Trong một cuộc phỏng vấn do Khánh An (VOA) thực hiện, vào hôm 29 tháng 4 năm 2023, Giáo Sư Tiến Sỹ Alex Thái Đình Võ đã kể lại một câu chuyện thú vị:
“Thái sang Hoa Kỳ năm 8 tuổi. Khi mình còn nhỏ, lúc người Mỹ bắt đầu dạy trong nhà trường về cuộc chiến Việt Nam hay lịch sử Việt Nam, mình nhớ là khoảng lớp 7, lớp 8, khi giáo viên bắt đầu cho học sinh xem những bộ phim gọi là bộ phim documentary (phim tài liệu) về cuộc chiến Việt Nam, thì sau khi xem bộ phim đó và học sơ về cuộc chiến, có một cậu học sinh đặt ra câu hỏi cho mình là ‘Gia đình của bạn thuộc phe nào trong cuộc chiến?’
Ở lứa tuổi đó thì thú thật khi sang Hoa Kỳ, bố mẹ cũng không nói gì nhiều cho mình về cuộc chiến, cũng không dạy mình phải hận thù hay biết bên này, bên kia… Nhưng khi cậu đó đặt câu hỏi đó thì mình mới nhớ ở nhà thường hay nói gia đình mình là thuộc miền Nam Việt Nam. Mình mới nói ‘The South’ (miền Nam), thì cậu đó mới chỉ tay vào mặt mình mà cười kiểu chế nhạo và nói ‘À, vậy thì gia đình mày thua là đúng rồi!’
Đối với một đứa học với lớp 7, lớp 8, mà khi một người khác nói với mình là gia đình mày thua là đúng rồi thì nó đánh một dấu hỏi trong đầu mình là ‘Thua là một chuyện, nhưng mà thua là đúng rồi có nghĩa là như thế nào?’”
Thiệt là một câu hỏi khó cho bất cứ ai, kể cả mấy ông T.T Hoa Kỳ, chớ chả riêng chi với một cậu bé VN tị nạn (đang học lớp 7/ lớp 8) ở đất nước này!
Từ Việt Nam, nhà văn Bùi Ngọc Tấn lý giải:
“Cuối cùng miền Nam đã thua nhanh hơn dự đoán. Chiến thắng thuộc về những người lì đòn hơn, tận dụng thời cơ tốt hơn. Một chiến thắng có rất nhiều nguyên nhân – chiến lược chiến thuật, tài nghệ chỉ huy, tinh thần binh sĩ, vũ khí khí tài, rồi công tác tình báo, mặt trận ngoại giao… – nhưng chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của các loa công cộng…” (Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Tiếng Quê Hương: 2014).
Người cộng sản vốn chuyên nghề tuyên truyền nên sự đóng góp “không nhỏ của các cái loa công cộng” (ở thôn xóm, cũng như ở phố thị) là điều tất yếu nhưng còn “công tác vận động quần chúng” nơi những vùng xa/vùng sâu thì họ thực hiện cách nào?
Nhà văn Đỗ Phương Khanh kể lại:
Khi cuộc chiến giữa Việt Nam và Pháp bùng nổ vào ngày 19 tháng 12 năm 1946 thì gia đình chúng tôi từ Hà Nội tản cư ra khỏi thủ đô theo đường ngược mà di chuyển dần lên tới tỉnh Hòa Bình. Hòa Bình là quê hương của dân tộc Mường. Họ là những người rất chất phác, sống hồn nhiên, đơn thuần như những người Việt Nam cổ xưa…
Tết năm đó có đoàn Tuyên Truyền Xung Phong ghé qua làng chúng tôi đang tạm trú. Buổi tối họ đốt lửa trại, hầu hết dân làng quây chung quanh các thanh niên trong đòan, say sưa xem những mẩu kịch ngắn, hầu hết là cảnh quân Pháp mới đánh nhau đã lăn ra chết, tiếng cười vang rân xóm làng.
Sáng hôm sau trước khi đi, anh đòan trưởng có nhã ý mời tất cả những ai muốn chụp ảnh kỷ niệm ngày Xuân thì anh ta sẽ chụp để tặng. Anh ta còn đưa ra cuốn albumn trong có rất nhiều ảnh cho mọi người coi. Đó đây, những ánh mắt thán phục và những tiếng cười khúc khích của các cô nàng sơn nữ nổi lên tưng bừng như ngày hội…
Sau khi sắp xếp chỗ đứng rất lâu, người này thấp ra phía trước, người kia ra đầu nọ cho cân đối... cuối cùng anh ta hô:
- Không chớp mắt ... một hai ba...
Anh ta làm lại vài lần và tất cả chúng tôi quây lấy anh ta hỏi han khi nào sẽ có ảnh... anh ta trả lời chắc nịch:
- Tuần tới anh sẽ trở lại, mọi người sẽ đều có ảnh rất đẹp.
Gia đình chúng tôi không có dịp gặp lại anh ta vì chiến sự lan rộng. Trên đường tản cư ngược xuôi, một hôm bố tôi gặp lại anh phó đoàn, bố tôi hỏi về tình hình những bức ảnh. Anh phó đòan cười:
- Làm gì có ảnh, anh Bảo muốn vận động quần chúng nên dùng tâm lý chiến để tạo sự quý mến thân thiện thôi. Máy không có phim chú ạ. (Đỗ Phương Khanh. “Quê Hương Dạo Trước.” Hưng Việt – 10/12/ 2014).
- Không chớp mắt ... một hai ba...
Anh ta làm lại vài lần và tất cả chúng tôi quây lấy anh ta hỏi han khi nào sẽ có ảnh... anh ta trả lời chắc nịch:
- Tuần tới anh sẽ trở lại, mọi người sẽ đều có ảnh rất đẹp.
Gia đình chúng tôi không có dịp gặp lại anh ta vì chiến sự lan rộng. Trên đường tản cư ngược xuôi, một hôm bố tôi gặp lại anh phó đoàn, bố tôi hỏi về tình hình những bức ảnh. Anh phó đòan cười:
- Làm gì có ảnh, anh Bảo muốn vận động quần chúng nên dùng tâm lý chiến để tạo sự quý mến thân thiện thôi. Máy không có phim chú ạ. (Đỗ Phương Khanh. “Quê Hương Dạo Trước.” Hưng Việt – 10/12/ 2014).
Chuyện kể của nhà văn Nguyên Ngọc thì hơi khác. Tuy cũng theo đúng chính sách và chủ trương của Đảng (“cứu cánh biện minh cho phương tiện”) nhưng ở Tây Nguyên thì cán bộ dùng loại “phương tiện” hữu hiệu hơn. Họ thay máy ảnh không phim bằng súng đạn đã lên nòng:
Tôi có một người quen, tên là Nguyễn Huy Chương, từng là đội trưởng vũ trang tuyên truyền ở Đak Lak thời ấy, về sau làm đến chính ủy sư đoàn, rồi phó chính ủy quân khu. Anh kể hồi bấy giờ tính mãi không biết làm sao gặp cho được dân. Cuối cùng nghĩ ra một kế: bí mật rình ở bìa rẫy, buổi chiều sẫm, khi những người lao động chính đã về hết rồi, chỉ còn một bà già nán lại nhặt củi rơi để tối về sưởi, đêm Tây Nguyên vốn rất lạnh; bèn xông ra kéo bà già ấy vào rừng, dọa ngay không được la hét, la lên thì tôi bắn!
Bà già thì hoảng loạn, mình thì ú ớ tiếng Ê Đê, đã nói được gì đâu. Giữ lại lâu thì lộ, phải thả về, dặn về tuyệt đối không được nói lại với ai, và chiều ngày sau ra lại đây gặp tôi, sai thì tôi vào làng bắn chết… Liều thế, rồi phập phồng kéo dài hàng tháng…
Cho đến một hôm, bà cụ đã bình tĩnh và khá quen, bỗng hỏi: “Con ở ngoài rừng thế này, ăn gì mà sống được?” Lần sau bà mẹ ra (anh đã gọi bà bằng Mí = Mẹ) còn cầm theo một nắm cơm. Nắm cơm đầu tiên của một người mẹ Ê Đê mang vào rừng cho một người con là lính Việt Minh. Một bước lớn và quyết định đã được vượt qua… ” (Nguyễn Hồng Anh Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyên Ngọc. Văn Việt – 19/03/2023)
Những bà mẹ Tây Nguyên, với những “nắm cơm đầu tiên”, tất nhiên, đều đã lìa đời nhưng “tinh thần cách mạng” vẫn được kế tục bởi thế hệ kế tiếp: cô gái Bom Bo (“giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa”) cô gái Pa Ko (“gùi trên vai súng đạn ra hoả tuyến”) cô gái Sông Ba (“tay vót chông miệng hát không nghỉ”). Nay thì tuổi thanh xuân của những cô sơn nữ đã qua, sức khỏe cũng không còn, và đất đai nơi miền sơn cước thì người Kinh chiếm tiệt cả rồi!
Thế họ và con cháu hiện đang sinh sống ra sao?
Hôm 27 tháng 12 năm 2022, FB Chi Lê cho biết:
Tỉnh Bình Phước có Sóc Bom Bo nổi tiếng trong trận chiến ác liệt Mùa hè Đỏ Lửa 1972. Tính từ ngày “giải phóng” đến nay, hầu hết trẻ con ở Sóc Bom Bo chưa từng biết Phở là gì … Những “Gánh Phở Lên Đồi” đã làm rộn rã Sóc Bom Bo …
Cùng với “Gánh Phở Lên Đồi” của Tổng Công Ty Mỳ Ăn Liền Acecook, Hãng Hàng Không Vietnam còn có một phát kiến khác, cũng độc đáo không kém, theo thông tin của VietNam Airlines: “Kể từ nay hành khách là người có công với cách mạng sẽ được hướng dẫn vào quầy làm thủ tục ưu tiên, được đi lối riêng dành cho hạng thương gia, và cũng được ưu tiên tại khu vực soi chiếu an ninh.”
Sao mà nhiều “ưu tiên” dữ vậy, hả Trời? Thiệt là chu đáo, tử tế, và tình nghĩa hết biết luôn! Ngoài cơ hội được thưởng thức hương vị một đặc sản của miền xuôi (phở gói) đám dân bản địa ở những vùng sâu/vùng xa/vùng căn cứ cách mạng còn được hưởng nhiều đặc quyền khác nữa, nếu họ có dịp sử dụng dịch vụ của VietNam Airlines.
Còn bằng cách nào mà những người dân khốn cùng có thể mua được cái vé máy bay để bước chân lên phi cơ của Công Ty Hàng Không Việt Nam thì lại là chuyện khác. Vụ này hoàn toàn (và tuyệt đối) không liên quan chi ráo tới Đảng và Nhà Nước.
Người miền xuôi gọi thế là “nhân nghĩa bà Tú Đễ.” Loại nhân nghĩa này cũng là một loại “đặc sản của người Kinh,” và đã được T.S Mạc Văn Trang “nói thẳng” (ruột ngựa) như sau: “Bớt ‘diễn’ đi ... cái gì cũng ‘diễn’ thành lố bịch, ấu trĩ, dối trá, đạo đức giả.”
Dân miền núi chúng tôi không biết “bà Tú Đễ” là ai sất, và cũng chả mấy người có khái niệm chi về cái thứ “đạo đức thật/giả” dưới miền xuôi cả. Nói một cách hết sức giản dị, chất phát, và chân thành là chúng tôi chịu hết nổi rồi. Con giun xéo mãi cũng quằn (thôi) nói chi đến con người – dù là người miền núi. Vừa thôi Tám!
– Tưởng Năng Tiến
Gửi ý kiến của bạn