SHARM EL-SHEIKH – Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm nay đã bế mạc vào Chủ Nhật, 20 tháng 11, với thỏa thuận thành lập quỹ đặc biệt để chi trả cho những tổn thất mà các nước nghèo, dễ bị tổn thương, phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu, theo Reuters đưa tin ngày Chủ Nhật, 20 tháng 11 năm 2022.
Thỏa thuận này được ca ngợi như một thắng lợi trong việc ứng phó với các tác động tàn khốc mà sự nóng lên toàn cầu đang gây ra đối với các quốc gia dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, nhiều quốc gia cho biết họ cảm thấy bị áp lực phải từ bỏ các cam kết cứng rắn hơn trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1.5 độ C để đổi lại thỏa thuận về quỹ tổn thất và thiệt hại được thông qua.
Mặc dù không đạt được thỏa thuận nào về cam kết mạnh mẽ hơn đối với mục tiêu 1.5 độ C được đặt ra trong Thỏa thuận Paris 2015, nhưng “chúng tôi đã thống nhất thỏa thuận vì chúng tôi muốn đứng về phía những người dễ bị tổn thương nhất,” Đặc phái viên Khí Hậu Đức Jennifer Morgan mệt mỏi cho biết.
Khi được hỏi liệu mục tiêu của tham vọng chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn có bị mang ra thỏa hiệp hay không, trưởng đoàn đàm phán khí hậu của Mexico Camila Zepeda đã tóm tắt tâm trạng chung của các nhà đàm phán: “Có thể. Phải giành thắng lợi khi có thể.”
TỔN THẤT VÀ THIỆT HẠI
Thỏa thuận về quỹ tổn thất và thiệt hại đã đánh dấu một bước đột phá ngoại giao đối với các hòn đảo nhỏ và các quốc gia dễ bị tổn thương khác để giành được thắng lợi trước Liên Minh Châu Âu gồm 27 quốc gia và Hoa Kỳ, từ lâu đã phản đối ý tưởng này.
Nội dung này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, tuy nhiên nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến nó thành chủ đề được quan tâm nhất tại hội nghị. Quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao.
Các quốc gia giàu có được yêu cầu đóng góp vào quỹ, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chánh quốc tế. World Bank ước tính chỉ riêng lũ lụt ở Pakistan đã gây thiệt hại về kinh tế lên tới 30 tỷ đô la. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, tùy thuộc vào mức độ mà thế giới cắt giảm lượng khí thải carbon, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể khiến các nước đang phát triển tổn thất từ 290 – 580 tỷ đô la/năm vào năm 2030, và từ 1,000 – 1,800 tỷ đô la vào năm 2050.
Nhưng có thể sẽ mất vài năm nữa quỹ mới thực sự tồn tại, vì thỏa thuận mới chỉ vạch ra lộ trình để giải quyết các vấn đề như ai sẽ giám sát quỹ, tiền sẽ được phân bổ như thế nào – và cho ai.
John Kerry, Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ, đã không thể trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán vì có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Hôm Chủ Nhật, ông đã hoan nghênh thỏa thuận và cho biết sẽ tiếp tục thúc giục các nước phát thải lớn như Trung Quốc “nỗ lực đáng kể” trong việc giữ mục tiêu 1.5 độ C.
Hội nghị thượng đỉnh COP26 năm ngoái tại Glasgow, Scotland, chủ yếu tập trung vào chủ đề duy trì mục tiêu 1.5 độ C – bởi vì nhiều khoa học gia đã cảnh báo rằng sự nóng lên vượt quá ngưỡng đó sẽ khiến biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng.
Sau đó, các quốc gia được yêu cầu cập nhật các mục tiêu khí hậu của nước mình trước hội nghị thượng đỉnh Ai Cập năm nay. Nhưng chỉ một phần nhỏ trong số gần 200 quốc gia làm vậy.
Dù có ca ngợi thỏa thuận về quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại, nhiều quốc gia đã chỉ trích việc COP27 không thúc đẩy các mục tiêu giảm thiểu hơn, và cho biết một số quốc gia đang muốn rút lại các cam kết đã đặt ra trong Hiệp Ước Khí Hậu Glasgow.
Về nhiên liệu hóa thạch, hội nghị COP27 phần lớn là lặp lại từ ngữ của Glasgow, kêu gọi các bên đẩy nhanh “nỗ lực hướng tới việc giảm dần sử dụng điện than và loại bỏ dần việc sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch.”
Những nỗ lực bao gồm một cam kết loại bỏ dần, hoặc ít nhất là giảm dần, tất cả nhiên liệu hóa thạch đã bị cản trở.
Các chuyên gia phê bình đã chỉ ra một phần được cho là đã làm suy yếu cam kết của Glasgow, thường xuyên phải gia hạn các mục tiêu phát thải – nói rằng chương trình làm việc sẽ “không đặt ra các chỉ tiêu hoặc mục tiêu mới.” Một phần khác của thỏa thuận COP27 đã loại bỏ ý tưởng gia hạn mục tiêu hàng năm để quay trở lại với chu kỳ 5 năm theo Hiệp ước Paris.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết: “Thật bực bội khi phải chứng kiến các bước quá hạn về giảm thiểu và loại bỏ dần năng lượng hóa thạch. Chúng đang bị cản trở bởi một số nhà phát thải và nhà sản xuất dầu mỏ lớn.”
Đặc phái viên Khí hậu Na Uy Espen Barth Eide nói với các phóng viên: “Nó không hoàn toàn phá vỡ Glasgow, nhưng cũng chẳng cho thấy chút hy vọng nào.”