WASHINGTON – Trong tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine bằng một chuyến đi tới quốc gia đang có chiến sự; nhưng sự ủng hộ của công chúng ở Hoa Kỳ đối với việc gửi vũ khí cho Ukraine đang giảm dần khi cuộc chiến đã bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu kết thúc, theo trang Reuters đưa tin ngày Thứ Tư, 22 tháng 2 năm 2023.
Theo một cuộc khảo sát mới của Reuters/Ipsos với hơn 4,000 người dân Hoa Kỳ, được thực hiện từ ngày 6 tháng 2 đến ngày 13 tháng 2 năm 2023, tỷ lệ ủng hộ của người dân Hoa Kỳ đối với việc viện trợ quân sự cho Ukraine đã giảm xuống còn 58%, giảm so với mức 73% trong cuộc thăm dò hồi tháng 4 năm 2022.
Các dấu hiệu cho thấy lòng nhiệt thành đang suy yếu và xảy ra đúng lúc chính trường Hoa Kỳ đang có nhiều khó khăn. Điều này có thể hạn chế gây khó cho Biden trong việc thực hiện lời hứa hết lòng hỗ trợ cho Ukraine cho đến khi đất nước này không còn bóng quân Nga.
Đảng Cộng Hòa đang bất đồng với Tòa Bạch Ốc về việc nâng mức trần nợ công của Hoa Kỳ. Họ đòi cắt giảm mạnh chi tiêu để giảm bớt thâm hụt vào thời điểm Hoa Kỳ đang bơm hàng tỷ đô la viện trợ quân sự và các viện trợ khác cho Ukraine. Một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa bắt tay với cựu Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng kêu gọi hạn chế viện trợ.
Vấn đề viện trợ có thể trở thành ‘bóng đá chính trị’ (chỉ một vấn đề là đề tài của một cuộc tranh luận ồn ào hoặc sự bất đồng tiếp diễn, thường liên quan đến chính trị và được coi là “trận đấu” giữa các chính trị gia) trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 sắp tới. Trong tuần này, Thống đốc Florida Ron DeSantis, người được cho là đang tranh vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa, đã chỉ trích cái mà ông gọi là chính sách “tờ séc trống không giới hạn” (blank check) mà ông Biden dành cho Ukraine.
Cho đến nay, các lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội, những người phản đối gay gắt Biden trong hầu hết các vấn đề, lại ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine, thậm chí kêu gọi Washington gửi thêm vũ khí mạnh hơn, nhanh chóng hơn. Chủ tịch Ủy Ban House Foreign Affairs Committee, Michael McCaul, cho biết trong chuyến thăm Kiyv hôm Thứ Ba rằng Washington đang dần đổi ý, cân nhắc gửi hỏa tiễn tầm xa và máy bay chiến đấu tới Ukraine.
Nhưng Đảng Cộng Hòa đang ‘lục đục nội bộ’ về vấn đề Ukraine. Các dân cử Cộng Hòa cánh hữu tại Hạ Viện đã đưa ra giải pháp Ukraine Fatigue, đề nghị cắt viện trợ vào đầu tháng này, nhưng nó vẫn chưa kiếm đủ sự ủng hộ để gây nguy hiểm cho các gói viện trợ trong thời gian trước mắt.
Chỉ có 11 nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa trong tổng số 222 người tại Hạ Viện ủng hộ Ukraine Fatigue. Tuy không nhiều, nhưng Rachel Rizzo, một thành viên cấp cao tại Europe Center của Atlantic Council ở Washington, cảnh báo rằng việc xem nhẹ điều này có thể là một sai lầm.
Quốc Hội đã chuẩn thuận mọi đợt tài trợ mới mà chính quyền Biden yêu cầu kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Tính đến nay, số tiền mà Hoa Kỳ viện trợ và hỗ trợ quân sự cho Ukraine và các quốc gia đồng minh đã lên 113 tỷ đô la.
‘Không thể cứ vậy mãi’
Khi được hỏi về việc ủng hộ của công chúng đối với viện trợ quân sự cho Ukraine đã suy yếu, phát ngôn nhân của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Bạch Ốc Adrienne Watson đã không trả lời trực tiếp, nhưng cho biết người dân Hoa Kỳ biết rủi ro là gì và có thể liên quan đến cuộc chiến giành “tự do và độc lập” của Ukraine.
Watson nói: “Sự ủng hộ của người dân Hoa Kỳ đối với Ukraine được phản ánh qua mức ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng từ cả hai viện của Quốc Hội.”
Một viên chức Hoa Kỳ đã thẳng thắn nói về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho cuộc chiến, cho biết chính quyền đã nói thẳng với chính phủ Ukraine rằng các nguồn lực của Hoa Kỳ không phải là vô hạn. Vị viên chức này nói: “Mọi người đều hiểu rằng cuộc chiến rồi cũng sẽ phải kết thúc vào một thời điểm nào đó. Và tất cả đều muốn nó kết thúc sớm hơn là muộn.”
Mục tiêu mà tổng thống Ukraine Zelenskiy đặt ra là giành lại tất cả lãnh thổ bị Nga chiếm giữ kể từ năm 2014, kể cả Crimea; và ông cho biết các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột sẽ không thể diễn ra chừng nào Tổng thống Nga còn là Vladimir Putin, với lý do là lòng tin đã không còn.
Jeremy Shapiro, người từng phục vụ trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Obama, cho biết các viên chức cũng nhận ra rằng cuộc chiến có nguy cơ leo thang và làm xao lãng các vấn đề khác, chẳng hạn như sự cạnh tranh của Hoa Kỳ với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Theo ông Shapiro, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại European Council on Foreign Relations, chính quyền Biden cũng khó có khả năng đề nghị Kiyv hòa giải với Moscow vì không muốn tỏ ra yếu thế khi đối mặt với một đối thủ như Nga.
Cái gì là đúng nhất?
Trong khi vấn đề viện trợ cho Ukraine nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc Hội Hoa Kỳ, một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đang chất vấn tại sao Hoa Kỳ phải chi hàng tỷ đô la để giúp Ukraine trong khi người dân trong nước đang chật vật đối phó với lạm phát và một nền kinh tế ‘trắc trở.’
Bob Menendez, Chủ tịch Ủy Ban Senate Committee on Foreign Relations, cho biết chính quyền cần tiếp tục thuyết phục công chúng Hoa Kỳ vững lòng ủng hộ Ukraine trước những lo ngại chính đáng của cử tri. Ông nói: “Tôi đã ở đây đủ lâu để thấy rằng các cam kết, đặc biệt là các cam kết tốn kém, không kéo dài mãi mãi, đặc biệt nếu nó không chứng minh được quan điểm.”
Mark Cancian, cựu viên chức Ngũ Giác Đài, hiện là cố vấn cấp cao tại Center for Strategic and International Studies ở Washington, cho biết khả năng Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga phụ thuộc vào sự đồng lòng hỗ trợ từ Washington và các đồng minh NATO. Ông Cancian nói: “Chiến thắng hay không là nhờ vào năng lực quân từ những thứ như vũ khí và đạn dược có được, sự huấn luyện mà NATO cung cấp và sự kiên cường của người dân Ukraine.”
Một cuộc thăm dò toàn cầu cuối năm ngoái cho thấy đa số các thành viên NATO bao gồm Canada, Anh, Pháp, Hà Lan và Ba Lan tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Chỉ có ở Hungary và Ý, công chúng phản đối nhiều hơn là ủng hộ, và các nhà lãnh đạo của các nước này vẫn đi theo các sáng kiến của C