Việc cây cối có thể biết nói chuyện đã được nói đến từ lâu, nhưng mới đây một nhóm nghiên cứu của Israel đã phát hiện ra rằng thực vật có thể phát ra âm thanh ở tần số cao khi bị mất nước hoặc bị hư hại, và tùy theo điều gì đã xảy ra với cây và cây đó thuộc loài nào mà các âm thanh phát ra khác nhau. Âm thanh chúng phát ra ở tần số mà tai người không thể nghe thấy được mà chỉ những loài động vật khác có thể nghe, và thậm chí có thể là những loài thực vật khác.
Lilach Hadany, giáo sư sinh học tại Đại học Tel Aviv ở Israel cho biết những âm thanh mà cây cối phát ra chứa thông tin rõ ràng về trạng thái của chúng, và có thể được các sinh vật khác cảm nhận được ở khoảng cách xa. Cũng có thể khả năng này là một loại giao tiếp và tương tác đã phát triển qua quá trình tiến hóa. “Nhưng đó là câu hỏi tiếp theo, cho đến nay chúng ta mới chỉ nghiên cứu về âm thanh”, Hadany nói.
Cùng với các đồng nghiệp của mình, bà đã sử dụng micrô siêu âm để kiểm tra cây cà chua và cây thuốc lá, hai loài thực vật khỏe mạnh và dễ nghiên cứu. Các kết quả đã được công bố trên tạp chí Cell.
“Cây im lặng khi chúng khỏe mạnh, nhưng khi chúng tôi phơi khô hoặc cắt chúng, chúng tạo ra các loại âm thanh khác nhau”. Lilach Hadany cho biết.
Theo các quan sát trước đây, người ta biết rằng những cây bị hư hại hoặc bị hạn hán có thể bắt đầu rung chuyển nhanh chóng. Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu cho biết rằng các rung động thực sự tạo ra sóng âm thanh trong không khí, có thể cảm nhận được cách xa vài mét.
Âm thanh cây cối phát ra giống như những tiếng nhấp chuột ngắn ở các khoảng thời gian khác nhau, chủ yếu ở dải tần số 40–80 kilohertz. Con người chúng ta chỉ có thể nghe thấy âm thanh lên đến khoảng 20 kilohertz, sau đó âm vực trở nên quá cao để các tế bào cảm giác của tai trong ghi nhận được. Nhưng đối với côn trùng và nhiều loài động vật có vú khác, chúng có thể nghe được tiếng lách cách của cây cối. Lilach Hadany giải thích rằng mức độ âm thanh là khoảng 60 decibel, tương ứng với lời nói bình thường.
Nhóm nghiên cứu đã dùng một chương trình phân tích tín hiệu âm thanh của thực vật, để có thể xác định liệu âm thanh phát ra từ cây thuốc lá hay cây cà chua, và liệu cây có bị mất nước nhẹ, mất nước nghiêm trọng hay bị cắt.
“Đây là thông tin hữu ích, ví dụ, đối với côn trùng sẽ đẻ trứng trên một loại cây phù hợp, đây cũng có thể là thông tin quan trọng đối với các loài thực vật khác, nếu chúng muốn tự bảo vệ mình khỏi động vật ăn cỏ bằng cách tạo ra các chất có mùi hôi hoặc tương tự.” Lilach Hadany cho biết
Cây cối có nhiều cách giao tiếp với nhau, như bằng tín hiệu hóa học trong không khí và thông qua rễ. Cũng có một số nghiên cứu cho thấy thực vật phản ứng với âm thanh. Lilach Hadany và các đồng nghiệp cho biết rằng nghiên cứu cho thấy cách thức cây râm bụt mùa hè bắt đầu tạo ra mật ngọt hơn khi âm thanh của một con ong bay được phát qua loa. Nhưng nhóm nghiên cứu của Israel đang tìm hiểu xem liệu thực vật có thể cảm nhận được những âm thanh ở tần số cao mà chúng tự tạo ra hay không.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu làm thế nào những tiếng lích kích chói tai này xảy ra. Họ cho rằng đó có thể là do bong bóng khí hình thành và vỡ ra trong các ống dẫn của cây khi mức chất lỏng giảm xuống, giống như khi bạn cố gắng hút ngụm sữa cuối cùng bằng ống hút.
Có thể biết liệu âm thanh được phát ra có mục đích hay đó chỉ là một tác dụng phụ?
“Chúng tôi chưa biết. Chúng tôi chỉ có thể xác định rằng âm thanh chứa thông tin quan trọng cho các sinh vật khác, đó là cách xảy ra với nhiều hiện tượng trong tự nhiên, chúng bắt đầu như những tác dụng phụ rồi thay đổi và tăng cường tùy thuộc vào cách chúng tương tác với môi trường và các sinh vật khác”, Lilach Hadany cho biết.
Gửi ý kiến của bạn