Sau các cuộc thảo luận, các chính giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia đã đồng thuận đưa ra một Bản Tuyên bố chung với các nội dung là lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga tại Ukraine, quan tâm đến tình trạng nợ và lạm phát đang bùng phát trại các nước, đồng thời kêu gọi bảo vệ một nền thương mại tự do cho thế giới và thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Chiến tranh xâm lược của Nga
Các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị đã chỉ trích việc Nga gây chiến tại Ukraine với những ngôn từ rõ rệt. Hầu hết đều đã lên án cuộc chiến đang gây ra sự đau khổ vô hạn cho con người và làm trầm trọng thêm các lỗ hổng hiện có trong nền kinh tế toàn cầu.
Bản Tuyên bố cho rằng cuộc chiến đang làm hạn chế tình trạng tăng trưởng trong toàn cầu, gây thêm lạm phát, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời gia tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính.
Cho dù G20 không phải là một diễn đàn để giải quyết các vấn đề, nhưng các vấn đề an ninh có tác động đáng kể đến toàn cầu. Dù là không đề cập trực tiếp, Bản Tuyên bố cho là không thể chấp nhận được "Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Việc giải quyết hòa bình các cuộc xung đột, nỗ lực xử lý khủng hoảng, ngoại giao và đối thoại là rất cần thiết. Thời điểm hiện tại không được đánh dấu bằng chiến tranh."
Tình trạng nợ và lạm phát
Các nước G20 nêu lo ngại về mức nợ đang lên cao ở nhiều nước đang phát triển và mới nổi, nhất là ở một số quốc gia có thu nhập trung bình dễ bị tổn thương. Để đối phó, các Ngân hàng Trung ương của G20 nên tập trung vào cuộc chiến chống tình trạng lạm phát cao. G20 cũng tái khẳng định cam kết đối với việc áp dụng mức thuế tối thiểu cho các doanh nghiệp và các biện pháp chống trốn thuế. G20 cũng cam kết tăng năng lực sản xuất thuốc trên toàn thế giới.
Dù không đề cập đích danh đến Trung Quốc, nhưng G20 nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tất cả các chủ nợ song phương, cả chính thức và tư nhân, nên hợp tác nhau và cũng cần có một tình trạng minh bạch hơn, điều này cũng áp dụng cho các chủ nợ tư nhân và nhà nước.
Bối cảnh của vấn đề lo ngại là Trung Quốc đang cấp một khối lượng tín dụng khổng lồ cho các nước đang phát triển, hiện nay không ai có được một cái nhìn tổng quan về khối lượng nợ này. Hậu quả là một cuộc khủng hoảng mới về tài chính thế giới có thể sẽ xảy ra.
Kêu gọi một nền thương mại tự do cho thế giới
G20 cũng cam kết cổ vũ một nền thương mại tự do cho thế giới và muốn hợp tác để đảm bảo cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn. G20 cũng tái khẳng định vai trò quan trọng của du lịch trong sự phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ổn định cho thị trường thực phẩm và tiếp tục thỏa thuận với Nga về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.
Biến đổi khí hậu
Bản Tuyên bố cũng nhắm tới cuộc họp COP 27 tại Ai Cập và cùng nhấn mạnh quan điểm về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. G20 cam kết thực hiện mục tiêu 1,5 độ và các nước công nghiệp phát triển sẽ trả 100 tỷ đô la hàng năm cho các nước nghèo. Điều này đòi hỏi cần có các biện pháp có ý nghĩa và hiệu quả và cam kết thực hiện của tất cả các quốc gia, cho dù là phải tính đến các cách tiếp cận khác nhau.
Lavrov rời hội nghị Bali trước dự định
Đại diện cho Tổng thống Vladimir Putin tại hội nghị Bali, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề cập đến sự đảm bảo của Mỹ và Liên Âu. Ngoài ra, ông còn cho biết là Nga sẽ không cản trở việc chuyển giao ngũ cốc của Nga. Tuy nhiên, những điều này không để bị lệ thuộc các lệnh trừng phạt áp đặt cho Nga trong bối cảnh chiến tranh Ukraine.
Trước sự ngạc nhiên của các nhà đàm phán tham dự, sau khi trình bày quan điểm, Lavrow rời ngay phòng hội nghị và không tham gia phần thảo luận.
Tình trạng cô lập ngoại giao của Nga
Khi đa số các quốc gia tham dự đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine, đây là một hiện tượng khá bất ngờ, nếu phải kể đến việc Trung Quốc cùng lên tiếng. Trung Quốc và Nga là những nước đã từng kìm hãm các quyết nghị tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc đang là đồng minh gần gũi nhất với Nga trong những tháng gần đây. Ngày nay, tại Hội nghị Bali, Trung Quốc đã nhận ra vấn đề và cũng đứng về phía những nước chỉ trích Nga.
Đáng ngạc nhiên hơn là Trung Quốc đã tự giới hạn vị thế của mình trong việc lên án chiến tranh hạt nhân và mối đe dọa leo thang hạt nhân, ngay cả điều đó cho dù chung chung, nhưng ai cũng phải hiểu đó là một lời chỉ trích đối với Nga.
Đây là bước ngoặt, khi Trung Quốc đứng về phía phương Tây, có nghĩa là, muốn làm rõ vấn đề không thể nhầm lẫn, ai là người chịu trách nhiệm trong liên minh của hai chế độ độc tài và ai phụ thuộc vào ai.
Có thể hiểu là trong mối quan hệ này, Nga chuyên lo cung cấp năng lượng cho Trung Quốc, nhưng do hậu quả của cuộc chiến Ukraine, sự thay đổi cán cân quyền lực giữa hai cường quốc có thể xảy ra và phản ứng quyết liệt của phương Tây đối với diễn biến cuộc chiến đem lại sự thay đổi mang nhiều hệ quả mới và bất thường hơn trong thời gian sắp tới.
Nhưng Nga bị cô lập ngoại giao tại Hội nghị Bali không có nghĩa là Nga sẽ bị cô lập về kinh tế. Nước Nga đã không được ưa chuộng tại Hội nghị Bali. Tuyên bố Bali cho thấy rõ rằng Putin bị cô lập trong lĩnh vực ngoại giao và sự việc bỏ bàn Hội nghị sớm của Lavrov là một phản ứng đối với điều này. Đồng thời, có thể là Nga không gây được thiện cảm ngay với Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi. Nga phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng không phải là trường hợp ngược lại đương nhiên sẽ xảy ra.
Hiện nay ý nghĩa chính trị của vấn đề này không nên đánh giá quá cao, bời vì cô lập ngoại giao không phải nhất thiết đẫn đến cô lập kinh tế. Do đó, các quốc gia hiện đã cáo buộc Nga, nhưng đã không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây và đã bắt đầu tách rời nền kinh tế của họ khỏi Nga.
Nếu không có Trung Quốc, Ấn Độ và những nước mua nguyên liệu thô khác của Nga, Nga sẽ suy sụp về mặt kinh tế. Nhưng đó sẽ là điều kiện tiên quyết để Nga chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Nhưng hậu quả này vẫn chưa đến mức trầm trọng như vậy. Liệu Bản Tuyên bố Bali có phải là bước đầu tiên theo hướng này hay không, chúng ta vẫn còn nhiều thời gian hơn để theo dõi các chuyển biến kế tiếp.
– Đỗ Kim Thêm