Tin tức về việc ba ‘ông lớn’ viễn thông nhà nước của Trung Quốc sẽ thành lập các liên minh chiến lược với ba gã khổng lồ công nghệ tư nhân là Tencent, Alibaba và JD.com, đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp chấn động và đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa thực sự đằng sau động thái này.
Các liên minh này nhiều khả năng sẽ viết lại câu chuyện của nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã phát triển kể từ khi chính sách “cải cách và mở cửa” được đưa ra khoảng 40 năm trước.
Tencent là công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat, gần đây đã trở thành một công ty lớn trong thị trường game toàn cầu. Không thể chống lại áp lực từ phía nhà nước về việc thành lập liên doanh, Tencent vừa thành lập một liên doanh sở hữu hỗn hợp với China Unicom. Và China Unicom hiện đang nắm quyền chỉ đạo liên doanh.
Một trí thức gia cao niên lưu ý rằng hành động này giống hệt như của ông Mao Trạch Đông. Vị trí thức gia giải thích: “Về cơ bản, đó là những gì ông Mao đã làm trong thập niên 1950, để nhà nước nắm quyền kiểm soát các công ty tư nhân.”
Việc ông Tập Cận Bình, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, muốn có một cơ chế để hút sức mạnh của khu vực tư nhân chuyển sang cho khu vực nhà nước đã nói lên rất nhiều điều về chiến lược kinh tế của ông trong 5 năm tới.
Không thể không nhắc đến, chiến lược kinh tế này có liên quan sâu sắc đến quan điểm về việc thống nhất Đài Loan của ông Tập. Trong một báo cáo trước đại hội đảng toàn quốc vào ngày 16 tháng 10, nhà lãnh đạo lần đầu tiên tuyên bố rằng Trung Quốc “sẽ không bao giờ hứa hẹn không sử dụng vũ lực” đối với Đài Loan.
Một chuyên gia về Trung Quốc nhận xét: “Họ đang chuẩn bị cho ‘cuộc chia tay’ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời cũng chuẩn bị cho kế hoạch thống nhất Đài Loan. Hãy thử nhớ lại nền kinh tế thời chiến kiểu Mao Trạch Đông.”
Chiến lược kinh tế thời chiến kiểu Mao Trạch Đông điểm ra “Phong Trào Mặt Trận Số Ba” (Third Front Movement) mà ông Mao bắt đầu theo đuổi từ những năm 1960 để chuẩn bị cho một cuộc chiến với Hoa Kỳ hoặc Liên Xô.
Lấy danh nghĩa xây dựng nền kinh tế ‘tự lực cánh sinh’ trong bối cảnh bị quốc tế cô lập, ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc đã được chuyển vào sâu bên trong các khu vực nội địa ở phía tây.
Một ví dụ điển hình là nhà sản xuất sắt thép lớn thuộc sở hữu nhà nước Panzhihua Iron and Steel (Sắt thép Phàn Chi Hoa), được thành lập ở vùng hẻo lánh của tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan). Ông Mao ra lệnh xây dựng Phàn Chi Hoa vào tháng 5 năm 1964, nói rằng “đây không phải là vấn đề nhà máy thép, mà là vấn đề chiến lược.”
Mặt Trận Số Ba đề cập các tỉnh nội địa như Tứ Xuyên (Sichuan), Quý Châu (Guizhou), Vân Nam (Yunnan), và Thiểm Tây (Shaanxi). Trong khi đó, Mặt Trận Số Một là các vùng duyên hải và Mặt Trận Số Hai tiếp giáp với Mặt Trận Số Một. Còn Mặt Trận Số Ba đi sâu vào nội địa.
Mặt Trận Số Ba đã không đạt hiệu quả về mặt kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc bị quốc tế cô lập. Mãi cho đến những năm 1980, Trung Quốc mới khôi phục được thiệt hại từ chính sách này, rất lâu sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, cả hai đều diễn ra vào năm 1972.
Ở Nhật Bản thời Thế Chiến II cũng vậy, nhiều công ty đã nhận sự bảo trợ của quân đội như một phần của quá trình chuẩn bị ‘sống trong thời chiến.’
Chính quyền ông Tập vẫn thường xuyên thúc đẩy quyền sở hữu hỗn hợp. Nhưng cụm từ “sở hữu hỗn hợp” (mixed ownership) không thực sự mô tả chính xác những gì đang xảy ra: Các công ty quốc doanh trì độn đang nuốt chửng các công ty tư nhân năng động.
Đầu tháng 11, khoảng thời gian mà tin tức về các liên doanh nổi lên, một bài báo chỉ ra sự phi lý trong chính sách sáp nhập các công ty tư nhân của ông Mao đã nhanh chóng lan truyền trên Internet. Bài viết nói rằng đảng đã phá bỏ lời hứa được đưa ra khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.
Nhưng ngay khi cư dân mạng Trung Quốc bắt đầu tranh luận sôi nổi thì chẳng ai xem được bài báo đó trực tuyến nữa.
Chỉ có 101 công ty nhà nước nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền trung ương Trung Quốc. Các công ty này tạo thành một trụ cột của chế độ cộng sản TQ, dĩ nhiên, bao gồm ba gã khổng lồ viễn thông thuộc sở hữu nhà nước.
China Telecom sẽ tiếp tục liên minh chiến lược với Alibaba Group, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Hai bên đã hợp tác từ tháng 5 năm 2017.
China Mobile, công ty viễn thông lớn nhất nước, và JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai của đất nước, đã thành lập một liên minh chiến lược thông qua các công ty con Shanghai Mobile và JD Technology.
Điều đáng ngạc nhiên là ngày mà tin tức về liên minh giữa các công ty này được đưa ra là ngày 2 tháng 11.
Ngày 2 tháng 11 năm 2020, Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, bất ngờ bị chính quyền Trung Quốc triệu tập để thẩm vấn. Thời gian công bố các tin tức mới có vẻ như không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Đêm ngày 2 tháng 11 hai năm trước, Tân Hoa Xã đăng một bài báo có kèm theo bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Nhật Bản Kaii Higashiyama về một đám mây trắng hình con ngựa trên bầu trời xanh. Jack Ma tên khai sinh là Mã Vân (Ma Yun), có thể tạm hiểu là “tuấn mã đạp mây.”
Tiêu đề của bài báo có viết: “Lời: không thể nói ra một cách tùy tiện; Việc: không thể hoàn thành nếu chỉ có tâm, cũng như Người: không thể cứ hành động theo ý mình.”
Bài báo được đăng sau khi Jack Ma chỉ trích các quy định tài chánh của Trung Quốc là “lỗi thời.” Thực tế, bài báo là một lời cảnh báo rằng ông Ma có thể dễ dàng bị đánh ‘rớt đài.’
Ngay sau khi bài báo được xuất bản, và như thông điệp đã ám chỉ, công ty tài chánh Ant Group trực thuộc Alibaba đã buộc phải trì hoãn kế hoạch niêm yết kép tại Thượng Hải và Hồng Kông.
Lạ lùng là, Ma, một đảng viên, lại đến Nhật Bản trước đại hội đảng toàn quốc gần đây. Và cho tới nay cũng chưa có tăm hơi gì về việc ông đã trở về Trung Quốc.
Hoàn cảnh của Jack Ma hơi giống với Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao). Vị cựu chủ tịch nước 79 tuổi đã bị buộc phải rời sân khấu trong lễ bế mạc đại hội toàn quốc “vì lý do sức khỏe,” theo chỉ thị của ông Tập.
Theo hành vi bất thường của ông Hu, chắc hẳn ông có gì muốn nói, giống như Jack Ma hai năm trước, dù vẫn chưa rõ điều đó là gì. Giờ đây, đoạn clip quay lại sự việc cho thấy tài liệu giấy tờ bị giằng co qua lại trước mặt cựu chủ tịch nước 79 tuổi. Từ giờ trở đi, ông Hu sẽ khó mà được tham dự các sự kiện quan trọng.
Các chính sách kinh tế kiểu Mao Trạch Đông không chỉ giới hạn trong các liên doanh giữa nhà nước và tư nhân.
Các cửa hàng được gọi là “hợp tác xã cung ứng và tiếp thị” bắt đầu mọc lên nhan nhản trên khắp Trung Quốc. Tương tự, trung tâm công cộng chuyên cung cấp hàng thiết yếu, cùng với các “công xã nhân dân,” là không thể thiếu trong thời đại Mao.
Về khía cạnh này, cũng cần đề cập đến Lương Huệ Linh (Liang Huiling), Chủ nhiệm Liên Đoàn Hợp Tác Xã Cung Ứng và Tiếp Thị Toàn Trung Quốc (All-China Federation of Supply and Marketing Cooperatives). Bà đã bất ngờ được đề bạt vào Ủy Ban Trung Ương Đảng.
Hợp tác xã cung ứng và tiếp thị là các tổ chức công được nhà nước tài trợ để bán sản phẩm với giá rẻ. Vai trò của các hợp tác xã này đã tăng cao do các đợt phong tỏa được áp dụng như một phần của chính sách zero-COVID hà khắc tại Trung Quốc.
Các hợp tác xã cung ứng và tiếp thị là trung tâm thực thi “thịnh vượng chung,” chính sách kinh tế mang dấu ấn riêng của ông Tập, nhằm giảm bất bình đẳng trong thu nhập và thúc đẩy phát triển lấy nhân dân là trung tâm.
Những lão niên ở Trung Quốc có thể sẽ nhớ hoặc biết về các hợp tác xã cung ứng và tiếp thị từ thời Mao. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày nay đã trở nên giàu có, và các thế hệ trẻ, ngay cả ở các vùng nông thôn, cũng có thể dễ dàng mua những thứ họ cần tại các cửa hàng tiện lợi thuộc sở hữu tư nhân. Sự hồi sinh bất ngờ của các hợp tác xã ở Trung Quốc đang khiến nhiều người ‘đứng ngồi không yên.’
Vậy điều này có liên quan đến kế hoạch thống nhất Đài Loan như thế nào?
Một khía cạnh là những bài học đến từ cuộc chiến khó khăn của Nga ở Ukraine. Kết cục của chiến tranh thời hiện đại phụ thuộc vào bên nào đảm bảo được thế thượng phong trong lĩnh vực viễn thông và Internet, khi mà chiến tranh mạng trực tuyến và thông tin đang ngày càng trở nên phổ biến.
Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, ba công ty nhà nước kiểm soát cơ sở hạ tầng viễn thông của Trung Quốc sẽ trở nên cực kỳ quan trọng.
Nhưng chỉ vậy thôi thì vẫn chưa đủ để giành chiến thắng trong một cuộc chiến. Trung Quốc chỉ có thể tiến hành chiến tranh nếu họ có thể đồng thời kiểm soát các công ty công nghệ thông tin tư nhân, cũng như các công ty cung ứng hàng tiêu dùng lớn.
Nếu mở rộng các liên doanh nhà nước-tư nhân trong các lĩnh vực quan trọng trong thời chiến, Trung Quốc sẽ có thể tham chiến bất cứ lúc nào.
Nếu quyết tâm ngăn cản Hoa Kỳ hỗ trợ cho Đài Loan, căng thẳng chưa từng có giữa các cường quốc có thể trở thành cái cớ để Trung Quốc sử dụng vũ lực.
Một kịch bản như vậy có thể mang lại cho ông Tập một cơ hội vàng để nhanh chóng phục hồi sau thất bại chính trị tại đại hội đảng, nơi ông đã không thể thông qua tất cả các sửa đổi điều lệ đảng mà ông mong muốn, nhiều khả năng là do sự phản đối từ các nguyên lão trong đảng.
Nếu thành công trong việc thống nhất Đài Loan, chắc chắn ông Tập sẽ trở nên ngang hàng với ông Mao, và cũng chẳng cần quan tâm đến việc vượt qua Đặng Tiểu Bình nữa.
Sau đó, cái tên Tập Cận Bình có thể được nêu lên với vị thế lãnh tụ tối cao trọn đời tại đại hội đảng toàn quốc tiếp theo, vào năm 2027.
Với trò chơi địa lý chính trị nhiều rủi ro của ông Tập, những năm sắp tới sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Xi puts economy on war footing with Taiwan in mind” của Katsuji Nakazawa, nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và nhận Giải Vaughn-Ueda International Journalist năm 2014. Bài viết được đăng trên trang asia.nikkei.com.