Hôm nay,  

Những vị quốc mẫu lộng hành phép nước trong sử Việt

14/03/202313:22:00(Xem: 2380)
Truyện sử

thai hau bw

Thái hậu Cù Thị

 

Cuối đời Tần nước Tàu bị đại loạn, viên quan Úy quận Nam Hải (Quảng Đông ngày nay) là Triệu Đà đã thừa cơ cát cứ tự lập. Trước tiên Triệu Đà đem quân đánh chiếm quận Quế Lâm (Quí Châu và bắc Quảng Tây ngày nay) và Tượng Quận (Vân Nam ngày nay) để mở rộng lãnh thổ. Tất cả các quan chức do nhà Tần bổ nhiệm đều bị ông giết sạch. Sau đó ông lại đánh bại An Dương Vương, chiếm luôn nước Âu Lạc, lập nên nước Nam Việt (207 trước Tây lịch). Triệu Đà tự xưng là Triệu Vũ Đế, đóng đô tại Phiên Ngung. Lúc bấy giờ dân Nam Việt đa số vẫn còn mang nặng tính chất giống Bách Việt, chưa thuần Hán hóa, nên Triệu Vũ đế đã triệt để khai thác đặc điểm này để chống lại nhà Hán. Ông không hề kỳ thị hay coi thường dân Âu Lạc mà còn rất ưu đãi nhân tài Âu Lạc. Vì thế mà sau này nhiều vua chúa và sử gia nước ta vẫn coi nhà Triệu như một triều đại chính thống của nước Việt.

 

Đến khi nhà Hán ổn định xong trung nguyên, sứ Hán là Lục Giả mới sang Nam Việt thuyết phục Triệu Đà bỏ đế hiệu, trở thành Triệu Vũ Vương và chịu thông hiếu với nhà Hán.

 

Triệu Đà làm vua tới 71 năm, năm 136 trước Tây lịch ông mới qua đời. Người cháu nội ông là Triệu Hồ (con của Trọng Thủy) đã 40 tuổi, lên kế vị tức Triệu Văn Vương. Để lấy lòng tin với nhà Hán, Triệu Văn Vương cho thế tử là Anh Tề sang Trường An, kinh đô Tàu, làm con tin. Anh Tề vốn đã có một vợ người Việt và một con trai tên Triệu Kiến Đức. Khi sang Tàu, ông lại cưới thêm một bà vợ người Hàm Đan, đó chính là Cù Thị. Cù Thị cũng sinh cho ông một con trai tên là Triệu Hưng. Có một điều Anh Tề không biết là trước khi lấy ông, Cù Thị đã là tình nhân thắm thiết của một người Hán tên An Quốc Thiếu Quí.

 

Khi Triệu Văn Vương mất, thế tử Anh Tề về nước kế vị tức Triệu Minh Vương. Cù Thị trẻ đẹp hơn bà vợ Việt nhiều nên cũng được Minh Vương cưng chiều hơn. Với lợi thế trên, Cù Thị đã thuyết phục được Minh Vương lập Triệu Hưng làm thế tử.

 

Đến năm 113 trước Tây lịch, Minh Vương mất, Triệu Hưng được đưa lên kế vị tức Triệu Ai Vương. Cù Thị đương nhiên trở thành thái hậu. Vua còn nhỏ nên trong các buổi chầu, Cù thái hậu luôn ở sau lưng vua để hướng dẫn vua xử trí công việc. Rất ít khi bà chịu nghe lời bàn bạc của các quan. Ngoài tể tướng Lữ Gia bà còn nể mặt một tí, các vị khác bà chỉ coi như tay chân để sai khiến. Mọi việc trong triều gần như chỉ do một mình Cù thái hậu định đoạt. Vì vậy các quan ai cũng chán ngán.

 

Tể tướng Lữ Gia người huyện Lôi Dương, quận Cửu Chân (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay). Ông là người ngay thẳng, cứng rắn, làm quan từ triều Văn Vương, tuổi đã ngoài bảy mươi, uy tín rất lớn. Họ hàng của ông có tới 70 người đang làm trưởng lại trong nước. Người em của ông là Lữ Hùng đang chỉ huy đội quân trấn giữ kinh thành. Cù thái hậu vẫn muốn cho ông về vườn nhưng chưa tìm ra cớ.

 

Nghe tin triều đình Nam Việt đang gặp chuyện lủng củng, nhà Hán đã không bỏ lỡ dịp may. Vua Hán liền triệu tập quần thần để bàn kế hoạch thu phục nhà Triệu. Sau đó một sứ đoàn được thành lập để đi Nam Việt thi hành nhiệm vụ. Lệ thường, trước khi sứ giả lên đường, hai kỵ sĩ được phái chạy ngựa trạm mang thư báo cho triều đình Nam Việt biết trước để chuẩn bị đón tiếp sứ đoàn. Khi thư báo được dâng lên, vua xem xong rồi trao cho thái hậu. Vừa nhìn vào thư báo mắt bà đã sáng rực lên, bà kêu:

 

– Trời đất! An Quốc Thiếu Quí!

 

Vua ngạc nhiên nhìn thái hậu hỏi:

 

– Có chuyện gì thế mẫu hậu?

 

Cù thái hậu hơi giật mình. Có lẽ biết thái độ vui mừng bất ngờ của mình không qua mắt được Ai Vương và các quan, bà nói:

 

– Không có gì đâu hoàng nhi. Chẳng qua là mẹ có người anh họ tên An Quốc Thiếu Quí, nay thấy sứ giả cũng tên như thế, biết đâu đó chẳng phải là người anh của mẹ? Nhưng dù ai đi nữa, đây là sứ đoàn của thượng quốc, hoàng nhi phải xuống chiếu cho dọn dẹp ngay một ngôi nhà riêng biệt, rộng rãi, thuận lợi mọi mặt để sứ đoàn trú ngụ trong thời gian lo công việc. Nếu không sẵn nhà, có thể cho xây dựng một ngôi nhà mới càng hay.

 

Chiều ý mẹ, Triệu Ai Vương đã hạ chiếu dựng gấp một dinh thự gần cung điện vua. Chỉ trong vòng bốn mươi ngày ngôi dinh thự đã được hoàn tất. Dinh thự vừa khánh thành xong thì sứ đoàn nhà Hán cũng vừa đến Phiên Ngung như dự tính. Vị chánh sứ An Quốc Thiếu Quí cũng quả là ông anh họ của Cù thái hậu như bà đã nói. Sau khi thông qua mọi thủ tục, lễ nghi ngoại giao, sứ đoàn được mời đến trú ngụ ở ngôi dinh thự ấy.

 

Theo lệ, khi có sứ nước ngoài đến giao hảo, trong triều thường đặt hai buổi yến để thết đãi sứ giả. Buổi thứ nhất tổ chức tại triều, khoản phí tổn do triều đình đài thọ, vua, sứ giả và các quan đều cùng dự để tạo sự thân mật với nhau gọi là công yến. Buổi thứ hai tổ chức tại cung vua, khoản phí tổn này do vua chịu, gọi là tư yến. Những buổi tư yến đãi sứ giả thường chỉ có một số trọng thần được vua mời dự. Đương nhiên trong buổi tư yến đó tể tướng Lữ Gia cũng có mặt.

Trong buổi công yến, vua cho các quan biết sơ về vị sứ giả cũng là người thân thích của thái hậu. Nhiều vị quan văn võ đã lên tiếng chúc mừng cuộc tái ngộ thú vị đó. Buổi yến đã diễn ra trong bầu không khí nồng thắm, vui vẻ. Tới buổi tư yến thì gần như chính thái hậu là người chủ trì. Khi hơi men đã ngấm ít nhiều, và có lẽ cũng do xuân tình đang bốc, Cù thái hậu quên cả lễ nghi phải giữ, tự mình bà đã mời mọc, săn sóc vị sứ giả thân mật quá đáng khiến nhiều người phải nghĩ ngợi. An Quốc Thiếu Quí thấy vậy cũng thù tạc đáp ứng rất nồng nàn. Lữ Gia và mấy vị quan được mời dự thấy khó chịu nên cũng lần lượt cáo say xin về nghỉ.

 

Từ đó, với cái cớ là anh em họ hàng, thái hậu cùng sứ giả tư công nhập nhằng, qua lại với nhau chẳng cần giữ gìn thể thống gì nữa. Việc đó diễn ra thường xuyên đã khiến quan dân Nam Việt thấy chướng mắt quá đến sinh lòng bất mãn.

 

Khi Cù thái hậu chính thức khuyên vua và triều thần nên chấp nhận nội phụ với nhà Hán trước triều thì tể tướng Lữ Gia lên tiếng:

 

– Tâu bệ hạ, tâu thái hậu, từ khi Nam Việt lập quốc đến nay đã gần một trăm năm. Các vị tiên vương ta đều chỉ thông hiếu với Hán triều chứ chưa bao giờ chịu nội phụ cả. Thỉnh thoảng vua ta cũng cho sứ giả hoặc con tin đi lại với Hán triều, chỉ dâng một số cống phẩm tượng trưng để củng cố niềm tin cậy lẫn nhau thôi. Việc này đã quen lệ. Nay bỗng dưng thái hậu lại khuyên bệ hạ và chúng thần tự nguyện đem giang sơn gấm vóc do các đấng tiên vương đã khó nhọc mở mang, giữ gìn chịu nội phụ Hán triều, chúng thần thấy mang lỗi quá lớn với các đấng tiên vương. Đã là nội phụ như các chư hầu ở trung nguyên thì cứ 3 năm vua ta lại phải thân hành về chầu thiên tử và nộp cống của cải, sản vật một lần. Từ đây đến Trường An quá xa xôi, đường sá lại khó khăn, nguy hiểm, như vậy dân ta sẽ chịu thiệt thòi, tốn kém biết bao nhiêu! Kính xin bệ hạ và thái hậu xét lại thật kỹ vấn đề này để khỏi ân hận về sau.

 

Thấy vua và các quan đều có vẻ bối rối trước ý kiến phản bác của Tể tướng Lữ Gia, Cù thái hậu tìm cách trì hoãn:

 

– Được rồi, vấn đề này sẽ tùy hoàng thượng suy xét lại rồi quyết định sau.

 

Thế rồi vua truyền bãi chầu. Hôm sau Lữ Gia lại vào chầu vua. Ông cố khuyên vua đừng chịu nội phụ. Vua lấy làm khó nghĩ nên vẫn chưa quyết định. Khi Lữ Gia đã lui ra, thái hậu nói với vua:

 

– Bàn chuyện với tên giặc già ấy chỉ mất công! Bệ hạ hãy tự làm sớ cũng xong! Chúng ta tự nguyện nội phụ với Hán triều, tự nguyện phá bỏ các thành ải phòng thủ ở biên giới hai nước, tự nguyện cứ 3 năm về chầu thiên tử một lần. Sứ giả sẽ dâng sớ của ta lên thiên tử. Khi thiên tử đã xuống chiếu rồi, chẳng lẽ bọn Lữ Gia còn dám không vâng? Nếu bọn lão đó vẫn còn ngoan cố ta sẽ tìm cách khử đi là yên.

 

Triệu Ai Vương bèn làm sớ theo ý mẹ. Sớ soạn xong, Cù thái hậu liền mời An Quốc Thiếu Quí đến trao tận tay và nói:

 

– Chàng đến Nam Việt lo việc cũng đã nhiều ngày rồi. Ngặt cái lão Lữ Gia đó cứ lôi thôi như thế biết bao giờ việc xong? Do đó mẹ con thiếp đành phải tự quyết định vậy! Đây là lá sớ của mẹ con thiếp mới soạn xong, bọn nó không hay biết gì đâu. Chàng hãy đọc thử xem. Nếu không có gì trở ngại, mong chàng thân hành mang nó dâng lên Hán đế cùng nói phụ giúp mẹ con thiếp một lời. Nếu Hán đế chuẩn y mà rộng ban chức tước, ban ấn tín cho mọi người, đặt chúng trước “chuyện đã rồi” chúng đâu còn dám không tuân mệnh?

 

An Quốc Thiếu Quí xem xong gật đầu:

 

– Soạn như vậy là được lắm. Chắc hẳn Hán đế chuẩn y thôi. Nhưng ta chưa cần về nước đâu. Ta về nước thì biết bao giờ mới gặp lại được nàng? Sẽ có người đi thay ta.

 

– Nhưng giao việc này cho người khác làm sao mẹ con thiếp được yên lòng? Lỡ bọn Lữ Gia nó xét càn lộ chuyện ra sợ chúng làm liều thì nguy hiểm lắm! Hơn nữa chàng ở đây lâu chúng sẽ sinh nghi. Vả lại, chỉ có chàng mới dễ dàng báo cáo tình hình nước Nam Việt với Hán đế và khuyên Hán đế làm thế nào cho tiện.

 

– Khỏi lo! Ta đã chuẩn bị bản báo cáo tình hình nước Nam Việt và sắp cho người chạy ngựa trạm mang về nước. Giờ mang luôn cả sớ xin nội phụ của vua Nam Việt lại càng tiện. Chạy ngựa trạm cả đi lẫn về cộng với thời gian gặp bề trên hay đợi giấy tờ cao tay chỉ mất chừng một tháng chứ nếu ta thân đi sẽ lâu hơn rất nhiều. Lính chạy ngựa trạm thường đủ bản lãnh, lại có thẻ bài đặc biệt không kẻ nào dám xâm phạm đâu! Nàng cứ yên chí.

 

Nghe Thiếu Quí giải thích như vậy Cù thái hậu cũng tạm yên lòng. Bà vẫn âm thầm tìm mưu triệt hạ Lữ Gia. Lữ Gia cũng biết việc đó nên rất dè dặt đề phòng.

 

Đúng như Thiếu Quí đã liệu, chỉ hơn hai tháng sau Hán đế đã cử một vị sứ giả khác mang chiếu chỉ sang, nội dung đại khái: Nước Nam Việt đã được chấp thuận nội phụ thiên triều. Vua Nam Việt cứ 3 năm sang chầu thiên tử và dâng cống phẩm một lần. Các cửa quan ngăn cách hai nước phải triệt bỏ hết. Triệu Ai Vương và tể tướng Lữ Gia được ban ấn bằng bạc cùng các ấn nội sử, trung úy, thái phó. Các chức tước khác được tự đặt lấy theo nhu cầu. Dùng pháp luật Hán triều, bãi bỏ các hình phạt cũ. Các sứ giả đều ở lại để trấn giữ, vỗ về.

 

Nhận được chiếu của Hán đế, Cù thái hậu mừng lắm. Bà thúc giục Triệu Ai Vương sửa soạn những lễ vật quí giá để về chầu thiên tử. Trước tình thế đó, Lữ Gia hết sức bối rối. Ông cáo ốm không chịu tiếp sứ nhà Hán để nhận sắc phong. Cù thái hậu thấy vậy bèn bàn với sứ giả, một mặt cho người về Trường An xin tiếp ứng, một mặt tìm kế giết Lữ Gia. Bà cho đặt một cuộc tiệc trong cung vua để đãi sứ giả cùng một số trọng thần. Lữ Gia bất đắc dĩ phải đến dự. Để phòng chuyện bất trắc, ông bảo người em là Lữ Hùng đem quân đóng quanh cung vua. Các sứ giả và các quan ngồi đối diện nhau.

 

Vừa vào tiệc Cù thái hậu liền hỏi Lữ Gia:

 

– Nam Việt nội thuộc thiên quốc là điều lợi cho nước ta, thế mà tướng quân lại cho là bất tiện nghĩa là sao?

 

Hỏi câu này ý Cù thái hậu muốn khích cho các sứ giả nổi giận để triệt hạ Lữ Gia. Nhưng các sứ giả chưa kịp phản ứng thì Lữ Gia đã đứng dậy bước ra ngoài. Cù thái hậu định rút gươm của vua để giết ông nhưng vua ngăn lại. Lữ Hùng thấy ông ra liền cho quân đưa ông về nhà. Biết không còn cách nào ngăn được ý định nội thuộc của mẹ con vua, Lữ Gia bèn chuẩn bị làm một cuộc binh biến nhằm triệt hạ Cù thái hậu.

 

Khi Hán đế nhận được tin Lữ Gia không chịu nhận sắc phong và quyết chống lại ý định nội thuộc của vua và thái hậu, ông gọi tướng Trang Sâm đến nói:

 

– Hiện nay ở Nam Việt, Lữ Gia đã không chịu tuân mệnh nội thuộc. Vua và thái hậu thì bị cô lập không khống chế Gia được. Các sứ giả của ta thì nhút nhát không quyết đoán được gì. Chắc phải nhờ khanh ra tay một chuyến mới xong. Ta nghĩ vua và thái hậu Nam Việt đã chịu nội thuộc, chỉ có một mình Lữ Gia chống đối thì ta đâu cần phải dùng nhiều quân? Ta cho khanh 2 ngàn người sang sứ được không?

 

Trang Sâm tâu:

 

– Lấy sự hòa hiếu mà sang thì vài người cũng đủ. Lấy vũ lực mà sang thì 2 ngàn người không làm gì được. Hạ thần không dám tuân mệnh.

 

Hán đế nổi giận bãi chức Trang Sâm. Tướng Tế Bắc là Hàn Thiên Thu thấy thế tâu:

 

– Một nước Nam Việt cỏn con, lại có vua và thái hậu nội ứng, chỉ có một mình tể tướng Lữ Gia làm loạn thì có gì mà ngại? Xin cấp cho thần 300 dũng sĩ, thế nào thần cũng chém được đầu Lữ Gia đem về.

 

Hán đế vui mừng cấp cho Hàn Thiên Thu và em Cù thái hậu là Cù Lạc 2 ngàn quân tiến vào Nam Việt.

 

Trong khi vua và thái hậu sắm sửa xong lễ vật để về chầu thiên tử thì một tờ hịch do Lữ Gia soạn cũng được truyền đi khắp nước đại khái: “Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của Tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đày tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời” (ĐVSKTT).

 

Thế rồi Lữ Gia cho đem quân đánh, giết vua và thái hậu cùng tất cả bọn sứ giả. Tiếp đó, ông lập người con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương Hầu Triệu Kiến Đức lên làm vua tức Thuật Dương Vương. Khi ấy đội quân của Hàn Thiên Thu đã vào cõi chỉ cách Phiên Ngung 40 dặm. Lữ Gia lại đem quân đánh một trận giết luôn cả Hàn Thiên Thu lẫn Cù Lạc. Lữ Gia lại chia quân ra trấn giữ các nơi hiểm yếu.

 

Hán đế nghe tin Lữ Gia đã nổi binh chống lại thiên triều, lại giết luôn cả Hàn Thiên Thu nên vô cùng tức giận. Ông liền sai Lỗ Bác Đức, Dương Bộc và nhiều tướng giỏi khác đem hơn 10 vạn quân chia làm nhiều ngả tiến đánh Nam Việt.

 

Lữ Gia quân ít thế yếu chống không lại. Cuối cùng Thuật Dương Vương lẫn tể tướng Lữ Gia đều bị giặc bắt giết. Từ đó dân tộc Việt bị rơi vào ách cai trị của nhà Hán (111 trước TL).


(Kỳ sau: Thái hậu Dương Vân Nga)
 

Ngô Viết Trọng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.