Hôm nay,  

Trang thơ mùa xuân: Em mãi là hai mươi tuổi…

22/01/202314:22:00(Xem: 2070)

2- Ann Phong, Fishes in the Water, 12x12, mixed media, 2018.1.1
Tranh Ann Phong.



Trong bài thơ “Không Đề” của cố thi sĩ Quang Dũng, có hai câu của chàng nói với nàng sau hai mươi năm xa cách, Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa… Điều gì khiến Quang Dũng vô hiệu hóa được sự tàn phai của thời gian? Mùa xanh ấy có phải là điểm nhấn rực rỡ của mùa xuân trên dòng trôi bốn mùa, và phải chăng tuổi hai mươi là nơi mà nhịp bổi hổi bồi hồi của đôi trái tim để lại dấu ấn? Nó mạnh mẽ tới mức người ta thấy thời gian ngừng lại. Ngang đó. Không trôi. Cứ là mùa xuân, cứ là hai mươi tuổi. Nó là gì vậy, mà dám chơi ngang ngửa với thời gian? Hình như là tình yêu. Hình như là tại khí tiết mùa xuân. Hai mà một. Cho nên, hình như thôi, vì bạn đọc hết những bài thơ dưới đây – của các nhà thơ Bùi Giáng, Nhã Ca, Pháp Hoan, Sara Teasdale, Lê Thị Kim, Trịnh Y Thư, Nguyên Yên, Nguyễn Thị Khánh Minh, Chiêu Anh Nguyễn, Vũ Hoàng Thư, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thiệp – sẽ thấy hết cái năng lực chuyển hóa vui-buồn của nó trong tâm chúng ta.

 

*

 

BÙI GIÁNG

 

Lời xuân

 

Xin lời nói ở trên môi

Là lời ở lại bên đời quên nhau

 

Bụi hồng, ấy của chiêm bao

Thì con sóng đục chìm vào nước xanh

 

Linh hồn, ấy ngục xin kham

Lời sai trên miệng sẽ không là lời

 

Xin mùa lá rụng và rơi

Sẽ lên đường gặp ấy trời mùa sau

 

Ra đi hẹn với xuân đầu

Buổi hồi nguyên lại pha màu bình minh

 

Con chim về sẽ đậu cành

Tiếng ca ấy sẽ hòa thanh với lời

 

– Bùi Giáng

(Trích từ tập thơ Mưa Nguồn)

 

*

 

NHÃ CA

 

Vết cắt xuân

 

Tôi giẫm mùa đông dưới gót chân
Sầu tôi vết cắt vẫn chưa săn
Bùn rong rễ mốc, hồn cây mục
Một mặt trời in đỏ dáng xuân

Tuổi đã mù trơ, gió đã yên
Cành rêu thơ dại, cổ tay mềm
Biển xa cát gạn cuồng lưu rút
Trôi hết đâu rồi tuổi thiếu niên

Tôi ngó hoài trên váng đá xanh
Hào nghêu dần nhấm hết tên anh
Nhìn coi, đó, nụ cười xa lạ
Bờ bãi nằm nghe biển giật mình

 

– Nhã Ca
(Trích từ tập thơ Nhã Ca, NXB Thương Yêu, 1972)

 

*

 

PHÁP HOAN

 

Sự cứu rỗi của mùa xuân

 

Những ngày tháng đẹp bọc kín trong những giấc mơ đẹp

tôi đã biết sống vui hơn sau bao ngày mỏi mòn trên giường bệnh

mùa xuân đã thực sự cứu vớt một cuộc đời

 

Tôi sẽ ra đồng và gieo những bài ca

tôi sẽ đặt tên những bông hoa luống tuổi

ngọn gió mát lành sẽ buộc tôi mãi mãi nơi đây

trên những đám mây khắc mãi những bản kinh cuộc sống

 

Những chùm trái ngọt đang chờ đợi trên cây

những dòng sông chưa một ai tắm gội

những cây cầu mây nơi đàn chim ước hội

những con đường nơi tôi cất bước trở về nhà

 

Và sự thật sẽ cất cánh bay cao

và trên đường đi không thiếu những lời chào

đá không là vàng, củi không là thóc

và lửa đạn không mang lại vinh quang

 

Tôi sẽ nằm xuống như một hạt giống bé con

và trong đất đen tôi vẫn còn ca hát

dù lớn lên, lụi tàn hay mục nát

tôi mãi được trở về với đất mẹ quê hương.

 

– Pháp Hoan

(phaphoan.com)

 

*

 

SARA TEASDALE

 

Thuật giả kim

 

Em sẽ nâng trái tim như mùa xuân

Nâng đoá cúc lên cơn mưa buổi sáng;

Trái tim em như chiếc cốc màu xanh

Chẳng giữ gì ngoài những niềm cay đắng.

 

Em sẽ học từ hoa lá trên cao

Giữ trong mình những sắc màu lấp lánh,

Để chuyển hoá thứ rượu của buồn đau

Thành chất vàng óng ánh.

 

– Sara Teasdlae

(Pháp Hoan dịch)

 

*

 

LÊ THỊ KIM

 

Khoảng trời xanh của tóc

 

Ta nhặt trên tay
Nửa mảnh hồn mình
Xanh lá cỏ
Và xanh niềm mơ ước
Người đâu nơi xa
Làm sao biết được
Nửa mảnh hồn kia
Nỗi-Nhớ-theo người

Trời Sài Gòn rất xanh
Và mây vẫn trắng
Sáng hôm nay
Chợt thoáng chút heo may
Nhắc mùa xuân
Đang hé nụ trên tay
Hãy trôi hết
Niềm đau vào dĩ vãng
Cho nỗi ngậm ngùi
Ánh lên tia nắng
Và khoảng trời xanh của tóc
Quay về

Ơi người ơi
Xin cùng ta ngắm kỹ
Phố ngoài kia
Me – lá đã hết vàng
Lá xanh nõn
Đón mùa xuân lụa mới

Và ta đó
Chừng như vừa nhặt được
Trái tim mình
Mới-mẻ-giữa-mùa-xuân

 

– Lê Thị Kim

 

*

 

TRỊNH Y THƯ

 

Lục Bát

 

Tiếng đêm giao bóng trăng ngàn

nụ hoa chớm nở đã tàn canh thâu

buông tay lỡ nhịp dạ sầu

bơ vơ một nỗi tìm đâu quê nhà.

 

 

Sáng ra thấy tóc chấm vai

chợt hay năm tháng đã dài đời nhau

dặm trường nhớ buổi mưa mau

xót xa ngày muộn trước sau – thôi đành.

 

Xin cho một khoảng trời xanh

dẫu không tri kỷ vẫn quanh nỗi buồn

xin cho một góc trời gần

dẫu không duyên nợ vẫn cần vòng tay.

 

Tôi đêm giú chín trái xanh

tôi xuân trái nở bên cành đông mai

em đừng cửa đóng then gài

tôi xuân đứng ở hiên ngoài chờ em.

 

Sương bay lả tả đầu ghềnh

tôi xuân gác trọ lênh đênh nửa đời

bờ thu áo trắng tro phai

bài ca nội cỏ âm dài tang mây.

 

– Trịnh Y Thư

(Trích đoạn từ bài thơ Con Nước Vô Danh gồm 42 bài lục bát).

 

*

 

NGUYÊN YÊN

 

Đêm


Cuối năm
mưa giao thừa đổ dốc
mặt lộ trơn tuột mọi chuyển động
những bóng ma
phản chiếu ngày tháng tuột dần.

Mưa giao thừa, giao thừa mưa
như lệ đổ
cơn sầu vào thành phố
vào mảng tim khô
vào tận cùng thể xác
nơi vết tích cuộc tình
như cơn mê
hợp tan.

Đêm ba mươi
xối vào ký ức
hình ảnh những giấc mơ
và từng cơn buốt nhức.

Làm sao bôi xóa hết
những vết nứt hằn sâu
từ phỉnh gạt
từ hoang tưởng.

Làm sao bôi xóa hết
khi trái tim
còn thức.

– Nguyên Yên

 

*

 

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

 

Nụ trăng đêm trừ tịch

 

Trong căn phòng cuối năm

Em nghe tiếng tháng Giêng

Rù rì nụ mai nhỏ

– Hãy chờ đêm, chờ đêm…

 

Xin anh đừng thắp đèn

Cho em còn nhìn thấy

Chút nắng ngày sót lại

Trong thăm thẳm nhìn em

 

Em nghe tiếng nói anh

Gần như bước mùa xuân

Đang đi về trước ngõ

Em nghe anh nói thầm

Xa như gió mùa đông

Đang thì thào từ giã…

 

Như chạm phải thời gian

Bước nắng mưa mệt mỏi

Em cầm bàn tay anh

Rưng rưng niềm đá sỏi

 

Như về theo hoa khuya

Hương ba mươi tĩnh mịch

Miên man nụ hôn đêm

Nở thành trăng trừ tịch…

 

– Nguyễn Thị Khánh Minh

 

*

 

CHIÊU ANH NGUYỄN

 

Mùng Bốn

 

Sáng này bầy chim sẻ đã bỏ đi đâu
Những ghế bàn ẩm
Dãy phố cong hoa sứ rụng mê buồn...
Sáng đầu năm con dốc thả giận hờn
Khách quen ngồi
Môi quen thơm
Gió quen hơi thầm thì vọng

Góc quanh có con sông lượn về vô định
Sách vở trơ mùi giấy quạnh hiu.
Sáng nay buồn như thể cô liêu

Hẹn hò tuổi mới
Ráng son gầy trên môi
Níu một thời
Tươi.

 

– Chiêu Anh Nguyễn

 

*

 

VŨ HOÀNG THƯ

 

Buổi sớm xuân

 

chừng như 

          dậy giữa cơn mồng

nguồn reo 

          suối mở

khơi hồng mạch xuân

người có bên?

hương trầm gần?     

mà tôi bỗng 

          nhịp muôn phần xuân ca

bật nguồn âm lời quê xa

ngày tích dấu

điệu rất nhà

          thân quen

buổi sương sớm

          có nhúm nhen

cơn gió thoảng

cửa hờ then

          thuận tùy

em má chúm

rộng vòng khuy

xuân về trổ hội

          chân đi dậy nguồn

tôi như chao

một cánh chuồn

đậu ngày vô lượng vỡ bùng nguyên xuân

 

– Vũ Hoàng Thư

 

*

 

HOÀNG XUÂN SƠN

 

Áo xuân xưa

 

Vịn hờ

vai áo em

xưa

ngỡ chòm mây trắng bay qua

vực hồng

có đôi chim vợ chim chồng

hót tràn khe lãnh

rừng thông

nắng trào

ửng mùa xuân

tới non cao

du hồn tiểu lụy

hoá vào đại ân

chín rồi

quả mộng trầm luân

áo em trắng giữa muôn phần

cỏ

cây.

 

– Hoàng Xuân Sơn

 

*

 

NGUYỄN XUÂN THIỆP

 

Trời đã cuối năm

 

em yêu

trời đã cuối năm

sao không nghe

       tiếng chim họa mi

       từ thơ tomas transtromer

       hót

bông tulip

      và daffodil. vàng

      cũng chưa nở lại

buổi chiều. anh chờ nghe. tiếng hát. từ bóng cây bông sứ

      chùa xưa

chỉ có tiếng gió. qua hàng ngói. xám

đâu bếp lửa đồng tâm. và lộc hưng. ngày nọ

anh kêu thầm. nỗi nhớ

      đất ơi. thời gian ơi

 

– Nguyễn Xuân Thiệp

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có lẽ đã đến lúc cần đặt câu hỏi về sự dễ dãi của khán giả Việt? Như vấn đề đã nhiều lần được đặt ra trong lãnh vực âm nhạc, với các cô ca sĩ trong nước gầm rú phô diễn kỹ thuật mà không chuyển tải được nội dung, cảm xúc của bài hát, phim Việt còn nặng tính phô trương kỹ thuật, nhét tất cả mọi chiêu, mọi nước bước, đường đi, ý tưởng vào cùng một vở kịch, rồi nhấn hết cỡ âm lượng, dung lượng trấn áp khán giả - hệt như việc đãi ăn một bữa buffet quá no nê, để khách hài lòng với số lượng mà quên để ý đến phẩm lượng.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.