WASHINGTON – Vụ kiện tiểu bang Texas do 5 phụ nữ khởi xướng vào đầu năm nay đã có thêm nhiều phụ nữ khác tham gia, theo trang APNews đưa tin ngày Thứ Hai, 22 tháng 5 năm 2023.
Một thai phụ đã phải mang trong bụng đứa con bị mất phần lớn hộp sọ trong nhiều tháng dù biết sẽ chôn con gái mình ngay sau khi nó chào đời. Một thai phụ khác bắt đầu có các dấu hiệu của hội chứng Mirror. Một OB-GYN phải bí mật rời khỏi tiểu bang để phá bỏ cái thai mà mình mong mỏi từ lâu nhưng bị chẩn đoán dị tật thai nhi gây tử vong.
Tất cả những thai phụ đau khổ trên đều nhận được thông báo rằng họ không thể chấm dứt thai kỳ ở Texas, bởi tiểu bang đã ban hành một số luật phá thai nghiêm ngặt nhất Hoa Kỳ.
Giờ đây, họ quyết định tham gia vào vụ kiện do 5 phụ nữ khác khởi xướng vào đầu năm nay, yêu cầu tòa án Texas tạm dừng khẩn cấp một số hạn chế phá thai. Tất cả đều đã bị từ chối phá thai ở bang này, bất chấp việc mang thai sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe hoặc tính mạng của họ.
Tổng cộng có hơn chục phụ nữ Texas đã tham gia vụ kiện của Center for Reproductive Rights, chống lại luật của tiểu bang cấm phá thai trừ khi tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm – mà ngoại lệ này lại không được định nghĩa rõ ràng. Ở Texas, các bác sĩ thực hiện phá thai có nguy cơ phải ngồi tù và bị phạt tới 100,000 MK. Điều này khiến cho nhiều bác sĩ không dám thảo luận về việc phá thai.
Center for Reproductive Rights đang xem xét nộp đơn kiện tương tự ở các bang khác, cho biết họ đã nghe từ phụ nữ trên khắp đất nước. Khoảng 25 phụ nữ Texas đã liên lạc với tổ chức này để kể về những trải nghiệm của chính họ kể từ khi vụ kiện ban đầu được đệ trình vào tháng 3.
Những người phụ nữ tham gia vụ kiện cho biết họ từng rất phấn khởi khi biết mình có thai, trước khi trải nghiệm trở nên thảm khốc.
Jessica Bernardo và chồng đã dành nhiều năm cố gắng thụ thai, thậm chí còn hỏi ý kiến các bác sĩ hiếm muộn trước khi mang thai bé Emma vào tháng 7 năm ngoái. Nhưng rồi vừa có thai thì Bernardo bị ho dữ dội và thường nôn mửa. Khi mang thai được 14 tuần, kết quả xét nghiệm cho thấy em bé của cô có khả năng mắc Hội chứng Down, vì vậy cô đã đến gặp bác sĩ chuyên khoa và người này đã báo cho cô một tin dữ: Tim của Emma kém phát triển và bé mắc một chứng rối loạn hiếm gặp, chết người có tên là anasarca ở thai nhi, khiến chất lỏng tích tụ trong cơ thể.
Bernardo, sống ở Frisco, Texas, nhớ lại: “Bác sĩ đưa cho tôi một hộp khăn giấy. Tôi đã nghĩ có lẽ điều tồi tệ nhất chúng tôi sẽ nghe là con bé sẽ mắc Hội chứng Down. Nhưng không, bác sĩ nói, ‘Tôi có thể nói ngay với vợ chồng anh chị rằng… con bé sẽ không qua khỏi.’”
Bác sĩ cảnh báo cô phải coi chừng huyết áp cao và ho, các triệu chứng của hội chứng Mirror, một tình trạng hiếm gặp khác mà người mẹ “phản chiếu” những vấn đề tương tự mà thai nhi đang gặp phải.
Chỉ số huyết áp của Bernardo ngày càng tăng, OB-GYN của cô đã trao đổi với hội đồng đạo đức của bệnh viện để xem liệu cô có thể chấm dứt thai kỳ hay không, nhưng kết quả là mức độ bệnh của Bernardo là không đủ. Một tuần sau đó, Bernardo đã phải chi 7,000 MK đến Seattle để phá thai.
Bernardo cho biết, ngay cả khi Emma vượt qua được thai kỳ, các bác sĩ cũng sẽ phải ngay lập tức hút hết chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể của bé, bé chỉ có thể sống sót sau vài giờ hoặc vài ngày.
Rất nhiều phụ nữ khác gặp phải tình huống tương tự, nhưng không có đủ tài chánh để đi ra khỏi tiểu bang. Một trong số đó là Samantha Casiano, một phụ nữ 29 tuổi sống ở miền đông Texas, khi đang mang thai thì được chẩn đoán thai nhi mắc bệnh não anencephaly hiếm gặp, bị khuyết phần lớn hộp sọ và não. Bác sĩ cho biết cô sẽ phải tiếp tục mang thai theo luật của Texas, mặc dù đứa con của cô sẽ không thể sống sót sau khi chào đời.
Với năm đứa con, cô nhanh chóng nhận ra rằng mình không đủ khả năng chi trả cho một chuyến đi ra khỏi tiểu bang để phá thai. Vài tháng tiếp theo của thai kỳ, cô cố gắng quyên góp tiền cho đám tang sắp diễn ra của con gái mình, kêu gọi quyên góp thông qua các trang web trực tuyến. Tháng 4, cô hạ sinh bé Halo, chỉ sống được bốn giờ.
Casiano nói: “Tôi vô cùng đau lòng và buồn bã.”
Những phụ nữ trong vụ kiện cho biết họ không thể thảo luận một cách cởi mở về việc phá thai hoặc khởi phát chuyển dạ (labor induction) với bác sĩ của mình, thay vào đó chỉ có thể hỏi bác sĩ một cách kín đáo xem họ có nên đi ra ngoài tiểu bang hay không.
Vụ kiện là một mô hình toàn quốc cho những người ủng hộ quyền phá thai thách thức những luật mới nghiêm ngặt về phá thai của các tiểu bang đã được đưa ra kể từ khi Tối Cao Pháp Viện lật ngược án lệ Roe v. Wade vào năm ngoái. Theo một phân tích của KFF, 16 tiểu bang, bao gồm cả Texas, không cho phép phá thai khi phát hiện dị tật thai nhi gây tử vong, trong khi có 6 tiểu bang không cho phép ngoại lệ đối với sức khỏe của người mẹ.