Kể từ Sứ mệnh Apollo năm 1972, Mặt Trăng không còn bị ‘quấy rầy’ bởi bước chân của con người. Nhưng ‘nhà của chị Hằng Nga’ có thể sẽ sớm có khách. NASA đang có kế hoạch đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng trong thập niên này trong một loạt các chuyến bay vào vũ trụ có tên là Chương trình Artemis (hay Sứ mệnh Artemis).
Sứ mệnh đầu tiên, bắt đầu vào sáng Thứ Tư, ngày 16 tháng 11 năm 2022, là một chuyến bay thử nghiệm không có mang theo con người. Mục đích cuối cùng, dù có thể phải tới sau năm 2025, NASA có kế hoạch đưa các phi hành gia đến ở gần cực nam của Mặt Trăng và ở đó trong một tuần. Phi hành đoàn dự kiến sẽ đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên đi bộ trên Mặt Trăng.
ARTEMIS I
(Bay thử nghiệm – đã tiến hành ngày 16 tháng 11 năm 2022)
1. Khởi hành: Tàu vũ trụ Orion và hỏa tiễn Space Launch System được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida.
2. Tới quỹ đạo Mặt Trăng: Orion sẽ quay quanh mặt trăng khoảng 43,000 dặm trên bề mặt của Mặt Trăng.
3. Trở về: Để chuẩn bị cho cú va chạm, module chở phi hành đoàn (Crew module) sẽ tách khỏi module hậu cần (Service module). Khoang tàu chở phi hành đoàn sẽ lao xuống Thái Bình Dương với dù bung.
Trên đường tới Mặt Trăng, Artemis I sẽ triển khai 10 vệ tinh nghiên cứu nhỏ có tên là CubeSats.
Thay vì chở các thành viên phi hành đoàn, Sứ mệnh Artemis I chỉ chở 3 con ma-nơ-canh tên là Helga, Zohar và Chỉ huy Moonikin Campos. Helga và Zohar có chứa các cơ quan làm bằng nhựa, chẳng hạn như tử cung và phổi, trên đó có gắn thiết bị đo bức xạ, để các khoa học gia có thể nghiên cứu xem bức xạ trong không gian có thể ảnh hưởng đến các phi hành gia như thế nào.
Ba con ma-nơ-canh sẽ được đặt trong một con tàu vũ trụ có tên Orion, được thiết kế đặc biệt để bảo vệ các thành viên phi hành đoàn và các thí nghiệm trong không gian.
Orion được phóng lên vũ trụ trên Hệ Thống Phóng Vào Không Gian (Space Launch System – SSL), một hỏa tiễn mới cao 322 feet và nặng gần 6 triệu pound. SSL được sử dụng trong Artemis I là một trong những hỏa tiễn mạnh nhất mà NASA từng phát triển và có thể đưa con tàu tải trọng gần 60,000 pound lên Mặt Trăng.
ARTEMIS II
(Đưa phi hành đoàn bay ngang qua mặt trăng – dự kiến năm 2024)
1. Khởi hành: Sau khi phóng, các phi hành gia sẽ bay quanh Trái Đất trong 24 giờ, đồng thời kiểm tra các thiết bị điều khiển và hỗ trợ sự sống của tàu vũ trụ.
2. Bay qua Mặt Trăng: Con tàu sẽ bay khoảng 4 ngày trước khi tới và ngang qua Mặt Trăng.
3. Trở về: Một chiếc thuyền recovery boat sẽ đón các phi hành gia và vớt khoang tàu chở phi hành đoàn sau khi họ rơi xuống Thái Bình Dương.
Artemis II, sứ mệnh thứ hai, sẽ chở bốn phi hành gia đi vòng quanh Mặt Trăng và trở về Trái đất. Phi hành đoàn sẽ bay khoảng 4,600 dặm bên trên mặt tối của Mặt Trăng. Tùy thuộc vào vị trí của Mặt Trăng khi sứ mệnh diễn ra, đây có thể là khoảng cách xa nhất mà các phi hành gia từng ‘chu du’ trong Thái Dương Hệ.
Artemis III
(Hạ cánh xuống mặt trăng – dự kiến vào năm 2025)
1. Khởi hành: Sau khi phóng, các phi hành gia sẽ đi vào quỹ đạo Trái Đất, thực hiện kiểm tra hệ thống và thực hiện điều chỉnh bảng điều khiển năng lượng mặt trời.
2. Tới quỹ đạo Mặt Trăng: Trong khi hai thành viên phi hành đoàn hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng, Orion và hai phi hành gia còn lại sẽ trụ lại trên quỹ đạo.
3. Hạ cánh trên Mặt Trăng: Tàu đổ bộ Mặt Trăng sẽ rời khỏi Orion và hạ xuống quỹ đạo thấp hơn trước khi hạ cánh gần cực nam của Mặt Trăng.
4. Tạm biệt Mặt Trăng: Sau khi kết thúc nhiệm vụ một tuần trên bề mặt Mặt Trăng, các phi hành gia sẽ bay lên quỹ đạo thấp của Mặt Trăng trước khi trở về với Orion.
5. Trở về: Ngoài việc đưa phi hành đoàn trở lại Trái Đất, phi hành đoàn Orion cũng có thể mang về các mẫu khoa học để thử nghiệm trong tương lai.
Trong Sứ mệnh Artemis III, các phi hành gia sẽ hạ cánh tàu vũ trụ SpaceX ở gần cực nam của Mặt Trăng, còn Orion sẽ chờ đợi trên quỹ đạo Mặt Trăng. Vùng cực nam Mặt Trăng có những miệng núi lửa bí ẩn, vĩnh viễn bị che khuất, không thấy được ánh sáng Mặt Trời trong suốt hàng tỷ năm. Các mẫu vật ở đó có thể giúp khoa học gia hiểu thêm về lịch sử của Mặt Trăng và Thái Dương Hệ.
Nếu Sứ mệnh Artemis III thành công, NASA sẽ thường xuyên đưa phi hành đoàn lên Mặt Trăng. Họ cũng ấp ủ các kế hoạch đầy tham vọng như xây một căn cứ trên Mặt Trăng và xây dựng một tiền đồn vũ trụ có tên là Gateway quay quanh Mặt Trăng.
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “How 3 NASA Missions Could Send Astronauts Back to the Moon” của Eleanor Lutz, được đăng trên trang NewYorkTimes.