thấy mình an tâm. Nghĩ tới nền văn chương gốc Việt, bỗng dưng tôi liên tưởng đến một câu thơ của nhà thơ Phan Nhiên Hạo: “Đây là con tôi, từ trong bóng tối bụng mẹ nó ra đời mang theo ánh sáng.*”

Ban tổ chức và các văn nghệ sĩ trong Chương Trình Đọc Thơ và Trình Diễn Nhạc, kết thúc một ngày VietBookFest.
Sóng sau dồn sóng trước, mọi thứ rồi sẽ đổi thay, ngôn ngữ tiếng Việt một ngày nào đó có thể không còn tồn tại phổ biến trên đất này, nhưng những câu chuyện Việt, những buồn vui, mất mát, thành đạt của người Việt tị nạn đến đây, như dấu “watermark”, sẽ không phai mờ.
Nina HB Lê
Việt Báo