Vào ngày 4 tháng 5 năm 2023, bốn thành viên của nhóm cực hữu cánh hữu có tên là Proud Boys đã bị kết án với tội danh âm mưu nổi loạn và các cáo buộc khác liên quan đến nỗ lực dẫn đầu cuộc tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Trong số đó có cựu thủ lãnh Enrique Tarrio.
Vào thứ Bảy vừa qua, một tay súng đã bắn chết tám người tại một khu mua sắm ở Dallas, trong đó có một gia đình Á Châu 4 người, 3 người chết tại hiện trường chỉ để lại một em bé trai 6 tuổi, nằm dưới thân thể mẹ. Tay súng này mặt áo có hàng chữ “RWDS”, chữ viết tắt cho “Right Wing Death Squad” – hay “Biệt Đội Tử Thần Cánh Hữu”- một cụm từ đã được chấp nhận trong những năm gần đây bởi những kẻ cực đoan cực hữu, những người tôn vinh bạo lực chống lại đối thủ chính trị của họ.
Trang The Conversation đã phỏng vấn một số học giả về nhóm Proud Boys, các hệ tư tưởng và các yếu tố khác của sự thúc đẩy cực đoan của cánh hữu đối với chủ nghĩa thượng tôn da trắng:
1. Proud Boys là ai và họ muốn gì?
“Nhóm Proud Boys tự nhận là ‘những người theo chủ nghĩa Sô Vanh Phương Tây (Western chauvinists),’ chủ nghĩa dân tộc cổ súy tinh thần bè phái cực đoan, chống lại các đường lối chính trị chính thống và không chấp nhận tội lỗi của người da trắng về buôn bán nô lê. Tuy nhiên, những tuyên bố này cũng chỉ là “cái vỏ bọc bên ngoài cho sự phân biệt chủng tộc và chống đối người Do Thái đã hằn sâu,” theo các học giả về tội phạm học Matthew Valasik tại Trường University of Alabama, và Shannon Reid tại Trường University of North Carolina ở Charlotte viết.
Giống như bất kỳ băng đảng đường phố nào, Proud Boys với tư cách là một nhóm có mặt trên khắp nước Mỹ, được tạo thành từ các chi nhánh bán tự trị với số lượng và khả năng khác nhau. Các nhóm tự trị có mức độ liên hệ và phối hợp khác nhau với các nhóm khác. Không rõ mức độ quan tâm – hoặc khả năng – mà hầu hết các thành viên có trong việc thực sự theo đuổi việc lật đổ chính phủ.
Đối với một số thành viên Proud Boys, nhóm này là bước đệm cho các nhóm cực đoan hơn, chẳng hạn như The Base hay Oath Keepers. Trong những năm gần đây, bạo lực ngày càng gia tăng và các chủ trương và hành động của các nhóm này đã biến chúng thành biểu tượng của quyền thượng tôn của người da trắng và sự phân biệt chủng tộc. Họ đã tham gia vào cuộc tuần hành Đoàn kết Cánh Hữu dẫn đến tử vong ở Charlottesville, Virginia, vào năm 2017 và các cuộc đụng độ trên đường phố với những người biểu tình vì công lý chủng tộc ở Portland, Oregon năm sau đó. Tại một cuộc biểu tình của Trump ở Washington, D.C., vào tháng 12, các biểu ngữ Black Lives Matter đã bị xé khỏi hai nhà thờ lịch sử của người Da đen và bị phá hủy. Thủ lĩnh của Proud Boys đã bị buộc tội hình sự vì những hành vi đó.
Hai học giả trên giải thích thêm: “Những người là thành viên gắn bó của những nhóm này, cũng như các nhóm cánh hữu cực đoan khác, ôm niềm tin rằng chính phủ Hoa Kỳ, được thành lập như hiện nay, là bất hợp pháp, nên bị lật đổ và thay thế bằng một chính phủ dựa trên quyền lực tối thượng của người gốc da trắng.”
2. Proud Boys chỉ là một thí dụ về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống
Ursula Moffitt, Giảng sư Trường Wheaton College, viết: “Nhiều thành viên Proud Boys đã bỏ khẩu hiệu ‘thượng tôn da trắng,’ cho biết mục đích của họ chỉ là ‘cứu lấy nước Mỹ’ và bảo vệ ‘các giá trị phương Tây’.”
Tuy nhiên, bà giải thích: “Thượng tôn da trắng (white supremacist) bản thân nó vốn đã là một giá trị lâu đời của phương Tây. Và người da trắng không nhất định phải theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng thì mới có thể hưởng lợi ích từ các cách nó vẫn còn đang định hình xã hội Hoa Kỳ hiện nay.”
Moffitt đã viết thêm: “Thực tế, những đặc quyền dành cho người da trắng đã ‘ăn sâu’ đến mức trở thành cấu trúc của xã hội Hoa Kỳ, đến nỗi nhiều người da trắng thậm chí không nhận thấy chúng… Dù nhiều người thường chỉ coi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là định kiến về niềm tin và hành vi – như nhóm Proud Boys và các nhóm khác thể hiện – nhưng thực ra chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một hệ thống từ bao đời được lập ra để bảo vệ những lợi thế dựa trên chủng tộc da trắng.”
3. Thách thức trong việc tái hòa nhập xã hội đối với những kẻ cực đoan
Cũng chưa rõ sẽ ra sao nếu bốn thành viên Proud Boys bị kết án hôm 4 tháng 5 hoặc những người khác bị kết tội liên quan đến vụ bạo loạn Điện Capitol phải vào tù – hoặc xã hội sẽ làm gì với họ khi họ thụ án xong và được trả tự do.
“Các cơ quan an ninh quốc gia cũng như Cơ Quan Đặc Trách Nhà Tù (Bureau of Prisons) của Bộ Tư pháp đều không có biện pháp quản lý nghiêm túc dành cho các tù nhân cực đoan trong thời gian họ thụ án, cũng không có cách cung cấp cho họ con đường tái hòa nhập với cộng đồng mà họ đã tấn công hoặc lên kế hoạch tấn công,” John Horgan, nhà tâm lý học tại Trường Georgia State University viết.
Horgan cho rằng chúng ta cần tạo ra “các nỗ lực phi cực đoan hóa để giải quyết số lượng những kẻ khủng bố trong nước ngày càng tăng và đa dạng. Các nỗ lực đó có thể bao gồm tư vấn tâm lý và công lý phục hồi.”
Việt Báo tổng hợp dựa theo bài viết “Proud Boys members convicted of seditious conspiracy – 3 essential reads on the group and right-wing extremist white nationalism” của Jeff Inglis, được đăng trên trang TheConversation. Tác giả đã phỏng vấn nhóm chuyên gia bao gồm John Horgan, Giáo sư Tâm lý học Trường Georgia State University; Matthew Valasik, Giảng sư về Tội phạm học và Tư pháp Hình sự, Trường University of Alabama; Shannon Reid, Giảng sư về Tư pháp Hình sự và Tội phạm học, Trường University of North Carolina – Charlotte; và Ursula Moffitt, Giảng sư Trường Wheaton College.
Gửi ý kiến của bạn