HOA KỲ – Can phạm trong vụ xả súng giết chết 8 người tại một trung tâm mua sắm ở Dallas, Texas, có đeo một băng đeo có dòng chữ “RWDS” – viết tắt của “Right Wing Death Squad” (tạm dịch: Đội Hành Quyết Cánh Hữu) – một cụm từ thường được sử dụng trong những năm gần đây bởi những kẻ cực đoan cực hữu, ưa thích sử dụng bạo lực với những người họ coi là đối thủ chính trị của mình.
Các nhà chức trách đã không đề cập đến động cơ của can phạm Mauricio Garcia, 33 tuổi, đã bị bắn hạ bởi một sĩ quan cảnh sát tình cờ ở gần đó.
Trên một trang mạng xã hội của Nga, Garcia đã đăng nhiều nội dung bày tỏ niềm đam mê với thượng tôn da trắng và các vụ xả súng hàng loạt. Hắn cũng đăng những bức ảnh cho thấy những hình xăm lớn các biểu tượng của Đức Quốc Xã trên cánh tay và thân mình, bao gồm một chữ vạn và biểu tượng SS Bolts của lực lượng bán quân sự của Hitler.
Dưới đây là một số điều cần biết về thuật ngữ “Đội Hành Quyết Cánh Hữu” và cách nó trở thành một biểu tượng phổ biến trong số những kẻ cực đoan bạo lực:
Lịch sử của thuật ngữ “RWDS”
Từ viết tắt “RWDS” là một trong vô số thuật ngữ được những kẻ cực đoan sử dụng. Những thứ khác bao gồm “RaHoWa”, viết tắt của “racial holy war” (tạm dịch: thánh chiến chủng tộc) và “1488”, một mật mã ám chỉ khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa của người da trắng và Adolf Hitler.
Theo Oren Segal, phó chủ tịch Anti-Defamation League’s Center on Extremism, thuật ngữ “Đội Hành Quyết Cánh Hữu” ban đầu xuất hiện vào những năm 1970 và 1980, để mô tả các nhóm bán quân sự Trung và Nam Mỹ được thành lập để hỗ trợ các chính phủ và chế độ độc tài cánh hữu, đồng thời chống lại kẻ thù được coi là cánh tả.
Thuật ngữ này xuất hiện trở lại vào những năm 2010 trong các nhóm cánh hữu, họ in nó trên nhãn dán, băng đeo, và trên các diễn đàn trực tuyến. Các hội nhóm cánh hữu đặc biệt tôn vinh Tướng Augusto Pinochet, nhà độc tài quân sự tàn bạo người Chile, đã cử đội hành quyết giết hàng ngàn đối thủ chính trị.
Segal nói: “Về cơ bản, nó đã trở thành một cụm từ được các phần tử cực đoan cánh hữu sử dụng để thể hiện sự phản đối mạnh mẽ hơn đối với cánh tả.”
Heidi Beirich, người đồng sáng lập Global Project Against Hate and Extremism, cho biết nhóm Proud Boys tự mô tả mình là “những người theo chủ nghĩa sô vanh phương Tây,” chịu trách nhiệm chính trong việc đưa “RWDS” vào ngôn ngữ riêng của phe cực hữu.
Nhóm này đã bán các miếng băng đeo và áo thun được trang trí bằng từ viết tắt và tôn vinh các đội hành quyết của Pinochet. Một số hình ảnh được chụp lại cho thấy nhóm Proud Boys có đeo băng đeo “RWDS” tại các cuộc mít tinh và mặc áo thun có dòng chữ “Pinochet did nothing wrong” (Pinochet không hề sai).
Cựu thủ lãnh của Proud Boys, Enrique Tarrio và một cựu thủ lãnh khác là Jeremy Bertino, cũng có đeo những băng đeo như vậy.
Tuần trước, Tarrio đã bị kết án tội âm mưu nổi loạn trong vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021. Trước đó, Bertino, phó thủ lãnh Proud Boys nhánh South Carolina, đã nhận tội âm mưu nổi loạn trong vụ bạo loạn này.
Những nhóm nào ưa sử dụng thuật ngữ này?
Proud Boys không phải là những kẻ cực đoan cực hữu duy nhất sử dụng thuật ngữ này.
Theo Anti-Defamation League, “Đội Hành Quyết Cánh Hữu” là tên của các nhóm nhỏ hơn tham gia cuộc biểu tình “Unite the Right Rally” theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng ở Charlottesville, Virginia, vào tháng 8 năm 2017. Cuộc biểu tình bắt đầu nhuốm màu chết chóc khi một người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng lao xe tông vào đám đông những người phản đối, khiến một phụ nữ thiệt mạng.
Facebook đã cấm một số trang sặc mùi thù hận, trong đó có một trang có tên “Đội Hành Quyết Cánh Hữu” sau vụ đổ máu ở Charlottesville.
Jon Lewis, một nhà nghiên cứu thuộc chương trình Program on Extremism ở Trường George Washington University, cho biết: “Vài năm thôi mà nó đã trở nên rộng khắp và vượt xa bất kỳ hội nhóm cá nhân nào. Ở một mức độ nào đó, nó đã trở thành lời kêu gọi tập hợp: Điều chúng ta muốn là, nắm bắt lấy các đòn bẩy của quyền lực dân chủ giống như Pinochet đã làm; và sử dụng quyền lực của nhà nước để quét sạch, diệt sạch bất cứ ai chống lại chúng ta.”
Theo giáo sư Cynthia Miller-Idriss, lãnh đạo Polarization and Extremism Research & Innovation Lab của Trường American University, những kẻ cực đoan thường không hiểu đầy đủ về nguồn gốc của các thuật ngữ và ký hiệu mà họ sử dụng. Bà nói: “Chẳng ai tình cờ có được băng đeo “Đội Hành Quyết Cánh Hữu” cả. Nhưng đó là do văn hóa viết tắt ngày nay, và nói chung là cách mà biểu tượng này được sử dụng để báo hiệu thông điệp muốn nói theo kiểu biểu tượng ngắn gọn, chứ không phải họ luôn biết rõ ý nghĩa của nó là gì.”
Trong các nhóm thượng tôn da trắng lại có thành viên gốc da màu?
Các nhóm cực hữu như Proud Boys thường mang các thành viên gốc da đen và gốc Tây Ban Nha ra để bác bỏ những tuyên bố rằng họ thúc đẩy phân biệt chủng tộc hoặc tư tưởng theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng. Thí dụ như Tarrio, cựu thủ lãnh Proud Boys, là người Mỹ gốc Cuba.
Daily Stormer, một trang web hàng đầu của chủ nghĩa tân phát xít, đã ra mắt ấn bản tiếng Tây Ban Nha vào năm 2017, dành riêng cho độc giả ở Tây Ban Nha và Mỹ Latinh.
Một số người gốc Tây Ban Nha nhận họ là gốc da trắng.
Theo Miller-Idriss, tác giả của cuốn sách “Hate in the Homeland: The New Global Far Right,” những người nhận mình không phải là người gốc da trắng “vẫn có thể bị thu hút và ủng hộ các phong trào vốn dĩ hoặc rành rành là thượng tôn da trắng.” Bà nói thêm: “Và đó cũng là cách mà nhiều phụ nữ có thể ủng hộ các phong trào gia trưởng hoặc thượng tôn nam giới.”
Tanya Hernández, giáo sư luật tại Fordham University và là tác giả của cuốn sách “Racial Innocence: Unmasking Latino Anti-Black Bias,” cho biết người gốc Latinh thường bị coi “như một đối tượng chướng mắt khác” ở Hoa Kỳ. Bà nói: “Nếu quý vị là một người gốc La-tinh, từng bị kỳ thị và khát khao trở thành một phần của đám đông ‘cao cao tại thượng’ ở Hoa Kỳ, thì còn cách nào để đạt được điều đó… tốt hơn là tham gia vào một nhóm thù địch theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng?”
Việt Báo biên dịch theo bài viết “The meaning behind the far-right symbol Texas killer wore as he killed 8” của Alanna Durkin Richer, Michael Kunzelman và Lindsay Whitehurst, được đăng trên trang APNews.