Sáng hôm chủ nhật vừa qua dậy muộn, mặc dù tối qua tôi không dự một bữa tiệc Giáng Sinh nào, ở đâu. Chẳng qua là mấy tuần nay thời tiết vào đông luôn trở lạnh, và mưa đã bắt đầu tới khá thường, tôi thêm lười ra khỏi nhà. Ngồi thảnh thơi ngoài hiên, tình cờ nhìn thấy trên bàn nước một cuốn lịch, tò mò cầm lên xem: Hóa ra đây là tấm lịch bìa mỏng mà cơ sở thương mại quanh vùng gửi biếu qua bưu điện tới từ mấy ngày trước. Giở ra tờ đầu, tôi mới chợt nhớ rằng năm nay Tết Ta chỉ cách Tết Tây chưa đầy tháng. Và tôi nhìn thấy bức ảnh mấy đóa Đào nở giữa nhiều nụ chúm chím khác trên cành lá.
Chưa đầy một tháng nữa, xuân Quý Mão sẽ đến. Đến với đất trời, đến với bất cứ nơi nào trên trái đất này, đến với cá nhân tôi đang ngồi đây. Tự nhiên những hình ảnh lẫn chữ nghĩa về hoa xuân trong đời mình lần lượt thong thả hiển hiện đến...
Đầu tiên như ở bài Mưa Xuân đã đăng trong cuốn Kỷ Yếu Vĩnh Nghiêm năm 2001, có mấy câu thơ tôi viết trong thời đi tù ở Miền Bắc Việt Nam, xin trích ra đây chia sẻ với quí vị:
Mưa xuân hay sương mù cành lê
đất Bắc giờ đây đâu là quê
chỉ còn toàn tù và lũng núi
miền Nam xa hút mất nẻo về…
(1977)
…
Mưa xuân hay sương trắng rừng mai
để tang lịch sử thế kỷ dài
Cần vương, văn thân rồi kháng chiến
Không lẽ đời ta tang chế hoài?
(1978, ở trại tù Hoàng Bồ, Quảng Ninh)
Nhưng bao nhiêu nhọc nhằn dằn vặt từ thể xác đến tâm thần ấy vẫn không sao cướp đi hết được sức sống muốn vươn lên trong đáy lòng, tôi hồi ấy đã hạ bút viết tiếp:
Mai kia hoa cải vàng hơn
cho mình bớt lạnh bôn chôn bên trời…
(1980, ở trại tù Yên Định, Thanh Hóa)
Còn trong bài Xuân Về cách đây trên hai chục năm, tôi có liệt kê một loạt mấy bài thơ của nhà sư Huyền Quang (1254-1334), tổ thứ ba của phái Trúc Lâm Việt Nam (Nguyên tác Việt-Hán của bốn bài thơ Tứ Tuyệt được trích ra từ những trang 556, 559, 569, 571 trong cuốn “Tam Tổ Trúc Lâm- Giảng Giải” của Hòa thượng Thích Thanh Từ, Thiền viện Thường Chiếu in vào năm 1997 (Phật Lịch 2541). Trong ấy có bài như:
Vương thân vương thế dĩ đô vương,
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.
Tôi diễn dịch là:
Mất tăm mất tích đã lâu
bồ đoàn ngồi mãi lạnh nhầu khắp nơi
cuối năm trong núi quên ngày
thấy hoa cúc nở biết ngay xuân về
Riêng về thứ hoa đào ngày Tết thì tôi nhớ ngay tới bài:
Đề Tích Sở Kiến Xứ (*)
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong (**)
Thôi Hộ (772-846)
(*) Ghi lại những điều đã thấy năm xưa.
(**) Có bản đề là “xuân phong”. Tuy nhiên, đông phong và xuân phong đều mang ý nghĩa là cơn gió của mùa xuân).
Website http://thohoangnguyenchuong.weebly.com/th417-d7883ch-ch7919-haacuten/-tch-s-kin-x có ghi đại khái là:
Thôi Hộ (崔護) tự là Ân Công (殷功), người ở Bác Lăng, đất nước Trung Hoa. Ông sống vào khoảng niên đại Trung Đường (Đường Đức Tông). Đây là một trong những áng thơ tình bất hủ của Thôi Hộ, được người xưa truyền bá rộng rãi cho đến tận ngày nay.
Giới thiệu sự tích bài thơ:
Theo giai thoại, nhân một lần trong dịp tiết Thanh minh, Thôi Hộ dạo chơi phía nam kinh đô Trường An. Chàng trai thấy có một vườn đào đang nở hoa rất đẹp, chàng đến gõ cổng nhà ấy xin nước uống. Người ra mở cổng là một thiếu nữ xinh đẹp. Màu hồng của hoa đào và màu hồng của khuôn mặt giai nhân đã làm chàng trai sửng sốt. Uống nước xong, chàng cảm ơn ra đi (mà trong lòng luôn) mang theo hình bóng ấy.
Tiết Thanh minh năm sau, trở lại Đào hoa trang chàng cũng gõ cửa xin nước uống nhưng (chẳng còn được gặp lại thiếu nữ kia, mà hoa đào thì vẫn nở). Không nén được cảm xúc, chàng đã đề bài thơ lên cổng rồi ra đi...
Bản phiên dịch ra Việt ngữ của bài thơ này thì đã có không biết là bao nhiêu tài danh thực hiện, như của Tản Đà, của Trần Trọng Kim... Xin phép tôi không tiện chép lại ra đây.
Mấy năm cuối thập niên 1960, đang đi dạy ở mấy trường trung học tư thục ở Sàigòn mà trong đời sống luôn cảm thấy bức bách trước thời cuộc lúc bấy giờ, tự cho phép mình đắm chìm vào giữa không khí Thơ Đường, như một cách trốn tránh thực tại, tôi đã liên tục diễn dịch độ vài trăm bài thơ của một số tác giả suốt từ các triều đại đời Tùy-Đường cho đến nhà Thanh bên Trung Hoa. Trong ấy có phần dịch bài thơ này như sau:
Thơ đề
Hôm nay năm ngoái cổng này
hoa đào cùng với mặt người hồng tươi
Người xưa nay đã đâu rồi
hoa đào vẫn mởn chào mời gió xuân.
Nhưng phải công nhận rằng từ ấy cho đến tận bây giờ, cá nhân tôi vẫn nghiệm ra thấy chưa có một nhà thơ Việt nào diễn dịch hay, lột tả được trọn ý của tác giả Thôi Hộ một cách văn hoa hơn cả mà lại chỉ cần có một cặp lục bát như ở Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766-1820):
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
(Câu thứ 2747 & 2748)
Thế rồi đến độ trên hai chục năm nay, tôi vẫn còn nhớ bài thơ xuân năm nào mình đã nhẹ nhàng một cách tình cờ viết ra tâm tư của chính cá nhân mình khi ngồi ngoài hiên nhà như sau:
Mưa xuân sáng bậc thềm
cùng chim, lan, trúc huyền
trong trẻo tràn sinh khí
và mình thanh khiết thêm.
– Phạm Quốc Bảo