Một ngày mùa Thu năm 1968, tôi là một Trung úy Lục quân Mỹ lòng vòng trên bãi đáp trực thăng phía sau căn cứ Long Bình, cách Sài Gòn khoảng 20 dặm về hướng Đông Bắc. Trực thăng UH-1 “Huey” và “Loaches”, biệt danh của trực thăng OH-6 Cayuse đậu trong sương mù sáng sớm nhìn tựa như những chú sên rúc sau vườn ở bên nhà.
Tôi cần bay về Sài Gòn, hay chính xác hơn là đến căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt để gặp người bạn thời đại học của tôi là Trung úy Không quân Mike Buss đang làm việc trong căn cứ. Hôm đó là thứ Năm, ngày 28 tháng 11 (năm 1968) và là dịp để đôi bạn Iowa ăn tối với nhau trong Lễ Tạ ơn.
Tại Long Bình, tôi chỉ huy nhóm tám quân nhân được giao nhiệm vụ kiểm kê đạn dược của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam. Sau khoảng 119 ngày làm việc không nghỉ, các sếp của tôi tại ban chỉ huy hậu cần đạn dược đã đồng ý cho tôi vào thành phố nếu tôi có thể thu xếp được giữa các đêm làm việc.
Tất nhiên là Việt Nam không phải là chọn lựa hàng đầu thông thường cho lễ Tạ ơn của người Mỹ và một Trung úy Lực Không quân cũng không phải là người thân cho một dịp dành cho gia đình như vậy. Tuy nhiên vào thời điểm đó thì tôi đâu thể làm gì khác hơn. Mike và tôi là bạn thân từ ngày đầu tiên của năm thứ nhất tại đại học South Dakota ở Brookings. Chúng tôi từng là ở sát phòng trong khu học trú. Mike là một dạng ngôi sao khi chơi bóng bầu dục và bóng chày. Chúng tôi còn chơi chung bóng rổ.
Lúc bấy giờ, tất cả nam sinh viên tại South Dakota đều buộc phải tham gia khoá huấn luyện quân sự học đường ROTC của Lục quân hoặc Không quân trong hai năm đầu. Huấn luyện tùy chọn thêm hai năm cuối sẽ mang hàm thiếu úy. Dù không phải hăng hái gì nhưng Mike và tôi đều ghi danh khóa huấn luyện nâng cao và trở thành hạ sĩ quan. Tốt nghiệp vào những thời điểm khác nhau và việc phục vụ cũng khác nhau nhưng có một sự ngẫu nhiên đặc biệt là, cuối cùng đã dẫn cả hai chúng tôi đến Việt Nam vào giữa năm 1968, đúng nghĩa là “chỉ cách nhau một con đường”.
7:30 sáng trên bãi đáp trực thăng Long Bình ngay ngày Lễ Tạ ơn năm đó, những tia sáng đầu ngày ráng chui qua màn sương ẩm ướt phủ trên các hầm quân sự trong căn cứ và cánh rừng rậm rạp bên ngoài. Sương mù làm bãi đáp giống bị sũng nước. Thêm vào bầu không khí dày đặc đó là mùi khói cay nồng nặc phun ra từ vài chiếc Huey và Loaches chuẩn bị cất cánh. Tôi tìm được một chiếc Huey đi Tân Sơn Nhứt còn một ghế trống. Sau khi kiểm tra là chiếc ghế thực sự còn trống và không cần cho việc gì khác, tôi nhảy lên máy bay.
Đường bay Long Bình-Tân Sơn Nhất là "đường bay lụa", an toàn xinh đẹp. Nhiệm vụ giao cho các phi công chiến đấu để họ có chút thảnh thơi sau các phi vụ chiến đấu. Chẳng có ai tấn công chúng tôi và nơi đến là một phi trường văn minh. Trên cao mát mẻ và ngắm nhìn làng quê Việt Nam thật đẹp. Tuy nhiên vào thời chiến nên tôi cũng để mắt đôi chút. Trên đường bay, tôi thấy dăm người đàn ông mặc bà ba đen rõ ràng là Việt Cộng đang lẻn ven sông. Tôi chỉ cho người xạ thủ nhưng anh cũng chẳng phản ứng gì.
Căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt là một trung tâm đi-đến cho quân đội, trong và ngoài nước. Mike làm việc trong trạm radar mái vòm của căn cứ, cách bãi đáp trực thăng vài bước. “Radome”, như tên gọi của nó, được kiểm soát an ninh nghiêm ngặt nhưng với tôi thì chỉ hỏi viên quân cảnh không quân ngay ở cửa tên của Mike. Mike ra, chúng tôi đưa tay vỗ "high five" rồi đi vào trong với những màn hình radar. Hoạt động kiểm soát không lưu của Mike được gọi là "Trạm kiểm soát Paris" mà anh cũng không biết tại sao gọi vậy. Anh và các nhân viên là sếp của không phận Sài Gòn, không có phi cơ nào vào ra Sài Gòn mà không qua sự cho phép của trạm kiểm soát Paris này.
Chúng tôi đi bộ đến chung cư của Mike bên ngoài căn cứ. Không quân đã thuê nhiều khách sạn cho nhân viên mình ở. Căn phòng còn thiếu đôi chút nhưng với tôi là sang trọng và cũng tương đối an toàn. Mike kể chỉ có một lần hai nhân viên an ninh nổ súng vào nhau vì tưởng lầm là Việt Cộng.
Rời nhà Mike, chúng tôi lên xích lô đạp đến khách sạn Continental Palace ăn tiệc lễ Tạ ơn. Khách sạn này là nơi đến của Sài Gòn vào thời điểm 1968. Hôm đó có đầy ký giả, Mike và tôi cùng nhiều sĩ quan áo xanh khác. Cũng có cả một số dân sự.
Nhà hàng rộng rãi nằm trên tầng cao nhất của khách sạn bốn tầng và nhìn được quang cảnh tuyệt vời của thành phố. Tầng trên cùng này cũng có một đặc điểm đặc biệt khác được những người yêu thích nhà hàng sang trọng ưa thích là do độ cao của nó nên Việt Cộng không thể chạy xe Honda ngang qua và quăng lựu đạn vào được.
Khách sạn đãi tiệc buffet sang trọng ngày Lễ Tạ ơn với đủ món gà Tây, khoai tây nhừ và sốt chan, 10 loại rau quả salad và năm món tráng miệng. Ăn tối với Mike là xem như một bữa cơm gia đình xa nhà từ phía bên này trái đất. Chúng tôi đã có quá nhiều điều để cảm tạ.
Ăn tối xong, Mike và tôi dự định ghé Đại sứ quán Mỹ và tiệm quân tiếp vụ trong Chợ Lớn, một khu vực có nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống tại Sài Gòn. Đại sứ quán Mỹ thì từng trở thành tâm điểm chú ý của thế giới hồi đầu năm khi quân cộng sản tấn công vào trong Tết Mậu Thân. Thủy Quân Lục Chiến và quân cảnh Mỹ tiêu diệt 18 tên và bắt sống một tên sau sáu tiếng. Phía Mỹ thì năm lính Mỹ tử nạn. Truyền thông tường trình um sùm về Mỹ và đại sứ quán trở thành nơi được đặc biệt chú ý, kể cả tôi. Rời đại sứ quán, chúng tôi được vài người lính tốt bụng chở chúng tôi thăm vài công thự chính phủ miền Nam Việt Nam nên không còn thời gian mua hàng tại các PX trong Chợ Lớn.
Trực thăng về lại Long Bình tránh bay đêm nên chúng tôi phải vội quay về để bắt kịp chuyến bay. Trực thăng Huey đưa tôi về lại Long Bình, dư giờ để vào phiên trực đêm 12 tiếng thường lệ của tôi. Đương nhiên là thức suốt 24 tiếng, cũng sắp xếp nằm nghỉ tí cho đến khi các báo cáo bắt đầu truyền về văn phòng chúng tôi lúc nửa đêm. Phải nói là dù thiếu ngủ nhưng tôi vẫn giữ được tiêu chuẩn đếm đạn cao của mình.
– Jim Van Eldik
(Đinh Yên Thảo chuyển dịch)
Nguồn: www.historynet.com