
Bàng quang (bladder) là một cơ quan hình tròn giống như một chiếc túi, nằm ở vùng xương chậu, bên dưới thận và ngay phía sau xương chậu. Nó có thể chứa khoảng 16 ounce (gần nửa lít) nước tiểu cùng một lúc trong từ hai đến năm tiếng đồng hồ. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
Bàng quang (bladder) là một cơ quan hình tròn giống như một chiếc túi, nằm ở vùng xương chậu, bên dưới thận và ngay phía sau xương chậu. Nó có thể chứa khoảng 16 ounce (gần nửa lít) nước tiểu cùng một lúc trong từ hai đến năm tiếng đồng hồ. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
Bàng quang hay bọng đái (bladder) là một cơ quan hình tròn giống như một chiếc túi, có nhiệm vụ chứa nước tiểu. Nó nằm ở vùng xương chậu, bên dưới thận và ngay phía sau xương chậu. Về cơ bản thì nó là một bể chứa bằng thịt, nhưng thiết kế của ‘bể chứa’ này rất phức tạp.
Bàng quang lớn cỡ nào?
Theo Viện Ung Thư Quốc Gia (National Cancer Institute – NCI), bàng quang khi rỗng có kích thước và hình dạng bằng trái lê. Tuy nhiên, nó có thể giãn ra lớn hơn nhiều khi cần thiết, và co trở lại khi trống. Trên thực tế, nó có thể chứa khoảng 16 ounce (gần nửa lít) nước tiểu cùng một lúc trong từ hai đến năm tiếng đồng hồ một cách thoải mái, theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Library of Medicine – NLM).
Theo National Institutes of Health (NIH), người bình thường sẽ đi tiểu khoảng sáu đến tám lần trong khoảng 24 tiếng. Số lần đi tiểu nhiều hơn có thể là dấu hiệu cho thấy bàng quang đang có vấn đề. Những người cao niên thường cũng đi tiểu nhiều hơn.
Bàng quang có nhiệm vụ gì?
Bàng quang được nối thông với thận bằng hai ống dài, gọi là niệu quản. Khi thận sản xuất ra nước tiểu, nước tiểu sẽ theo niệu quản đi đến bàng quang, và được giữ lại ở đây. Bàng quang có bốn lớp.
Xét từ trong ra ngoài, lớp đầu tiên ở mặt trong của bàng quang gọi là niêm mạc. Nó hoạt động như một lớp lót cho bàng quang. Lớp tiếp theo là lớp đệm niêm mạc hay gọi là hạ niêm mạc, bao gồm các mô liên kết, cơ và mạch máu. Bọc xung quanh lớp đệm này là một lớp được gọi là cơ đệm (muscularis propria) hoặc cơ bàng quang (detrusor muscle). Theo NCI, lớp này bao gồm các bó cơ trơn và dày. Lớp cuối cùng ở bên ngoài là mô mềm quanh bàng quang, được gọi là lớp thanh mạc, được tạo thành từ chất béo, mô xơ và mạch máu.
Các phần khác của bàng quang nằm ở dưới cùng. Một lỗ (van) ở dưới cùng của bàng quang được kết nối với niệu đạo. Một cơ vòng hình tròn siết chặt để giữ cho van này và niệu đạo không bị rò rỉ nước tiểu.
Khi một người đi tiểu, cơ bàng quang co lại để đẩy nước tiểu ra khỏi bàng quang, trong khi cơ vòng giãn ra để mở van thông bàng quang và niệu đạo. Van ở đáy bàng quang mở ra đẩy nước tiểu vào niệu đạo, từ đây nước tiểu sẽ được thải ra khỏi cơ thể.
Các bệnh tật nào liên quan đến bàng quang?
Có nhiều loại bệnh tật có thể bắt nguồn từ bàng quang.
Adam Ramin, bác sĩ phẫu thuật tiết niệu và là người sáng lập Urology Cancer Specialists ở California, cho biết các vấn đề về bàng quang thường gặp nhất ở phụ nữ là tiểu rắt (thường xuyên mắc tiểu) và tiểu són (nước tiểu rò rỉ). Tiểu rắt và tiểu són thường là do bàng quang bị suy giảm khả năng và hoạt động quá mức (chứng bàng quang tăng hoạt động). Theo Urology Care Foundation, chứng bàng quang tăng hoạt động (overactive bladder) có thể do nhiều tình trạng gây ra, bao gồm yếu cơ vùng chậu và đột quỵ. Rò rỉ nước tiểu, hoặc tiểu không tự chủ (tiểu són - Incontinence Urine), cũng có thể do bàng quang bị co thắt hoặc áp lực. Đôi khi các bác sĩ sẽ sử dụng nẹp bàng quang để điều trị chứng tiểu không tự chủ do áp lực.
Bác sĩ Ramin nói với tạp chí Live Science: “Các vấn đề về bàng quang phổ biến nhất ở nam giới là chứng tiểu đêm và tiểu không hết (incomplete), thường là do tuyến tiền liệt phì đại gây cản trở khiến bàng quang tống không hết nước tiểu ra.”
Nhiễm trùng bàng quang (Bladder infections) có thể là một nguyên nhân khác của việc đi tiểu thường xuyên. Theo Harvard Health, nhiễm trùng bàng quang, còn gọi là viêm bàng quang (cystitis), là một trong những loại nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến nhất. Có khoảng 1/3 phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng bàng quang ít nhất một lần trong đời. Một số triệu chứng bao gồm nóng rát hoặc đau khi đi tiểu, phải đi tiểu nhiều lần (mỗi lần chỉ đi được một lượng nhỏ nước tiểu), muốn đi tiểu gấp, bị đau vùng bụng dưới và nước tiểu đục màu hoặc có máu.
Một vấn đề khác liên quan đến bàng quang là ung thư bàng quang. Theo NCI, Hoa Kỳ có khoảng 712,644 người sống chung với bệnh ung thư bàng quang. Theo CDC, bệnh này thường ảnh hưởng đến người cao niên nhiều hơn, dù cũng có người trẻ mắc bệnh ung thư bàng quang. Một số triệu chứng của ung thư bàng quang bao gồm có máu trong nước tiểu, đi tiểu thường xuyên hoặc đau đớn khi tiểu, và bị đau lưng hoặc đau vùng chậu.
Sa thành trước âm đạo (anterior prolapse), còn được gọi là sa bàng quang (prolapsed bladder) hoặc sa bàng quang vào âm đạo (cystocele), là một vấn đề về bàng quang điển hình của phụ nữ. Nó xảy ra khi các mô giữa bàng quang và thành âm đạo của phụ nữ yếu đi do bị áp lực. Theo Urology Care Foundation, sự suy yếu này khiến cho các mô căng ra và bàng quang phình vào âm đạo.
Sỏi bàng quang (bladder stones) là do nước tiểu cô đặc kết tinh trong bàng quang. Theo NIH, những người bị tiểu không hết sẽ thường bị sỏi bàng quang. Có nhiều viên sỏi bàng quang nhỏ đến mức mắt thường không thể nhìn thấy, nhưng cũng từng có trường hợp một người đàn ông được phát hiện có một viên sỏi bàng quang hình quả trứng nặng 1.7 lbs. (770 gam), có kích thước 4.7 x 3.7 x 3 inch (12 x 9.5 x 7.5 cm). Tuy nhiên, đây không phải là viên sỏi bàng quang lớn nhất được ghi nhận. Viên sỏi bàng quang lớn nhất từng được ghi dận có kích thước 7 x 5 x 3.7 inch (17.9 x 12.7 x 9.5 cm) và nặng 4.2 lbs. (1.9 kg), theo Guinness World Records.
Làm thế nào để giữ cho bàng quang khỏe mạnh?
Đôi khi, chúng ta phải nhịn tiểu vì trường hợp bất khả kháng, nhưng điều đó có thể không tốt cho bàng quang. Bác sĩ Ramin nói: “Nhịn tiểu trong một thời gian ngắn, khoảng một tiếng thôi thì thường không sao cả. Tuy nhiên, nhịn tiểu quá lâu và thường xuyên có thể khiến dung tích bàng quang bị nở rộng quá mức, truyền áp lực sang thận, và khiến bàng quang bị mất khả năng làm trống hoàn toàn. Những vấn đề này có thể dẫn đến UTI [nhiễm trùng đường tiết niệu], viêm bàng quang và suy giảm chức năng thận.”
Uống nhiều nước mỗi ngày cũng có thể giúp ngăn ngừa sỏi bàng quang, giúp ngăn các chất khoáng tập trung mật độ cao, tạo thành sỏi. Urology Care Foundation khuyên mọi người nên uống từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày, cũng như giảm sử dụng caffein và rượu.
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Bladder: Facts, function and diseases” của Anna Gora, được đăng trên trang LiveScience.
Gửi ý kiến của bạn