AMSTERDAM – Các thẩm phán Hà Lan đã kết án vắng mặt hai người Nga và một người Ukraine phạm tội giết người trong vụ bắn rơi máy bay MH17 trên bầu trời Ukraine vào năm 2014. Thảm kịch đã khiến 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Cả 3 can phạm bị kết án chung thân, theo Reuters đưa tin ngày Thứ Năm, 17 tháng 11 năm 2022.
Ukraine hoan nghênh phán quyết này, vì nó sẽ có tác động đối với các vụ kiện khác mà Kiyv đã đệ trình chống lại Nga, trong khi Moscow chê trách phán quyết này là “tai tiếng” và tuyên bố sẽ không dẫn độ công dân của mình.
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines khởi hành từ Amsterdam và đang trên đường tới Kuala Lumpur thì bị bắn rơi ở miền đông Ukraine vào ngày 17 tháng 7 năm 2014, khi giao tranh nổ ra giữa phe ly khai được Nga hậu thuẫn và lực lượng Ukraine – tiền thân của cuộc xung đột nổ ra trong năm nay.
Phán quyết được đưa ra như một sự xoa dịu đối với các thành viên gia đình nạn nhân. Có hơn 200 người trong số họ đã trực tiếp đến dự phiên tòa và lau nước mắt khi bản án được đọc.
“Chỉ có hình phạt nghiêm khắc nhất mới phù hợp để đáp lại những gì các can phạm đã làm, gây ra vô vàn đau khổ cho quá nhiều nạn nhân cũng như quá nhiều người thân còn sống,” Chủ tọa phiên tòa Hendrik Steenhuis nói.
Ba người đàn ông bị kết án là cựu nhân viên tình báo Nga Igor Girkin và Sergey Dubinskiy, và thủ lĩnh ly khai Ukraine Leonid Kharchenko. Cả ba đều bị phát hiện là đã giúp sắp xếp việc vận chuyển hệ thống hỏa tiễn BUK của Nga, được sử dụng để bắn hạ máy bay khi nó bay vào lãnh thổ Ukraine, mặc dù họ không phải là người đã bóp cò.
Cả 3 đều được cho là đang trốn ở Nga. Nghi phạm thứ tư là một người Nga, Oleg Pulatov, nhưng đã được tha bổng về mọi tội danh.
Vụ việc xảy ra vào năm 2014, khiến mảnh vỡ của máy bay và thi thể nạn nhân nằm rải rác khắp các cánh đồng ngô (bắp) và hoa hướng dương. Nga đã tuyên bố sáp nhập tỉnh Donetsk, nơi chiếc máy bay bị bắn rơi.
“Điều mà gia đình các nạn nhân mong muốn là sự thật và công lý được thực thi, những kẻ chịu trách nhiệm phải bị trừng phạt và đó là những gì đã xảy ra. Tôi khá hài lòng với phán quyết,” Piet Ploeg, người đứng đầu một tổ chức đại diện cho các nạn nhân cho biết. Gia đình anh trai của Ploeg, bao gồm hai vợ chồng anh trai và cháu trai, đã chết trong vụ MH17.
Phán quyết cũng bao gồm một khoản bồi thường thiệt hại 16 triệu euro. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ca ngợi bản án đầu tiên được đưa ra về vụ MH17 là một “quyết định quan trọng” của tòa án ở The Hague. Ông đăng trên Twitter: “Nhưng điều cần thiết là những kẻ ra lệnh cũng phải bị đưa ra tòa. Phạm tội mà không bị trừng phạt thì sẽ dẫn đến những tội ác mới. Chúng ta phải xua tan ảo tưởng này. Nga sẽ không thể tránh khỏi sự trừng phạt đối với mọi hành động tàn bạo của họ – cả trong quá khứ hay hiện tại.”
Phán quyết cho thấy Nga có “quyền kiểm soát tổng thể” đối với các lực lượng của Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk ở miền đông Ukraine từ giữa tháng 5 năm 2014.
Marieke de Hoon, giảng sư về luật quốc tế tại Trường Amsterdam nhận xét: “Đây là một bước đột phá.” Phán quyết này ‘có thẩm quyền’ và có khả năng sẽ thúc đẩy các vụ kiện quốc tế khác chống lại Nga của Ukraine, liên quan đến cuộc xung đột năm 2014.
Thẩm phán Steenhuis cho biết có nhiều bằng chứng từ lời khai của các nhân chứng và các hình ảnh theo dõi chuyển động của hệ thống hỏa tiễn vào và ra khỏi Ukraine tới Nga. Ông nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa,” MH17 đã bị một hệ thống hỏa tiễn của Nga bắn hạ.
Moscow phủ nhận mọi liên quan hoặc trách nhiệm đối với vụ bắn rơi MH17 và vào năm 2014, họ cũng phủ nhận mọi sự hiện diện ở Ukraine vào thời gian đó. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại Giao Nga cho biết “trong suốt quá trình xét xử, tòa án đã chịu áp lực chưa từng có từ các chính trị gia, công tố viên và giới truyền thông Hà Lan nhằm áp đặt một kết quả có động cơ chính trị.”
Bộ nói thêm: “Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc rằng Tòa án quận ở The Hague đã coi thường các nguyên tắc công lý vô tư để ủng hộ tình hình chính trị hiện tại, từ đó giáng một đòn nghiêm trọng vào toàn bộ hệ thống tư pháp ở Hà Lan.”
Các cuộc điều tra của cảnh sát về vụ việc do Hà Lan dẫn đầu, với sự tham gia của một số quốc gia khác như Ukraine, Malaysia, Úc và Bỉ. Theo các viên chức Hà Lan và Úc châu, phán quyết hôm Thứ Năm không phải là phán quyết cuối cùng về việc quy trách nhiệm cho những người liên quan đến MH17.
Andy Kraag, người đứng đầu cuộc điều tra của cảnh sát, cho biết cuộc điều tra đang tiếp tục nhắm đến các nghi phạm có thể ở cấp bậc cao hơn trong hệ thống chỉ huy. Các điều tra viên cũng đang tìm kiếm và xác minh danh tính phi hành đoàn của hệ thống hỏa tiễn đã gây ra vụ việc.
Chính phủ Hà Lan và Úc châu, vốn quy trách nhiệm cho Nga, đã bắt đầu khởi kiện Nga tại Sở Hàng Không Dân Sự Quốc Tế (ICAO).