Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

“Nhưng sao chiều nay bỗng bàng hoàng nhớ.” Chiều Thơ Nhạc và RMS O Xưa - Nhã Ca

17/02/202300:00:00(Xem: 3118)

Hình-chính
Hình trên, từ trái: Kiều Chinh, Ngu Yên, Đỗ Quý Toàn, Khánh Ly. Hàng giữa từ trái: Ysa Lê, Nhã Ca-Trần Dạ Từ, Bích Liên, Phan Tấn Hải. Hàng dưới từ trái: Jimmy và Thụy Trinh; Tứ Ca: Vành Khuyên, Phương Hà, Thúy Hằng, Nguyễn Hoàng Hà; Mê Linh. Photo: Patrick Hoàng và Nguyễn Lập Hậu.
 

Buổi chiều cuối đông ở Miền Nam California mà khí hậu lại ấm áp lạ thường! Bên trong phòng khánh tiết của Nhà hàng The Villa tại Thành phố Westminster, dưới ngọn đèn mở ảo, vũ công ballet Nicole đang trình diễn vũ khúc do vũ sư Thắng Đào biên soạn để minh họa trong lúc nhà văn Nhã Ca đọc cho mọi người nghe bài thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ mà bà đã sáng tác sáu mươi năm trước ở quê nhà.

Giọng đọc trầm ấm và truyền cảm của nhà văn Nhã Ca – người ‘con gái’ Huế -- hòa nhập vào tiếng chuông ngân vang rồi tan biến vào trong không gian tĩnh mặc của thính phòng và quyện theo từng điệu vũ dịu dàng, lả lướt của vũ công ballet. Mỗi đường múa, mỗi bước nhảy phản chiếu cái bóng linh hoạt trên bức tường sau sân khấu tạo thành hình ảnh diễm ảo, mơ huyền tưởng chừng như hình bóng của vô thức trong con người theo tiếng chuông chùa đánh thức đang vùng dậy trở về với hiện thực.

“… Tiếng chuông xưa bừng sống lại trong tôi
Tiếng chuông xưa kìa tuổi dại ta ơi
Chuông òa vỡ trong tôi nghìn tiếng nói
Những mảnh đồng đen như da đêm tối
Những mảnh đồng đen như tiếng cựa mình
Những mảnh đồng đen như máu phục sinh
Những mảnh đồng đen kề nhau bước tới…
 
Tôi thức dậy rồi chuông ơi chuông hỡi
Tôi thức dậy đây, tôi thức dậy rồi
Thức dậy thực sự rồi
Thức dậy cùng giông bão
Thức dậy cùng tan vỡ
Thức dậy cùng lịch sử
Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay
Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay
Trên mặt nước mặt người mặt lộ
Cho con trở về đứng mê sảng ngó.”
 
Nicole 1
Vũ điệu ballet minh họa bài Tiếng Chuông Thiên Mụ do vũ công ballet Nicole Voris trình bày, biên soạn bởi Thắng Đào. Photo: Tina Hà Giang.
 
Đó là một phần trong buổi chiều thơ nhạc và ra mắt tập truyện O Xưa của nhà văn Nhã Ca đã gây ấn tượng sâu sắc trong tôi. Đối với tôi, đó là sự kết hợp viên mãn của giọng đọc, vũ điệu, hình ảnh và thanh âm tạo thành một tác phẩm nghệ thuật toàn bích. Không những thế, đó còn là một tác phẩm nghệ thuật biến hóa khôn lường giữa cõi mộng và thực, giữa sự giao thoa hòa quyện trong nhất như của thời gian và không gian.

Nhưng, dĩ nhiên, buổi chiều thơ nhạc và ra mắt tập truyện O Xưa còn nhiều tiết mục hấp dẫn khác.

Buổi sinh hoạt bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều ngày 10 tháng 2 năm 2023, với phần tiếp tân, ăn tối, nghe nhạc Tây và hàn huyên tâm sự trước khi bước sang phòng sinh hoạt bên cạnh với phần đọc thơ, nghe nhạc và giới thiệu sách của nhà văn Nhã Ca lúc 7 giờ rưỡi tối.

Với sự tham dự của hơn hai trăm văn nghệ sĩ thân hữu và bằng hữu của nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà văn Nhã Ca và Việt Báo đã tạo thành một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật mang dấu ấn trong cộng đồng người Việt tại Little Saigon sau những tháng năm vắng vẻ vì đại dịch.

Hai MC duyên dáng và lịch lãm Thụy Trinh và Jimmy Nhựt Hà đã giới thiệu một số văn thi hữu tham dự, gồm nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ đã hơn 100 tuổi, nữ tài tử Kiều Chinh, ca sĩ Khánh Ly, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, nhà văn Cung Tích Biền, nhà thơ Ngu Yên, nhà thơ Trịnh Y Thư, họa sĩ Khánh Trường, họa sĩ Ann Phong, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phú, nhà thơ và nhà báo Phan Tấn Hải, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, nhà văn Đặng Thơ Thơ, nhạc sĩ Trần Duy Đức, họa sĩ Khánh Phan, nhà báo Bồ Đại Kỳ, nhà báo Hà Giang, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, Ông bà giáo sư Peter Zinoman – Nguyệt Cầm, nhà giáo Trần Hạnh từ đại học Berkely, các tác giả của nhóm Việt Bút và Viết Về Nước Mỹ, và đặc biệt còn có sự tham dự của hai Ni Sư Thích Nữ Chân Thiền và Thích Nữ Chân Diệu từ Thiền Viện Sùng Nghiêm, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái từ Sài Gòn sang tham dự, cùng với các thân hữu về từ khắp nơi của Việt Báo.
 

kieu-chinh-hinh-patrick

Nữ tài tử Kiều Chinh phát biểu mở đầu chương trình. Photo: Patrick Hoàng

 
Nữ tài tử Kiều Chinh, trong phần phát biểu mở đầu đêm thơ nhạc và ra mắt sách của nhà văn Nhã Ca, đã ôn lại nhiều kỷ niệm đẹp của bà với nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca. Một kỷ niệm mà bà kể đã làm cho mọi người cười nghiêng ngửa là chuyện bà đi xin quảng cáo cho tờ Việt Báo lúc tờ báo mới ra đời cách nay hơn 30 năm. Bà kể rằng một hôm tới Thành phố Pomona để xin quảng cáo cho Việt Báo nơi một người quen, trong lúc bà ra xe và mở cốp xe hơi để lấy đồ thì thân chủ cho quảng cáo đi theo tiễn bà đã rất đỗi ngạc nhiên khi thấy trong xe của bà để nhiều đồ đạc như nồi nêu, chén bát, áo quần, mùng mền. Người này đã thảng thốt kêu lên: “Ôi, sao chị lại đến nông nỗi này!” Lúc đó, bà mới biết rằng vị này tưởng bà bị homeless! Nữ tài tử Kiều Chinh kể rằng bà liền giải thích với vị này là vì nhà bà ở xa tận trên Los Angeles, cho nên bà phải đem đồ đạc theo để dùng mỗi ngày. Một kỷ niệm khác mà bà khó quên với gia đình “Ông Từ Bà Nhã” là vụ động đất 6.7 độ tại Thành phố Northridged vào năm 1994 làm bà kinh hoàng và đồ đạc trong nhà của bà đổ xuống ngổn ngang. Bà kể tiếp rằng sáng sớm hôm sau, cả nhà “Ông Từ Bà Nhã” đến gõ cửa thăm hỏi và giúp bà dọn dẹp đồ đạc. Nhân đó, bà cũng xin mọi người dành một phút tưởng niệm đến các nạn nhân trong trận động đất 7.8 độ vừa xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã làm thiệt mạng hàng chục ngàn người. Trước khi kết thúc lời phát biểu, nữ tài tử Kiều Chinh không quên bày tỏ sự vui mừng đối với nhà văn Nhã Ca ra mắt sách.
 
nha ca ký sach hình xuân mỹ
Nhã Ca ký sách O Xưa. Photo: Patrick Hoàng
 
Trước khi mời nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ lên phát biểu, MC Jimmy Nhựt đã giới thiệu tóm tắt về nhà văn Nhã Ca như sau: Bà đã xuất bản hơn 50 tác phẩm. Bà đã đoạt giải thưởng thi ca toàn quốc vào năm 1965 tại Sài Gòn. Bà đã được giới văn học Miền Nam trao tặng danh hiệu “đệ nhất nữ thi sĩ.” Nhiều tiểu thuyết của Nhã Ca về chiến tranh Việt Nam từ lâu đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh và đóng thành phim. Gần đây nhất là cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế” đã được dịch sang tiếng Anh và do Nhà xuất bản Indiana University Press phát hành. Jimmy kể tiếp về nhà văn Nhã Ca: “Là người hai lần sống sót sau Huế Tết Mậu Thân và Saigon đổi đời, ngay khi rời khỏi nhà tù Việt Nam năm 1998 để sang Bắc Âu rồi Hoa Kỳ, Nhã Ca đã nhanh chóng trở lại bàn viết. Từ hơn 30 năm qua, Nhã Ca là chủ nhiệm sáng lập Việt Báo Dailly News. Những cuốn sách xuất bản ở hải ngoại của bà gồm Sài Gòn Cười Một Mình, Hoa Phượng Đừng Đỏ Nữa, Chớp Mắt Một Thời, Bộ truyện Đường Tự Do Sài Gòn với 3,000 trang sách, Nhã Ca Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng,  và cuốn tuyển tập truyện ngắn O Xưa ra mắt vào hôm nay.”

Trong khi đó, MC Thụy Trinh cho biết rằng nhà văn Nhã Ca là tác giả bị Cộng sản lên án tử hình khi bà viết “Giải Khăn Sô Cho Huế” mà trong đó kể tội ác tàn sát tại Huế vào Tết Mậu Thân 1968. MC Thụy Trinh cho biết thêm rằng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, sách của nhà văn Nhã Ca đã “được treo cao” trong “nhà trưng bày tội ác Mỹ ngụy.” Còn nữa, căn nhà của nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ cũng là “mục tiêu hành quân đầu tiên của công an” trong chiến dịch bố ráp văn nghệ sĩ Miền Nam. Cả hai vợ chồng nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà vănNhã Ca đều bị cộng sản bắt bỏ tù. Chưa hết, chế độ cộng sản còn “cho viết sách, làm phim để kết tội Nhã Ca là ‘biệt kích văn hóa’.”

Khi được mời lên sân khấu để phát biểu, nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ đã bày tỏ niềm biết ơn đối với các văn thi hữu và bằng hữu bốn phương. Nhà văn Nhã Ca nói rằng, “Lời cảm ơn không thôi thì không đủ. Bà muốn đến ôm từng người đã đến dự hôm nay, nhưng vì đông quá nên bà chỉ xin ôm chung.” Bà nói đây là món quà quá lớn mà mọi người đã dành cho “hai ông bà già” này. Nhà thơ Trần Dạ Từ thì cũng “chỉ xin tháp tùng thêm lời chúc mừng đặc biệt đến các bạn thân yêu.”

Nhân dịp này, MC Jimmy đã hỏi nhà văn Nhã Ca đã viết tập truyện O Xưa vào lúc nào, truyện nào trong đó mà bà ưng ý nhất, và tại sao gọi là O Xưa? Nhà văn Nhã Ca cho biết bà đã viết tập truyện này khi mới sang Thụy Điển và sau đó đã viết xong lúc định cư ở California. Bà nói truyện mà bà ưng ý nhất trong O Xưa cũng chính là truyện O Xưa, và sở dĩ gọi là O Xưa vì tên của cô ấy là Xưa.

DSC_2858
Quan khách ở lại đến giờ cuối.


Khi MC Thụy Trinh hỏi nhà văn Nhã Ca rằng trong việc viết văn, làm thơ, làm báo và viết tiểu thuyết, nếu phải chọn một thì bà chọn việc nào, nhà văn Nhã Ca đã trả lời ngay là bà chọn làm thơ.

Khi nghe đến đây tôi nghĩ ngay đến mấy câu trong bài thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ của nhà thơ Nhã Ca:

“Từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời
Đổi họ thay tên viết văn làm báo
Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo
Cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư”

Khi được mời lên để đọc thơ của Nhã Ca, nhà thơ Đỗ Quý Toàn kể rằng từ khoảng năm 1955 ông và nhà thơ Trần Dạ Từ đã là bạn thân, trước khi nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca lấy nhau. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn đã mở tập thơ Nhã Ca và trúng ngay bài Mùa Hạ. Ông đọc, trong đó có đoạn:

“… Có nghe thấy gì không, nhìn thấy gì không
hỡi mặt trời đang lăn lộn cùng máu
với tiếng chim xưa và giọt lệ trên má
 
Tiếng chim khan, giọt lệ khô
nàng trăn trở và biến thành bụi mù
trong máu lửa, chiến tranh và mùa hạ.”
 
Đọc xong, ông gật gù nói: “Cũng hay nhỉ!” Mọi người đều cười và vỗ tay tán thưởng. Có lẽ đó là sự cảm khái và đồng điệu khi nhà thơ đọc thơ của nhà thơ.
 
DSC_2892
Nhà thơ Ngu Yên  nói về Nhã Ca, Thơ. Hình: Patrick Hoàng.
 
Nhà thơ Ngu Yên đến từ Houston, Texas đã nói về tập thơ của Nhã Ca. Nhà thơ Ngu Yên đưa ra hai điều tiêu biểu để nói về thơ của Nhã Ca. Thứ nhất, theo ông, nhà thơ Nhã Ca là người đã nói lên tiếng nói của thế hệ mình và có sức ảnh hưởng đến nhiều thế hệ theo sau. Nhà thơ Ngu Yên nói rằng thời đại của nhà thơ Nhã Ca là thời đại “trọng nam khinh nữ,” mà trong đó không có nhiều phụ nữ đứng lên để ca tụng thân phận của người phụ nữ. Nhưng nhà thơ Nhã Ca, theo nhà thơ Ngu Yên, là người can đảm đã nói lên quyền của phụ nữ, mà điển hình là bài thơ “Làm Đàn Bà” trong tập thơ Nhã Ca.

“… Cái nhà của ta, con cái ta
chăn gối của ta, giấc mơ ta
Hãy để ta, tự ta
Làm đàn bà để sống
Làm đàn bà để chết.”

Thứ hai, theo nhà thơ Ngu Yên, nền thơ mới Việt Nam là thơ óng ả, chải chuốt, còn thơ của Nhã Ca nói lên điều bình thường. Nhưng theo ông, phải là tay nghề mới sử dụng được cái bình thường đưa vào trong thơ. Ông nêu ra vài trường hợp tiêu biểu. Trước hết ông đọc vài đoạn trong bài thơ Tháng Giêng trong tập thơ Nhã Ca:

“… Anh rung cành, em hái trái
Cùng cắn ngập rang
Trái nghiệp chướng đắng nghét, hấp dẫn
 
Trúng độc rồi, phải không
Cùng tử thương
Chết nhé.
 
Chết đâu dễ, anh bảo
Còn bao nhiêu là việc
Đành chờ.
 
Sống tiếp hả anh
Ôi môi lửa
Đêm tháng Giêng xứ người
Ăn nốt trái oan đang chín đỏ.”

Và ông đọc bài thơ “Khi Trở Lại Sài Gòn” trong tập thơ Nhã Ca. Trong đó tôi nhớ nhất hai câu::

“Má ơi má ơi
Con còn sống”

Nhà thơ Ngu Yên nói rằng hai câu thơ đó đọc lên thì nghe rất bình thường, nhưng vì nó được thốt ra sau khi người con gái thoát chết nên không phải là bình thường nữa.

Ysa Lê, Giám Đốc Điều Hành Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA), trong phần giới thiệu tập truyện O Xưa, đã thưa trước rằng vì không phải là nhà văn hay nhà phê bình văn học, nên cô chỉ phát biểu với tư cách là một độc giả. Trong phần giới thiệu nhà văn Nhã Ca, Ysa nói rằng, “Trong số năm nhà văn nữ tiên phong trên văn đàn của Miền Nam Việt Nam từ giữa thập niên 1960, mà báo chí thời bấy giờ yêu quý gọi là “5 nữ quái” – gồm Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Nguyễn Thị Hoàng và Trùng Dương -- thì Nhà văn Nhã Ca là người theo nghiệp văn chương dài hơi nhất. Ra đến hải ngoại bà vẫn tiếp tục miệt mài sáng tác. O Xưa là tác phẩm thứ bảy của bà in tại hải ngoại.”
 
O xưa
Sách O Xưa hiện có bán trên mạng Amazon hoặc tại Việt Báo 7148942500. Photo: Nguyễn Lập Hậu.
 
Đi vào tập truyện O Xưa, Ysa cho mọi người biết rằng, “Tập truyện O Xưa gồm 13 truyện ngắn, không sắp xếp theo thứ tự thời gian, nhưng bắt đầu bằng một truyện ngắn lấy bối cảnh từ năm Ất Dậu 1945, khi Nhật còn chiếm đóng Việt Nam.  Các truyện ngắn không sắp xếp theo thứ tự thời gian, nhưng độc giả không cảm thấy hụt hẫng vì ở mỗi truyện tác giả lại tạo một không gian riêng biệt cho các nhân vật.”

Nhận định về các nhân vật trong tập truyện O Xưa của nhà văn Nhã Ca, Ysa phát biểu rằng, “Nhân vật của Nhã Ca có khi kỳ bí như đến từ miền hoang sơ, cổ đại của một truyền thuyết như O Xưa trong truyện ngắn O Xưa hay Mệ Uỷ trong truyện ngắn Rắn Hồng, hay nhân vật ma mị trong Liêu Trai Huế;  nhưng bà cũng có những nhân vật rất chi là đời thường mà quý vị có thể gặp đâu đó phất phơ trên đường phố Bolsa hay ở một góc phố chợ ngay trong khu Little Saigon, chỉ cách đây vài con đường!”

Nói đến văn phong của nhà văn Nhã Ca trong tập truyện O Xưa, Ysa có nhận xét “Văn phong của Nhã Ca có lẽ qua nhiều thập niên cũng không thay đổi. Trong sáng, giản dị. Không cầu kỳ, trúc trắc. Mà đặc biệt là những lời đối thoại của các nhân vật miền nào ra miền nấy.”  

Nhà thơ, nhà văn, và nhà báo Phan Tấn Hải đã được mời lên sân khấu để đọc thơ của nhà thơ Nhã Ca. Ông đã đọc 3 bài trong tập thơ Nhã Ca, gồm Thơ Sớm Mai, Tháng Giêng và Thơ Tiễn Anh Nguyên Sa (bài này được làm tại California vào tháng Tư 1998):

“Nhớ anh xưa mũ đội đầu
Mũ tây mũ mỹ mũ tầu mũ ta
Mũ tây độc, mũ đông tà
Mũ ông thầy, mũ chú ba cười cười
 
Một mình một ngựa. Ôi thôi
Bao nhiêu là mũ rụng rời. Anh đi
Mũ nan mũ dạ mũ ni
Hôm nay anh đội mũ gì quá quan.”
Khanh-Ly-Nguyen-Hoang-Ha
Khánh Ly và Nguyễn Hoàng Hà với bài Nụ Cười Trăm Năm, nhạc và lời Trần Dạ Từ. Hình: Patrick Hoàng
  
Xen kẽ vào các tiết mục trong buổi chiều thơ nhạc và ra mắt sách của nhà văn Nhã Ca là phần văn nghệ không kém sinh động và thú vị, với sự góp mặt của các ca sĩ Khánh Ly, Bích Liên, Mê Linh, Thụy Trinh, Nguyễn Hoàng Hà, nhóm Tứ ca, nhóm Cát Trắng, cùng với các nhạc sĩ Hoàng Công Luận, Sỹ Dự và Doãn Hưng.

Tiếng hát trầm ấm của ca sĩ Khánh Ly cất lên đã làm cho thân phận nghiệt ngã của người con gái trong bài thơ Nhã Ca Thứ Nhất, do nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng phổ nhạc, thêm da diết!

“Tôi làm con gái
Buồn như lá cây
Chút hồn thơ dại
Xanh xao tháng ngày…”

Từ thân phận buồn của người con gái, ca sĩ Khánh Ly quay về nỗi oan trái của thành phố mất tên trong nhạc phẩm Saigon Blues mà nhà thơ Trần Dạ Từ đã sáng tác ở trại tù Gia Trung năm 1981.

“Thành phố oan trái
Ngọn lửa đỏ cháy mãi
Thời trẻ trung rồ dại của ta…

Đời người không phải chỉ toàn là nước mắt và khổ đau. Nếu thế ai mà sống nổi! Ca sĩ Khánh Ly biết thế, nên bà đã cùng với ca sĩ Nguyễn Hoàng Hà gửi tới mọi người “Nụ Cười Trăm Năm” do nhạc sĩ Trần Dạ Từ sáng tác.

“… Cùng nhau, hai tuổi năm mươi
Có nhau, ta có chung nụ cười
Nụ cười trăm năm.”
 
DSC_2914
Mê Linh hát Make Me Your Guitar và Bay, nhạc và lời Trần Dạ Từ, với tiếng đàn guitar của Hoàng Công Luận. Photo: Patrick Hoàng
 
Chương trình còn có Mê Linh, một ca sĩ trẻ rất có tiềm năng, với giọng ca có nội lực sung mãn. Mê Linh đã góp hai bài hát do nhạc sĩ Trần Dạ Từ sáng tác: Make Me Your Guitar và Bay. Bay là nhạc phẩm được nhạc sĩ Trần Dạ Từ làm vào năm 2014 tại California.

“… Và áo bay môi bay mắt bay
tơ trời bay tóc bay
Sự sống bay.
Trong em trong tôi.
Bay ngay hôm nay
Bay bay ngay giờ này.
Bay. Bay. Bay
Bay bay! Ta cùng bay…”

Ca sĩ Bích Liên trước khi hát đã đọc bài thơ Trò Chuyện Với Mùa Đông in trong tập thơ Nhã Ca vừa được xuất bản năm 2023. Bài thơ nói lên tình cảnh điêu linh thống khổ của dân tộc trong thời chiến tranh máu lửa:

“… Bụi đã phủ suốt con đường trí nhớ
phủ luôn cả mùa đông
với những giọt mưa vội vã
tôi đứng, tôi đi và thở
lui tới chỉ vẫn những phiền muộn cũ
 
Không ai nhắc tới nữa
người này hay người kia
đang sống hay đang chết…”

Khi ca sĩ Bích Liên cất tiếng hát trong vắt của bà trong nhạc phẩm Chuông Và Mưa của nhạc sĩ Trần Dạ Từ thì tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên như mưa trong thính phòng.

“Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ
Ta nhớ, ôi ngày thơ
Thành phố xưa, hai đứa ta
Nơi hẹn hò
Quán nhỏ chiều mưa lũ…”

Gọi Tên Dòng Sông là thơ và nhạc phẩm của nhà thơ Trần Dạ Từ viết vào ngày 27 tháng 1 năm 2013 để tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013). Ca sĩ Bích Liên nói rằng nhà thơ Trần Dạ Từ đã kể là vào năm 1956 ông đã được nhạc sĩ Phạm Duy cho nghe nhạc phẩm Chiều Về Trên Sông và bài Gọi Tên Dòng Sông được viết ra trong hồi ức khó quên về nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.

“Gọi tên dòng sông.
Ngọn triều tung vỡ
Đâu bến đâu bờ
Quê quán thẩn thờ
Cây đàn rơi. Con chuồn bay
Về đâu ôi giấc mơ
Chàng thi sĩ ngu ngơ
Và năm tháng bơ vơ…”

Tiếp theo, ca sĩ Bích Liên giới thiệu nhóm Tứ ca (Nguyễn Hoàng Hà, Phương Hà, Thúy Hằng, và Vành Khuyên) hợp ca bài Ngàn Lời Ca do nhạc sĩ Trần Dạ Từ sáng tác vào dịp họp mặt tưởng niệm nhạc sĩ Phạm Duy tại Việt Báo Gallery chiều 30 tháng 11 năm 2013.

DSC_2998
Nhóm Tứ Ca Nguyễn Hoàng Hà, Thúy Hằng, Phương Hà, và Vành Khuyên con gái út của Nhã Ca/Trần Dạ Từ.


“… Và ngàn lời ca sinh sôi
Trong hơi ấm lòng người
Lời buồn, lời vui, lời nhân ái
Thành lời con sông, lời con suối…”
 
Một bất ngờ cảm động sau đó là tiếng hát và tiếng đàn guitar của Vành Khuyên, con gái của Trần Dạ Từ/Nhã Ca trình bày nhạc phẩm Vầng Trăng Xưa. Nguyễn Hoàng Hà hát bài Như Bóng Trăng Xưa. Cả hai nhạc phẩm đều do nhạc sĩ Trần Dạ Từ sáng tác.
 
Ca sĩ Khánh Ly trở lại sân khấu với ban hợp ca Cát Trắng trong nhạc phẩm Với Ai Tôi Hát, do nhạc sĩ Trần Dạ Từ viết riêng cho Khánh Ly nhân 60 năm ca nhạc của bà.

Khanh Ly Cat Trang
Khánh Ly hát Với Ai Tôi Hát, nhạc và lời Trần Dạ Từ, cùng ban hợp ca Cát Trắng. Hình: Nguyễn Lập Hậu.
 
Nhạc phẩm cuối cùng nhưng được nhiều người nhắc đến nhất là bài Ở Lại Yêu Anh do nhạc sĩ Trần Dạ Từ phổ thơ Đêm Xuân của nhà văn Nhã Ca, do chính MC Thụy Trinh trình bày với phần đàn của Doãn Hưng. Trước khi hát, MC Thụy Trinh đọc lời thơ Đêm Xuân nồng nàn và lãng mạn, và rồi bay bổng theo thanh âm của nhạc điệu;
 
Thuy-Trinh-Doan-Hung-2
Thụy Trinh với bài thơ Đêm Xuân và nhạc phẩm Ở Lại Yêu Anh (Trần Dạ Từ/Nhã Ca) và tiếng đàn của Doãn Hưng. Hình: Patrick Hoàng
  
“… Đêm bao dung đêm hiền hòa mới lạ
Đêm ngửa bàn tay đêm động làn môi
Đêm dịu dàng đêm ngọt giấc mơ tôi
Đêm trên núi cao đêm trong hồn nhỏ
Đêm thơm nồng nàn mùi hương trí nhớ
 
Khi những nàng tiên từ bỏ trần gian
Em là nàng tiên ở lại yêu anh.” 
 
Chiều thơ nhạc và ra mắt sách của nhà văn Nhã Ca khép lại lúc mười giờ tối, với lời nguyền của nàng tiên một lần và mãi mãi “Ở Lại Yêu Anh.”

Trên đường về, tôi miên man nhớ tưởng đến bài thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ mà nhà văn Nhã Ca đã đọc cho nghe tối nay.

“Tôi lớn lên bên này sông Hương
Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ
Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ
Cửa từ bi vòn vã bước chân sông
Mặt nước xanh trong suốt tuổi thơ hồng
Tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn
Những đêm tối bao la những ngày tháng lớn
Những sáng chim chiều dế canh gà
Tiếng chuông buồn vui dợn thấu trong da
Người với chuông như chiều với tối…”

Lâu lắm rồi, những buổi tối và những buổi sáng tinh sương ở quê người tôi không còn nghe được tiếng chuông chùa ngân vang. Nhưng Tiếng Chuông Thiên Mụ mà nhà văn Nhã Ca đã gióng lên tối nay có sức mạnh kỳ diệu lôi kéo tôi về lại bến bờ của dĩ vãng xa xưa, làm “bàng hoàng nhớ…”

Cảm ơn nhà thơ, nhà văn Nhã Ca. Cảm ơn tất cả những bài thơ và những tác phẩm của Chị.
  
Bài của Huỳnh Kim Quang 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại. Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.