Westminster (VB)- Tháng Năm được chọn là tháng Hoa Kỳ vinh danh người Mỹ gốc Á. Các cộng đồng gốc Á tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật trong tháng này. Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) cũng có nhiều sự kiện giới thiệu về văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Chị Y Sa, Giám Đốc Điều Hành VAALA, có trò chuyện với Việt Báo về một số sự kiện nổi bật.
VAALA là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 1991 bởi một nhóm các nhà báo, văn nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt. Trong nhiều năm qua, VAALA hợp tác với nhiều cộng đồng khác nhau tổ chức nhiều sự kiện, nhằm giới thiệu nền văn hóa Việt, cũng như làm phong phú những sinh hoạt tinh thần của cộng đồng gốc Việt. Những sự kiện này bao gồm các hoạt động như Viet Film Festival, Cuộc Thi Vẽ Tết Trung Thu dành cho thiếu nhi, triển lãm nghệ thuật, giới thiệu sách, trình diễn nhạc kịch…
Sự kiện đầu tiên VAALA muốn giới thiệu với cộng đồng trong Tháng Năm có liên quan đến điện ảnh. Vào lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy 13 tháng 5, Trung Tâm Nghệ Thuật Segerstrom sẽ hợp tác cùng VAALA trình chiếu cuốn phim Song Lang của đạo diễn Leon Lê, tại rạp Samueli (600 Town Center Dr., Costa Mesa). Buổi chiếu phim này là một phần của Liên Hoan Phim Đông Nam Á và Đông Á (The Southeast & East Asian Film Festival), lần đầu tiên do Trung Tâm Nghệ Thuật Segerstrom thực hiện.
Cuốn phim Song Lang trình chiếu lần đầu vào năm 2018, từng đoạt rất nhiều giải thưởng. Phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình điện ảnh, cũng như cộng đồng người Việt vùng Little Saigon. Song Lang lấy bối cảnh vào thập niên 1980 tại Sài Gòn, nói lên những thăng trầm của nền âm nhạc cổ truyền cải lương.
Leon Lê, đạo diễn của bộ phim, sinh tại Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ khi 13 tuổi. Trong gần 20 năm, anh đã làm vũ công, ca sĩ, và diễn viên chuyên nghiệp… Anh đã viết kịch bản và đạo diễn hai cuốn phim ngắn, Dawn (2012) và Talking to My Mother (2015). Hai phim này xoay quanh đề tài về chủng tộc và quan điểm tình dục từ góc độ đặc biệt của người Mỹ gốc Á Châu. Song Lang là bộ phim dài đầu tiên của Leon Lê. Khán giả có thể mua vé tại cửa rạp hoặc mua trên mạng: https://www.scfta.org/events/2023/see-asian-film-festival-song-lang.
Chị Y Sa cho biết sau buổi chiếu phim, ngay tại bên ngoài Trung Tâm Nghệ Thuật Segerstrom sẽ có phần trình diễn ngoài trời của ban nhạc rock gốc Cambodia. Đồng thời, nhiều món ăn Việt sẽ được giới thiệu dưới hình thức ẩm thực đường phố. Ý tưởng giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam song song với các thể loại nghệ thuật khác là một hướng đi mới của VAALA. Ai cũng dễ dàng nhận ra rằng nhiều món ăn Việt hiện nay đang chinh phục những người sành ăn khắp thế giới: phở, chả giò, bánh mì, cà phê Việt… Và đó cũng là một phần quan trọng của văn hóa Việt.
Viet Book Fest tại Downtown Santa Ana
Viet Book Fest tại Downtown Santa Ana
Sự kiện thứ nhì có liên quan đến văn chương. Vào ngày Thứ Bảy 3 tháng 6, năm 2023 tại khu vực Downtown Santa Ana, VAALA sẽ tổ chức Hội Chợ Sách “Viet Book Fest,” nhằm giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt. Tất cả các sự kiện trong Viet Book Fest đều miễn phí cho công chúng.
Chương trình sẽ bắt đầu bằng một buổi hội luận lúc 10 giờ sáng tại Thư Viện Công Cộng Santa Ana (Santa Ana Public Library), với các nhà văn Barbara Trần, Lưu Trường Khôi, Isabelle Thuy Pelaud và Lan Dương. Buổi hội luận sẽ do nhà văn Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer,” điều hợp. Trong dịp này, các nhà văn Barbara Trần (đến từ Canada) và Lưu Trường Khôi (đến từ New York), sẽ ký tặng một số tuyển tập “Watermark,” phiên bản kỷ niệm 25 năm. “Watermark” là một truyển tập gồm các truyện ngắn, thơ và đoản văn bằng tiếng Anh do các nhà văn và nhà thơ gốc Việt xuất bản vào năm 1998, với ba người chủ biên là Barbara Trần, Monique Trương và Lưu Trường Khôi. Tuyển tập quy tụ nhiều cây viết sau này trở thành các nhà văn nổi tiếng như Lan Cao, Đinh Linh, Monique Trương, Lê Thị Diễm Thúy, Thanhha Lai, Andrew Lâm… Trong lần tái bản này, truyển tập có thêm các bài viết của các tác giả Nam Lê, Anvi Hoàng và Vinh Nguyễn. Buổi hội luận được sự bảo trợ của hội DVAN (Diasporic Vietnamese Artists Network.) Sau phần hội luận, Lan Dương sẽ ra mắt tập thơ mới nhất: “Nothing Follows.” Lan Dương sẽ đọc một số bài thơ trong tập “Nothing Follows” và trò chuyện cùng các độc giả và ký tặng sách.
Isabelle Thuy Pelaud, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của DVAN, cho biết Viet Book Fest tạo một cơ hội độc đáo để nâng cao tiếng nói của các nhà văn Việt Nam hải ngoại, cũng như tạo dựng các mối liên kết trong cộng đồng. DVNA muốn vinh danh di sản văn học đa dạng của cộng đồng gốc Việt; ủng hộ các tài năng mới, khuyến khích họ tiếp tục sáng tạo để làm phong phú câu chuyện chung người Việt hải ngoại.
Từ 3 giờ đến 5 giờ chiều cùng ngày, độc giả sẽ được mời sang dự “Chợ Sách” tại Alta Baja Market, 201-200 E. 4th Street, Santa Ana. Tiệm sách “di động” LibroMobile sẽ phụ trách phần bán sách. Một số tác giả và nhà xuất bản sẽ giới thiệu về sách của họ. Độc giả có thể mua sách và lấy chữ ký của tác giả tại đây.
Viet Book Fest sẽ tiếp diễn cùng ngày từ 7 giờ đến 9 giờ tối với đêm đọc thơ và trình diễn nhạc tại rạp Frida Cinema, 305 E. 4th Street #100, Santa Ana. Hai nhà thơ trẻ Jenni Trang Lê và Taylur Ngô sẽ điều hợp chương trình.
Ba địa điểm của Viet Book Fest: Santa Ana Public Library, Alta Baja Market, và Frida Cinema đều gần nhau, trong khoảng cách có thể đi bộ.
Triển Lãm “Trải Nghiệm Môi Trường & Con Người- Những Câu Chuyện Hồi Sinh” của họa sĩ Ann Phong tại Street Space Gallery, Santa Ana
Sự kiện thứ ba VAALA muốn giới thiệu có liên quan đến hội họa. Vào trưa ngày Thứ Bảy ngày 6 tháng 5 đã diễn ra lễ khai mạc cuộc triển lãm "Environment & Human Experiences - The Revival Narratives" (“Trải Nghiệm Môi Trường và Con Người - Những Câu Chuyện Hồi Sinh”) của nữ họa sĩ Ann Phong. Buổi triển lãm được tổ chức tại Santora - Street Space Gallery (205 N. Broadway, Santa Ana, CA 92701,) sẽ kéo dài đến ngày 3 tháng 6.
Khoa Mỹ Thuật Santa Ana College, với sự hỗ trợ của VAALA và Việt Báo Foundation, đã đứng ra tổ chức sự kiện này.
Họa sĩ Ann Phong từng giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị VAALA từ năm 2009 đến 2018, hiện nay vẫn tiếp tục là cộng tác viên. Bà hiện đang dạy môn Mỹ Thuật tại Đại học Cal Poly Pomona.
Cuộc triển lãm giới thiệu hơn 25 tác phẩm nghệ thuật mixed media (chất liệu hỗn hợp), khám phá cuộc đối thoại giữa thiên nhiên và cảm xúc của con người. Hơn nữa, một số tác phẩm được lấy cảm hứng từ di sản Việt Nam tác giả, trong đó có một số họa phẩm có chủ đề về thuyền nhân, một chủ đề rất phù hợp với tháng vinh danh người Mỹ gốc Á.
Họa sĩ Ann Phong có chia sẻ với Việt Báo về một số câu chuyện cảm động trong ngày khai mạc cuộc triển lãm. Người đến thưởng ngoạn tranh thuộc mọi lứa tuổi, mọi thành phần, nhiều sắc tộc khác nhau. Bà rất cảm động khi thấy nhiều người đứng lại trước từng tác phẩm rất lâu để thưởng thức, chiêm nghiệm. Bà có dịp gặp gỡ nhiều họa sĩ cùng thời người Mỹ, gốc Việt, Châu Mỹ La Tinh... Bạn bè của bà là những giáo sư dạy hội họa từ nhiều trường đại học cũng đến rất đông.
Có một cụ vừa chống gậy vừa xem tranh. Cụ đứng lại kế bà, nói rằng cụ xem báo chí Việt ngữ nên biết có triển lãm và tìm đến. Cụ cảm thấy hãnh diện vì một nữ họa sĩ gốc Việt thực hiện được cuộc triển lãm này trong tháng vinh danh người gốc Á.
Một người đan ông khác đứng xem tranh một hồi lâu, xong đến chào họa sĩ Ann Phong. Ông nói là không ngờ hôm nay lại tình cờ được xem những bức tranh đặc biệt như thế này. Bà đoán chắc ông cũng là họa sĩ. Ông nói bằng tiếng Anh lưu loát, nhưng trước khi đi, ông bắt tay bà và nói "cảm ơn" bằng tiếng Đại Hàn. Ông nói dùng tiếng Đại Hàn để cám ơn cho trịnh trọng hơn. Lúc đó bà mới biết ông ta là người Đại Hàn.
Có một cô gái người Á Châu ở trong phòng tranh gần một tiếng đồng hồ. Em đi xem từng bức tranh rất lâu. Khi có dịp trò chuyện, bà đã trao đổi với em từ hình thức, nội dung, cách diễn đạt, và ý nghĩa đằng sau những bức tranh. Khi em đứng trước tác phẩm "Where Are You Really From?", bà thấy cảm xúc phức tạp hiện lên trong mắt em. Em rút bằng lái xe cho bà xem, nói rằng cha mẹ đã đặt tên cho em như thế này, một cái tên hết sức đặc biệt. Lúc đó bà mới biết em là người Mỹ gốc Việt.
Họa sĩ Ann Phong nói rằng những bức tranh chủ đề thuyền nhân của mình đúng là di sản của người Việt tị nạn, nói rõ lên căn cước tị nạn của mình. “Thuyền Nhân” đã thấm vào trong tim, trong óc. Bà dùng ngôn ngữ hội họa diễn tả cảm xúc “Thuyền Nhân” không chỉ của riêng mình, mà còn cho tất cả những người thuyền nhân Việt Nam khác. Và hơn thế nữa, ngày nay ở nước Mỹ cụm từ “Thuyền Nhân” không chỉ thuộc về người Việt. Nhiều dân tộc khác trên thế giới cũng đã bỏ tổ quốc của mình, ra đi trên những con thuyền để tìm đến bến bờ tự do Hoa Kỳ. Những người này cũng thấy mình trong những bức tranh của Ann Phong. Họ đã cảm ơn người họa sĩ đã ghi lại được những cảm xúc rất chung của những thuyền nhân không phân biệt màu da, sắc tộc.
Họa sĩ Ann Phong cho rằng mình thật may mắn khi trở thành một trong số những người họa sĩ gốc Việt thực hiện được nhiều cuộc triển lãm trong dòng chính Hoa Kỳ. Bà nói rằng sinh hoạt triển lãm giống như tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ. Khi chiếc đồng hồ còn chạy, những chiếc kim sẽ tiếp tục quay. Khi bà thực hiện được cuộc triển lãm đầu tiên, những cuộc triển lãm kế tiếp cứ thế mà tiếp tục đến với bà. Sống trong thế kỷ 21 này, nhiều người vẫn hay đánh giá sự thành công qua tiền bạc. Nhưng có bao nhiêu tiền mới gọi là nhiều, là đủ? Bà cảm thấy mình thực sự hạnh phúc và giàu có, vì bà đã chia sẻ được những gì mà bà có (những họa phẩm) đến với nhiều người thưởng ngoạn thuộc mọi tầng lớp.
Doãn Hưng
Gửi ý kiến của bạn