
El Niño đang đến. Gió dọc theo xích đạo Thái Bình Dương đang yếu dần. Nhiệt đang tăng dần bên dưới bề mặt đại dương. Đến tháng 7, hầu hết các mô hình dự báo đều cho rằng tác nhân lớn nhất của hệ thống khí hậu – El Niño – sẽ quay trở lại lần đầu tiên sau gần 4 năm.
El Niño là pha nóng của chu kỳ El Niño-Southern Oscillation (tạm gọi là Dao Động Phương Nam), hay ENSO. Và nếu El Niño là phần đầu, thì phần đuôi có tên là La Niña.
Trong hiện tượng El Niño, một dải đại dương kéo dài 6,000 dặm (khoảng 10,000 km) về phía tây ngoài khơi bờ biển Ecuador sẽ ấm lên trong suốt nhiều tháng, thường là từ 2 đến 4 độ F (khoảng 1 đến 2 độ C). Một vài độ có vẻ không nhiều, nhưng xét trên toàn thế giới, bấy nhiêu là quá đủ để tái tổ chức lại toàn bộ các kiểu gió, lượng mưa và nhiệt độ trên khắp hành tinh.
Là một khoa học gia về khí hậu chuyên nghiên cứu về đại dương, Dillon Amaya cho rằng sau ba năm ‘chung sống’ với La Niña, đã đến lúc chúng ta cần phải chuẩn bị ‘chào đón’ El Niño.
El Niño ảnh hưởng đến hành tinh chúng ta như thế nào?
Các sự kiện El Niño không giống y chang nhau, dù rằng chúng ta vẫn thường thấy nhan nhản các thông tin dự báo cũng như cảnh báo để có thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra.
Mọi người có khuynh hướng tập trung vào tác động của El Niño đối với đất đai. Đây là điều hợp lý. Nước ấm có ảnh hưởng đến các luồng không khí khiến cho các khu vực trở nên ẩm ướt hoặc khô hơn bình thường. Điều này có thể làm cho một số nơi gia tăng số lượng các cơn bão, chẳng hạn như miền nam Hoa Kỳ, trong khi làm giảm bớt hoạt động của bão Đại Tây Dương.
El Niño cũng có thể tàn phá nhiều hệ sinh thái biển, nơi ‘kiếm ăn’ của ngành đánh bắt cá, bao gồm các rạn san hô và các thảm cỏ biển.
Đặc biệt, El Niño có thể kích hoạt khiến đại dương có những giai đoạn nóng lên cực độ và lan rộng, được gọi là sóng nhiệt đại dương (marine heat waves – MHW).
Nhiệt độ đại dương trên toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục, cho nên các đợt nắng nóng trên biển do El Niño ‘tiếp tay’ có thể đẩy nhiều ngư dân đến bờ vực phá sản.
Vấn đề với sóng nhiệt đại dương
Sóng nhiệt đại dương cũng chỉ là một “làn sóng” cực nóng trong đại dương, không khác gì sóng nhiệt trong khí quyển trên đất liền.
Ở mức tối thiểu, sóng nhiệt đại dương có thể bao trùm các vịnh và vịnh nhỏ ở địa phương, khiến cho nước trong khu vực nóng hơn bình thường trong vài ngày hoặc vài tuần. Ở mức cực đại, các đợt sóng nhiệt đại dương như Khối Nước Ấm Đông Biển Thái Bình Dương (Northeast Pacific Warm Blob) năm 2013-2014 có thể phát triển tới mức khổng lồ, khiến cho các khu vực với diện tích gấp ba lần Texas phải ‘chịu trận’ cảnh nhiệt độ đại dương cao hơn trung bình từ 4 đến 6 F (khoảng 2 đến 3 độ C) trong nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm.
Nước ấm có vẻ không phải là vấn đề lớn với dân lướt sóng, họ chỉ cần ở nhà chờ hết hiện tượng là xong. Nhưng đối với nhiều loài sinh vật biển vốn đã rất thích nghi với các mức nhiệt độ nước riêng biệt, sóng nhiệt đại dương có thể khiến cho đời sống đại dương ‘hối hả’ như chạy marathon.
Thí dụ, một số loài cá tăng quá trình trao đổi chất trong vùng nước ấm, nước càng ấm thì quá trình trao đổi chất càng tăng; đến một mức nào đó chúng đốt cháy năng lượng nhanh hơn mức có thể nạp vào, và chúng có thể chết. Số lượng cá tuyết Thái Bình Dương ở Vịnh Alaska đã giảm 70% do sóng nhiệt đại dương. Các tác động khác có thể kế đến như san hô bị tẩy trắng, tảo nở hoa gây hại tràn lan, rong biển lụi tàn và số lượng động vật biển hữu nhũ mắc cạn gia tăng. Nhìn chung, sóng nhiệt đại dương gây thiệt hại đến hàng tỷ MK mỗi năm.
Có nhiều nguyên nhân khiến sóng nhiệt đại dương bùng phát. Đôi khi do các dòng hải lưu đưa nước ấm đi khắp nơi. Đôi khi là do gió bề mặt (surface wind) trên biển yếu hơn bình thường, khiến sự bốc hơi trên đại dương kém hơn và làm nước ấm hơn. Đôi khi những nơi vốn nhiều mây lại chẳng còn cụm mây nào trong vài tháng, cho phép nhiều ánh sáng mặt trời chiếu rọi nhiều hơn và khiến đại dương nóng hơn. Cũng có khi là do cả gió yếu hơn và ít mây hơn xảy ra cùng lúc, tạo ra những đợt sóng nhiệt đại dương kỷ lục.
El Niño hoành hành ở những đâu?
Trong hệ thống khí hậu, El Niño là vua. Khi ‘vị vua’ này đội chiếc vương miện rực lửa, cả hành tinh sẽ phải chú ý và các đại dương cũng không ngoại lệ. Nhưng khả năng gia tăng hoạt động sóng nhiệt đại dương trong El Nino phụ thuộc vào các vị trí cụ thể.
Dọc theo Bờ Tây Hoa Kỳ trong thời kỳ El Niño, gió bề mặt, vốnthường thổi từ phía bắc, có khuynh hướng giảm bớt. Điều này ảnh hưởng tới sự bốc hơi và làm chậm quá trình trồi lên của phần nước lạnh hơn ở sâu bên dưới. Điều đó làm tăng khả năng xảy ra các đợt sóng nhiệt đại dương ở ven biển.
Trong nhiều thế kỷ, ngư dân Peru đã trải qua thời kỳ đại dương nóng lên khắc nghiệt tới mức khiến cá phải ‘di cư.’ Mãi cho đến những năm 1920, các khoa học gia mới nhận ra rằng những đợt sóng nhiệt đại dương Nam Mỹ này có ‘dính líu’ đến hiện tượng ENSO trên toàn Thái Bình Dương.
Ở Vịnh Bengal phía đông Ấn Độ, sự tương tác giữa El Niño và mô hình khối khí lưu nhiệt đới được gọi là Hoàn Lưu Walker (Walker Circulation) làm tăng nguy cơ xảy ra các đợt sóng nhiệt đại dương.
Sóng nhiệt đáy đại dương (Seafloor heat waves) lại là một rủi ro khác
Ngay cả khi các đợt sóng nhiệt đại dương trên bề mặt đại dương không rõ ràng lắm trong năm nay, vẫn không có nghĩa là tình hình bên dưới (đáy đại dương) vẫn ‘ổn thỏa.’
Một nghiên cứu mới của nhóm Dillon Amaya đã chỉ ra rằng các đợt sóng nhiệt đại dương cũng diễn ra bên dưới đáy biển dọc theo các vùng ven biển. Trên thực tế, những “sóng nhiệt dưới đáy biển” này đôi khi còn dữ dội hơn so với các đợt sóng nhiệt trên bề mặt biển. Chúng cũng có thể tồn tại lâu hơn. Thí dụ, đợt sóng nhiệt đáy biển năm 1997-1998 ngoài khơi Bờ Tây Hoa Kỳ kéo dài thêm 4-5 tháng sau khi nhiệt độ trên bề mặt đại dương đã hạ nhiệt.
El Niño ‘nhúng tay’ vào những sự kiện như thế này và gây nhiều căng thẳng cho các loài sinh sống ở tầng đáy đại dương. Sản lượng đánh bắt cua tuyết biển Bering đã giảm 84% trong năm 2018 sau khi xảy ra một đợt sóng nhiệt ở dưới đáy đại dương.
Biển của chúng ta đang nóng lên
Hiện tượng El Niño sắp xảy ra, chúng ta có thể dự đoán những gì trong năm nay?
Tin tốt là các mô hình dự báo theo mùa có thể dự đoán khá chính xác các đợt sóng nhiệt đại dương trước từ ba đến sáu tháng, tùy khu vực. Và dự báo có khuynh hướng chính xác nhất trong những năm xảy ra El Nino.
Dự báo mới nhất tiên đoán rằng một số đợt sóng nhiệt đại dương đang hoạt động sẽ kéo dài cho đến tháng 6 hoặc tháng 8, bao gồm các khu vực ở Bắc Thái Bình Dương, ngoài khơi bờ biển Peru, phía đông nam New Zealand và ở vùng nhiệt đới Bắc Đại Tây Dương.
Các dự báo tương tự dự đoán El Niño sẽ tăng mạnh trong vòng sáu đến chín tháng tới, làm tăng nguy cơ xảy ra sóng nhiệt đại dương từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2024 đối với các khu vực Bờ Tây Hoa Kỳ, phía tây Ấn Độ Dương, Vịnh Bengal và vùng nhiệt đới Bắc Đại Tây Dương.
Những dự đoán này đủ xa để có thể thay đổi tình hình. Thời gian sẽ trả lời liệu chúng ta có ‘bảo toàn’ được biển cả hay không. El Niño đang đến. Chúng ta cần phải chuẩn bị thật kỹ càng!
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “El Niño is coming, and ocean temps are already at record highs – that can spell disaster for fish and corals” của Dillon Amaya, khoa học gia nghiên cứu khí hậu của National Oceanic and Atmospheric Administration. Bài viết được đăng trên trang TheConversation.