Trong tuần vừa qua, Trung Quốc một lần nữa đã lại củng cố quan hệ thân thiết với Nga. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow và tuyên bố rằng mối quan hệ được cho là không có biên giới của hai nước, luôn vững chắc. Như để minh họa cho điều đó, Vương Nghị đã ngồi gần Putin hơn bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào khác tại chiếc bàn hình bầu dục ở Điện Kremlin.
Putin ca ngợi Trung Quốc và khi Hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu để thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine vào ngày thứ Năm vừa qua, Trung Quốc là một trong 32 quốc gia bỏ phiếu trắng. Trong chuyến thăm Moscow lần này Vương Nghị cũng dọn sẵn cho cuộc gặp giữa Putin và Tập Cận Bình vào cuối mùa xuân này.
Do đó, việc Trung Quốc muốn thể hiện mình là một nhà môi giới hòa bình và đưa ra 12 điểm mở đường cho việc chấm dứt chiến tranh có đáng tin cậy hay không?
Bắc Kinh hôm thứ Sáu đã đưa ra kế hoạch mười hai điểm để chấm dứt cuộc chiến, mà họ đã rất cẩn trọng không gọi là chiến tranh.
Trong đó tuyên bố các biên giới quốc gia phải được tôn trọng, rằng các nước nhỏ có quyền giống như các nước lớn, rằng không nên tiến hành chiến tranh hạt nhân và không nên gây khó khăn trong việc thỏa thuận thông qua đối thoại.
Đó quả là một vở kịch quen thuộc. Đảng Cộng sản nói rất hay về tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, giải trừ quân bị và sự cần thiết phải bảo vệ phụ nữ và trẻ em. "An ninh của một quốc gia không thể đạt được bằng sự tổn hại của một quốc gia khác". Cần phải tránh một thế giới bị chia cắt giữa các khối siêu cường. Các nước lớn không nên sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình cho mục đích chính trị. Nhiều quốc gia hơn nên làm như Trung Quốc và làm việc vì hòa bình.
Nhưng trên thực tế chế độ này luôn kiên quyết ủng hộ Nga. Hiệp ước hữu nghị mà Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã ký kết trong Thế vận hội Bắc Kinh mùa đông năm ngoái đã mở đường cho cuộc xâm lược. Bắc Kinh đã phản ứng nhanh chóng trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách tăng nhập khẩu dầu và thực phẩm của Nga. Số liệu thống kê thương mại được Financial Times trích dẫn hôm thứ Sáu cho thấy tổng nhập khẩu của Nga sang Trung Quốc tăng 43% vào năm 2022. Xuất khẩu tăng 13%, bao gồm một phần chất bán dẫn có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí.
Theo tờ Der Spiegel của Đức, việc giao cho Nga 100 máy bay không người lái kamikaze của Trung Quốc đang được đàm phán, có thể là vào tháng Tư.
Điều này sẽ làm tăng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây. Cuộc chiến cũng như tình hình chính trị thế giới sẽ bước vào một giai đoạn nguy hiểm hơn.
Tập Cận Bình muốn thể hiện sự mạnh mẽ của mình trước Hoa Kỳ, và cố gắng liên minh với các nước láng giềng có vũ khí hạt nhân ở phía Bắc. Bắc Kinh và Moscow cùng tiến hành một cuộc đấu tranh ý thức hệ chung chống lại những người theo chủ nghĩa tự do ở phương Tây.
Mặt khác, nước Nga của Putin là một quốc gia có nền kinh tế đang bị tàn phá nặng nề bởi tham nhũng. Dân số là 140 triệu người, không bằng một phần mười của Mỹ. Trung Quốc cần phát triển nền thương mại của mình, và cần một mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây, nơi có các thị trường. Điều đó giải thích được tại sao Tập Cận Bình nói năng hai lưỡi và đang âm thầm xem xét việc gửi vũ khí đến Moscow.
Nếu những lời hoa mỹ trong kế hoạch hòa bình mới của Tập Cận Bình là thật, ông ta có thể lên án chiến tranh, ngừng ủng hộ Điện Kremlin và áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Nếu ông ta chọn gửi vũ khí đến Moscow, phương Tây cần đáp trả một cách kiên quyết.