SEOUL – Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết Trung Quốc không chỉ có trách nhiệm mà còn có khả năng tác động đến hành vi của Bắc Triều Tiên, do đó ông kêu gọi Bắc Kinh ngăn cản Bình Nhưỡng theo đuổi tham vọng phát triển các loại vũ khí và hỏa tiễn hạt nhân bị cấm, theo Reuters đưa tin ngày Thứ Hai, 28 tháng 11 năm 2022.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Reuters hôm Thứ Hai, 28 tháng 11 năm 2022, ông Yoon kêu gọi Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Bắc Triều Tiên, thực hiện trách nhiệm của một thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ông cũng cho rằng nếu Trung Quốc không làm như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng hàng loạt khí tài quân sự đổ vào khu vực.
Ông Yoon nói: “Chắc chắn là Trung Quốc có khả năng gây ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên và họ có trách nhiệm tham gia vào quá trình này,” đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh có sử dụng ảnh hưởng đó cho hòa bình và ổn định hay không là quyết định của họ.
Tổng thống Hàn Quốc cũng lưu ý rằng các hành động của Bắc Triều Tiên đã khiến cho các nước trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản, tăng cường chi tiêu quốc phòng, và Hoa Kỳ triển khai nhiều máy bay và tàu chiến đến khu vực hơn. Cho nên, vì lợi ích của chính mình, Trung Quốc cũng cần ‘nỗ lực hết sức’ để thuyết phục Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Trong một năm kỷ lục về các vụ thử hỏa tiễn, trong tuần này, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cho biết Bình Nhưỡng có ý định sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới. Theo giới chức Hàn Quốc và Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên có thể đang chuẩn bị quay trở lại thử bom hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Ở hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, ông Yoon cũng đã thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm nhiều hơn để kiềm chế các hành động khiêu khích hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên. Ông Tập kêu gọi Seoul cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.
Trước thềm G20, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với ông Tập rằng Bắc Kinh có nghĩa vụ cố gắng ngăn cản Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, ông Biden cảnh báo ông Tập rằng nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí, sẽ dẫn đến Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, điều mà Bắc Kinh không muốn thấy.
Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý triển khai thêm “khí tài chiến lược” của Hoa Kỳ như hàng không mẫu hạm và máy bay ném bom tầm xa tới khu vực, nhưng Tổng thống Yoon không nghĩ sẽ có thay đổi đối với 28,500 binh lính của Hoa Kỳ đang đóng tại Hàn Quốc.
Khi được hỏi Hàn Quốc và các đối tác sẽ làm gì trong trường hợp Bắc Triều Tiên tiến hành một vụ thử vũ khí mới, ông Yoon tuyên bố sẽ có câu trả lời “chưa từng thấy trước đây,” nhưng không nói rõ chi tiết. Ông nói: “Sẽ rất là thiếu khôn ngoan nếu Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7. Chúng ta phải phản ứng một cách thống nhất và đồng bộ với nhau,” ông đổ lỗi cho sự thiếu thống nhất trong phản ứng quốc tế đối với Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc đã ‘kề vai’ với Bắc Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và kể từ đó ủng hộ nước này về mặt kinh tế và ngoại giao. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể không có nhiều quyền lực, và có lẽ cũng không có mong muốn kiềm chế Bình Nhưỡng. Trung Quốc tuyên bố họ thực thi theo các lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà họ đã bỏ phiếu ủng hộ. Nhưng sau đó, cùng với Nga, Trung Quốc đã kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt này và ngăn chặn các nỗ lực áp đặt các lệnh trừng phạt mới do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Tăng cường quan hệ và phối hợp với Washington là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của ông Yoon. Giống như người tiền nhiệm Moon Jae-in, ông Yoon đã có những bước đi thận trọng trong tình trạng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Trung Quốc vừa là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, vừa là đối tác thân cận của Bắc Triều Tiên.
Về vấn đề Đài Loan, Yoon cho biết bất kỳ xung đột nào cũng cần được giải quyết theo các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế. Ông nói: “Tôi kiên quyết phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng.”
Ông Yoon cũng coi việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản là mục tiêu quan trọng, bất chấp những tranh chấp pháp lý và chính trị kéo dài từ thời Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên (Korean peninsula) trong những năm 1910-1945.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đồng ý chia sẻ thông tin theo thời gian thực để theo dõi các vụ thử hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Là một phần trong kế hoạch mở rộng quân sự lớn nhất kể từ Thế Chiến II, Nhật Bản dự kiến sẽ mua các loại vũ khí mới, bao gồm hỏa tiễn tầm xa, tăng chi tiêu cho an ninh mạng và thành lập các trụ sở chỉ huy kết hợp trên không, trên biển và trên bộ, phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng của Hoa Kỳ tại Nhật Bản.
Tham vọng quân sự của Nhật Bản từ lâu đã là một vấn đề nhạy cảm với các nước láng giềng, có nhiều nước từng bị xâm lược trước hoặc trong Thế Chiến II.
Người tiền nhiệm của ông Yoon đã dừng nhiều cuộc tập trận ba bên và suýt từ bỏ thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo khi mối quan hệ trở nên xấu đi.
Ông Yoon cho biết, Nhật Bản đang phải đối mặt với ngày càng nhiều mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, bao gồm cả các cuộc thử nghiệm phóng hỏa tiễn bay ngang qua các đảo của Nhật Bản. Ông nói: “Tôi tin rằng chính phủ Nhật Bản không thể ngủ ngon khi hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên bay qua lãnh thổ của họ như vậy.”