Chúng ta đều sẽ có những lúc bị mất tập trung và hay quên. Quý vị đã: Cắt tag trên quần áo mới? Nhớ lại (và hối tiếc) những cuộc trò chuyện trong quá khứ? Có giai đoạn kiệt sức và mệt mỏi? Lơ đãng trong khi ai đó đang nói chuyện với mình? Trở nên tập trung quá mức khi làm việc trong một dự án? Gồng gánh hàng tá sở thích? Mơ màng? Quên cái này cái kia?
Theo TikTok, có thể quý vị mắc phải chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder – ADHD). Tính đến nay, các clip về tình trạng này đang nhan nhản trên ứng dụng TikTok, với thẻ tag #adhd và đã nhận được hơn 17 tỷ lượt xem. Nhiều người trẻ tuổi mô tả các triệu chứng cụ thể (và đôi khi đáng ngạc nhiên) của họ, chẳng hạn như nhạy cảm với những cảm giác khó chịu nhỏ nhặt (chẳng hạn như tag quần áo) hoặc tình trạng ‘liệt’ ADHD, một loại trì hoãn cực độ. Sau khi xem những clip dạng này, nhiều người không được chẩn đoán mắc ADHD như trẻ em có thể tự hỏi liệu họ có cũng bị giống như người lớn hay không.
Cũng như hầu hết các căn bệnh tâm thần, các triệu chứng của ADHD có thể khác nhau về loại và mức độ nghiêm trọng. Joel Nigg, giáo sư tâm thần học tại Trường Oregon Health & Science University cho biết, nhiều triệu chứng “là những tình trạng mà mọi người đều sẽ có lúc trải qua, lúc này hay lúc khác.” Tuy nhiên, chìa khóa để chẩn đoán ADHD đòi hỏi phải “xác định rằng các triệu chứng là nghiêm trọng, vô cùng nghiêm trọng” và gây ra khó khăn cho cuộc sống của người bệnh. Một điều không kém phần quan trọng là các triệu chứng đã xuất hiện từ thời thơ ấu.
Các chuyên gia cho biết những đặc điểm đó có thể không được nói tới trên mạng xã hội. Thực tế, một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay cho thấy hơn một nửa số clip về ADHD trên TikTok đã gây hiểu lầm. Nếu một clip (hoặc bài báo) khiến quý vị nghĩ rằng mình có thể chưa được chẩn đoán mắc ADHD, thì dưới đây là những điều cần cân nhắc.
Tại sao người lớn thường không được chẩn đoán ADHD?
Khoảng 4% người trưởng thành ở Hoa Kỳ có đủ các triệu chứng để được chẩn đoán mắc ADHD, nhưng ước tính chỉ có 1/10 trong số đó là được chẩn đoán và điều trị. Để so sánh, khoảng 9% trẻ em ở Hoa Kỳ đã được chẩn đoán mắc bệnh này và 3/4 số đó đã được kê toa thuốc hoặc liệu pháp hành vi để điều trị.
Theo bác sĩ Deepti Anbarasan, giảng sư lâm sàng về tâm thần học tại NYU Grossman School of Medicine, một lý do khiến người lớn không được chẩn đoán (ADHD) là khi mọi người nghĩ về ADHD, họ thường hình dung ra một cậu bé không thể nào ngồi yên và hay gây rối trong lớp. Nhưng những triệu chứng khuôn mẫu đó chỉ xuất hiện ở 5% trường hợp người lớn.
Thay vào đó, các triệu chứng phổ biến hơn ở người lớn bao gồm hay quên, khó tập trung, các vấn đề về tổ chức và sự trì trệ – điều mà các chuyên gia gọi là rối loạn giảm tập trung (‘inattentive ADHD,’ nó trái ngược với tăng động ‘hyperactive ADHD’). Bác sĩ Anbarasan cho biết: “Với người lớn, đôi khi không nhất thiết là hiếu động thái quá hay bốc đồng, mà là các vấn đề về chức năng hơn. Nó khó mô tả hơn.”
ADHD cũng có thể bị chẩn đoán nhầm thành một chứng bệnh tâm thần khác. Ví dụ, những người mắc ADHD thường gặp vấn đề với việc điều chỉnh cảm xúc; họ có thể tự nhiên thấy rất tức giận hoặc mang tâm trạng lên xuống thất thường. Họ cũng có thể hay suy nghĩ và lo âu quá mức bởi chính các triệu chứng ADHD. Do đó, nhiều người trưởng thành có thể sẽ được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu hơn, trong khi vấn đề gốc rễ thực sự là ADHD.
Làm thế nào để chẩn đoán ADHD ở người lớn?
Có ba câu hỏi chính mà bác sĩ tâm thần sẽ hỏi bệnh nhân để cân nhắc và xác định xem họ bị mất tập trung, hay quên bình thường hay bị ADHD: Quý vị có bao nhiêu triệu chứng? Quý vị có bị các triệu chứng này từ thời thơ ấu? Và chúng có ảnh hưởng đến hai hay nhiều phần cuộc sống của quý vị không?
Theo bác sĩ Craig Surman, điều hành Chương trình Adult ADHD Research Program tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, 2 câu sau đặc biệt quan trọng để xác định liệu họ có mắc ADHD hay không.
Một người phải có 5 trong số 9 triệu chứng được liệt kê trong hướng dẫn chẩn đoán tâm thần chính thức để được chẩn đoán mắc ADHD. Những triệu chứng này thường được chia thành ba loại: các vấn đề về năng suất hoặc hiệu suất (trì hoãn trong công việc hoặc không thể làm cho xong việc cần làm); trí nhớ (thường làm mất điện thoại, chìa khóa hoặc quên làm gì đó…); cũng như sắp xếp đồ vật và thời gian (nhà cửa luôn bừa bộn hoặc luôn đến muộn).
Những triệu chứng này phải ảnh hưởng tiêu cực đến hai hoặc nhiều phần của cuộc sống, chẳng hạn như công việc, gia đình và các mối quan hệ. Nếu nhà cửa của quý vị bừa bộn, nhưng quý vị lại thành công trong công việc và có cuộc sống giàu có và viên mãn, có lẽ quý vị sẽ không đủ điều kiện để được chẩn đoán bị ADHD.
Các triệu chứng cũng phải có từ trước khi quý vị 12 tuổi. Trong con mắt của hầu hết các bác sĩ lâm sàng, ADHD là một chứng rối loạn phát triển thần kinh, có nghĩa là nó bắt đầu khi đứa trẻ (và bộ não của chúng) còn nhỏ. Điều này có thể khó xác định nhất vì mọi người có thể đã được hỗ trợ chống lại hoặc làm giảm các triệu chứng mà họ không nhận ra. Ví dụ, cha mẹ có thể đã nhắc họ làm bài tập về nhà hàng ngày, giúp họ vượt qua khó khăn trong học tập.
Bác sĩ Anbarasan nói: “Có lẽ họ đã mắc chứng rối loạn này trong phần lớn cuộc đời, nhưng họ đã học được cách đối phó với nó theo nhiều cách khác nhau. Họ sẽ viết ra mọi thứ, tuân theo một trình tự sát sao và dành nhiều thời gian, công sức để tự sắp xếp.” Nhiều người không nhận ra vấn đề bất ổn cho đến khi những yêu cầu và trách nhiệm tăng lên theo độ tuổi, và các hệ thống, phương pháp mà họ đang sử dụng bắt đầu trục trặc.
Điều này có thể đặc biệt đúng đối với phụ nữ. Tỷ lệ các bé trai được chẩn đoán mắc ADHD gấp đôi so với các bé gái bởi vì, ngay cả khi còn nhỏ, các triệu chứng của các bé gái có xu hướng là thiếu tập trung (inattentive) hơn là tăng động (hyperactive). Kết quả là, những cô gái mắc ADHD có thể gặp khó khăn một chút ở trường hoặc được đánh giá là những cô nàng ưa trầm lặng mơ mộng, nhưng không chẩn đoán bệnh vì họ không gây rắc rối gì trong lớp hoặc ở nhà.
Nếu thực sự lo lắng về sự tập trung của mình nhưng không có các triệu chứng ADHD ở thời thơ ấu, quý vị có thể gặp một vấn đề sức khỏe hoặc tâm lý khác – các sự kiện gây chấn thương hoặc căng thẳng gần đây, thay đổi giấc ngủ hoặc sử dụng chất gây nghiện, các bệnh tâm thần khác hoặc thậm chí là sự khởi phát của chứng rối loạn thoái hóa thần kinh (neurodegenerative disorder) – có thể khiến quý vị nhầm lẫn với ADHD.
Bác sĩ Nigg cho biết: “Có ít nhất một tá chứng bệnh về tâm thần và nhận thức có triệu chứng giống với ADHD, cũng như một danh sách dài các vấn đề sức khỏe. Nếu nghĩ rằng mình bị ADHD, tôi khuyên quý vị nên kiểm tra toàn diện.”
Có những lựa chọn nào nếu được chẩn đoán mắc ADHD?
Tin tốt là điều trị ADHD khá dễ dàng. Các loại thuốc kích thích như Ritalin hoặc Adderall có hiệu quả trong việc giúp tăng sự tập trung. Một loại thuốc khác, được gọi là chất chủ vận alpha-2 (alpha-2 agonists), ban đầu được phát triển để điều trị huyết áp cao nhưng đôi khi cũng được kê đơn cho ADHD. Những loại thuốc này có thể giúp tăng sự tập trung mà không có nhiều hiệu ứng phụ (side effect) khó chịu của chất kích thích, chẳng hạn như mất ngủ hoặc chán ăn.
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc, chẳng hạn như huấn luyện và trị liệu hành vi, cũng có thể hữu ích. Những kỹ thuật này giúp mọi người hiểu cách ADHD ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ và cung cấp cho họ các chiến lược đối phó.
Bởi vì các loại thuốc có chứa chất kích thích có thể bị lạm dụng, câu hỏi khi nào và làm thế nào để điều trị những người mắc ADHD có thể gây khó khăn cho các bác sĩ lâm sàng. Nếu ai đó đáp ứng các điều kiện để chẩn đoán, nhưng các triệu chứng không khiến họ đau khổ nhiều và họ vẫn sống tốt mỗi ngày, bác sĩ Surman cho biết ông thường sẽ đề nghị các chiến lược như huấn luyện và trị liệu hành vi thay vì dùng thuốc.
Bất kể kế hoạch điều trị được đề nghị là gì, điều quan trọng là phải nhìn nhận nghiêm túc ADHD. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có nguy cơ tử vong sớm cao hơn, cả do tai nạn và tự tử. Họ cũng dễ gặp vấn đề về tài chánh, pháp lý, sử dụng chất gây nghiện, hành vi tình dục và lái xe không an toàn. Nếu được điều trị hiệu quả, những rủi ro đó sẽ giảm đáng kể.
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “How to Tell the Difference Between Regular Distraction and A.D.H.D.” của Dana G. Smith, được đăng trên trang NYTimes.