
Ông Katsumi Iwasaki (trái) được bà Junko Kenmotsu từ tổ chức Asian Pacific Islander Legal Outreach hỗ trợ để trình bày trường hợp của mình
FTC tổ chức cuộc đàm thoại giữa các quan chức chính phủ, các hiệp hội hỗ trợ người tiêu dùng, giới truyền thông và đại diện từ các cộng đồng Châu Á
Ông Katsumi Iwasaki đến từ Tokyo nhưng đã sống ở Vùng Vịnh hơn ba mươi năm. Sau khi mất đi người bạn đời hơn hai thập kỷ vì căn bệnh ung thư, người đàn ông 80 tuổi có giọng nói nhỏ nhẹ được bạn bè khuyến khích dùng ứng dụng hẹn hò để tìm hạnh phúc cho quãng đời còn lại.
Quyết định đó đã dẫn ông vào thế giới đầy những trò lừa đảo lãng mạn, khiến ông phải trả giá bằng cả số tiền tiết kiệm cả đời, tổng cộng $400,000 Đô.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng anh ta, vì anh ta là một sĩ quan quân đội, và vì anh ấy rất đẹp trai,” Iwasaki hồi tưởng lại những cuộc hẹn hò trực tuyến năm xưa. Sau khi vỡ lỡ, ông Iwasaki phải sống hạn hẹp với sự trợ cấp ít ỏi của chính phủ. “Hãy cẩn thận,” ông khuyến cáo mọi người với những trò lừa lọc tinh xảo.
Ông David Chiu, luật sư của thành phố và quận San Francisco cho biết: “Chúng tôi muốn giúp cư dân San Francisco cũng như khắp nơi trên California dễ dàng báo cáo với chúng tôi, đồng thời lưu ý rằng cảm giác xấu hổ và bất lực có thể xảy ra sau khi bị lừa đảo thường ngăn cản nạn nhân trình báo. “Quý vị cảm thấy ngu ngốc… như thể đó là lỗi của quý vị. Chúng ta cần phải vượt qua điều này.”
Văn phòng dưới sự chỉ huy của Luật sư Chiu gần đây đã mở một đường dây nóng để cư dân báo cáo các vụ lừa đảo tiềm ẩn. Cổng thông tin này tiếp thụ bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Hoa và Tagalog. Theo ông Chiu, việc ra mắt đường dây nóng là để đối phó với “cơn lũ” các báo cáo mà văn phòng của ông đã đưa ra về các vụ lừa đảo nhắm vào phần lớn dân nhập cư và thiểu số.
Những vụ lừa đảo tình tiền như trường hợp mà ông Iwasaki trở thành nạn nhân chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các đại diện trong cộng đồng Á Châu kể lại hàng chục vụ lừa đảo mà họ gặp phải, từ các công ty du lịch mờ ám với các khoản phí ẩn cho đến các dịch vụ nhập cư vô đạo đức có thể khiến nạn nhân có nguy cơ bị trục xuất. Lừa đảo vốn chủ sở hữu hoặc tân trang nhà ở là một vấn đề cụ thể trong cộng đồng Châu Á và có thể khiến những chủ nhà, đặc biệt giới cao niên, rơi vào cảnh túng quẫn hoặc buộc phải bán nhà của họ.
Những kẻ lừa đảo hoạt động cả trong nước Mỹ và ngày càng nhiều ở nước ngoài. Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo AI cũng đặt ra những thách thức mới trong tương lai, khi những kẻ lừa đảo đang chuyển sang sử dụng công nghệ nhân tạo để thực hiện các vụ lừa đảo tinh vi hơn. Ông Chiu gọi tiềm năng đó là “rất đáng sợ”.
Renee Coe là sinh viên luật năm thứ ba tại UC Berkeley và hiện đang làm việc với tổ chức phi lợi nhuận Bay Area Legal Aid trong một dự án nghiên cứu kéo dài hai năm nhằm tìm hiểu xem những trò gian lận đang ảnh hưởng đến cộng đồng người nhập cư như thế nào. Cô ấy đã chia sẻ câu chuyện về một sinh viên Ấn Độ đang học tập tại Hoa Kỳ đã mất $18,000 Đô cho một kẻ lừa đảo tự xưng là nhân viên của ICE. “Một điều mà những kẻ lừa đảo hay làm là nhấn mạnh mức độ khẩn cấp của tình huống đến mức bạn không có thời gian để liên hệ với bạn bè hoặc gia đình” trước khi quá muộn, Coe cho biết và lưu ý rằng nạn nhân trong trường hợp này chỉ có thể lấy lại $700 Đô trong tổng số tiền bị mất.
Lừa đảo đầu tư, đặc biệt là những vụ liên quan đến tiền điện tử, đã bùng nổ trong những năm gần đây. Maeve Elise Brown là giám đốc điều hành của Housing and Economic Right Advocates (HERA) tại Oakland, tường thuật câu chuyện của một người bạn có tổng thiệt hại lên tới sáu con số, và người này thậm chí còn mất nhiều hơn sau khi một công ty tiếp cận anh ta và tuyên bố có thể lấy giúp anh lấy lại tiền. Bà Brown tin rằng cả hai trường hợp đều liên quan đến cùng một thực thể.
“Những kẻ lừa đảo giờ đây nhan nhản khắp nơi… chúng không chỉ trên điện thoại nữa mà còn hoạt động qua thư bưu điện, email, quảng cáo, và qua các ứng dụng trực tuyến,” Rosario Mendez, đại diện tổ chức Federal Trade Commission (FTC), cho biết. Bà lưu ý số tiền kỷ lục mà người tiêu dùng đã mất trong năm ngoái – hơn 8 tỷ đô la. “Nó còn nhiều hơn những gì chúng tôi từng thấy,” bà nói.
Văn phòng của bà Mendez đã thực hiện một loạt hội thảo trên toàn quốc để gặp gỡ các cộng đồng địa phương và nghe trực tiếp về những hành vi lừa đảo mà họ đang gặp phải. Mendez nói rằng FTC có thể và sẽ truy tố các trường hợp lừa lọc, nhưng hiệu quả còn phụ thuộc vào những gì họ tiếp thu được từ công chúng. “Quý vị phải cho chúng tôi biết chuyện gì xảy ra để chúng tôi can dự vào và cảnh báo công chúng để họ có thể tự bảo vệ mình trong tương lai,” bà Mendez khuyến khích. Bà cho biết việc đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng sẽ tạo ra "hiệu ứng gợn sóng" trong cộng đồng.
Những cư dân tin rằng mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo được khuyến khích liên hệ với Văn phòng City Attorney địa phương (ở TP San Francisco qua sfcityattorney.org) và/hoặc FTC tại reportfraud.ftc.gov.
Gửi ý kiến của bạn