ZVECAN – NATO sẽ gửi thêm 700 binh lính đến Kosovo, và đặt một tiểu đoàn khác trong tình trạng báo động cao để sẵn sàng điều động khi cần thiết; tình trạng bất ổn trong khu vực đã gia tăng kể từ khi các tân thị trưởng người gốc Albania nhậm chức ở khu vực có đa số người Serb ở phía bắc nước này, theo tin Reuters.
Ở thị trấn Zvecan, hôm Thứ Ba, khoảng 30 binh lính NATO đến từ Hoa Kỳ, Ba Lan và Ý, đã bị thương trong các cuộc đụng độ với đám đông biểu tình người Serb ở phía bắc Kosovo. Nhóm biểu tình bị thương 52 người.
NATO hiện có khoảng 4,000 binh lính ở Kosovo. Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết quyết định gửi thêm quân đã được đưa ra. Ông nói với các phóng viên ở Oslo: “Chúng tôi đã quyết định triển khai thêm 700 binh lính từ lực lượng dự bị tác chiến tới phía tây Balkan, và đặt thêm một tiểu đoàn lực lượng dự bị trong tình trạng báo động cao, để có thể được triển khai ngay khi cần thiết.”
Hoa Kỳ và các đồng minh đã quở trách Kosovo vì leo thang căng thẳng với Serbia, nói rằng việc sử dụng vũ lực để bổ nhiệm thị trưởng ở các khu vực của người Serb làm suy yếu nỗ lực cải thiện quan hệ vốn đã không thân thiện với nước láng giềng Serbia.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và ra lệnh cho các đơn vị tiến sát biên giới.
Người gốc Albania chiếm hơn 90% dân số ở Kosovo nói chung, nhưng người Serbia ở phía bắc từ lâu đã đòi thực hiện thỏa thuận năm 2013 do EU làm trung gian để thành lập hiệp hội các đô thị tự trị trong khu vực của họ. Đa số người Serb ở Bắc Kosovo chưa bao giờ chấp nhận tuyên bố độc lập của Kosovo từ Serbia năm 2008, và vẫn coi Belgrade là thủ đô của họ.
Washington, ủng hộ cho nền độc lập của Kosovo, đã quyết định hủy bỏ việc Kosovo tham gia một cuộc tập trận quân sự sau khi Pristina từ chối rút các thị trưởng và lực lượng cảnh sát khỏi miền bắc. Đại sứ Hoa Kỳ tại Kosovo Jeffrey Hovenier nói với các phóng viên: “Chúng tôi cũng đang xem xét các tác động khác.”
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell kêu gọi các nhà lãnh đạo Kosovo và Serbia tìm cách giảm căng thẳng.
Nga, từ lâu đã có quan hệ khắng khít với Serbia, đã kêu gọi “các bước quyết định” để dập tắt tình trạng bất ổn. Bộ Ngoại Giao Nga cho biết “phương Tây cần phải chấm dứt những tuyên truyền sai trái của mình và ngừng đổ lỗi cho người Serb về các vụ việc ở Kosovo.”
Chính quyền Kosovo đổ lỗi cho Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic gây bất ổn cho Kosovo. Vucic thì đổ lỗi cho chính quyền Kosovo đã ‘kiếm chuyện’ bằng cách bổ nhiệm các thị trưởng mới.