Salman Rushdie chẳng phải cần ai giải thích cho ông về cái giá của tự do ngôn luận.
Năm 1989, cuốn tiểu thuyết “Những Vần Thơ Của Satan” (The Satanic Verses) của Rushdie đã khiến nhà lãnh đạo Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini nổi cơn thịnh nộ và đòi tử hình nhà văn.
Các cuộc biểu tình phản đối tác phẩm của Rushdie đã châm ngòi cho nhiều cuộc tấn công đầy bạo lực nhằm vào các hiệu sách trên khắp thế giới, và sau đó cuốn sách đã bị cấm ở các quốc gia như Bangladesh, Sri Lanka và Sudan.
Dù đã có những biện pháp phòng ngừa an toàn, nhưng Rushdie vẫn bị tấn công suýt chết vào mùa hè năm 2022 khi đang diễn giải trên sân khấu tại một giải thưởng văn học ở phía tây New York. Rushdie bị đâm liên tục và cuối cùng bị mất một mắt.
Ngày 18 tháng 5 năm 2023, trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ sau vụ tấn công đó, Rushdie, 75 tuổi, đã nhận một giải thưởng cho lòng dũng cảm tại buổi dạ tiệc thường niên của PEN America. PEN America là một tổ chức văn học vô vụ lợi, đang trong cuộc chiến ở Florida, nhằm chống những nỗ lực cấm đoán những cuốn sách chủ yếu liên quan đến chủng tộc và danh tính LGBTQ+.
Trong bài phát biểu ngắn gọn của mình, Rushdie cho biết các cuộc tấn công vào sách và việc giảng dạy, hay thậm chí cả các thư viện “chưa bao giờ nguy hiểm hơn thế này, và việc chống lại chúng chưa bao giờ quan trọng như bây giờ.”
Rushdie nói: “Chúng ta không được để mình bị khủng bố bởi chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta không được cho phép bạo lực ngăn cản mình.”
Trong những năm qua, làn sóng cấm sách ở các trường công lập, cũng như những cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận ngày càng phổ biến.
Kể từ khi bắt đầu kiểm đếm vào năm 2021, PEN America đã đếm được hơn 4,000 trường hợp cấm sách ở Hoa Kỳ. Những cuốn sách bị cấm bao gồm từ cuốn sách băn học nổi tiếng “Người yêu dấu/Beloved” của Toni Morrison, một câu chuyện hư cấu về những người nô lệ được trả tự do, cho đến cuốn sách cổ điển “Nhật ký thiếu nữ” của Anne Frank, câu chuyện về cuộc đời của một cô gái trẻ người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã.