Hôm nay,  

Em muốn anh cưới em!

16/02/202310:27:00(Xem: 2625)
Truyện

couple-in-love


Chinh mở cửa khệ nệ ôm theo sọt quần áo dơ bước xuống cầu thang dẫn xuống basement. Chiều nay cô bé cố tình xuống trễ vì biết chắc giờ này anh Bách đã trở về nhà, là căn phòng nhỏ riêng biệt dưới basement. Nhà không rộng lắm nhưng bố mẹ cô vẫn cho người thuê căn phòng dưới basement để kiếm thêm tiền trả cho mortgage. Phòng giặt quần áo builder đã xây dưới basement nên cả chủ nhà và người thuê mướn nhà cùng đồng ý xài chung máy giặt tại chốn này.

 

Bách cũng vừa mang đồ tới cửa phòng giặt, anh khựng lại khi nhìn thấy Chinh:

 

– Cháu cũng giặt đồ à, vậy cháu vào giặt trước đi.

 

Cô bé đủng đỉnh đặt sọt quần áo xuống và mỉm cười thân thiện:

 

– Anh đến trước em thì anh cứ giặt trước. Em đợi.

 

Nét mặt và giọng nói Bách vẫn nghiêm trang như mọi ngày:

 

– Tôi ít đồ lại ở sẵn dưới này lúc nào giặt cũng được. Cháu cứ tự nhiên.

 

Và Bách bỏ đi về phòng. Chinh nhìn thấy nồi cơm điện của anh vẫn cắm ổ điện trên bàn ăn và hộp đồ ăn vẫn đậy kín hình như chủ nhân chưa ăn cơm.

 

Bách thuê căn phòng dưới basement với giá rẻ hơn cả ở apartment vì có vài điều kiện là không được nấu nướng gì ngoài nấu nồi cơm điện và phòng giặt thì dùng chung với chủ nhà, thế mà lại vô cùng thích hợp với Bách, anh hầu như chỉ ở nhà vào buổi chiều tối và sáng hôm sau lại ra đi làm việc, cơm hàng cháo chợ ban ngày và chỉ ăn cơm nhà vào buổi chiều với vài món ăn mua sẵn ngoài tiệm food to go.

 

Chinh cho quần áo vào máy giặt xong, len lén đi ra phía bàn ăn, cô mở trộm hộp đồ ăn thấy có miếng cá catfish kho, giá xào hẹ và ít cải chua, hôm nay anh chẳng ăn canh rau gì cả. Có lẽ giờ này là giờ ăn chiều của anh trong khi bỏ đồ vào máy giặt vậy mà Chinh đã lanh chanh đến giặt trễ và phá đám giờ giấc thường lệ của anh. Mười lăm phút sau Bách mở cửa phòng bước ra thì thấy Chinh vẫn đang ngồi nơi bàn ăn của anh. Bách ngồi xuống ghế và xới cơm ra bát:

 

– Mời cháu cùng ăn cơm.

 

Không ngờ cô bé cảm động rối rít:

 

– Vâng, thích quá… Em cũng muốn… thử ăn cơm với anh cho vui.

 

– Nhưng chắc là không ngon cháu nhé, vì toàn là hàng chợ, ngoại trừ nồi cơm tôi nấu thì hôm khô hôm nhão.

 

– Mặc kệ, em đã nói ăn với anh cho vui mà.

 

Bách nghiêm mặt hẳn ra:

 

Có lẽ cháu đã quên ý nghĩa tiếng Việt trong cách xưng hô, tôi chỉ thua bố cháu đúng 6 tuổi, cháu là hàng con cháu thì đúng hơn. Tôi đã nhắc nhở cháu mấy lần rồi đừng gọi tôi bằng anh.

 

Chinh bướng bỉnh:

 

– Tuy em sang Mỹ từ năm 13 tuổi, nhưng 5 năm qua em vẫn duy trì tiếng Việt giỏi lắm. Anh vẫn là anh của em dù anh già bao nhiêu.

 

Bách lạnh lùng:

 

– Tôi không thích đùa.

 

Cô bé lắc đầu để cho mái tóc buộc cao ra phía sau, chùm tóc đuôi ngựa của cô đong đưa nghịch ngợm:

 

– Em cũng không thích đùa.

 

Chinh vừa nếm một thìa cơm vừa lẩm nhẩm tính toán:

 

– Em đã biết tuổi của anh rồi, em lấy tuổi bố trừ đi 6 năm, là anh 37 tuổi, hơn em chỉ có…19 tuổi.

 

Bách cũng phải mỉm cười:

 

– Tôi thua tính trẻ con của cháu rồi cô bé 18 tuổi ạ. Thôi, cháu ăn cơm cho no đi để còn ra giặt đống quần áo.

 

Chinh tò mò:

 

– Em nghe bố mẹ nói chuyện là anh đang định làm giấy tờ bảo lãnh vợ con anh ở Việt Nam sang Mỹ phải không?

 

Nét mặt Bách ánh lên một niềm vui:

 

– Cháu hóng chuyện người lớn giỏi đấy. Ừ tôi đang chuẩn bị giấy tờ đầy đủ cả, hi vọng khi gia đình đoàn tụ tôi đỡ phải sống lang bang như hiện nay.

 

Bách hân hoan nói tiếp:

 

– Ngày tôi sang Mỹ tu nghiệp con gái tôi mới lên 3 nay nó đã lên 10. Nhanh thật.

 

Thấy Bách lộ vẻ sung sướng khi nhắc tới vợ con, cô bé nói như dỗi hờn:

 

– Em chúc anh được như ý nhá.

 

Rồi Chinh đứng dậy, cô quay ngoắt người đi nhanh lên thang lầu, chùm tóc đuôi ngựa của Chinh lại đong đưa vùng vằng theo từng bước chân cô bé.

 

Gia đình Chinh cũng mới qua Mỹ được 5 năm và mới mua căn nhà này được hơn 1 năm, Bách đã dọn vào nhà này vài tháng sau đó. Thời gian chưa dài mà cô bé Chinh đã thấy quen thuộc với anh Bách của cô. Bách dáng gầy cao ráo, nét đẹp đàn ông với khuôn mặt vuông, vầng trán rộng thông minh, đôi mắt anh quá đỗi hiền lành sau cặp kính cận và nụ cười thân thiện. Chưa có chàng hoàng tử nào đến với lòng Chinh đẹp hơn anh Bách. Bách làm trong nghành truyền thông từ lúc ở Việt Nam, sau vài công việc liên quan đến ngành nghề tại Mỹ để xin được tấm thẻ xanh, hiện nay anh làm báo cùng với vài người bạn, báo Việt Nam phục vụ cộng đồng người Việt tại thành phố núi này, làm báo là đam mê của anh từ thời còn sinh viên. Mỗi ngày Bách phải đến toà soạn làm đủ thứ công việc để tờ báo sống còn, báo phát không miễn phí chỉ trông nhờ vào nguồn tiền quảng cáo không ổn định nên hầu như người chủ báo phải làm lấy tất cả từ lấy bài trên net, sáng tác viết bài cho tờ báo đa dạng phong phú chủ đề và kiêm cả lay out. Anh đi cả ngày vất vả quá làm Chinh nhớ Chinh mong. Chỉ khi nào thấy dưới basement có tiếng động, có ánh đèn biết Bách đã về cô bé lại thấy vui làm như anh Bách vừa về bên cô. Cô ước gì được nắm tay anh, đón anh vào nhà.

 

Cha mẹ bận bịu đi làm, cô bé được mẹ giao cho việc giặt quần áo, vô tình mẹ đã cho cô một công việc tuyệt vời, để có cớ bước xuống basement của anh, được nhìn góc sinh hoạt của anh và được gặp mặt anh. Mùa Đông vừa qua, cô bé chỉ sợ dưới basement không đủ ấm dù Bách nói máy sưởi vẫn tốt. Những ngày lạnh lẽo Bách khoác áo ấm và đội mũ len ra ngoài. Cô bé Chinh đếm được anh chỉ có 3 cái áo ấm và 2 cái mũ len cho suốt một mùa Đông phố núi mà thương. Dáng anh đơn độc đi trong mây mù âm u hay đi trong tuyết trắng mỗi buổi sáng mùa Đông khi ra chỗ đậu xe đều làm cô bé rung động bâng khuâng, cô lại ước gì được sánh vai đi cùng anh thì dù mùa Đông phố núi nhiệt độ có lạnh xuống con số âm cô cũng vui lòng. Ở phố núi buồn và mùa Đông thì lạnh quá, cô bé mơ đến một tình yêu. Anh luôn đối xử với cô như một ông chú ông bác già khó tính với cô cháu nhỏ, mà trong lòng Chinh anh Bách vẫn trẻ trung biết bao nhiêu. Hình như chính cô mới già đi vì cứ mãi quan tâm đến anh, rình rập anh từng mọi lúc và rầu rĩ nhớ anh từng ngày.

 

Khi Chinh trở xuống basement để cho quần áo vào máy sấy thì Bách không còn ở phòng ngoài nữa, anh đã ăn cơm xong và vào trong căn phòng riêng của anh. Cô bé ngồi nơi chiếc bàn ăn đã được dọn dẹp lau chùi sạch sẽ và đợi, chẳng biết đợi máy sấy quần áo khô hay đợi Bách. Anh không thèm ra ngoài dù biết Chinh đang ngồi nơi đây, cô bé cố tình ra bồn mở nước rửa tay ào ào mấy lần lẽ nào anh không biết. Cuối cùng khi quần áo đã sấy xong cho vào sọt để mang lên nhà cô bé không thể chờ đợi được nữa, cô ra gõ cửa phòng Bách, anh thò đầu ra:

 

– Gì thế cháu?

 

– Em xong rồi, anh ra giặt đồ của anh đi.

 

Bách thản nhiên:

 

– Tôi biết, cháu cứ lên nhà trên đi.

 

– Nhưng…

 

Cô bé bỗng nghẹn lời làm Bách ngạc nhiên, anh mở hẳn cửa bước ra ngoài chưa kịp hỏi thêm thì Chinh đã quay ngoắt đi y như lúc nãy để bước lên thang lầu, nhưng lần này cô đứng gần Bách quá, chùm tóc đuôi ngựa của Chinh vùng vằng đã hắt vào mặt Bách, sự dỗi hờn vô cớ làm Bách càng thêm ngạc nhiên. Còn lại một mình anh thảng thốt tần ngần với cảm giác những sợi tóc thơm vừa bay qua, nhẹ nhàng và êm ái. Bách bất giác đưa tay sờ lên má mình, nơi chùm tóc của cô bé vừa chạm vào.

 

Từ sau hôm ấy Bách thường đi làm về trễ, giờ giấc thất thường và có những hôm Bách không về nhà ngủ làm cô bé Chinh lao đao mong ngóng, những lần xuống basement giặt đồ cô đều buồn tênh và thất vọng. Cô lo lắng không biết anh Bách của cô thế nào? Anh Bách của cô đi đâu?

 

Cô bé chẳng chịu thua, một buổi tối Chinh canh chừng bố mẹ vào phòng ngủ rồi len lén mở cửa lối đi xuống basement khi Bách vừa về đến, anh lại về trễ như suốt cả tuần nay.

Bách khựng lại khi thấy Chinh hiện ra ở chân cầu thang, đôi mắt cô bé  long lanh đằm thắm một niềm vui cùng với tiếng reo lên:

 

– Anh Bách!

 

Và cô bé chạy ào đến ôm chầm lấy Bách, hình như những ngày vắng anh tâm tư dồn nén nên cô òa nói miên man như dòng nước vỡ bờ không có gì ngăn chặn được:

 

– Em nhớ anh lắm, mấy hôm nay anh đi đâu không về, em yêu anh từ khi anh mới dọn vào nhà này, anh là tình yêu đầu tiên của em, em không thể sống thiếu anh đâu.

 

Cô nói xong và úp mặt vào ngực Bách thổn thức khóc, đôi mắt vừa mới cười vui, đôi mắt lại khóc hờn, vòng tay cô vẫn ôm chặt níu chặt trên vai trên cổ Bách.

 

– Em muốn anh cưới em. Hãy cưới em đi.

 

Sau những giây sững sờ bất động như một khúc cây khô Bách cố gắng gỡ vòng tay của Chinh ra:

 

– Không thể nào… cháu không được nghĩ thế. Tôi cấm cháu…

 

– Có phải mấy hôm nay anh trốn em không? Tại sao anh đối xử với em như thế?

 

Cô bé nói đúng, Bách đã hiểu ra tình cảm của cô bé dành cho anh hôm cô dỗi hờn quay ngoắt người để chùm tóc đuôi ngựa của cô hắt vào mặt Bách, Bách muốn cô bé nguôi ngoai đi, tắt đi niềm hi vọng nơi anh, Bách đã ít về nhà, thậm chí còn toan tính chuyện sẽ dọn đi.

 

–  Tôi đã có gia đình vợ con, cháu còn rất trẻ. Hai ta đã là những khoảng cách to lớn rồi. Cháu hãy bình tâm và suy nghĩ lại, tôi xem những lời cháu nói hôm nay như một trò đùa trẻ con mà thôi.

 

Chinh vẫn thổn thức:

 

– Đừng cấm em yêu anh, đừng gọi em bằng cháu nữa. Em muốn anh cưới em.

 

Rồi cô bé nói như thách thức:

 

– Em chỉ yêu anh, dù anh thế nào, dù anh ở đâu em cũng cứ yêu anh và đi theo anh đấy.

 

*

 

Sự chống đối của Bách đã yếu dần từng ngày, từng ngày, anh đã cảm động trước tình yêu ngây thơ và nồng nàn của cô bé, niềm tự hào của một người đàn ông được yêu, một tình yêu tự nguyện tìm đến, lại từ một cô gái rất trẻ và xinh đẹp đã cho phép Bách dần dần thua cuộc. Bách trở lại cảm giác thơ mộng chờ mong và thương nhớ cô bé Chinh như khi mới yêu lần đầu của thời tuổi đôi mươi, mối tình đã làm Bách say mê và cuối cùng người của mối tình đầu đã trở thành người vợ Bách hiện nay. Họ đã sống hạnh phúc, đã chào đón đứa con ra đời, cho đến khi Bách được cơ quan cho sang Mỹ tu nghiệp, hai vợ chồng Bách đã cùng một quyết định cho tương lai gia đình họ, Bách sẽ tìm đủ mọi cách xin ở lại định cư tại Mỹ rồi bảo lãnh vợ con sang sau.

 

Anh đã trải qua bao gian nan và chờ đợi từ lúc xin được một công việc và được công ty chấp nhận thuê mướn chính thức. Bách có lý do hợp pháp xin tấm thẻ xanh, thời gian này Bách phải chờ đợi mất vài năm, rồi tới khi được nhập quốc tịch. Cái giá phải trả cho một tương lai tốt đẹp vợ chồng Bách phải hi sinh 7 năm trời xa nhau, chưa kể thời gian chờ bảo lãnh sẽ mất khoảng một hai năm nữa kể từ ngày nộp đơn.

 

Tình yêu mới đã làm Bách choáng váng, cô bé Chinh luôn giục giã Bách bằng câu nói “Em muốn anh cưới em”. Và cô đòi hỏi Bách không được bảo lãnh vợ con sang Mỹ, cô sẽ là vợ Bách, sẽ sinh đẻ cho Bách mấy đứa con. Bách lạc vào tình yêu chớp nhoáng của Chinh nhưng vẫn còn đủ chín chắn để hiểu rằng Chinh 18 tuổi còn bé bỏng, cô bé vẫn ở tuổi teen, anh phải giữ gìn cho cô bé cũng như cho chính mình. Với cha mẹ Chinh thì Bách như một người bạn vai em mà họ tin cậy và quý mến thế nên Bách càng phải giữ gìn. Bách chưa làm điều gi vượt quá giới hạn ngoài những nụ hôn và vòng tay ôm mỗi khi Chinh xuống basement gặp Bách và kể cả đôi lần hẹn hò nhau khi xem phim, khi đi ăn.

 

Bách luôn luôn ân cần khuyên nhủ và hứa hẹn:

– Em phải vào đại học, học xong đại học thì sẽ tính tiếp.

 

– Anh tính toán như ông già ấy, tại sao chúng ta yêu nhau không lấy nhau ngay bây giờ?

 

Bách phải “đe doạ”:

 

– Anh cưới em bây giờ thì chúng ta nghèo lắm, anh làm báo không đủ nuôi Chinh đâu.

 

– Em không cần tiền, em chỉ cần anh. Em sẽ đi làm bồi bàn ở McDonald’s nuôi anh.

 

Bách cảm động đắm đuối vì những lời Chinh thốt ra hồn nhiên chân thật từ đáy lòng.

Bấy lâu nay khi chưa biết tình yêu của cô bé Bách luôn coi mình vai cha vai chú của Chinh, nay Chinh nói anh như “ông già” Bách bỗng thấy một chút khó chịu, anh muốn mình được trở lại thời tuổi trẻ.

 

Tháng 8 Chinh vào đại học, Bách hạn chế gặp gỡ và hẹn hò để Chinh lo việc học hành, cũng là để Bách suy nghĩ về bản thân mình, thử thách với bản thân mình và thử thách cả Chinh, anh luôn bị giằng co, không thể bỏ vợ con đang chờ mong ngày đoàn tụ nhưng nếu một ngày nào đó anh lấy Chinh thì tình yêu này sẽ đi đến đâu? Cán cân tình yêu giữa Chinh và vợ con luôn ngang ngửa làm Bách bối rối và đau khổ. Và Bách càng ngạc nhiên với chính mình, anh đã yêu cô bé mỗi ngày một thêm sâu nặng, Anh thèm được nhìn thấy Chinh, được nghe Chinh ríu rít, Chinh nũng nịu và ngay cả đòi hỏi ghê gớm của Chinh là anh không được bảo lãnh vợ con, anh cũng đã xiêu xiêu lòng, chưa tiếp tục. Vợ gọi phone sang thăm hỏi thì Bách trì hoãn nói đợi thêm một thời gian nữa để tài chính vững vàng thì anh sẽ nộp đơn bảo lãnh kết quả sẽ nhanh chóng hơn. Anh trở nên yếu đuối và nhu nhược từ lúc nào rồi, anh đã bị Chinh bỏ bùa mê thuốc lú từ lúc nào rồi.

 

Tình yêu có thể đến dễ dàng với anh đến thế sao? Khi trước đó anh không hề có chút tình ý gì với Chinh, khi anh đang một lòng một dạ mong ngày đoàn tụ với vợ con. Cô bé đã xông vào đời anh, thổi vào lòng anh một cơn lốc bất ngờ làm anh chênh vênh và gần như gục ngã.

 

Xong mùa Fall Semester, mùa Đông lại đến, Chinh sẽ được nghỉ mấy tuần chờ mùa học tới. Mùa Đông năm nay rất khác với Bách dù ngoài đường vẫn gió lạnh tuyết rơi. Thành phố Salt Lake có nhiều núi nhiều mây, có nhiều con đường dốc cao dốc thấp, có nhiều vỉa hè lạnh và đẹp với hàng cột đèn thấp thấp, bóng mờ thắp lên khi chiều tàn đêm xuống đang chờ đợi tình yêu hẹn hò của anh và cô bé.

 

Buổi chiều Chinh xuống basement, không mang theo đồ để giặt như thường lệ, điều ấy không làm Bách để ý, anh chỉ mong được ôm người tình bé nhỏ trong tay và nghe cô thủ thỉ những thương nhớ và mơ ước tương lai. Cô bé đã lớn thêm 1 tuổi, thêm một chút xinh đẹp và chắc là bớt một chút trẻ con.

 

– Anh ơi... Em muốn…

 

Vừa giáp mặt Bách cô đã thốt lên ngay làm như không còn cơ hội cho cô nói. Bách vội âu yếm ngắt lời cô bé:

 

– Em muốn anh cưới em chứ gì, ngay bây giờ chứ gì? Anh đã nghe câu nói này cả trăm lần rồi. Chinh ơi, anh đã nói em cần phải hoàn tất đại học, em cần lớn thêm nữa. Hiểu chưa?

 

– Anh nghe em nói hết câu đã. Lần này em muốn… chia tay anh, chúng mình sẽ chia tay.

 

Bách cười cợt:

 

– Thì ra em vẫn tính trẻ con, sao Chinh lại phí phạm thời gian bên nhau để đùa với anh thế?

 

Nhưng gương mặt và giọng nói Chinh nghiêm trang, không hề đùa:

 

– Em đã có một bạn trai, anh ta học cùng lớp, cùng tuổi, cả hai chúng em đều trẻ trung và nhiều sở thích giống nhau. Chỉ vài tháng ở đại học em đã khám phá ra chung quanh em có những chàng trai để cho em yêu thích và chọn lựa, thế giới này bao la và thơ mộng hơn nơi góc nhà dưới basement này và anh thì càng ngày càng cũ kỹ, già nua.

 

Bách sửng sốt như ngày nào anh đã sửng sốt khi khám phá ra Chinh yêu anh. Cô bé quay ngoắt người như thói quen mỗi khi có tâm trạng gì cần bày tỏ:

 

– Anh lo bảo lãnh vợ con anh đi. Em thành thật xin lỗi anh đấy.

 

Chùm tóc đuôi ngựa quen thuộc của cô bé lại tung tẩy lên theo bước chân vội vàng nhẩy tót trên những bậc thang dẫn lên nhà, lạnh lùng và có cả tàn nhẫn. Bách ngồi chết lặng nơi bàn ăn, ngồi rất lâu bàng hoàng chưa ra khỏi cơn mơ. Cô bé đã yêu anh biết bao nhiêu, những lần cô đòi cưới, những lần cô khóc cười buồn vui vì anh. Tất cả đều là tình yêu bồng bột sôi nổi của tuổi trẻ con, chỉ có Bách gần 40 tuổi đầu và nhiều kiến thức đời mà cũng bồng bột sôi nổi yêu và tin vào tình yêu như bong bóng nước, như mây tụ rồi tan ấy.

 

18 tuổi Chinh yêu anh, 19 tuổi Chinh đã có tình yêu khác, sang năm cô 20 tuổi biết đâu lại có một tình yêu khác nữa. Chinh nói đúng, thế gian này bao la cho cô còn nhiều dịp yêu và lựa chọn tình yêu.

 

Bách đưa tay sờ lên mặt mình thử tìm lại cảm giác rung động khi lần đầu tiên chùm tóc đuôi ngựa của Chinh đã hắt vào lúc cô ngúng nguẩy dỗi hờn hé lộ một tình yêu, nhưng chỉ còn lại một cảm giác buồn trống trải. Những mùi hương của tóc, mùi hương của thân thể cô bé ngây thơ xinh đẹp và quen thuộc mà Bách từng ấp ủ trong tay hình như cũng đã theo gió bay đi.

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại. Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.